Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Tuyên Bố Chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Cốp-tíc Tawadros II

Tuyên Bố Chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Cốp-tíc Tawadros II

‘Tự do tôn giáo, trong đó có tự do lương tâm, nằm trong phẩm giá của con người, là tảng đá góc của tất cả những sự tự do khác. Nó là một quyền thiêng liêng và bất biến.’
28 tháng Tư, 2017
Tuyên Bố Chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Cốp-tíc Tawadros II
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Cốp-tíc Tawadros II hôm nay đã ký một tuyên bố chung, chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm 28-29 tháng Tư của Đức Thánh Cha đến Ai-cập. Chuyến đi đánh dấu chuyến Tông du thứ 18 của Đức Thánh Cha và là quốc gia thứ 27 ngài đến thăm.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng phụ Chính thống Cốp-tíc ở Cairo:
***
TUYÊN BỐ CHUNG
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
VÀ ĐỨC THƯỢNG PHỤ TAWADROS II
1.  Chúng ta, Phanxico, Giám mục của Roma và Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo, và Tawadros II, Giáo chủ của Alexandria và Thượng phụ của Ngai Tòa Mác-cô, cảm tạ Thiên Chúa trong Thánh Thần ban cho chúng ta cơ hội hân hoan được gặp gỡ lại một lần nữa, để trao cho nhau cái ôm huynh đệ và cùng nhau dâng lời cầu nguyện chung. Chúng ta tôn vinh Đấng Toàn Năng vì những mối dây liên kết huynh đệ và tình bạn giữa Ngai Tòa Phê-rô và Ngai Tòa Mác-cô. Đặc ân được cùng nhau ở đây trên đất nước Ai-cập là một dấu chỉ của sự gần gũi, của đức tin và tình yêu thương của Đức Ki-tô Chúa chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đất nước Ai-cập yêu dấu này, “mảnh đất quê hương trong tâm hồn chúng ta,” như Đức Giáo chủ Shenouda III đã nói, “dân tộc được Đức Chúa giáng phúc” (x. Is 19:25) với nền văn minh Pha-ra-ông cổ xưa, di sản của Hy lạp và La mã, truyền thống Cốp-tíc và sự hiện diện của Hồi giáo. Ai-cập là nơi Gia đình Thánh đã tìm nơi nương náu, một mảnh đất của những vị tử đạo và các thánh.
2.  Mối ràng buộc sâu sắc của tình bạn và huynh đệ giữa chúng ta có nguồn gốc trong sự hiệp nhất trọn vẹn đã tồn tại giữa các Giáo hội trong những thế kỷ đầu và được thể hiện theo nhiều cách khác nhau qua những Công đồng Chung ban đầu, bắt đầu từ Công đồng Ni-xê năm 325, và sự đóng góp can đảm của Thánh Athanasiô Tiến sĩ Hội Thánh, ngài đã nhận được tước hiệu “Người Bảo vệ Đức tin.” Sự hiệp thông của chúng ta được bày tỏ qua việc cầu nguyện và những nghi thức phụng vụ tương tự, sự tôn kính cùng những vị tử đạo và các thánh, và trong sự phát triển và mở rộng đời sống đan tu, theo gương của Thánh An-tôn Cả, được gọi là Cha của mọi tu sĩ đan tu.
Kinh nghiệm chung của sự hiệp thông này trước thời gian chia cắt có một tầm quan trọng rất đặc biệt trong những nỗ lực của chúng ta để phục hồi lại sự hiệp thông trọn vẹn hôm nay. Hầu hết những mối quan hệ đã tồn tại trong những thế kỷ đầu giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Cốp-tíc vẫn tiếp tục cho đến ngày nay bất kể những chia rẽ, và gần đây đã được tái sinh. Những mối quan hệ đó thách đố chúng ta phải tăng cường những nỗ lực chung để kiên trì trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất hữu hình trong sự đa dạng, dưới hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
3.  Chúng ta nhắc lại với lòng tri ân cuộc gặp gỡ lịch sử bốn mươi bốn năm trước giữa những vị tiền nhiệm của chúng ta, Đức Giáo hoàng Phao-lô VI và Đức Giáo chủ Shenouda III, trong một cái ôm của hòa bình và huynh đệ, sau nhiều thế kỷ khi những sự gắn kết yêu thương lẫn nhau không thể tìm được cơ hội để bày tỏ do những khoảng cách nổi lên giữa chúng ta. Tuyên Bố Chung các ngài ký ngày 10 tháng Năm, 1973 thể hiện một điểm mốc lịch sử trên con đường đại kết, và được xem là điểm khởi đầu cho Ủy ban Đối thoại Thần học giữa hai Giáo hội của chúng ta, nó đã trổ sinh nhiều hoa trái và mở ra con đường tiến đến sự đối thoại mở rộng hơn giữa Giáo hội Công giáo và toàn thể gia đình của các Giáo hội Chính thống Đông phương. Trong Tuyên bố đó, các Giáo hội của chúng ta thừa nhận rằng, theo truyền thống tông truyền, họ tuyên xưng “một niềm tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi” và “thiên tính của Người Con duy nhất của Thiên Chúa … Thiên Chúa hoàn hảo với thiên tính của Người, con người hoàn hảo với nhân tính của Người.” Chúng ta cũng thừa nhận rằng “sự sống nước trời được ban cho chúng ta và được nuôi dưỡng trong chúng ta qua bảy phép bí tích” và “chúng ta tôn kính Đức Maria Đồng Trinh, Mẹ của Ánh sáng Sự thật, là “Theotokos (Mẹ Chúa Giê-su).
4.  Với tâm tình tri ân sâu thẳm chúng ta nhắc lại buổi gặp gỡ huynh đệ của chúng ta tại Roma ngày 10 tháng Năm, 2013, và thành lập ngày 10 tháng Năm như là ngày hàng năm chúng ta đào sâu hơn tình bạn và tình anh em giữa các Giáo hội của chúng ta. Tinh thần canh tân của sự gần gũi này đã làm cho chúng ta có thể nhận thức thêm một lần nữa rằng mối ràng buộc hiệp nhất chúng ta được đón nhận từ Đức Chúa duy nhất của chúng ta trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Vì qua Bí tích Rửa tội mà chúng ta trở thành những thành viên của một Thân thể của Đức Ki-tô là Giáo hội (x. 1 Cor 12:13). Di sản chung này là nền tảng của cuộc lữ hành của chúng ta cùng nhau tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn, khi chúng ta phát triển lên trong sự yêu thương và hòa giải.
5.  Chúng ta ý thức rằng chúng ta vẫn còn quãng đường xa trên cuộc lữ hành này, tuy nhiên chúng ta nhắc lại không biết bao nhiêu việc đã được hoàn thành. Đặc biệt chúng ta luôn khắc ghi cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo chủ Shenouda III và Thánh Gio-an Phao-lô II, ngài đến như một người hành hương về Ai-cập trong Đại Năm Thánh 2000. Chúng ta quyết định bước theo những bước chân của các ngài, được thúc đẩy bởi tình yêu của Đức Ki-tô Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, trong niềm tin sâu sắc rằng qua cách cùng đồng hành với nhau, chúng ta phát triển trong sự hiệp nhất. Cầu xin cho chúng ta lấy được sức mạnh từ Đức Chúa, suối nguồn hiệp nhất và hoàn hảo yêu thương.
6.  Sự yêu thương này tìm được cách thế thể hiện sâu thẳm nhất trong việc cầu nguyện chung. Khi những người Ki-tô hữu cầu nguyện với nhau, họ nhận ra rằng những gì hiệp nhất họ lớn hơn những gì làm chia rẽ họ rất nhiều. Lòng khát khao hiệp nhất của chúng ta nhận được sự linh hứng từ lời cầu nguyện của Đức Ki-tô “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Chúng ta cùng đào sâu những nguồn cội chung trong đức tin tông truyền bằng việc cùng nhau cầu nguyện và bằng việc tìm đến những bản dịch chung Lời Cầu nguyện của Chúa và một ngày mừng Phục sinh chung.
7.  Trong khi chúng ta trên hành trình tiến đến ngày phúc lành lúc chúng ta sẽ tụ họp tại cùng bàn Tiệc Thánh, chúng ta có thể hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực và chứng minh bằng con đường hữu hình sự phong phú lớn lao đã hiệp nhất chúng ta. Chúng ta có thể cùng nhau mang lấy chứng tá cho những giá trị nền tảng như sự thánh thiện và phẩm giá của sự sống con người, sự thiêng liêng của hôn nhân và gia đình, và sự tôn trọng mọi loài thụ tạo, được Đức Chúa trao cho chúng ta. Đứng trước nhiều thách đố hiện nay như tính trần tục hóa và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ, chúng ta được kêu gọi để đưa ra một câu trả lời chung dựa trên nền tảng của những giá trị Tin mừng và những kho báu của các truyền thống của chúng ta. Liên quan đến việc này, chúng ta được khuyến khích phải gắn kết trong việc nghiên cứu sâu hơn về những Giáo phụ Đông phương và La-tinh, và thúc đẩy một sự trao đổi hiệu quả về đời sống mục vụ, đặc biệt trong việc giảng dạy giáo lý, và trong việc làm phong phú tu đức lẫn nhau giữa các cộng đoàn đan viện và dòng tu.
8.  Chứng tá Ki-tô giáo chung của chúng ta là một dấu chỉ đầy ơn sủng của sự hiệp nhất và hy vọng cho xã hội Ai-cập và các tổ chức của nó, một hạt giống được gieo trồng để trổ sinh hoa trái công bằng và hòa bình. Vì chúng ta tin rằng mọi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta cố gắng để đạt được sự an bình và hòa hợp qua sự chung sống hòa bình của người Ki-tô giáo và Hồi giáo, từ đó mang chứng tá cho lòng khát khao của Đức Chúa về sự hiệp nhất và hòa hợp của toàn gia đình nhân loại và phẩm giá bình đẳng của mỗi con người. Chúng ta cùng có quan tâm chung về sự thịnh vượng và tương lai của Ai-cập. Tất cả mọi thành viên của xã hội đều có quyền và bổn phận tham gia trọn vẹn trong đời sống của dân tộc, được hưởng quyền công dân trọn vẹn và bình đẳng và cùng cộng tác để xây dựng đất nước. Sự tự do tôn giáo, trong đó có tự do lương tâm, từ cội nguồn phẩm giá của con người, là tảng đá góc của mọi sự tự do khác. Nó là một quyền thiêng liêng và bất biến.
9.  Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện liên lỷ cho tất cả những người Ki-tô hữu ở Ai-cập và trên toàn thế giới, và đặc biệt ở Trung Đông. Những chịu đựng thảm kịch và những sự đổ máu của các tín hữu của chúng ta bị bách hại và bị giết vì lý do duy nhất là người Ki-tô hữu, nhắc chúng ta hơn bao giờ hết rằng tinh thần đại kết của sự hy sinh vì đạo hợp nhất chúng ta và động viên chúng ta trên con đường tiến đến hòa bình và hòa giải. Vì, như thánh Phao-lô viết: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12:26).
10.  Mầu nhiệm của Đức Giê-su đã chết và sống lại vì yêu là trung tâm của hành trình của chúng ta tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Một lần nữa, những vị tử đạo là người dẫn đường cho chúng ta. Trong Giáo hội sơ khai máu của các vị tử đạo là hạt giống cho những Ki-tô hữu mới. Cũng như vậy trong thời đại của chúng ta, nguyện xin máu của rất nhiều người hy sinh vì đạo là hạt giống cho sự hiệp nhất giữa tất cả những môn đệ của Đức Ki-tô, một dấu chỉ và khí cụ của tình hiệp thông và hòa bình cho thế giới.
11.  Trong sự vâng phục công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa Giáo hội, giữ gìn Giáo hội qua những thời đại, và dẫn đưa Giáo hội đến sự hiệp nhất trọn vẹn – sự hiệp nhất mà Đức Giê-su Ki-tô đã cầu xin:
Hôm nay chúng ta, Giáo hoàng Phanxico và Giáo chủ Tawadros II, để làm hài lòng trái tim Chúa Giê-su, cũng như trái tim của những người con của chúng ta trong đức tin, chúng ta cùng nhau tuyên bố rằng, hòa cùng một tâm hồn và trí óc, sẽ không đòi buộc phải lặp lại bí tích thánh tẩy đã được thực hiện bởi một trong hai Giáo hội của chúng ta cho bất kỳ người nào muốn gia nhập Giáo hội kia. Chúng ta tuyên bố điều này trong sự vâng phục Thánh Kinh và tín điều của ba Công đồng Đại kết nhóm họp ở Ni-xê, Constantinople và Ê-phê-sô.
Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa Cha hướng dẫn chúng ta, trong những lúc và theo những cách thức Chúa Thánh Thần sẽ chọn, đến sự hiệp nhất trọn vẹn trong Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô.
12.  Vậy, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi những giáo huấn và gương mẫu của Thánh Tông đồ Phao-lô, ngài viết: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Eph 4:3-6).
Cairo, 28 tháng Tư, 2017

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét