Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Hành hạ tâm lý là gì và cách để chúng ta nhận biết?

Hành hạ tâm lý là gì và cách để chúng ta nhận biết?

29 tháng Bảy, 2017
Hành hạ tâm lý là gì và cách để chúng ta nhận biết?
Shutterstock

Hành hạ tâm lý đang ngày càng gia tăng. Dưới đây là một số “cờ đỏ” cảnh báo cần biết.

Chúng ta thường nghe nói về những vụ bạo hành gia đình hoặc ngược đãi. Thật đáng buồn, nó đang trên đà gia tăng, đã tăng rất cao ở Anh từ năm 2009 và cả ở Hoa kỳ. Cộng đồng khoa học đang bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về nó.
Nhưng không phải tất cả mọi sự hành hạ đều thuộc thể xác, hoặc đánh đập hoặc bạo lực. Có một loại hành hạ khác âm thầm hơn nhiều, rất khó chứng minh, và thường là gốc rễ của những sự hành hạ khác: đó là hành hạ tâm lý.

Hành hạ tâm lý là gì?

Hành hạ tâm lý hoặc tinh thần là một thái độ bất công và tiêu cực qua đó người vợ hoặc chồng điều khiển người kia, người yếu thế hơn.
Đặc điểm đầu tiên của hình thức hành hạ này là mối quan hệ giữa vợ chồng không cân xứng. Một người mạnh thế hơn người kia và giữ vai trò quyền trên, trong khi người yếu thế hơn dần dần đánh mất ý thức về sự tự do của mình.
Vì thế, đặc điểm đầu tiên là không có sự bình đẳng và cũng không có sự tôn trọng trọn vẹn đối với người kia. Một trong hai người cố gắng điều khiển người kia, để hạn chế bớt quyền tự do của họ, bắt người kia phải phục tùng. Và người kia, hoặc vì sợ hãi hoặc vì yếu thế, dần dần đi tới một mối quan hệ ngột ngạt và tan vỡ dần. Kết cục của mối quan hệ này rất thường khi từ hành hạ tâm lý sẽ dẫn đến hành hạ thể xác.
Sự thật là cả nam giới và phụ nữ đều có thể chịu đựng hành hạ tâm lý, vì cả hai đều có thể có cá tính hoặc ích kỷ hoặc mánh khóe. Tuy nhiên, những thống kê cho thấy nạn nhân của sự hành hạ này chủ yếu là phụ nữ, vì họ thường là phái yếu hơn trong mối quan hệ.
Sự hành hạ này có mối liên quan gì đến văn hóa hay thời đại? Dường như nó không đơn thuần là một vấn đề văn hóa: thật ra, sự hành hạ thể xác và tinh thần trong hôn nhân không gắn chặt với một văn hóa hay tầng lớp đặc biệt nào, hoặc những cuộc hôn nhân sớm hay hôn nhân trưởng thành. Và nó cũng không chỉ là đối với phụ nữ.
Nhưng gần đây, điều đáng lo nhất là trong một thời đại khi các quyền và phẩm giá của người phụ nữ là một sự thiện hảo xã hội được công nhận và được thăng tiến, thì sự hành hạ vẫn không giảm bớt. Ngược lại, trong số những đôi vợ chồng trẻ, nơi một thế hệ lớn lên và được giáo dục về sự bình đẳng về quyền giữa nam và nữ, lại thường có những vụ hành hạ thể xác và tâm lý, bạo lực tình dục, làm nhục trên các mạng xã hội và mọi hình thức hăm dọa.

Khi sự hành hạ bắt đầu: Những dấu hiệu cảnh báo ban đầu

Khi nào có thể dò tìm được dấu hiệu của sự hành hạ? Trước khi để mình lao vào vòng xoáy của tình trạng bị hành hạ tâm lý, bạn có thể dò tìm được “những dấu hiệu lạ” ngay từ giai đoạn hẹn hò. Đây là những lá cờ đỏ cảnh báo cho bạn bấm nút “Tạm dừng,” hay thậm chí chấm dứt luôn mối quan hệ.
Sự hành hạ tâm lý xảy ra ngay từ giai đoạn đầu của mối quan hệ, và dần dần lớn lên qua tiến trình bị quyến rũ dần. Trong giai đoạn đầu, nạn nhân bị làm mất ổn định và dần dần đánh mất lòng tự tin, tính độc lập và sự tự do hành động.
Nó là một tiến trình âm thầm và tiệm tiến trong đó cái nhìn về thực tại của nạn nhân dần dần bị lẫn lộn do bị điều khiển. Theo con đường này, nạn nhân bị mất suy nghĩ dứt khoát và khả năng tự bảo vệ, rơi vào thái độ bị lệ thuộc vào người hành hạ là người giữ quyền trên.

Những dấu hiệu hành hạ tâm lý trong quan hệ vợ chồng

Sự hành hạ luôn bắt đầu từ một mối quan hệ không bình đẳng và luôn dẫn đến tình trạng lệ thuộc tinh thần của vợ hoặc chồng vào người kia. Đây là dấu “đèn đỏ” đầu tiên xuất hiện, trước khi sự hành hạ thực sự xảy ra.
Người hành hạ tỏ rõ cách điều khiển hành vi của người bạn đời. Anh ta điều khiển đồng tiền người vợ tiêu xài, định đoạt cách thể hiện của vợ chồng trước mọi người theo ý anh ta muốn, và cố gắng ngăn cản cô ấy không dành thời gian cho bạn bè hay thậm chí những thành viên khác trong gia đình nếu không có sự đồng ý của anh ta. Vì lý do này, anh ta hướng đến việc điều khiển những hoạt động, giờ giấc sinh hoạt, và việc sử dụng mạng xã hội của vợ.
Về mặt khác, anh ta có khuynh hướng chỉ đặt trọng tâm chú ý vào những vấn đề của anh ta, giảm thiểu tính quan trọng của các vấn đề của người bạn đời, nhận lấy công lao mọi sự thành tựu của gia đình, làm cho người bạn đời có cảm giác rằng nếu không có sự hỗ trợ của anh ta, chẳng có gì thành sự được. Họ là những con người sử dụng ngôn ngữ mệnh lệnh, và tìm cách điều khiển ý kiến của người khác, ngay cả khi ý kiến đó thuộc vấn đề chung của cộng đồng hoặc trong đời sống xã hội. Nạn nhân liên tục chịu đựng sự thiếu thốn lòng tự trọng và tự do, ngay cả trong quan hệ tình dục.
Tin vui là một sự tỉnh táo về cảm xúc có thể giúp chúng ta dò tìm được những tình huống này để không dễ dàng xem nó như một điều gì đó bình thường. Tỉnh táo về cảm xúc là một chìa khóa chính để phát triển mà không đánh mất mục tiêu tốt đẹp về một mối quan hệ mà chúng ta là người trong cuộc.
Nhưng quan trọng là chúng ta phải biết phân biệt được làn ranh mong manh giữa một tình yêu đích thực và một “ảo tưởng của tình yêu cam chịu.” Tình yêu đích thực không chấp nhận sự cam chịu. Tình yêu chân thành là một quà tặng chứ không phải một sự chiếm hữu. Khi điều này thiếu vắng trong mối quan hệ vợ chồng, tính ích kỷ sẽ lấn át trội lên chứ không phải tính cao thượng của tình yêu.
Khi chúng ta bắt đầu xây dựng một mối quan hệ, đối với chúng ta chuyện không bao giờ muốn xảy ra là chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của sự bạo hành. Nhưng thật đáng buồn, lòng mong muốn “giữ quyền kiểm soát” trong một số hoàn cảnh dẫn đến cảnh một số đôi vợ chồng lún sâu vào tình trạng bạo hành gia đình. Khi bạo lực bắt đầu xảy ra, càng lúc càng khó thoát khỏi nó.
Những mối quan hệ phải được thể hiện nổi bật qua sự chia sẻ mục tiêu theo đuổi hạnh phúc và thịnh vượng trong đường hướng chung nuôi dạy con cái để chúng phát triển đúng nhân vị. Những khó khăn và khủng hoảng là một phần của đời sống và phát triển của con người, và do vậy cũng là một phần của đời sống vợ chồng.
Nhưng quan trọng là chúng ta phải biết phân biệt thật rõ ràng giữa một thời khắc hay giai đoạn khủng hoảng và một trạng thái khác thường diễn ra đều đặn trong những mối quan hệ không lành mạnh. Khi chúng ta quên những yếu tố chắc chắn thuộc về bản chất trong mối quan hệ, chúng ta đã đánh mất những thông số cho phép chúng ta dò tìm được các mối quan hệ không lành mạnh.

Mục này được viết chung với Javier Fiz Pérez, nhà tâm lý học, Giáo sư Tâm lý tại Đại học Châu Âu của Roma, đại diện cho nhóm Phát triển Khoa học Quốc tế và trưởng của Bộ phận Phát triển Khoa học của Hội Tâm lý Tích cực Châu Âu  (IEPP).
Bài này đầu tiên được đăng trên Aleteia Phiên bản tiếng Tây ban nha.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét