Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người

Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người

“Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc.”

24 tháng Ba, 2018
Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người
Wikimedia Commons
“Tòa Thánh luôn luôn nhấn mạnh rằng chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng,” theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc. “Nước sinh hoạt không an toàn là nguyên nhân của nhiều cái chết mỗi ngày, và làm lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, trong đó có những bệnh do vi sinh vật và các chất hóa học.”

Bài trình bày của đức tổng giám mục ngày 23 tháng Ba, 2018, trong Sự kiện Cấp cao của “Thập niên Hành động Quốc tế: ‘Nước cho Sự Phát triển Bền vững’” tại Liên Hợp quốc ở New York.

Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám mục Auza tập trung sự chú ý vào chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo, vì nguồn nước không an toàn gây tử vong và lây lan những căn bệnh liên quan đến nước. Ngài nói, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh rằng sự tiếp cận được với nguồn nước an toàn, có thể uống được là một quyền căn bản và phổ quát của con người, và là một điều kiện để thực hành nhân quyền. Vì thế, phải gia tăng cấp vốn để bảo đảm cho sự tiếp cận với nước và sự vệ sinh trên toàn cầu, những nỗ lực giảm bớt lãng phí và sử dụng bất phù hợp, và nâng cao việc giáo dục và ý thức.

Đức Tổng Giám mục Auza nói đến những dự án được Tòa Thánh hỗ trợ, chẳng hạn Quỹ Gioan Phaolo II cho khu vực Sahel, cung cấp nước uống sạch cho người nghèo, chống lại tình trạng sa mạc hóa, bơm nước, huấn luyện nhân sự về chuyên môn, và phát triển các đơn vị nông nghiệp. Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc, đòi hỏi điều mà Đức Thánh Cha Phanxico gọi là một “sự chuyển biến sinh thái” sang một văn hóa chăm sóc và đoàn kết.


Dưới đây là bài phát biểu của ngài.

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi mong muốn gửi lời cảm ơn ông đã triệu tập sự kiện cấp cao này và có được cơ hội để chia sẻ quan điểm của chúng tôi về những vấn đề liên quan đến nước trước Thập niên Hành động Quốc tế 2018-2028, với chủ đề “Nước cho sự Phát triển Bền vững,” được khởi động từ hôm nay.

Tòa Thánh luôn luôn nhấn mạnh rằng chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Nước sinh hoạt không an toàn là nguyên nhân của nhiều cái chết mỗi ngày, và làm lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, trong đó có những bệnh do vi sinh vật và các chất hóa học.

Trong những năm vừa qua, những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được như bệnh lỵ và bệnh tả, do thiếu vệ sinh và những nguồn cấp nước, đã gây ra hàng ngàn cái chết và là một nguyên nhân đáng kể về tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

Trong Tông huấn Chúc tụng Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng “sự tiếp cận được với nguồn nước an toàn, có thể uống được là một quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó vô cùng thiết yếu đối với sự tồn tại của con người, và là một điều kiện để thực hành nhân quyền. Thế giới mắc một món nợ xã hội rất lớn đối với người nghèo là những người không có đủ sự tiếp cận được với nước uống vì họ bị từ chối quyền có được một cuộc sống phù hợp với phẩm giá bất biến của họ.”[1]

Thưa ông Chủ tịch,

Nước là một tài nguyên khan hiếm và không thể thiếu được và là một quyền căn bản ảnh hưởng đến việc thi hành những quyền con người khác. Sự thật hiển nhiên này phải được đặt lên đầu khi cân nhắc những ưu tiên phân phối và sử dụng nước. Nó cũng lên tiếng kêu gọi phải giảm bớt sự lãng phí và sự tiêu thụ bất hợp lý, gia tăng cấp quỹ để bảo đảm việc tiếp cận phổ quát đối với nước và vệ sinh cơ bản, và nâng cao ý thức và hiểu biết về sự tương quan giữa sự sống và nước.

Tòa thánh tích cực thúc đẩy những dự án cung cấp nước uống an toàn cho người nghèo. Chẳng hạn Quỹ Gioan Phaolo II cho vùng Sahel, hàng năm cung cấp những nguồn tài nguyên thiết yếu để hỗ trợ những cộng đồng trong các vùng khan hiếm hoặc không có nguồn nước. Quỹ thực hiện những dự án chống sa mạc hóa, bơm nước, phát triển những đơn vị nông nghiệp và huấn luyện nhân sự có chuyên môn để phục vụ cộng đồng của họ. Tòa Thánh cũng thúc đẩy sự kết nối xã hội và sự hòa hợp tôn giáo giữa những cá nhân và cộng đồng được hưởng lợi từ những dự án về nước.

Thưa ông Chủ tịch,

Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc. Vì lý do này, sự khủng hoảng về nước cũng là một mệnh lệnh phải tiến đến với “sự chuyển biến sinh thái” sâu sắc, [2] được thể hiện qua một văn hóa chăm sóc và đoàn kết, làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở thành một nơi đáng sống hơn và huynh đệ hơn, một nơi không ai bị bỏ rơi và tất cả mọi người có được cuộc sống khỏe mạnh và đúng phẩm giá.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.


1. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Chúc tụng Chúa, 30.

2. Nt. 216.

Copyright © 2018 Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét