Thứ Năm, 10 tháng 7, 2025

Đức Thánh Cha Lêô XIV cử hành Thánh Lễ đầu tiên cầu nguyện cho việc “Chăm sóc Công trình Tạo dựng” tại Làng Laudato Si’, Castel Gandolfo

Đức Thánh Cha Lêô XIV cử hành Thánh Lễ đầu tiên cầu nguyện cho việc “Chăm sóc công trình tạo dựng” tại Làng Laudato Si’, Castel Gandolfo

Một bước đi lịch sử kết hợp Phụng vụ và cam kết Sinh thái

Đức Thánh Cha Lêô XIV cử hành Thánh Lễ đầu tiên cầu nguyện cho việc “Chăm sóc Công trình Tạo dựng” tại Làng Laudato Si’, Castel Gandolfo

*******

Đức Thánh Cha Lêô XIV đã chủ sự Thánh Lễ đầu tiên cầu nguyện cho việc “Chăm sóc Công trình Tạo dựng” vào Chúa nhật này tại Làng Laudato Si’, một không gian giáo dục và huấn luyện về sinh thái toàn diện nằm trong khu vườn của phủ Giáo hoàng Castel Gandolfo. Thánh Lễ này đánh dấu sự ra mắt mẫu nghi thức phụng vụ mới vừa được phê chuẩn cho Sách Lễ Rôma, nhằm dâng lên Thiên Chúa lời khẩn cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng và sự hoán cải sinh thái của nhân loại.

Khung cảnh thiên nhiên của Làng Laudato Si’, được Đức Thánh Cha mô tả là như một “thánh đường lộ thiên” đích thực, trở thành nơi cử hành Thánh Thể, với sự tham dự của các nhân viên trung tâm và nhiều gia đình. Phụng vụ gồm có các bài đọc nhấn mạnh mối tương quan giữa Thiên Chúa và công trình tạo dựng của Ngài, như các đoạn trích từ Sách Khôn ngoan, Thư gửi tín hữu Côlôsê và Tin Mừng theo Thánh Matthêu.

Trong bài giảng, Đức Lêô XIV cảnh báo về hậu quả của các thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng ảnh hưởng đến nhiều người hơn, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất. Đức Thánh Cha kêu gọi một “sự hoán cải tâm hồn” giúp chúng ta nhận ra vẻ đẹp và sự mong manh của thế giới, mời gọi mọi người áp dụng một lối sống có trách nhiệm hơn, tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài cũng nhấn mạnh rằng chỉ có “cái nhìn chiêm niệm” mới cho phép chúng ta khám phá trong công trình tạo dựng một sự phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa, từ đó nuôi dưỡng các mối tương quan lành mạnh với tha nhân và với thiên nhiên.

“Thánh Lễ cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo dựng” đã chính thức được đưa vào lịch phụng vụ bằng một sắc lệnh ngày 8 tháng Sáu và được Bộ Phụng Tự công bố vào ngày 3 tháng Bảy. Với hình thức mới này, Giáo hội Công giáo đưa ra một khuôn khổ phụng vụ để cầu nguyện cho những thách thức sinh thái của thế giới hôm nay, tiếp nối với Tông huấn Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Lêô XIV tái khẳng định lời kêu gọi hãy lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo, nhắc nhở rằng hai điều này không thể tách rời nhau. Ngài khuyến khích cộng đoàn Kitô hữu trở thành kiến trúc sư của sự hòa giải giữa con người và môi trường, noi gương Thánh Phanxicô Assisi.

Với sáng kiến này, Đức Thánh Cha củng cố cam kết sinh thái của Giáo hội, kết hợp việc cầu nguyện, đào tạo và hành động cụ thể để chăm sóc công trình tạo dựng.

___________________________


Toàn văn bài giảng:

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

Làng Laudato si’ (Castel Gandolfo)
Thứ Tư, 9 tháng Bảy, 2025

Vào ngày đẹp trời hôm nay, trước hết, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người, bắt đầu từ chính tôi, trải nghiệm điều chúng ta đang cử hành trong vẻ đẹp của một nhà thờ mà chúng ta có thể gọi là “tự nhiên”, với cây cỏ và biết bao thành phần của công trình tạo dựng đã quy tụ chúng ta tại đây để cử hành Thánh Lễ, nghĩa là dâng lời tạ ơn Chúa.

Có rất nhiều lý do để dâng lời tạ ơn Chúa trong Thánh Lễ này: đây có thể là cử hành đầu tiên với thể thức mới của Thánh Lễ cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo dựng, đây cũng là thành quả công việc của một số Thánh Bộ của Vatican.

Cá nhân tôi, tôi cảm ơn rất nhiều anh chị em hiện diện nơi đây đã làm việc về vấn đề này cho phụng vụ. Như anh chị em biết, phụng vụ đại diện cho sự sống, và anh chị em là sự sống của Trung tâm Laudato Si’ này. Tôi muốn nhân dịp này cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm, theo nguồn cảm hứng tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã tặng không gian nhỏ bé này, khu vườn này, để tiếp tục sứ mệnh rất quan trọng nhằm tiếp tục nhắc nhở chúng ta, mười năm sau khi Tông huấn Laudato Si’ được công bố, về sự cần thiết phải chăm sóc công trình tạo dựng, ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta đang ở đây như trong các nhà thờ cổ xưa thời sơ khai, nơi người ta phải đi qua giếng rửa tội để vào nhà thờ. Chắc tôi không muốn được rửa tội trong hồ nước này... nhưng tính biểu tượng của việc đi qua nước, được thanh tẩy khỏi tội lỗi và những yếu đuối của chúng ta để bước vào mầu nhiệm lớn lao của Giáo hội, là điều chúng ta cũng đang sống hôm nay. Đầu Lễ, chúng ta đã cầu nguyện cho sự hoán cải, sự hoán cải của chúng ta. Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta phải cầu nguyện cho sự hoán cải của rất nhiều người, trong và ngoài Giáo Hội, những người vẫn chưa nhận ra tính khẩn thiết của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta chứng kiến quá nhiều thảm họa thiên nhiên trên khắp thế giới, gần như mỗi ngày, ở rất nhiều nơi và quốc gia, phần nào là hậu quả do những sự thái quá và lối sống của con người. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tự vấn mình rằng chúng ta có đang trải nghiệm sự hoán cải này hay không. Chúng ta rất cần điều đó!

Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn một bài giảng, mà tôi sẽ chia sẻ ngay bây giờ. Tôi mong anh chị em kiên nhẫn một chút: nó có một số điểm sẽ giúp chúng ta tiếp tục suy tư trong sáng nay, chia sẻ khoảnh khắc thân thương và yên bình này, trong một thế giới đang bốc cháy, do sự nóng lên toàn cầu và do các cuộc xung đột vũ trang. Điều này làm cho thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các Tông huấn Laudato Si’ và Fratelli tutti càng trở nên phù hợp hơn. Chúng ta có thể nhận ra chính mình trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, nhìn thấy nỗi sợ hãi của các môn đệ trong cơn bão tố, nỗi sợ hãi mà một phần lớn nhân loại cũng đang trải qua. Nhưng, giữa lòng Năm Thánh, chúng ta tuyên xưng — và chúng ta có thể lặp lại nhiều lần — có niềm hy vọng! Chúng ta tìm thấy niềm hy vọng đó trong Chúa Giêsu. Người vẫn tiếp tục làm yên cơn bão. Quyền năng của Người không hủy diệt, mà tạo dựng; không phá hủy, mà ban sự sống mới. Và chúng ta cũng tự hỏi: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8:27).

Sự kinh ngạc thể hiện trong câu hỏi này là bước đầu tiên dẫn chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi. Chúa Giêsu đã sống và cầu nguyện trên bờ biển Galilê. Ở đó, Người đã gọi các môn đệ đầu tiên đến nơi sống và làm việc của họ. Những dụ ngôn mà Người dùng để công bố Nước Thiên Chúa cho thấy một mối liên hệ sâu sắc với đất đai, với những dòng nước, với nhịp điệu của các mùa màng, và với đời sống của các loài thọ tạo.

Đức Thánh Cha Lêô XIV cử hành Thánh Lễ đầu tiên cầu nguyện cho việc “Chăm sóc Công trình Tạo dựng” tại Làng Laudato Si’, Castel Gandolfo

Thánh sử Mátthêu mô tả cơn bão tố như một “trận động đất” (ngài dùng từ seismós), cùng một từ ngài dùng để nói về cơn địa chấn khi Chúa Giêsu chịu chết và vào buổi sáng phục sinh của Người. Trong cơn chấn động này, Đức Kitô trỗi dậy, Người đứng dậy: ở đây Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Kitô Phục sinh, hiện diện trong lịch sử đầy biến động của chúng ta. Lời ngăm đe mà Chúa Giêsu nói với gió và biển biểu lộ quyền năng ban sự sống và cứu độ của Người, vượt thắng những sức mạnh mà trước đó các thọ tạo cảm thấy bất lực.

Vậy chúng ta một lần nữa hãy tự hỏi: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8:27). Bài thánh ca trong Thư gửi tín hữu Côlôsê mà chúng ta vừa nghe dường như trả lời câu hỏi đó: “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất” (Cl 1:15-16). Ngày hôm đó, giữa cơn bão tố, các môn đệ vẫn chưa thể tuyên xưng sự hiểu biết này về Chúa Giêsu. Nhưng hôm nay, trong đức tin chúng ta đã được lãnh nhận, chúng ta có thể tiếp tục: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (c. 18). Đây là những lời ràng buộc chúng ta suốt dòng lịch sử, biến chúng ta trở thành một thân thể sống động, mà Đầu là Đức Kitô. Sứ mạng của chúng ta là bảo vệ công trình tạo dựng, mang đến cho công trình đó sự bình an và hòa giải, chính là sứ mạng của Chúa: sứ mạng Người đã trao lại cho chúng ta. Chúng ta nghe thấy tiếng kêu của trái đất, chúng ta nghe thấy tiếng kêu của người nghèo, vì tiếng kêu đó đã chạm đến trái tim Thiên Chúa. Sự phẫn nộ của chúng ta là sự phẫn nộ của Người, công việc của chúng ta là công việc của Người.

Bài ca của tác giả Thánh vịnh truyền cảm hứng cho chúng ta: “Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước; Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ mênh mông. Tiếng Chúa thật hùng mạnh, tiếng Chúa thật uy nghiêm” (Tv 29:3-4). Tiếng này ràng buộc Giáo Hội vào vai trò ngôn sứ, ngay cả khi nó đòi hỏi sự táo bạo phải chống lại quyền lực hủy diệt của các ông hoàng thế gian này. Giao ước không thể phá vỡ giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật thúc đẩy tâm trí và nỗ lực của chúng ta biến ác thành thiện, bất công thành công bình, và tham lam thành hiệp thông.

Với tình yêu vô biên, Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng nên muôn loài, ban cho chúng ta sự sống: đây là lý do tại sao Thánh Phanxicô Assisi gọi các tạo vật là anh em, là chị em, là mẹ. Chỉ có cái nhìn chiêm niệm mới có thể thay đổi mối tương quan của chúng ta với vạn vật và giải thoát chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng sinh thái, là hệ quả của sự đổ vỡ trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với trái đất, do tội lỗi gây nên (x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Laudato Si’, số 66).

Anh chị em thân mến, Làng Laudato Si’, nơi chúng ta đang ở đây, nhằm mục đích trở thành một “phòng thí nghiệm”, theo trực giác của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nơi chúng ta có thể sống sự hòa hợp với công trình tạo dựng, điều mang lại cho chúng ta sự chữa lành và hòa giải, phát triển những cách thức mới và hiệu quả để bảo vệ thiên nhiên được giao phó cho chúng ta. Xin gửi đến anh chị em, những người dấn thân hiện dự án này, những lời cầu nguyện và sự khích lệ của tôi.

Thánh Lễ mà chúng ta đang cử hành mang lại ý nghĩa và nâng đỡ cho công việc của chúng ta. Như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trong Thánh Thể, mọi loài tạo vật đạt đến đỉnh điểm giá trị của mình. Ân sủng, vốn luôn hướng tới việc biểu lộ ra cách hữu hình, tìm được sự diễn tả tuyệt vời khi chính Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người phàm, trở nên của ăn cho các thọ tạo của Ngài. Thiên Chúa, trong đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, đã đến với chúng ta trong sự mật thiết, qua một mảnh vật chất đơn sơ. Không phải từ trên cao, nhưng từ trong lòng thế giới, Ngài đến để chúng ta có thể tìm thấy Ngài trong thế giới của chúng ta (Đức Thánh Cha Phanxicô, Laudato si’, 236). Từ nơi đây, tôi muốn kết thúc những dòng suy tư này, trao phó cho anh chị em những lời mà Thánh Augustinô, trong các trang cuối của quyển Tự Thú (Confessions), đã liên kết vạn vật và con người trong một lời ngợi khen vũ trụ: “Các công trình của Chúa ngợi khen Chúa để chúng con yêu mến Ngài, và chúng con yêu mến Chúa để các công trình của Ngài ngợi khen Ngài” (Confessions, XIII, 33, 48). Ước mong đây là sự hòa hợp mà chúng ta lan tỏa cho toàn thế giới.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/07/2025]


Quyền lực và sự mong manh: Sức mạnh bí ẩn của Vatican

Quyền lực và sự mong manh: Sức mạnh bí ẩn của Vatican

Quyền lực và sự mong manh: Sức mạnh bí ẩn của Vatican

Mistervlad / Shutterstock


I.Media

07/07/25


Trong một cuộc phỏng vấn, nhà báo người Pháp Loup Besmond de Senneville chia sẻ về các vị Giáo hoàng, cũng như “quyền lực mềm” đáng kể pha trộn với sự “mong manh” của Vatican.

Là phóng viên thường trú tại Rome từ năm 2020 đến 2024 cho tờ nhật báo Pháp La Croix, nhà báo Loup Besmond de Senneville đã có cuộc trò chuyện với i.Media để chia sẻ cái nhìn của ông về vai trò hiện nay của ngoại giao Tòa Thánh sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời và Đức Lêô XIV được bầu chọn.

Ông hồi tưởng về quãng thời gian làm phóng viên thường trú tại Vatican và đưa ra một phân tích độc đáo về “bộ máy”, bộ máy hành chính và ngoại giao phức tạp của Vatican, với những điểm mạnh và điểm yếu của nó.

Phải chăng cơn sốt của giới truyền thông toàn cầu xung quanh tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô và cuộc bầu chọn Đức Lêô XIV cuối cùng cho thấy rằng thể chế này, từng bị cho là lỗi thời và thiếu hiệu quả, vẫn còn đầy sức hấp dẫn và mang trong mình một sự khôn ngoan vượt trên những biến chuyển chính trị?

Tòa Thánh Vatican có một mối tương quan với thời gian khác biệt so với hầu hết các quốc gia khác: Tòa Thánh hiện hữu trong một khoảng thời gian dài, thậm chí rất dài. Theo một chiều hướng hoàn toàn khác, NgaTrung quốc cũng tồn tại trong một thời gian dài, với tầm nhìn đế quốc. Nhưng vai trò của Giáo hoàng thể hiện một điều gì đó độc đáo, khác biệt với tất cả những quyền lực khác.

Sự có mặt đông đảo các nguyên thủ quốc gia tại tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô và lễ nhậm chức của Đức Lêô đã chứng minh quyền lực mang tính biểu tượng của Vatican và của hình ảnh vị Giáo hoàng, một hình thái quyền bính mà ngài đại diện. Quyền bính này không nhất thiết phải là chức năng hay mang tính vận hành, nhưng vẫn tồn tại ở đó một thẩm quyền đạo đức, một sức mạnh biểu trưng đáng kinh ngạc.

Vai trò trung gian của Vatican, tùy thuộc vào cách giải thích thiên lệch mang tính đảng phái

Về vấn đề đặc biệt nhạy cảm của cuộc chiến tại Ukraine, lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp phải sự ngộ nhận. Nhưng liệu cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky tại tang lễ của ngài có cho thấy rằng Vatican vẫn là trung tâm của cuộc chơi và là một người đối thoại có giá trị?

Vatican vẫn là một trong số ít nơi có khả năng giữ trung lập để đóng vai trò trung gian mà không có những động cơ ngầm. Các quốc gia khác cũng đang đặt mình vào vị trí trung gian, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rõ ràng họ làm điều đó với những động cơ ngầm của khu vực. Trong khi đó, Vatican không có động cơ tiềm ẩn nào.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong thời gian gần đây ít có sự trung gian chính trị diễn ra. Việc không thể làm trung gian giữa Ukraine và Nga hoặc giữa Israel và Palestine hiện nay chủ yếu liên quan đến hình ảnh mà các bên tham chiến gán cho Vatican, khi họ xem Vatican là quá Công giáo theo quan điểm của Nga, quá thân Nga theo quan điểm của Ukraine, hoặc quá thân Israel hoặc nghiêng về Palestine tùy thuộc vào quan điểm của mỗi bên... Nhưng điều này không dựa trên bất kỳ xung đột lợi ích thực sự nào.

Giáo Hội là tiếng nói của hòa bình

Những tuần đầu tiên của triều đại Đức Lêô XIV đã được đánh dấu bằng những lời kêu gọi hòa bình không ngừng của ngài, cũng như tình hình địa chính trị toàn cầu xấu đi, gồm cả sự lan rộng của chiến tranh ở Trung Đông. Liệu điều này có thể được coi là dấu hiệu thất bại của Đức Giáo hoàng... hay, ngược lại, cho thấy bản chất ngôn sứ triệt để trong sứ điệp của ngài?

Tôi không nghĩ chúng ta có thể đổ lỗi cho Đức Giáo hoàng về sự thất bại của những lời kêu gọi hòa bình của Ngài. Việc kêu gọi hòa bình là một phần trong sứ mạng của ngài, trong mọi thời điểm. Điều này đã trở thành truyền thống ít nhất từ thời Đức Bênêđictô XV, và chúng ta đã thấy điều đó ở tất cả các vị giáo hoàng thời hiện đại.

Mặt khác, đúng là chúng ta chỉ có thể ghi nhận sự thiếu hiệu quả của những lời kêu gọi này. Nhưng liệu những lời kêu gọi này, tự bản thân chúng được đưa ra nhằm mục đích phải “hiệu quả” không? Tôi không chắc. Chúng có vai trò mang tính biểu tượng, không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình vẫn là điều đáng mong ước. Chúng ta không thể đòi hỏi giáo hoàng mỗi sáng phải giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới …

Nhưng mặt khác, việc có một thể chế, là Giáo hội Công giáo, tin vào hòa bình, hòa bình với sự công bình, gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ. Và đó là một tiếng nói mà chúng ta cần, ngày nay thậm chí cần hơn bao giờ hết.

Quyền lực trong sự yếu đuối

Tòa Thánh kết hợp một hình thức “quyền lực mềm” mạnh mẽ với những phương tiện rất hạn chế. Ông đã tháp tùng Đức Giáo hoàng Phanxicô trong các chuyến tông du từ năm 2021 đến năm 2024, với một vị giáo hoàng đã yếu về thể chất, nhưng vẫn đi đến những vùng tình hình phức tạp, đặc biệt là ở Iraq. Liệu điều đó có chứng minh rằng sự yếu đuối cũng có thể trở thành một công cụ cho nền ngoại giao “phi vũ trang và giải trừ vũ khí”, như lời của Đức Lêô XIV?

Đúng là ngoại giao Tòa Thánh có ít nguồn lực, và điều thú vị là Đức Thánh Cha Lêô XIV đã bày tỏ mong muốn về một nền hòa bình “phi vũ trang và giải trừ vũ khí” trong bài diễn văn đầu tiên của Ngài. Tòa Thánh thực hiện ngoại giao “phi vũ trang” theo đúng nghĩa đen vì Tòa Thánh không có bộ máy quân sự. Nếu ngoại giao thất bại, Vatican không còn gì khác: ngoại giao là công cụ duy nhất của Tòa Thánh.

Tuy nhiên, tôi vẫn sửng sốt trước sự tương phản giữa tính chuyên môn rất cao của các nhà ngoại giao Tòa Thánh — sự hiện diện của rất nhiều đại sứ được công nhận tại Tòa Thánh chứng tỏ đây là một nơi quan trọng và chiến lược — và đồng thời, là những nguồn lực hạn chế của Tòa Thánh. Chỉ có vài chục viên chức ở Rome, và các sứ thần tại nhiều quốc gia trên thế giới làm việc trong những điều kiện rất khó khăn. Do đó, Tòa Thánh Vatican kết hợp giữa quyền bính và sức mạnh mang tính biểu tượng rất lớn với một sự mỏng manh lớn hơn nhiều về nguồn nhân lực và tài chính so với những gì người ta có thể tưởng tượng.

Ngoại giao Tòa Thánh: mang tính thể chế và cá nhân

Liệu sự nhạy cảm của Đức Phanxicô như là người phát ngôn cho Nam Toàn cầu có mâu thuẫn với truyền thống ngoại giao của Tòa Thánh, hay những nguyên tắc nền tảng của ngài, đặc biệt trong vấn đề giải trừ quân bị, phù hợp với truyền thống ngoại giao lâu đời?

Nền ngoại giao của Tòa Thánh luôn được định hình bởi sự kết hợp giữa truyền thống ngoại giao hàng thế kỷ của Vatican và những xác tín cá nhân. Điều này không chỉ đúng trong ngoại giao mà còn trong mọi lãnh vực của đời sống.

Trong triều đại của Đức Phanxicô, qua những lời kêu gọi giải trừ vũ khí và xây dựng hòa bình, Ngài đã nhất quán với truyền thống ngoại giao của Tòa Thánh từ thời Đức Bênêđictô XV, vị giáo hoàng thời Đệ nhất Thế chiến, và những lời kêu gọi của Đức Piô XII, Gioan XXIII cùng câu nói nổi tiếng của Đức Phaolô VI “không bao giờ chiến tranh nữa”. Về vấn đề xung đột Israel-Palestine, việc Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận Nhà nước Palestine là một cử chỉ quan trọng, nhưng hoàn toàn phù hợp với lập trường truyền thống của Vatican ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Điểm độc đáo của ngài là giữ khoảng cách đáng kể với Hoa Kỳ, chưa nói phần nào đó là sự phản đối chủ nghĩa Mỹ, và một tinh thần hòa bình mạnh mẽ hơn các vị tiền nhiệm, với sự lên án rất rõ ràng không riêng việc sử dụng vũ khí hạt nhân mà cả việc sở hữu chúng, do đó phủ nhận bất kỳ nguyên tắc răn đe nào. Về mặt chủ nghĩa hòa bình, ngài đã đặt mình vào vị trí là người của Nam Toàn cầu.

Cải cách giáo triều của Đức Thánh Cha Phanxicô

Liệu “tinh thần triệt để” của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt liên quan đến việc cải tổ tài chính của Vatican, có làm suy yếu bộ máy? Hay ngược lại, nó đã phục hồi Tòa Thánh như một đối tác đáng trọng và đáng tin cậy trên trường quốc tế?

Tôi có ấn tượng rằng mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc dọn dẹp “Augean stables” (ND: thuật ngữ chỉ một nơi đầy tham nhũng) về mặt tài chính và từ đó khôi phục sự ổn định tài chính, đưa Vatican ra khỏi danh sách đen, và hợp tác với Moneyval đã được đón nhận khá tốt trong giới ngoại giao.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao không phải lúc nào cũng hiểu rõ phương pháp cải tổ Giáo triều của Đức Thánh Cha Phanxicô. Họ thường nói với tôi: “Dù sao ngài cũng đi hơi quá xa”. Anh có thể cảm nhận được rằng những nhà ngoại giao này cảm thấy tiếc cho các đồng nghiệp của họ tại Tòa Thánh... Các nhà ngoại giao cũng khó hiểu được những vấn đề liên quan đến vụ xét xử Hồng y Becciu, một vụ án rất phức tạp.

Nhưng nhìn chung, họ cho rằng toàn bộ tiến trình này đã cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô cam kết khôi phục uy tín tài chánh của Vatican.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/7/2025]