Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Những tân linh mục người Iraq mang niềm vui đến giữa những năm buồn bã, di tản

Những tân linh mục người Iraq mang niềm vui đến giữa những năm buồn bã, di tản

Roni Salim Momika is ordained a priest in Erbil's Aishty camp for the displaced Aug. 5, 2016. Courtesy of Fr. Roni Momika.
Roni Salim Momika được tiến chức linh mục ở trại Aishty của Erbil cho những người di tản ngày 5 tháng 8, 2016. Ảnh của cha Roni Momika.

Erbil, Iraq, 8 tháng 8, 2016 / 03:02 chiều (CNA/EWTN News).- Cha Roni Salim Momika, một trong ba linh mục được tiến chức trong một trại tị nạn ở Erbil hôm thứ Sáu, nói rằng sự kiện này đã chuyển tâm trạng u ám của những Ki-tô hữu phải di tản thành niềm vui mừng, từ đó cha hy vọng sẽ cho họ sức mạnh để ở lại trên mảnh đất quê hương.
“Cảm giác của tôi là hạnh phúc, hạnh phúc!” Cha Momika nói với CNA sau ngày tiến chức 5 tháng 8, và thêm rằng cha cảm thấy “một điều gì đó bên trong” làm cho cha rất vui.
Cha được tiến chức linh mục của Giáo hội Công giáo Syria cùng với các bạn bè và các thầy phó tế Emad và Petros trong ngôi nhà thờ tiền chế lớn trong trại Aishty 2 của Erbil cho người di tản, nơi đây là nhà của khoảng 5.500 người bị buộc phải bỏ nhà cửa vì ISIS.
Sự tiến chức, cha nói, “sẽ đem lại niềm hy vọng cho những người” ở trong trại, hầu hết là người Công giáo Syria từ Qaraqosh, những người này trong 2 năm qua đã bị buộc phải sống như là người tị nạn sau khi tản cư khỏi nhà cửa của họ do bạo lực từ ISIS.
Cha Momika nói rằng ngày 6 tháng 8 đánh dấu đúng 2 năm kỷ niệm từ khi ISIS tấn công thành phố quê của cha ở Qaraqosh, tống cổ tất cả những cư dân không chịu đáp ứng đòi hỏi cải đạo Hồi, phải trả thuế cắt cổ hoặc đối mặt cái chết.
“Chúng tôi đã rời khỏi Qaraqosh trong khoảng thời gian này đúng 2 năm trước,” cha nói, và giải thích rằng nó là “một thời gian thử thách” và “một thời gian u buồn” cho người Ki-tô hữu.
Tuy nhiên, trong khi lễ kỷ niệm có thể xem như một sự nhắc nhớ về thực tế u ám và không chắc chắn cho người Ki-tô hữu ở Iraq, thì hình ảnh ba người trẻ tuổi được tiến chức linh mục đã tạo nên “một thời gian hạnh phúc, một thời gian hy vọng, một thời gian tốt đẹp,” cha Momica nói.
“Trước đây nó là một ngày đen tối vì chúng tôi trở thành người tị nạn và ISIS xâm chiếm Qaraqosh, nhưng hôm nay trở nên một ngày tốt lành vì là ngày tiến chức của chúng tôi và chúng tôi đem lại hy vọng cho dân tộc chúng tôi,” kể cả hy vọng “được ở lại đây,” cha  nói.
Cha Momika, Emad, Petros và một chủng sinh khác tên Phê-rô tất cả đều buộc phải thoát khỏi Qaraqosh khi ISIS tấn công.
Trước khi bị buộc phải rời khỏi Qaraqosh, cha Momica và em gái của cha nằm trong số những nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom xe buýt năm 2010, lúc đó xe đang chở hầu hết là sinh viên đại học người Ki-tô hữu từ Bình nguyên Nineve đến đại học Mosul, nơi họ đã ghi tên theo các khóa học.
Vì chủng viện Qaraqosh đã bị đóng cửa sau vụ tấn công năm 2014, những chủng sinh sau đó được gửi đến để hoàn tất các môn học tại chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li-băng. Sau khi kết thúc các môn học ở Li-băng, các thầy trở về Iraq để được phong chức phó tế diễn ra ngày 19 tháng 3.
Từ đó Phê-rô quyết định phục vụ ở Baghdad, và được tiến chức khoảng 20 ngày trước, trong khi cha Momika và những cha khác được tiến chức ở Erbil.
Đức Tổng Giám mục Petros Moshe, Tổng Giám mục Công giáo Syria giáo phận Mosul, Kirkuk và Kurdistan, giám mục của các linh mục, là người dâng Thánh lễ tiến chức trong trại Aishty.
Cha Momika, gia đình của cha đã di tản khỏi Erbil sau khi bỏ Qaraqosh, nói rằng nhà thờ chỉ có sức chứa khoảng 800 người, nhưng có khoảng 1.500 người đã đến tham dự lễ phong chức.
Nhiều thành viên trong gia đình đã đến lễ phong chức, ông thân sinh của cha, em gái và nhiều người khác từ Baghdad đến, từ Aqrah và các thành phố khác đều có mặt ở đó.
Cho đến nay cha Momika hoạt động với giới trẻ và linh hướng cho các nhóm phụ nữ trong các trại tị nạn. Linh mục nói rằng hiện tại cha vẫn ở lại Erbil và tiếp tục phục vụ trong trách vụ đó, nhưng tùy thuộc vào quyết định của Đức Tổng giám mục Moshe “cho tôi được ở đây hay không” trong một thời gian dài.
Là một tân linh mục bị vây quanh bở những bách hại bạo lực, cha Momika nói rằng cha muốn “đứng bên cạnh những người tị nạn” bất kể “những nguy hiểm trong cuộc sống của họ.”
Cha nói cha muốn cho người Ki-tô hữu “sức mạnh, niềm hy vọng, và sự can đảm tiếp tục cuộc sống của họ và  ở lại với những người nghèo” và tất cả những ai đang đau khổ, cha thêm rằng đối với cha, điều cốt yếu của vai trò và sự tận hiến của cha là “đưa Đức Ki-tô đến với mọi người.”

[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/08/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét