Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)
General Audience In Paul VI - Copyright / Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)

‘Thật tốt cho chúng ta khi mở trang Tin mừng Mát-thêu hôm nay, Chương Năm, câu một đến mười một để hiểu được con đường tuyệt mỹ mà Chúa giới thiệu cho chúng ta, chắc chắn sẽ đưa đến hạnh phúc’

29 tháng Một, 2020 14:04

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:05 sáng trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới về Tám Mối Phúc (trình thuật Kinh Thánh trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu (5:1-11).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt giáo lý về Tám Mối Phúc trong Tin mừng của Thánh Mát-thêu (5:1-11). Văn bản mở ra với “Bài giảng trên Núi,” và điều đó làm sáng tỏ đời sống của người tín hữu cũng như của nhiều người không tín ngưỡng. Thật khó để không bị chạm đến bởi những những lời này của Chúa Giê-su, và khao khát muốn hiểu được ngay lập tức và đón nhận chúng trọn vẹn hơn. Tám Mối Phúc chứa đựng “thẻ căn cước” của người Ki-tô hữu — đây là thẻ căn cước của chúng ta –, vì chúng phác họa nên dung nhan của Chúa Giê-su, cách sống của Người.

Bây giờ chúng ta xét tổng quát những lời dạy của Chúa Giê-su; trong các bài giáo lý tiếp theo chúng ta sẽ phân tích từng Mối Phúc.

Trước hết, quan trọng là hiểu được bối cảnh việc công bố thông điệp này diễn ra như thế nào: Chúa Giê-su nhìn thấy những đám đông đi theo, Người liền đi lên triền dốc thoai thoải bao quanh Biển hồ Ga-li-lê; Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên, công bố các Mối Phúc. Vì vậy, thông điệp gửi trực tiếp cho các môn đệ, tuy nhiên, các đám đông đang ở phía những chân trời, tức là toàn thể nhân loại. Đó là thông điệp cho toàn thể nhân loại.

Hơn nữa, “Núi” chỉ về Núi Si-nai là nơi Đức Chúa trao cho Môi-sê Mười Điều Răn. Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy điều răn mới: nghèo khó, hiền lành, có lòng thương xót … Những “điều răn mới” vượt ra ngoài những quy phạm. Thật vậy, Chúa Giê-su không áp đặt bất cứ điều gì, nhưng chỉ ra con đường hạnh phúc — con đường của Ngài — lặp đi lặp lại tám lần từ “Phúc thay.” Từng Mối Phúc đều được cấu thành gồm ba phần. Trước hết luôn luôn có từ “Phúc thay.” Tiếp theo là hoàn cảnh của những người được phúc: tinh thần nghèo khó, sầu khổ, khao khát công chính, vân vân. Cuối cùng là động lực của các Mối Phúc, được giới thiệu bởi giới từ “vì”. “Phúc thay ai … vì …”. Bát Phúc là như thế, và thật tốt nếu chúng ta học thuộc lòng và đọc lại, để ghi nhớ trong tâm trí và trong lòng luật mà Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta. Chúng ta hãy chú ý đến sự thật này: động lực của Bát Phúc không phải là tình trạng hiện tại, nhưng là điều kiện mới mà người Thi hành đón nhận như là món quà từ Thiên Chúa: “vì Nước Trời là của họ”, “vì họ sẽ được ủi an”, “vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp,” vân vân.

Ở yếu tố thứ ba, đó là động lực dẫn đến hạnh phúc, Chúa Giê-su thường sử dụng hình thái tương lai bị động: “sẽ được ủi an”, “sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, “sẽ được thỏa lòng”, “sẽ được xót thương”, “sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, từ “Phúc thay” mang ý nghĩa gì? Tại sao từng Mối Phúc trong Bát Phúc đều được bắt đầu bằng cách nói “Phúc thay”? Thuật ngữ ban đầu không chỉ về người no đủ hoặc người đang làm rất tốt, nhưng đó chính là người sống trong tình trạng ân sủng, người phát triển trong ân sủng của Chúa và người phát triển trên con đường của Chúa: kiên trì, nghèo khó, phục vụ tha nhân, an ủi … Những ai phát triển trên các con đường này sẽ được hạnh phúc và sẽ là người có phúc.

Thiên Chúa thường chọn những cách thức không ngờ để trao ban chính Người cho chúng ta, có thể chính trong những giới hạn của chúng ta, trong những giọt lệ của chúng ta, trong những thất bại của chúng ta. Đó là niềm vui vượt qua mà anh em Phương Đông của chúng ta nói đến, những điều mang năm Dấu Thương nhưng vẫn sống động, đã đi qua cái chết và đã trải nghiệm quyền năng của Thiên Chúa. Các Mối Phúc luôn dẫn chúng ta đến với niềm vui; chúng là con đường để đạt được niềm vui.

Thật tốt cho chúng ta khi mở trang Tin mừng Mát-thêu hôm nay, Chương Năm, câu một đến mười một để hiểu được con đường tuyệt mỹ mà Chúa giới thiệu cho chúng ta, chắc chắn sẽ đưa đến hạnh phúc.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét