Đức Thánh Cha Phanxico: những kỳ công của chức tư tế của Đức Ki-tô
Đức Thánh Cha Phanxico giảng trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta hôm thứ Hai. - ANSA
23/01/2017 11:55
(Vatican Radio) Những kỳ công vĩ đại của chức tư tế của Đức Ki-tô, Người đã dâng hiến thân mình, một lần và cho tất cả, vì sự tha thứ tội lỗi; và Người bây giờ đang làm trung gian cho chúng ta trước mặt Chúa Cha; và Người sẽ trở lại để đưa chúng ta lên với Người: đó là ba giai đoạn tư tế của Đức Ki-tô được Đức Thánh Cha Phanxico làm sáng tỏ trong bài giảng Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta. Đức thánh Cha cũng cảnh báo đến “tội phạm thượng không thể tha thứ”: sự phạm thượng chống lại Chúa Thánh Thần.
Chức tư tế của Đức Ki-tô là trọng tâm của bài giảng của Đức Thánh Cha hôm thứ Hai. Suy tư của ngài được lấy trong bài đọc một trong ngày, thư gửi tín hữu Do thái, nói về Đức Ki-tô là Đấng Trung gian của Giao Ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với con người. Chúa Giê-su là Vị Tư Tế Tối Cao, và chức tư tế của Người là một kỳ công vĩ đại, kỳ công vĩ đại nhất, kỳ công đã làm cho chúng ta phải hát lên một bài hát mới tán tụng Thiên Chúa, như những lời trong Đáp Ca.
Ba giai đoạn của chức tư tế của Đức Ki-tô: Ngài hiến dâng thân mình; Ngài làm trung gian cho chúng ta; Ngài sẽ trở lại và đem chúng ta lên với Chúa Cha
Chức tư tế của Đức Ki-tô diễn ra trong ba giai đoạn, Đức Thánh Cha nói. Trước hết là chuộc tội: trong khi các tư tế của Giao Ước cũ phải dâng sự hy sinh hàng năm, “Đức Ki-tô hiến dâng chính bản thân Người, một lần và cho tất cả, vì sự tha thứ mọi tội lỗi.” Với công trình này, “Người đã đưa chúng ta đến với Chúa Cha … Người đã tái tạo lại sự hòa hợp của tạo hóa,” Đức Thánh Cha nói. Kỳ công thứ hai là những gì Chúa hiện đang làm – tức là, cầu nguyện cho chúng ta. “Trong khi chúng ta đang cầu nguyện ở đây, Người đang cầu nguyện cho chúng ta” “cho mỗi người trong chúng ta,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “ngay bây giời, đang hiện hữu, trước mặt Chúa Cha, Người đang làm trung gian,” để đức tin không bị chùn bước. Quả thật, Đức Thánh Cha nói, không biết bao nhiêu lần các linh mục được xin cầu nguyện, vì “chúng ta biết rằng lời cầu nguyện của linh mục có một sức mạnh chắc chắn, đặc biệt trong hy tế của Thánh Lễ.” Kỳ công thứ ba là khi Đức Ki-tô ngự đến; nhưng lần thứ ba này không có sự liên quan đến tội, đó sẽ là “để thành lập Vương quốc cuối cùng,” là lúc Người đưa tất cả chúng ta về với Chúa Cha:
“Đây là kỳ công vĩ đại, chức tư tế này của Đức Ki-tô trong ba giai đoạn – một là Người tha thứ tội, một lần cho tất cả; một là Người làm trung gian cho chúng ta ngay hiện tại; và một sẽ xảy ra khi Người trở lại. Nhưng cũng sẽ có một điều ngược lại: ‘tội phạm thượng không thể tha thứ được.’ Thật không dễ khi nghe Chúa Giê-su nói những điều này, nhưng Ngài đã nói, và nếu Ngài đã nói, nó là sự thật. ‘Tôi bảo thật anh em, mọi tội của con cái loài người cũng được tha’ – và chúng ta biết rằng Chúa tha thứ mọi tội nếu chúng ta mở lòng ra một chút. Mọi tội lỗi! Mọi tội lỗi và thậm chí những điều phạm thượng họ nói ra – thậm chí những điều phạm thượng cũng sẽ được tha! – nhưng ai phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng bao giờ được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”
“Sự phạm thượng không thể tha thứ”: sự phạm thượng chống lại Thánh Thần, sẽ không bao giờ được tha
Để giải thích điều này, Đức Thánh Cha nói đến sự xức dầu chức tư tế vĩ đại của Chúa Giê-su, điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong cung lòng của Mẹ Maria; cũng như các linh mục, trong nghi thức thụ phong, được xức dầu:
“Ngay cả Chúa Giê-su là vị Đại Tư Tế cũng đón nhận phép xức dầu này. Và phép xức dầu đầu tiên là gì? Cung lòng của Mẹ Maria và quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và kẻ nào phạm thượng điều này, là phạm thượng về nền tảng thiết lập của tình yêu của Thiên Chúa, là sự chuộc tội, sự tái tạo; phạm thượng về chức tư tế của Đức Ki-tô. “Vậy Chúa không tha thứ tội đó sao?” [anh chị em có thể hỏi như vậy]. ‘Không! Thiên Chúa tha thứ mọi tội!’ Nhưng kẻ nói ra điều này là đóng cửa trước ơn tha tội. Người đó không muốn được tha thứ! Người đó không để cho mình được tha thứ! Đây là điều tồi tệ nhất của sự phạm thượng chống lại Thánh Thần: nó không để cho nó được tha thứ, vì nó từ chối sự xức dầu tư tế của Chúa Giê-su, được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần.”
Đừng đóng cửa lòng trước những kỳ công của chức tư tế của Đức Ki-tô
Kết luận, Đức Thánh Cha quay lại với những kỳ công của chức tư tế của Đức Ki-tô, và cả “sự phạm thượng không thể tha thứ” – không thể tha thứ “không phải vì Chúa không muốn tha thứ mọi tội, nhưng vì [người] này đã đóng cửa lòng, vì anh ta không để cho anh ta được tha thứ: sự phạm thượng chống lại kỳ công này của Chúa Giê-su”:
Thật phù hợp cho chúng ta hôm nay, trong Thánh Lễ này, suy tư thật kỹ rằng ngay tại đây trên bàn thờ việc tưởng nhớ sống động đang được thực hiện – vì Ngài sẽ hiện diện tại đây – về chức tư tế đầu tiên của Chúa Giê-su, khi Người hiến dâng mạng sống cho chúng ta. Cũng sẽ có việc tưởng nhớ sống động đến chức tư tế thứ hai, vì Người sẽ cầu nguyện ở đây. Và cũng vậy, trong Thánh lễ này – chúng ta sẽ nói lên điều đó sau Kinh Lạy Cha – rồi cũng sẽ có sự tưởng nhớ chức tư tế thứ ba của Chúa Giê-su, khi Người trở lại, và đó là sự hy vọng vinh quang của chúng ta. Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy suy nghĩ về những sự tuyệt mỹ này. Và chúng ta hãy cầu xin ơn sủng từ Thiên Chúa cho tâm hồn của chúng ta không bao giờ khép lại – không bao giờ đóng lại! – trước kỳ công này, trước kỳ công vĩ đại, cho đi nhưng không này.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/01/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét