Vị Linh mục chánh xứ Gaza: Gaza là một ‘cái lồng’ nơi bom đạn giết chết (cũng như) hy vọng. Cần một thỏa thuận ngừng bắn
Nói với AsiaNews, vị linh mục chánh xứ mô tả thực tế bi thảm của những người dân đang ngày càng tuyệt vọng hơn. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong bóng tối của sự đối đầu giữa Israel và Iran, với một tia hy vọng cho các cuộc đàm phán ngừng bắn mới. Ông Netanyahu sẽ đến thăm Nhà Trắng vào tuần tới.
06 THÁNG BẢY, 2025 23:20
ZENIT STAFF
(ZENIT News – Asia News / Gaza City, Palestine, 06.07.2025). - “Gaza đã trở thành một cái lồng, không chỉ là một nhà tù lộ thiên, nơi người dân ngày càng tuyệt vọng. Đây là một thực tế bi thảm, đó là lý do ngày nay việc quan trọng hơn là phải gieo một chút hy vọng, theo cách thực tế, để điều này có thể chấm dứt. “Hãy cầu nguyện và làm việc vì hòa bình”, Cha Gabriel Romanelli, linh mục chánh xứ Giáo xứ Latinh Thánh Gia tại Gaza, đã liên lạc được qua điện thoại trong một trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi hệ thống liên lạc với lãnh thổ Palestine hoạt động trở lại sau các đợt phong tỏa gần đây do Israel áp đặt.
Cha giải thích, “Tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì chiến tranh càng kéo dài thì điều kiện sống càng trở nên xấu hơn mỗi ngày.” Bom đạn, tên lửa và các chiến dịch quân sự của quân đội Israel vẫn tiếp diễn, ngay cả trong ‘cuộc chiến 12 ngày’ giữa Israel và Iran. Thực tế, mức độ bạo lực còn khốc liệt hơn, nếu có thể tin được, dù nó bị mờ nhạt bởi cuộc chiến giữa Nhà nước Do Thái và Cộng hòa Hồi giáo chiếm lĩnh các bản tin quốc tế.
Trong khi đó, công tác ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn (dù mong manh) đang được nối lại.
Mệt mỏi và tuyệt vọng
Cha Romanelli nói: “Dù thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn cố gắng giữ vững tinh thần, nhưng người dân rất, rất mệt mỏi. Nhiều người trong số 500 người tị nạn mà chúng tôi tiếp nhận trong giáo xứ rơi vào trạng thái trầm cảm, vì họ không nhìn thấy hồi kết, dù đã có vài lời nói và nhiều thông báo.”
Liên quan đến vấn đề này, tin tức mới nhất cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ sang Hoa Kỳ trong tuần tới để gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Hy vọng được đặt vào ông Trump để bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza giống như với Iran, khi nhiều người lo ngại về một cuộc leo thang nghiêm trọng có thể biến cuộc chiến giữa hai kẻ thù lịch sử thành một xung đột khu vực, nếu không muốn nói là toàn cầu.
Triển vọng ngừng bắn đang ngày càng rõ nét hơn trong thời gian gần đây, nhưng mỗi tuyên bố đều phải được đánh giá một cách thận trọng, để tránh tạo ra hy vọng hão huyền.
Cha Romanelli nói: “Họ nói rằng họ muốn, rằng họ nên, rằng có lẽ tuần này” có thể thay đổi điều gì đó, “nhưng đồng thời người ta vẫn nghe thấy tiếng bom, trong khi các mảnh đạn rơi xuống như mưa, mặt đất rung chuyển thật sự, và bạo lực dường như không bao giờ kết thúc”.
Giáo xứ vẫn cố gắng duy trì các hoạt động hàng ngày, dù tình hình ngày càng nghiêm trọng.
Vị linh mục người Argentine, thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể cho biết: “Chúng tôi đã kết thúc năm học, và bắt đầu các hoạt động hè cho các di dân, thanh thiếu niên và các gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải tạm dừng các hoạt động này, ngay cả trong khuôn viên, vì đôi lúc rủi ro quá cao.”
Cha nói thêm: “Nhiều mảnh đạn đang rơi xuống. Ngay cả những người tị nạn mà chúng tôi tiếp nhận tại trung tâm cũng cảm thấy bị nguy hiểm. Họ trú ẩn trong nhà thờ để cầu nguyện, hoặc ở trong phòng của họ, dù đôi khi mảnh đạn bay vào qua cửa sổ hoặc chúng tôi bị trúng đạn.”
Cha chia sẻ, “Nhiệt độ rất cao, gần 40 độ C kèm độ ẩm cao. Thỉnh thoảng chúng tôi tìm cách sạc lại pin năng lượng mặt trời và bật quạt một chút, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, và sự thoải mái chỉ ở mức tối thiểu.”
Về vấn đề tiếp tế, vị Linh mục chánh xứ cho biết, “chúng tôi vẫn còn lương thực, vì chúng tôi đã dự trữ từ đợt ngừng bắn trước, dự phòng cho tình hình xấu hơn. Thực phẩm đủ cho người tị nạn và một số gia đình lân cận, chúng tôi cố gắng nấu ăn được hai lần mỗi tuần, chúng tôi cố gắng hết sức nhưng chúng tôi buộc phải chia khẩu phần và không thể nói được nguồn cung cấp sẽ đủ dùng trong bao lâu. Chúng tôi không còn khả năng giúp đỡ hàng chục ngàn gia đình như trước đây, nhờ Tòa Thượng phụ Latinh.”
Gaza và cuộc chiến Israel - Iran
Chiến sự tại Gaza vẫn tiếp diễn, mặc dù bị lu mờ bởi các biến cố trong khu vực hoặc quốc tế tràn ngập trên các mặt báo.
“Ngay cả trong thời gian cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran, xung đột ở đây vẫn tiếp diễn, thậm chí còn ác liệt hơn, nếu có thể tưởng tượng được, với hàng chục hàng chục nạn nhân mỗi ngày. Không có gì thay đổi, và người dân ngày càng suy sụp, nhiều người lo sợ sẽ có sự trả thù còn khốc liệt hơn nữa,” do tên lửa của Iran rơi xuống lãnh thổ Israel.
Cha nói thêm: “Các cuộc oanh tạc tiếp tục gây ra nhiều cái chết hơn, nhiều người bị thương hơn, nhiều sự tàn phá hơn trong một thảm kịch không hồi kết, trong khi không có dấu hiệu nào của viện trợ nhân đạo, của lệnh ngừng bắn hay mở cửa biên giới.”
Trong Năm Thánh này, vẫn không thiếu những người hướng về tương lai “với một chút hy vọng nhỏ nhoi. Ngừng bắn đã được đề cập đến nhiều lần. Tổng thống Hoa Kỳ đã cố gắng chấm dứt chiến tranh với Iran, và một số người nghĩ rằng ông ấy cũng có thể kết thúc cuộc xung đột của chúng tôi đã kéo dài suốt 634 ngày.”
Tuy nhiên, cho đến khi “chúng tôi nhìn thấy được kết quả” của các cuộc đàm phán và sáng kiến, “chúng tôi sẽ không tự huyễn hoặc mình quá nhiều, vì sau đó nỗi đau càng lớn hơn và lấy đi phần sức lực ít ỏi còn lại của chúng tôi. Sự vỡ mộng là tình trạng chung ở Gaza này.”
Cha Romanelli nhấn mạnh: “Mọi người có lương tri đều kêu gọi hòa bình, để chấm dứt tất cả những điều này. Ngừng bắn là bước đầu tiên tối cần thiết đối với xã hội Israel và Palestine, vì chiến tranh làm tổn thương tất cả mọi người, mọi phía; đâu đâu cũng có những gia đình bị thương tích, những xã hội bị tổn thương và kiệt quệ.”
Trong bức tranh ngày càng bi thảm này, không thiếu các sáng kiến của những người muốn cho thấy cả hai mặt của thảm kịch tại Gaza, nơi con người vẫn đang tiếp tục bị giết chết. Nỗi đau không phân biệt biên giới hay rào cản, nhất là khi nó ảnh hưởng đến trẻ em.
Đây là lý do tại sao các nhà hoạt động của phong trào Standing Together đang thúc đẩy sáng kiến của một số người dân Gaza, một lần nữa nói về khả năng ngừng bắn, với việc phóng thích con tin cuối cùng vẫn còn bị Hamas giam giữ.
Người Palestine, trong đó có những bậc cha mẹ đau đớn vì mất con, đang thúc đẩy các “cuộc biểu tình thầm lặng” bằng cách trưng các biểu ngữ và hình ảnh về những trẻ em Israel đã bị sát hại trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Những cuộc biểu tình này nhằm nhấn mạnh rằng thảm kịch chiến tranh tác động đến (và lẽ ra nên đoàn kết) cả hai dân tộc Israel và Palestine, gợi nhớ đến các cuộc biểu tình tương tự do các nhà hoạt động tại nhà nước Do Thái tổ chức “chống lại cuộc chiến tiêu diệt ở Gaza”.
Trước đó, các thành viên của Standing Together từng xuống đường mang theo hình ảnh các trẻ em Palestine bị giết trong gần hai năm xung đột, bất chấp sự phản đối từ cảnh sát vốn từ đầu đã cấm các cuộc diễu hành này.
Những sáng kiến như vậy – liên kết những đứa trẻ bị sát hại tại Gaza bởi quân đội Israel với những trẻ em bị thảm sát trong cuộc tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10 – là một phần không thể thiếu trong công việc của tổ chức phi chính phủ Arab-Israel này, một phong trào quần chúng đoàn kết người Palestine gốc Israel và người Do Thái nhằm đấu tranh chống lại sự chiếm đóng quân sự các vùng lãnh thổ của Palestine và sự phân biệt chủng tộc.
Thành lập vào năm 2015, phong trào này hiện có hàng ngàn thành viên, và đã có thể đưa ra lập trường mạnh mẽ, thậm chí chống lại một phần đáng kể trong dân số Israel trong bối cảnh chiến tranh liên miên, tổ chức các cuộc tuần hành và biểu tình trên khắp Israel nhằm kêu gọi hòa bình.
Xuất phát từ ý tưởng rằng xã hội Israel hiện đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc, tổ chức do anh Alon Lee Green và chị Rula Daood đồng chủ trì muốn đại diện và lên tiếng cho những ai cảm thấy mình không được lắng nghe, và những người muốn tiếp tục theo đuổi lý tưởng hòa bình và chung sống.
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/7/2025]