Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự đại tiệc của Nước Trời

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự đại tiệc của Nước TrờiĐức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta (Vatican Media)


Đức Thánh Cha giảng Lễ: Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự đại tiệc của Nước Trời

Nước Thiên Chúa thường được xem như một đại tiệc. Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự tiệc cùng với Ngài – nhưng, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, không biết bao nhiêu lần chúng ta tìm cớ thoái thác để từ chối lời mời của Ngài? Đức Thánh Cha nói, Chúa Giê-su rất nhân lành, và ban cho chúng ta một cơ hội thứ hai, nhưng Ngài cũng rất công bằng.

06 tháng Mười Một 2018, 12:40
Adriana Masotti
Trích đoạn Tin mừng hôm nay xoay quanh một bữa tiệc của một trong những người đứng đầu nhóm Pha-ri-sêu, và Chúa Giê-su được mời tới dự. Tin mừng hôm thứ Hai kể về việc Chúa Giê-su chữa lành một người bệnh tại bữa tiệc, và quan sát thấy nhiều người khách đã tìm lấy chỗ cao nhất để ngồi. Chúa nói với người chủ tiệc rằng ông ta nên mời những người thiếu thốn nhất đến cùng ăn với ông, đó là những người không có gì để đáp lại cho ông.

Sự từ chối hai lần

Bài đọc hôm thứ Ba tiếp tục trình thuật Tin mừng về bữa tiệc. Tại một thời điểm trong bữa tiệc, một trong những thực khách nói rằng, “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxico miêu tả điều này như là sự từ chối hai lần. Trong Tin mừng, Chúa Giê-su trả lời lại bằng dụ ngôn về một người tổ chức một bữa đại tiệc, ông mời rất nhiều người đến dự. Những người hầu của ông nói với các khách mời, “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.” Nhưng từng người từng người đều đưa ra những cớ để thoái thác. Luôn luôn có “một lời xin lỗi,” Đức Thánh Cha nói. “Họ xin lỗi. Xin lỗi là một cách nói lịch sự chúng ta dùng thay cho cách nói, ‘tôi từ chối.’”

Và vì vậy ông chủ bảo những người hầu của ông “hãy đem vào bữa tiệc những người nghèo và người què, người mù và người tàn tật.”

Đức Thánh Cha nói trích đoạn kết thúc với một lời từ chối thứ hai, lời này từ chính miệng Chúa Giê-su nói: Khi một người từ chối Chúa Giê-su, “Chúa chờ đợi họ, cho họ một cơ hội thứ hai, có thể là thứ ba, thứ tư, thứ năm … nhưng cuối cùng, Người từ chối họ”:

Và sự từ chối này làm chúng ta phải tự hỏi chính mình về những lần Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta; kêu gọi chúng ta cùng cử hành với Người, đến gần Người, thay đổi cuộc sống chúng ta. Hãy nghĩ về việc Người đi tìm những người bạn thân tình nhất của Ngài nhưng họ từ chối! Rồi Ngài lại đi tìm những người bệnh tật … và họ đến; có thể là một số người từ chối. Không biết bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy tiếng gọi của Chúa Giê-su để đến với Người, để làm việc bác ái, để cầu nguyện, để gặp gỡ Người, và chúng ta lại nói: “Con xin lỗi Chúa, con đang bận, con không có thời gian. Vâng, để ngày mai, hôm nay thì con không thể …” Và Chúa Giê-su vẫn ở đó.

Chúng ta thường viện cớ thoái thác như thế nào?

Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta hãy suy tư về việc chúng ta thường xin Chúa Giê-su chiếu cố cho chúng ta khi “Người gọi chúng ta đến gặp gỡ Người, để tâm tình với Người, để có cuộc chuyện trò thân tình.” Ngài nói, “Chúng ta cũng thường từ chối Người.”

Mỗi chúng ta hãy suy nghĩ: trong đời tôi, đã bao nhiêu lần tôi cảm nhận được sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần để làm công cuộc bác ái, để gặp gỡ Chúa Giê-su trong công việc bác ái đó, để đến cầu nguyện, để thay đổi cuộc sống về vấn đề này, vấn đề không được tốt đẹp? Và tôi lại luôn tìm ra một lý do để bào chữa cho mình, để từ chối.


Chúa Giê-su nhân lành, nhưng Người cũng rất công bằng

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng, cuối cùng những người không từ chối Chúa Giê-su, và không bị Người từ chối, sẽ được vào Nước Chúa. Nhưng Đức Thánh Cha cũng có sự cảnh báo đối với những người nghĩ rằng “Chúa Giê-su nhân lành, cuối cùng Người cũng tha thứ hết mọi điều”:

Đúng, Người nhân lành, Người giàu lòng thương xót – Người hay thương xót, nhưng Người cũng rất công bằng. Và nếu bạn đóng cửa lòng mình ở phía trong, Người không thể mở nó, vì Người rất tôn trọng tâm hồn chúng ta. Từ chối Chúa Giê-su là khóa cửa lòng mình từ phía trong, và Người không thể đi vào.


Chúa Giê-su đã trả giá cho bữa đại tiệc bằng cái chết của Người

Cuối cùng, Đức Thánh Cha phân tích về một điểm cuối cùng: chính Chúa Giê-su đã trả giá cho bữa tiệc. Trong Bài đọc Một, Thánh Phaolo tiết lộ giá của bữa tiệc khi nói về Chúa Giê-su, Đấng “đã trút bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ, và Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá.” Đức Thánh Cha nói, Chúa Giê-su “đã trả giá cho bữa tiệc bằng chính mạng sống của Người.”

“Còn tôi lại nói, ‘Con không thể,’” Đức Thánh Cha kết luận. “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu được sự bí ẩn của tâm hồn cứng cỏi, của tính ngoan cố, của sự từ chối, và ban cho chúng ta ơn biết khóc.”


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét