Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Quốc: Giáo dục là vô cùng quan trọng để giải quyết hiện tượng di dân

Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Quốc: Giáo dục là vô cùng quan trọng để giải quyết hiện tượng di dân

Ngày nay chúng ta cần phải gấp rút gắn kết tất cả mọi thành viên xã hội tham gia xây dựng ‘một văn hóa ưu tiên cho đối thoại như là một hình thức gặp gỡ’
15 tháng 6, 2016
migrant
Wikimedia - Cortesia Guardia Di Finanza
Trong bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Đại diện thường trực của Đức Thánh Cha ở Liên Hiệp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác ở Geneva, Đức Thánh Cha chính thức nhắc lại rằng giáo dục là một trong những phương tiện căn bản để đối phó với hiện tượng di cư.
Phái đoàn của Đức Thánh Cha khẳng định, Giáo dục không chỉ là một công cụ để vượt qua được những nguyên nhân tiêu cực của tình trạng di cư, nhưng cũng là một chìa khóa để điều trị cho “tính nghi ngờ, sự thờ ơ và những bất công mà nhiều người di cư đang gặp phải.”
Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng giám mục Jurkovič tại phiên họp thứ 32 của Hội Đồng Nhân Quyền.
Mục 3 – Báo Cáo Viên Đặc Biệt về di dân.
Thưa ngài Chủ tịch,
Phái đoàn của Đức Thánh Cha đã theo dõi những vấn đề di dân với sự chú ý đặc biệt và do đó xin chúc mừng Báo Cáo Viên Đặc Biệt về bài báo cáo của ông. Di cư là một hiện tượng toàn cầu và năm 2015 con số di dân đã vượt quá 244 triệu người, tăng 41% so với năm 2000.
Những hoạt động này thường do nguyên nhân của những sự phân phối không đồng đều về kinh tế và xã hội, những xung đột bạo lực, thiên tai, và kể cả những sự ngược đãi tôn giáo. Đại đa số di dân trên thế giới là công nhân lao động, ra đi để tìm cơ hội cải thiện tình trạng xã hội và kinh tế cho mình. Tất cả chúng ta đều ý thức về sự khủng hoảng kinh tế gần đây và hậu quả của nó gây ra, từng lúc từng lúc, là đánh mất một “viễn cảnh nhân loại” trong giữa những sự dịch chuyển.
Trong lúc hiểu được sự cần thiết của những chính sách quốc gia để giải quyết những dòng lớn người di cư và tị nạn, Phái đoán chúng tôi xin được nhắc lại những thỉnh cầu của Đức Thánh Cha Phanxico thay mặt cho những anh chị em bị bắt buộc phải di tản để tìm một cuộc sống an toàn và xứng đáng gửi tới các nhà lãnh đạo quốc tế. Xin đừng đối xử với những người này như là một sự đe dọa cho tính ổn định quốc gia và rồi để họ rơi vào tình trạng bị bóc lột của những con người bất lương, hay chỉ coi họ như những món hàng hóa, mà không có sự quan tâm đúng về quyền và khát vọng của họ. Mục tiêu Phát Triển Bền vững số 16 của Chương trình Thực hiện Phát triển đến 2030 nhằm mục tiêu “thúc đẩy những xã hội hòa bình và đa dạng tiến đến sự phát triển bền vững, để cung cấp sự công bằng cho tất cả mọi người và xây dựng những cơ quan và tổ chức hiệu quả, có trách nhiệm và đa dạng ở mọi cấp độ.” Mục tiêu này có thể đạt được qua đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau.
Hơn nữa, sự đóng góp to lớn và tích cực của di dân cho những quốc gia tiếp nhận họ phải được trân trọng và khẳng định. Công việc của họ góp phần cho một giải pháp về nhân khẩu của những quốc gia có dân số già. Họ đóng góp bằng việc xây dựng những cầu nối giữa các nền văn hóa và thúc đẩy việc xây dựng và phát triển cho những quốc gia mẹ của họ qua những khoản tiền họ gửi về cho gia đình và qua những kỹ năng mà họ học được. Sự đóng góp tích cực nhất của họ là một minh chứng rõ nét khi họ hoàn toàn hòa nhập vào xã hội của đất nước cưu mang họ, và từ đó ý thức rằng một tương lai tươi sáng hơn có thể cùng nhau xây dựng. Vì lý do này, đối thoại và sự chấp nhận lẫn nhau đóng vai là những yếu tố không thể thiếu được cho sự hội nhập thành công. Thông qua việc tiếp nhận đặt căn bản trên nhân quyền, người di cư trở nên những nhân tố của sự phát triển văn hóa và kinh tế. Hơn nữa, việc thừa nhận những quyền con người căn bản là rất cần thiết cho sự phát triển của việc làm phong phú lẫn nhau.
Những chính sách phù hợp là một đòi hỏi rất quan trọng để bảo đảm việc di cư được an toàn và có trật tự và tôn trọng quyền của di dân. Di cư bất thường, buôn người, và việc cầm giữ ở trại tập trung những nhóm thiểu số không được bảo vệ là một số trong những vấn đề phổ biến liên quan đến những khuynh hướng di cư hiện tại. Ngoài ra có quá nhiều người di cư đang phải tiếp tục làm việc trong những điều kiện bị đe dọa, bị nguy hiểm, và bị coi thường. Họ thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội và là đối tượng cho sự kỳ thị đối xử và lối sống tiêu cực, và không được tiếp cận với những dịch vụ xã hội, giáo dục và y tế.
Điều quan trọng là phải vượt qua những nhân tố “thúc đẩy” di cư tiêu cực, đồng thời áp dụng và thực hiện những chính sách và dự án nhằm giới hạn những ảnh hưởng bất lợi cho sự di cư và đưa ra được sự bảo vệ đặc biệt cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất: trẻ em, phụ nữ và người già. Con người không thể bị cưỡng bức di cư nhưng họ phải được tự do làm việc đó trong những điều kiện có kế hoạch và tự nguyện. Những tổ chức chính phủ và quốc tế, cùng với xã hội dân sự, có trách nhiệm phải soạn thảo thật tỉ mỉ và thi hành những chính sách di trú, những sách lược và những thỏa thuận giúp cho việc di cư được nhân đạo hơn và để bảo đảm rằng hiện tượng này có những kết quả tích cực cho tất cả.
Giáo dục vẫn là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để vượt qua những nguyên nhân tiêu cực của di cư và là cách chữa trị cho thái độ nghi ngờ, thờ ơ và bất công mà nhiều di dân đang phải trải qua. Có một nhu cầu bức thiết là chia sẻ thêm kiến thức và bảo đảm cho sự hội nhập văn hóa và xã hội. Giáo dục có thể đóng một vai trò then chốt trong tiến trình này và trong việc xây dựng những chính sách quốc gia và quốc tế nhằm thúc đẩy sự ý thức tính trách nhiệm và tình hiệp nhất mà mỗi xã hội đều cần phải đặt nền tảng trên nó. Hơn nữa di dân là những lớp người rất tháo vát trong tiến trình di cư: họ phải hiểu được quyền của họ, và được quyền đưa ra những quyết định có ý thức về vấn đề này.
Thưa ngài Chủ tịch,
Tôi muốn kết luận bằng một câu trích dẫn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxico: “Chúng ta được kêu gọi để thúc đẩy một nền văn hóa đối thoại  bằng bất kỳ một phương cách khả thi nào và từ đó tái thiết cơ cấu của xã hội. Văn hóa đối thoại bắt buộc phải có một sự thực hành thật sự và một kỷ luật làm cho chúng ta nhìn những người khác là người đối thoại có giá trị đối với chúng ta, làm cho chúng ta biết tôn trọng người nước ngoài, người nhập cư và những người từ những nền văn hóa khác luôn có giá trị để lắng nghe. Ngày nay chúng ta cần phải gấp rút gắn kết mọi thành viên của xã hội trong việc xây dựng ‘một nền văn hóa ưu tiên cho việc đối thoại như là một hình thức gặp gỡ’ và để tạo ra ‘một phương tiện xây dựng sự đồng tâm và đồng lòng khi đi tìm kiếm  mục tiêu của một xã hội công bằng, sẵn sàng đáp lời và đa dạng.’ (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 239).”
Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét