Mỗi người chúng ta là bất toàn, và được yêu trong Nhãn quan của Thiên Chúa
JD FLYNN
06/11/2016
Carl Heinrich Bloch (1834-1890), "Let the Little Children Come Unto Me"
Một phụ nữ mang thai một em bé bị hội chứng Down, và bác sĩ khuyến khích bà nên phá thai. Câu chuyện như vầy diễn ra hàng ngày. Nhưng người phụ nữ này không phá thai; bà sinh ra một bé gái kháu khỉnh. Người mẹ viết một lá thư gửi bác sĩ (letter to the doctor), diễn tả nỗi buồn của bà khi thấy mọi người đều khuyên phá bỏ một thai nhi bị hội chứng Down. Lá thư được đăng trên một mạng xã hội, và bây giờ nó đang làn tràn chóng mặt.
Tôi có hai đứa con và cả hai đứa đều bị hội chứng Down, vì thế nửa số bạn bè của tôi trong tuần này tag cho tôi lá thư được đăng trong tuần.
Tôi thật khâm phục sự hỗ trợ của người mẹ này dành cho đứa con gái. Tôi rất biết ơn vì bà đã gây sự chú ý đến hoàn cảnh của những gia đình có con như bà, và như tôi, là những người phải đối mặt rất cao với khả năng phải phá thai: theo ước tính, khoảng 70% thai nhi được chẩn đoán trước bị hội chứng Down đều bị phá bỏ.
Tôi cũng cảm thấy rất vui khi phương tiện truyền thông dành thời gian để nói đến những người bị hội chứng Down.
Nhưng một phần của lá thư cứ nằm mãi trong đầu tôi. Lặp đi lặp lại, lá thư cứ nói rằng, “đứa con của tôi hoàn hảo.”
* * * * * * *
Tuần trước, đứa con trai 4 tuổi của tôi lấy sách xuống khỏi kệ và xếp đống trên nền nhà. Tôi ngồi xuống và cùng xếp với con. Nhưng sau 1 phút thì nó bắt đầu gào lên. Nó hất mấy quyển sách ra và đá lung tung trên nền nhà. Nó khóc. Vì nó chỉ nói được vài từ, nó không thể giải thích cho tôi lý do tại sao. Dù tôi có cố đến mấy, nó cũng không nguôi ngoai.
Con trai tôi cần thứ gì đó nhưng tôi không hiểu hoặc không cho nó được. Tôi hoàn toàn bị cô đơn. Thực sự là tôi thấy hoảng. Vài phút thoáng qua, những khả năng tồi tệ cho tương lai của nó lóe lên trong đầu tôi: con tôi hầu như luôn luôn không nói được, và sẽ bị nhốt vào trong sự cô đơn và tuyệt vọng. Nó cũng sẽ có những nhận thức hay nhu cầu hoặc những yêu cầu nhưng không ai có thể hiểu. Những ý thích về thói quen sinh hoạt và hành động sẽ phát triển thành một sự lệ thuộc khó chịu. Những sự kỳ quặc của nó sẽ làm các bé khác lảng xa nó trên sân chơi và lớn lên trong tình trạng bị cách ly.
Vợ tôi — giỏi hơn tôi nhiều — đi vào phòng, giải thích đại rằng con trai chúng tôi thích những chồng sách đều nhau, gọn ghẽ và giống nhau. Chúng tôi bắt tay làm ngay, và nó bình tĩnh trở lại, ôm tôi, rồi đi ra xem chương trình Sesame Street.
Sự kinh hoảng của tôi phai dần. Nhưng ngay lúc đó, tôi được nhắc nhớ rằng con trai tôi “bất toàn”. Con gái tôi cũng vậy. Sự khác thường về gien của chúng làm cho cuộc sống của chúng trở nên khó khăn theo những cách mà tôi chưa bao giờ mong đợi. Chúng bị chậm nói và chậm học, và chúng phải chiến đấu với việc kiểm soát cơn bốc đồng, và những tình huống xã hội nào đó, và chúng phải lệ thuộc vào những thói quen được sắp xếp trước. Chúng phải vác trên vai những thập giá thật sự, và sẽ tiếp tục phải vác, trong suốt cuộc đời của chúng.
* * * * * * *
Thật không công bằng khi nói rằng các đứa con của tôi là “hoàn hảo”. Nhưng có một sự mong muốn cháy bỏng của những người yêu thương những người khuyết tật, là muốn nhìn thấy họ sống được trong thời đại nghiệt ngã của chúng ta, và giảm thiểu được những thách đố cho họ. Có một cám dỗ cho rằng thôi cứ giả vờ như cuộc sống của họ vẫn hầu như là bình thường. Tôi cũng có lúc rơi vào cái bẫy của cám dỗ này.
Jean Vanier nói rằng trong thời buổi kỹ thuật điều khiển hiện đại ngày nay, chúng ta tin rằng “là người tức là phải có năng lực.” Tôi thường không tin như vậy. Nhưng đôi lúc tôi vẫn muốn giấu những yếu điểm của con mình, hay thậm chí không thừa nhận nó, để nâng cao phẩm chất của chúng, và nhấn mạnh vào nhân tính của chúng. Những lý lẽ thuyết phục của việc chống phá thai bắt tôi phải kể những câu chuyện về những đứa trẻ dễ thương, thông minh và khỏe mạnh. Đôi lúc, tôi nói về những khả năng khác thường của các đứa con của tôi để yêu thương. Tôi kể những câu chuyện thật, nhưng thường là những câu chuyện không đầy đủ. Các câu chuyện thường để lại những đau khổ, những điểm yếu, những thách đố của chúng.
Sự mong muốn của tôi rằng thế giới sẽ chấp nhận những đứa trẻ như con của tôi làm mờ đi lòng sốt sắng kể nốt toàn bộ sự thật. Sự thật là chúng phải chiến đấu, và chúng tôi cũng vậy.
Tất cả chúng ta đều giấu những yếu điểm của mình. Tất cả chúng ta đều nhắm tới sự hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều có thể bị rơi vào bả nói dối một cách máy móc rằng giá trị con người thì gắn liền với năng lực làm việc, và rằng giá trị con người được tính toán trên khả năng đóng góp.
Nếu những đứa con của chúng tôi không kháu khỉnh hay thông minh; thì chúng vẫn đáng yêu trong nhãn quan của Thiên Chúa. Nếu chúng không thể kể cho chúng tôi nghe “những bí mật,” hay không thể khiêu vũ, hay ôm ấp, thì chúng vẫn được tạo ra trong hình dạng của Thiên Chúa. Chúng không hoàn hảo. Và chúng ta cũng chẳng ai hoàn hảo. Nhưng quyền được sống của chúng, quyền được trợ giúp, quyền được yêu của chúng — một cách đặc biệt — không phụ thuộc vào những gì chúng phải góp phần lại. Vị trí của những người khuyết tật trong xã hội không phụ thuộc vào những gì họ dạy chúng ta, nếu có. Những người khuyết tật xứng đáng có một vị trí trong những cộng đồng của chúng ta giống y như những người bình thường: vì họ được Thiên Chúa yêu, cũng như chúng ta được yêu.
Khi chúng ta làm giảm đi tính chân thực của những tình trạng khuyết tật, cho dù với mục đích tốt đẹp, thì chúng ta lại thừa nhận nguồn gốc giá trị sự sống theo quan điểm xã hội kỹ thuật. Khi chúng ta bảo vệ người khuyết tật vì những gì họ có thể làm cho chúng ta, chúng ta lại vô tình gieo thêm niềm tin cho tư tưởng nói rằng có những cuộc đời đáng sống, và có những cuộc đời không đáng sống. Khi có thêm nhiều loại người bị đánh giá là không còn giá trị cho cuộc sống — người khuyết tật, người già, tù nhân, những bệnh nhân hết thuốc chữa — thì chỉ còn duy nhất những tiêu chuẩn để nhờ đó chúng ta đánh giá được quyền sự sống là những tiêu chuẩn của Thiên Chúa Cha.
Chúa Cha không yêu chúng ta vì sự hoàn hảo của chúng ta. Người không yêu chúng ta vì khả năng cống hiến hữu ích của chúng ta. Người yêu chúng ta như những đứa con bất toàn. Không có điều gì ngoại trừ ân sủng của Người có thể làm cho bất kỳ ai trong chúng ta trở nên hoàn hảo. Không một ai trong chúng ta có thể gọi là hoàn hảo về bất kỳ điều gì, nhưng chỉ có vinh quang của Thiên Chúa.
Chẳng ai trong chúng ta là khỏe mạnh, không ai là có uy quyền, không ai là không phải lệ thuộc. Nhưng chúng ta vẫn có giá trị. Chúng ta có quyền được sống. Chúng ta niềm vui đến Thiên Chúa — Cha của chúng ta trên trời.
Mỗi người chúng ta — dù bị khuyết tật hay không — đề bất toàn: hoàn toàn phải lệ thuộc vào một Người mà Ngài đã đi vào trong thế giới này cũng mỏng giòn, nghèo khó, và cần được giúp đỡ: tất cả đều giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.
[Nguồn: ncregister]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/06/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét