Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục Dòng Phanxico & Tử đạo vì đức ái

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục Dòng Phanxico & Tử đạo vì đức ái
Cha Maximilian Kolbe - Wikipedia Commons

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục Dòng Phanxico & Tử đạo vì đức ái

Hôm qua 14 tháng Tám kỷ niệm lễ giỗ thứ 77 của thánh nhân thời hiện đại

15 tháng Tám, 2018 01:26
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày qua đời của Thánh Maximilian Kolbe, kính nhớ hôm qua ngày 14 tháng Tám, chúng tôi mang đến cho độc giả những suy tư về vị thánh của thời hiện đại:

***

Thánh Maximilian Kolbe, 14 tháng Tám: Linh mục dòng Phanxico, tử đạo vì đức ái

“Con người tín thác vào Mẹ Maria Vô Nhiễm … linh mục Dòng Phanxico … vị thánh tử đạo vì đức ái. Ngài tự hiến thân mình hy sinh trong trại tập trung Auschwitz để cứu người cha của một gia đình. Ngài thành lập phong trào Đạo binh Mẹ Vô nhiễm.”

Đức Gioan Phaolo II đã nói về ngài rằng “thánh nhân đã hành động như Chúa Giê-su; ngài không bị án tử nhưng đã cho đi mạng sống mình.” Ngay trước khi Ba lan bị chiếm đóng, Thánh nhân viết: “Chịu đau khổ, hoạt động và chết như một người anh hùng, không phải là một cái chết bình thường, nhưng chẳng hạn như bị một viên đạn bắn vào đầu, là đóng ấn tình yêu cho Mẹ Vô Nhiễm, hy sinh đến giọt máu cuối cùng như một người anh dũng, để hối hả chinh phục cả thế giới cho Mẹ. Mình chẳng biết điều gì cao cả hơn thế.” Chúa đã cho ngài toại nguyện.

Raymond sinh tại Zdunska Wola, Ba lan, ngày 8 tháng Một năm 1894. Song thân của ngài, bà Mary Dabrowska, không thể hoàn thành ước mơ trở thành một Nữ tu, và ông Julius Kolbe, thành viên của Dòng Ba Phanxico, đã truyền lại đức tin và lòng sùng kính Mẹ Đồng Trinh của họ cho ngài. Trong số năm người con trai chào đời, hai người đã chết vì sinh non; ba người còn lại lớn lên thấm đẫm trong không khí linh đạo Phanxico. Năm 1906, cậu bé Raymond có một thị kiến của Mẹ Maria trao cho cậu một triều thiên trắng và một triều thiên đỏ, mà ngài mô tả ý nghĩa tượng trưng là sự thanh khiết (triều thiên trắng) và lời tiên tri về sự tử đạo của ngài (triều thiên đỏ). Bà Maria Dabrowska, người biết rõ về biến cố này, đã giữ nó trong lòng, như Mẹ Maria Đồng Trinh, bà biết mũi gươm đau đớn này sẽ là lý do cho vinh quang cho cuộc sống vĩnh hằng của con của bà. Con của bà đã cắm rễ cuộc sống và hoạt động tông đồ nơi Mẹ Maria.

Năm 13 tuổi ngài vào Chủng viện Dòng Phanxico ở Lviv, cùng với người anh trai Francis. Ở đó sự cầu nguyện và tính hiếu học của cậu lớn lên và cậu cho thấy ơn gọi vững như bàn thạch của mình. Tuy nhiên, lời hứa chiến đấu cho Mẹ Maria, mà cả hai đều thi hành, đối với Raymond là ý tưởng chiến đấu vũ trang. Thánh nhân sẽ chiến đấu cho Mẹ để nhớ lại ngày Quốc vương Ba lan Gioan Casimir thánh hiến đất nước cho Mẹ Đồng Trinh trước linh ảnh Đức Mẹ Czestochowa. Tất cả những điều này hiện lên trong tâm trí và tâm hồn của thánh nhân vì hòa bình đã bị phá vỡ ở vùng biên giới Lviv, bị người Nga chiếm đóng và sự thống trị của Áo. Ngài sớm nhận ra rằng chức tư tế và vũ trang không thể song hành với nhau, nhưng ngài cảm nhận được tiếng gọi hỗ trợ cho những người đang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Có một thời gian ngài trải qua một thoáng hoài nghi về ơn gọi của ngài; ngài tác động đến nguyện vọng của anh trai ngài và cả hai đều bỏ tu viện. Tuy nhiên, thân mẫu của hai ngài vẫn ở đó, cầu nguyện và dõi theo hai người con, đầy lòng tin tưởng rằng bà sẽ đến thăm hai con vào một thời điểm thích hợp nhất. Bà là người mang chứng tá của tin vui. Bà nói với hai con rằng sẽ có Giu-se, em trai út của hai ngài, sẽ cùng gia nhập tu viện với hai anh, và cả cha mẹ đều đồng ý dâng hiến họ để phục vụ Thiên Chúa.

Sự lưỡng lự bị xua tan, tháng Chín năm 1910 Raymond bắt đầu nhà tập, lấy tên Maximilian khi khấn. Ngài học Triết và Thần học ở Roma từ năm 1912 đến 1919, đạt học vị Tiến sĩ trong cả hai môn học, cho dù ngài rất xuất sắc trong môn toán và vật lý. Lần này, Mẹ Đồng trinh linh hứng cho ngài thành lập Đạo binh Maria Vô Nhiễm. Bây giờ đã là một linh mục, ngài trở về Ba lan trong tình trạng sức khỏe rất yếu, nhưng với một tinh thần tông đồ kiên vững. Sức khỏe yếu không cho phép ngài vướng bận vào các trách vụ khác và có thể cống hiến trọn vẹn trong công cuộc phát triển Đạo binh, khi đó đang dần thành hiện thực trong đất nước của ngài năm 1919, cùng với một nhóm các tu sĩ. Được hun đúc bởi tình yêu mãnh liệt dành cho Mẹ Maria, và tin rằng đó là một con đường để cứu rỗi các linh hồn, ngài xây dựng tạp chí hàng tháng với tên gọi “Gentleman of Mary Immaculate,” với số phát hành lên đến một triệu bản năm 1939. Với ấn bản này ngài tiến đến các gia đình người Ba lan và những nơi khác trên thế giới. Cùng thời điểm đó, ngài dạy các lớp học ở Krakow.

Năm 1929 ngài thành lập “Thành trì Đức Maria Vô Nhiễm” đầu tiên, với trụ sở chính trong tu viện Phanxico ở Niepokalanow, và được ơn phúc nên chẳng bao lâu sau số ơn gọi quá lớn đến mức trụ sở trở thành tu viện chính vào thời điểm đó, và là một trong những tu viện đông nhất trong toàn bộ lịch sử Giáo hội. Hai năm sau, đáp lại lời kêu gọi các nhà thừa sai của Đức Thánh Cha, ngài tình nguyện đến Nhật và xây dựng một trụ sở khác và phát hành một tạp chí hàng tháng. Ngài mở một nhà tập và một chủng viện. Với sứ mạng tông đồ hoạt động trong báo chí và đài phát thanh, ngài dấn bước với ước mơ “chinh phục được toàn thế giới, tất cả mọi linh hồn, cho Đức Ki-tô, cho Mẹ Maria Vô Nhiễm, dùng mọi phương tiện hợp pháp, mọi khám phá công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông.”

Ngài trở về Ba lan năm 1936, vì chủng viện Niepokalanow đã trải qua sự khủng hoảng khi ngài vắng mặt. Dưới sự chiếm đóng của quân đội Đức, ngài đã đón hàng ngàn người di tản từ Poznan, tìm cho họ nơi ở và giúp đỡ phần thiêng liêng cho họ. Mật vụ Gestapo bắt ngài vào tháng Hai năm 1939 và chuyển ngài đến các trại tập trung Amtlitz và sau đó đến Ostrzeszow. Ngài được thả năm 1941, nhưng bị bắt lại và bị đưa đến trại tập trung Pawiak và sau đó là trại Auschwitz, ngài bị giam trong phòng số 16670. Một tù nhân trốn trại ngày 3 tháng Tám năm 1941, và một hình phạt đặt ra là 10 tù nhân khác được chọn ra để hành hình. Raymond nghe thấy tiếng kêu khóc của một người trong số đó, anh Francis Gajowniczka, than khóc cho gia đình của anh. Raymond bước tới người sĩ quan chỉ huy và tự nguyện chết thay. Đó là một dấu chỉ khác về sự nên thánh của ngài.

Ngài bị kết án tử bằng cách để cho chết đói trong một phòng dưới lòng đất, căn phòng kinh hoàng số 13, cùng với chín tù nhân khác. Ngài trước đó đã viết câu, “Tôi phải nên thánh với hết khả năng của tôi,” vẫn tiếp tục dâng Lễ trong những điều kiện như vậy, với sự giúp đỡ của một vài người lính gác, họ cung cấp cho ngài những thứ cần thiết để dâng lễ, chia sẻ lời cầu nguyện và những bài thánh ca với các bạn tù của ngài và động viên họ trong tình huống bi thảm đó. Ba tuần sau, ngài là người duy nhất còn sống. Những người khác đã chết lần mòn. Vì vậy những kẻ thi hành án phải tiêm cho ngài mũi thuốc độc vào ngày 14 tháng Tám năm 1941. Thân mẫu của ngài đã có được tin về sự tử đạo mà ngài sẵn sàng lãnh nhận trong một lá thư ngài đã viết gửi cho bà trước đó.

Chân phước Giáo hoàng Phaolo VI đã tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 17 tháng Mười năm 1971, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã tuyên phong hiển thánh ngài ngày 10 tháng Mười năm 1982.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét