Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

LHQ: Nền kinh tế toàn cầu phải giúp đỡ tất cả

LHQ: Nền kinh tế toàn cầu phải giúp đỡ tất cả

Đức Tổng Giám mục Auza nêu lên sự bất bình đẳng ngày một nhiều
3 tháng Mười, 2017
Archbishop Bernardito Auza ©Holy See Mission
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza ©Holy See Mission
Nền kinh tế toàn cầu phải tạo ích lợi cho mọi người, tuy nhiên sự bất bình đẳng vẫn đang tăng cao. Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc, phát biểu ngày 2 tháng Mười, 2017, trong Phiên họp thứ 72 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Ngài trình bày những phân tích của mình tại phiên tranh luận Ủy ban Thứ Ba về Chương Trình Nghị Sự Mục 27 (a,b), nói về sự Phát triển xã hội.
Đức Tổng Giám mục Auza nói, “Mỗi năm chúng ta đều khẳng định rằng đã có nhiều tiến bộ được thực hiện trong việc xóa nghèo đói, nhưng đồng thời lại nhận thấy rằng sự tiến bộ đó vẫn chưa đủ.” Ngài bày tỏ lo lắng về “sự bất bình đẳng liên tục tăng cao, sự gia tăng con số những người chịu đựng nạn đói” và “con số tăng mạnh những người tiếp tục bị bỏ rơi lại đàng sau.”
Đức Tổng Giám mục phân tích rằng “sự phát triển kinh tế không bảo đảm cho sự phát triển xã hội và không giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng và loại trừ. Ngài lưu ý rằng gia tăng những đầu tư, việc làm và nền kinh tế là vô cùng quan trọng, “cần phải có sự hiểu biết rộng lớn hơn về sự phát triển con người toàn diện để đạt được những mục tiêu dài lâu.”
Đức Tổng Giám mục Auza nhấn mạnh rằng “Mô hình nền kinh tế hiện tại có khuynh hướng nhấn mạnh vào sự thành công và tính tự lực trong các cộng đồng,” và cần phải làm nhiều hơn để “giúp những người bị gạt ra bên lề không bị loại trừ.” Ngài nói: “Điều này đặc biệt quan trọng khi cân nhắc đến người già, người khuyết tật, giới trẻ và người di cư.”

Phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Phái Bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc cung cấp

Thưa ông Chủ tịch,
Tôi xin chúc mừng ông đắc cử vào vị trí Chủ tịch của Ủy ban Thứ Ba. Phái đoàn của tôi mong chờ được hợp tác trong tinh thần xây dựng với Ủy ban trong suốt nhiệm kỳ của ông.
Mỗi năm chúng ta đều khẳng định rằng đã có nhiều tiến bộ được thực hiện trong việc xóa nghèo đói, nhưng đồng thời lại nhận thấy rằng sự tiến bộ đó vẫn chưa đủ. Ngay cả đối với việc phát triển kinh tế đổi mới, sự tiến bộ kỹ thuật không ngừng, và việc thông qua và áp dụng những hiệp ước quốc tế đầy hứa hẹn như Chương trình Nghị sự 2030 và Tuyên Ngôn New York về Người Tị nạn và Di cư, chúng ta không thể không lo lắng về sự bất bình đẳng liên tục tăng cao, sự gia tăng con số những người chịu đựng nạn đói lần đầu tiên trong mười năm qua, và con số tăng mạnh những người tiếp tục bị bỏ rơi lại đàng sau.
Một trong những nguyên nhân nổi rõ nhất cho sự chênh lệch đang nở rộng này là việc phát triển kinh tế không bảo đảm cho sự phát triển xã hội và không giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng và loại trừ. Trong khi gia tăng những đầu tư và việc làm, cũng như một nền kinh tế đa dạng là vô cùng quan trọng để đưa những người nghèo thoát khỏi cảnh cùng khổ, thì cần phải có sự hiểu biết rộng lớn hơn về sự phát triển con người toàn diện để đạt được những mục tiêu dài lâu. Nó vô cùng quan trọng nếu chúng ta muốn bảo đảm rằng những người thấp kém nhất và những người bị gạt ra bên lề ở giữa chúng ta không bị loại trừ khỏi thành tựu chung của sự tiến bộ.
Tập trung vào sự phát triển con người toàn diện có nghĩa là phải xem xét lại sự hiểu biết của chúng ta về mục đích của nền kinh tế quốc tế. Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nói trong Tông huấn Laudato Si’, chúng ta không được đối xử “các hữu sinh khác như các đối tượng phải phục tùng quyền hành tùy tiện của con người … [vì] cái nhìn tùy tiện của kẻ mạnh, sẽ tạo nên không biết bao nhiêu sự bất bình đẳng, bất công và bạo quyền trên phần đông loài người, vì những tài nguyên sẽ dần rơi vào tay những người nắm quyền hành.” [1]
Thay vì vậy, nền kinh tế toàn cầu phải tìm cách sinh lợi cho mọi người, cả về vật chất và tinh thần. Trong cách thực hành, điều này có nghĩa là phải đưa ra sự ưu tiên cho nguyên tắc phân quyền trong mọi chính sách xã hội và kinh tế mà chúng ta thúc đẩy. Nó cũng hàm ý nói đến một văn hóa gặp gỡ, văn hóa bước ra và hoạt động với người nghèo. Nó có nghĩa là gặp gỡ và trao đổi với những người thấp kém nhất trong xã hội của chúng ta. Nói tóm lại, nó có nghĩa là đặt con người vào vị trí thứ nhất. Khi chúng ta gặp gỡ những người bị gạt ra bên lề, chúng ta không thể chỉ nói về nhu cầu của họ bằng những thuật ngữ kinh tế thuần túy. Chính qua văn hóa gặp gỡ mà những người nắm giữ các vị trí quyền lực học được những gì cần phải có để phát triển những tiềm năng hiện hữu ở mọi cấp độ của xã hội, đồng thời tìm được ý nghĩa lớn hơn cho trách nhiệm đối với thiện ích chung.
Mô hình nền kinh tế hiện tại có khuynh hướng nhấn mạnh vào sự thành công và tính tự lực trong các cộng đồng, do vậy không đưa ra được một câu trả lời thích đáng cho những thực tại toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay. Tính tương thuộc ngày càng nhiều của chúng ta đòi hỏi những chính sách và sự đầu tư trao cơ hội cho những người thấp kém nhất, củng cố vững mạnh các cộng đồng, và giúp những người bị gạt ra bên lề không bị loại trừ. Điều này đặc biệt quan trọng khi cân nhắc đến người già, người khuyết tật, giới trẻ và người di cư.
Đặc biệt, người già và người khuyết tật đang đối mặt với một số hình thức phân biệt đối xử và bạo lực tồi tệ. Theo định nghĩa, nền kinh tế chỉ dễ chịu nhất với những người đóng góp cho nó với rất ít sự hỗ trợ. Tuy nhiên, đối với người già và người khuyết tật, việc tiếp cận được với những dịch vụ hỗ trợ cần thiết để gắn kết một cách tích cực vào xã hội là vấn đề nhân phẩm căn bản. Tăng cường đầu tư vào những mạng lưới an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe và quỹ lương hưu cũng rất quan trọng trong việc giảm bớt những sự bấp bênh cho những người chịu thiệt thòi nhất. Sự hỗ trợ của chính phủ cho những chương trình chăm sóc gia đình không những có tiềm năng tiết kiệm tiền cho dân chúng, mà còn cung cấp cho người già và người khuyết tật một sự hỗ trợ mà chỉ những người được yêu thương mới có thể có được.
Thưa ông Chủ tịch,
Sự phát triển xã hội cũng có nghĩa là phải tạo ra việc làm đúng phẩm giá cho người trẻ. Như Đức Giáo hoàng Phanxico nói trong Tông huấn, “Lao động là một điều cần thiết, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, con đường đi đến trưởng thành, phát triển con người và hiện thực cá nhân mình”. [2] Để điều này trở thành hiện thực, phải đưa ra các chính sách học việc và cung cấp những khoản vay vốn nhỏ và những cơ hội cho người trẻ dám mạo hiểm và phát triển qua lao động, đặc biệt cho những phụ nữ trẻ và thiếu niên nữ.
Cuối cùng, tình hình hiện tại của người di cư và tị nạn đáng để chúng ta quan tâm. Bất kể họ bị buộc phải di cư vì những lý do kinh tế hay vì những lý do bách hại và xung đột, quyền con người của họ phải được tôn trọng, và phải bảo đảm họ có thể tiếp cận được với những dịch vụ căn bản, trong đó có sự chăm sóc sức khỏe ban đầu và giáo dục cho trẻ em. Sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho những trẻ em và người trẻ di cư không có người thân đi kèm sẽ làm lợi cho những xã hội nơi các em ở lại hoặc trở về.
Thưa ông Chủ tịch,
Như chủ đề của phiên tranh luận của đại hội đồng năm nay, sự phát triển xã hội thật sự đòi hỏi một “sự tập trung vào con người” được đổi mới. Với ý chí chính trị cần thiết và sự chú ý vào từng nhân vị, một thế giới tốt đẹp hơn nằm trong tầm tay của chúng ta.
Cảm ơn ông Chủ tịch.
1. Đức Giáo hoàng Phanxico, Tông huấn Laudato Si’, 82.
2. Đức Giáo hoàng Phanxico, Tông huấn Laudato Si’, 128.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/10/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét