© Vatican Media
Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ giấc mơ của chúng con’
‘Nhìn thấy và nghe thấy sinh lực và sự hăng hái của chúng con đem lại cho cha niềm vui và hy vọng’
25 tháng Mười Một, 2019 15:38
Đây không phải là lần đầu tiên một khung cảnh như vậy được tạo ra.
Những trẻ em Nhật này vô cùng phấn khởi với #PopeinJapan!
(Zenit is on Papal Flight)
Đức Thánh Cha được giới trẻ đón tiếp với sự chào đón tưng bừng. Rõ ràng là ngài rất vui. Giới trẻ thật sự hân hoan được nhìn thấy ngài và lắng nghe những lời ngài nói.
Dĩ nhiên, ngài bắt đầu bằng việc lắng nghe những chứng ngôn của giới trẻ. Và ngài bày tỏ sự cảm phục và biết ơn đối với họ.
Đó là một khung cảnh Đức Thánh Cha lặp lại trong mỗi chuyến tông du của ngài và nó không bao giờ trở nên nhàm chán.
Ngày 25 tháng Mười Một năm 2019, câu chuyện lại diễn ra tại Nhà thờ Chính toà Thánh Mary, Tokyo. Những chứng ngôn của Leonardo, Miki, và Masako.
Đức Thánh Cha nói: “Nhìn thấy và nghe thấy năng lượng và sự hăng hái của chúng con đem lại cho cha niềm vui và hy vọng …. Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ những giấc mơ của chúng con. Hãy cung cấp cho chúng thật nhiều không gian, hãy mạnh dạn hướng nhìn về những chân trời rộng lớn và xem điều gì đang chờ đợi chúng con nếu chúng con khao khát cùng nhau đạt được chúng. Nước Nhật đang cần chúng con, và thế giới cần chúng con, hãy quảng đại, vui tươi và hăng hái, có khả năng chào đón mọi người. Cha cầu nguyện cho chúng con phát triển sự khôn ngoan tinh thần và khám phá ra con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này.”
Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican của ZENIT, tường thuật từ chuyên cơ giáo hoàng.
LOOK INSIDE: #PopeFrancis is soon meeting with #Japanese #young people at the Cathedral of Holy Mary #PopeinJapan (Papal Press Pool)
Dưới đây là toàn văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):
Các bạn trẻ thân yêu,
Cảm ơn các con rất nhiều đã đến đây và ở đây. Nhìn thấy và nghe thấy sinh lực và sự hăng hái của chúng con đem lại cho cha niềm vui và hy vọng. Cha cám ơn chúng con rất nhiều về điều này. Cha cũng cảm ơn Leonardo, Miki và Masako vì những chứng ngôn của các con. Phải can đảm lắm mới có thể mở rộng tâm hồn và chia sẻ như chúng con đã làm. Cha chắc chắn rằng tiếng nói của chúng con là tiếng vang vọng của những tiếng nói của bạn bè cùng lớp chúng con đang có mặt ở đây. Cảm ơn chúng con! Cha biết rằng giữa chúng con có các bạn đến từ những quốc tịch khác, một số người đang tìm nơi nương náu. Chúng ta hãy học cách xây dựng một xã hội mà chúng ta muốn cho ngày mai.
Khi cha nhìn vào chúng con, cha có thể thấy sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ sống ở Nhật Bản ngày nay, và một nét đẹp mà thế hệ chúng con giữ cho tương lai. Tình bạn của chúng con và sự hiện diện của con ở đây nhắc nhở mọi người rằng tương lai không là đơn sắc; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó trong tất cả mọi sự phong phú và đa dạng của những khả năng mà mỗi cá nhân có để đóng góp. Gia đình nhân loại của chúng ta rất cần phải học cách sống hòa thuận và hòa bình với nhau, mà không cần tất cả chúng ta đều phải giống nhau! Chúng ta đang rất cần phát triển trong tình huynh đệ, trong sự quan tâm đến người khác và tôn trọng những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau! Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay thật vui chính vì chúng ta đang nói rằng văn hóa gặp gỡ là có thể. Nó không phải là một điều không tưởng, và người trẻ chúng con có sự nhạy cảm đặc biệt cần thiết để làm cho nó phát triển.
Cha rất ấn tượng trước những câu hỏi các con đặt ra vì chúng phản ánh những kinh nghiệm cụ thể của các con, nhưng cũng là phản ánh những hy vọng và ước mơ của các con cho tương lai.
Leonardo, cảm ơn con đã chia sẻ kinh nghiệm về việc bị bắt nạt tại trường và phân biệt đối xử. Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm được sự can đảm để nói lên những kinh nghiệm như của con. Điều tàn nhẫn nhất của sự bắt nạt là nó tấn công vào lòng tự tin của chúng ta vào ngay thời điểm chúng ta cần nhất là khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với những thử thách mới trong cuộc sống. Có khi, nạn nhân của tình trạng bắt nạt thậm chí còn tự trách mình vì trở thành những mục tiêu “dễ dàng”. Họ có thể cảm thấy như là sự thất bại, yếu đuối và vô giá trị, và cuối cùng dẫn đến những tình huống bi thảm: “Ước gì tôi khác đi …” Nhưng nghịch lý thay, những kẻ bắt nạt lại chính là những người yếu đuối thật sự, vì họ nghĩ rằng họ chỉ có thể khẳng định giá trị của mình bằng cách làm tổn thương người khác. Có khi, họ tấn công bất cứ ai mà họ cho là khác biệt, là người đại diện cho điều gì đó họ thấy bị đe dọa. Trong thâm tâm, những kẻ bắt nạt lại sợ hãi, và họ che đậy nỗi sợ hãi của mình bằng cách thể hiện sức mạnh. Tất cả chúng ta phải hiệp nhất chống lại cái văn hóa bắt nạt này và học cách nói “Đã đủ rồi!” Đây là một căn dịch bệnh, và cùng với nhau chúng con có thể tìm ra loại thuốc tốt nhất để điều trị cho nó. Vẫn chưa đủ nếu chỉ có các tổ chức giáo dục hoặc những người lớn sử dụng các nguồn lực của họ để ngăn chặn bi kịch này; mà điều cần thiết là chính chúng con, bạn bè và đồng nghiệp, đều hợp lực lại và nói: “Không!”, nói “Như vậy là sai trái.” Không có vũ khí nào để chống lại những hành động này mạnh mẽ hơn là việc đứng lên với những bạn cùng lớp và bạn bè của chúng ta và nói: “Chuyện bạn đang làm là sai rồi.”
Sự sợ hãi luôn là kẻ thù của sự thiện hảo vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy về lòng khoan dung, hòa hợp và lòng thương xót, không dạy sự sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giê-su liên tục nói với những môn đệ của Người là đừng sợ hãi. Tại sao vậy? Bởi vì nếu chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em của mình, thì tình yêu này không biết đến sợ hãi (x. 1 Ga 4:18). Như Leonardo nhắc nhở chúng ta, với nhiều người trong chúng ta, khi nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su sẽ cho chúng ta niềm an ủi, vì chính bản thân Chúa Giê-su đã biết việc bị khinh miệt và bị chối bỏ là như thế nào – thậm chí đến mức chịu đóng đinh. Ngài cũng hiểu rõ tình trạng một người ngoại kiều là như thế nào, là một người di cư, là một người “khác biệt”. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giê-su là một “người ngoài cuộc” tối thượng, một người ngoài cuộc tràn đầy sự sống để trao ban. Leonardo, chúng ta luôn có thể nhìn vào tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta cũng có thể bước đến để nhìn thấy tất cả sự sống mà chúng ta có thể cho đi và chia sẻ với những người khác. Thế giới cần chúng con. Đừng bao giờ quên điều đó! Chúa cần chúng con để chúng con có thể động viên tất cả những người xung quanh chúng ta đang tìm kiếm một bàn tay trợ giúp để nâng họ đứng dậy.
Điều này liên quan đến việc phải phát triển một phẩm chất rất quan trọng nhưng lại bị đánh giá thấp: đó là khả năng học cách dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để thấu hiểu họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở rộng những kinh nghiệm và những vấn đề của chúng ta cho một tình yêu có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta không hào phóng dành thời gian cho người khác, thì chúng ta sẽ lãng phí thời gian vào nhiều thứ, mà cuối cùng khiến chúng ta trống rỗng và bối rối; như ở đất nước của cha thì họ gọi là “bị nhồi”. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình và bạn bè chúng con, nhưng cũng dành thời gian cho Chúa qua việc suy niệm và cầu nguyện. Và nếu chúng con thấy khó cầu nguyện, đừng bỏ cuộc. Một hướng dẫn thiêng liêng đầy khôn ngoan nói: cầu nguyện hầu như chỉ là vấn vấn đề để lòng trí ở đó. Giữ thinh lặng; để chỗ trống cho Chúa; hãy để Ngài nhìn chúng con và Ngài sẽ đổ đầy chúng con bằng sự bình an của Ngài.
Đó chính là những gì Miki đã nói. Miki đặt câu hỏi là làm thế nào để người trẻ có thể tạo không gian cho Chúa trong một xã hội quay cuồng và chỉ tập trung vào việc cạnh tranh và làm việc đạt năng suất. Nếu chúng ta nhìn thấy một con người, một cộng đồng hay thậm chí là toàn xã hội càng ngày càng phát triển cao ở bề ngoài, nhưng lại có đời sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sự sống và sinh khí thật. Mọi thứ đều làm họ chán ngán; họ không còn mơ ước, không còn cười hay đùa vui. Họ không còn cảm giác kinh ngạc hay ngạc nhiên. Họ giống như những thây ma; con tim họ đã ngừng đập vì họ không thể ăn mừng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng sống như những nô lệ cho sự cô đơn không gì sánh bằng! Cha nghĩ đến sự cô đơn của rất nhiều người, trẻ và già trong những xã hội thịnh vượng của chúng ta nhưng thường lại vô danh. Mẹ Teresa, người hoạt động giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo, đã từng nói một lời tiên tri: “Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là hình thức nghèo khổ khủng khiếp nhất.”
Chống lại sự nghèo nàn về tinh thần này là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được kêu gọi, và trong đó các con có một vai trò đặc biệt vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong những sự ưu tiên và lựa chọn. Nó có nghĩa là phải nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì tôi có hoặc có thể đạt được, nhưng là tôi có thể chia sẻ nó với ai. Tôi sống cho cái gì không phải là điều quá quan trọng để tập trung vào, nhưng chính là tôi sống cho ai. Mọi điều mọi vật là quan trọng, nhưng con người còn quan trọng hơn. Không có chúng, chúng ta trở nên mất nhân cách, chúng ta mất khuôn mặt và tên gọi, và chúng ta trở thành một đồ vật, có thể tốt hơn những người khác, nhưng cuối cùng chẳng có gì hơn là một đồ vật. Sách Huấn ca nói: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (6:14). Đó là lý do tại sao điều vô cùng quan trọng là phải đặt câu hỏi: “Tôi sống cho ai? Đương nhiên, chúng con là sống cho Chúa. Nhưng Ngài định đoạt rằng chúng con cũng phải sống cho người khác, và Ngài cho chúng con nhiều giá trị, nhiều hướng đi, nhiều ơn và đặc sủng không dành riêng cho chúng con, nhưng để chia sẻ với những người xung quanh chúng con” (Tông huấn Christus Vivit, 286).
Đây là một điều rất đẹp mà các con có thể trao tặng cho thế giới. Hãy làm chứng rằng một “tình bạn xã hội” là có thể! Hãy đặt niềm hy vọng của các con vào một tương lai dựa trên văn hóa gặp gỡ, chấp nhận, huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người cần yêu thương và thấu hiểu nhất. Không cảm thấy cần phải tấn công hoặc khinh thường người khác, nhưng thay vào đó học cách chân nhận những món quà của họ.
Để thân xác sống được, chúng ta phải liên tục hít thở; đó là một điều chúng ta làm mà không nhận biết, theo cách tự nhiên là vậy. Để sống theo ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ này, chúng ta cũng cần phải học cách hít thở thiêng liêng, thông qua cầu nguyện và suy niệm, trong hoạt động hướng nội qua đó chúng ta có thể nghe tiếng Chúa nói với chúng ta trong sâu thẳm tâm hồn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần một hoạt động hướng ngoại, nhờ đó chúng ta tiếp cận được với những người khác trong các hoạt động yêu thương và phục vụ. Hoạt động kép này là điều giúp chúng ta có thể phát triển và khám phá được rằng chúng ta không những được Thiên Chúa yêu thương, mà Ngài còn kêu gọi mỗi người chúng ta đến với một sứ mạng và ơn gọi duy nhất. Chúng ta khám phá điều này đến mức độ chúng ta trao tặng chính mình cho người khác, cho những con người cụ thể.
Masako đã nói về tất cả những điều này từ kinh nghiệm riêng của bản thân khi còn là học sinh và là giáo viên. Bạn hỏi làm thế nào những người trẻ có thể được giúp đỡ để khám phá ra thiện tính và giá trị vốn có của họ. Ở đây một lần nữa, cha phải nói rằng để phát triển, để khám phá ra giá trị, thiện tính và vẻ đẹp bên trong của mình thì chúng ta không thể soi mình trong gương. Chúng ta đã phát minh ra tất cả các loại tiện ích, nhưng chúng ta vẫn không thể tự chụp ảnh linh hồn. Tạ ơn Chúa! Bởi vì để được hạnh phúc, chúng ta cần phải nhờ người khác giúp, để người khác chụp ảnh cho chúng ta. Chúng ta cần phải thoát ra khỏi chính mình để bước đến với người khác, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất (x. Tông huấn Christus Vivit, 171). Cha yêu cầu chúng con hãy vươn bàn tay tình bạn cho những người đến miền đất này theo một cách đặc biệt; họ phải tìm kiếm nơi nương náu ở đất nước của chúng con, thường là sau những đau khổ lớn. Thật vậy, một nhóm nhỏ người tị nạn đang có mặt ở đây với chúng ta, và lòng tốt của các con dành cho họ sẽ cho thấy rằng họ không phải là người lạ lẫm. Chí ít, vì các con xem họ như những người anh chị em.
Một nhà giáo thông thái từng nói rằng chìa khóa để phát triển sự khôn ngoan không lệ thuộc quá nhiều vào việc tìm ra những câu trả lời đúng mà là tìm ra những câu hỏi đúng để hỏi. Không phải tất cả chúng con sẽ trở thành giáo viên như Masako, nhưng cha hy vọng rằng chúng con sẽ tiếp tục hỏi, và giúp những người khác đặt câu hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hình cho một tương lai tốt đẹp hơn cho những người đến sau chúng ta.
Các bạn trẻ thân yêu, cha cảm ơn các con vì sự quan tâm đầy tình thân của chúng con, vì thời gian các con dành cho cha và vì sự chia sẻ những điều trong cuộc sống của chúng con. Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ những giấc mơ của chúng con. Hãy cung cấp cho chúng thật nhiều không gian, hãy mạnh dạn hướng nhìn về những chân trời rộng lớn và xem điều gì đang chờ đợi chúng con nếu chúng con khao khát cùng nhau đạt được chúng. Nước Nhật đang cần chúng con, và thế giới cần chúng con, hãy quảng đại, vui tươi và hăng hái, có khả năng chào đón mọi người. Cha cầu nguyện cho chúng con phát triển sự khôn ngoan tinh thần và khám phá ra con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này. Cha sẽ luôn nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện, và cha xin chúng con cũng hãy cầu nguyện cho cha.
Cha xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và lời chúc lành của cha đến tất cả chúng con, và gia đình và bạn bè của chúng con.
Cảm ơn các con rất nhiều.
© Libreria Editrice Vatican
[01862-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/11/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét