Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Toàn văn huấn từ ‘Kinh Lạy Cha’ của Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung

Toàn văn huấn từ ‘Kinh Lạy Cha’ của Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung
© Vatican Media

Toàn văn huấn từ ‘Kinh Lạy Cha’ của Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung

‘Sự đối đầu giữa tự do và những mưu chước của tà thần’

01 tháng Năm, 2019 15:21

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Cô-rinh-tô 10:13).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Toàn văn huấn từ ‘Kinh Lạy Cha’ của Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” hôm nay đến lời cầu nguyện gần cuối cùng: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6:13). Một phiên bản khác nói: “Xin đừng để chúng con sa vào cám dỗ”. “Kinh Lạy Cha” bắt đầu thật yên bình: lời kinh khiến chúng ta khát khao rằng chương trình vĩ đại của Thiên Chúa trở nên trọn vẹn giữa chúng ta. Rồi lời kinh hướng cái nhìn vào cuộc sống, và nó giúp chúng ta kêu xin những thức chúng ta cần cho mỗi ngày: “lương thực hàng ngày.” Rồi lời kinh đi vào những mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, thường bị úa màu bởi tính tự cao tự đại: chúng ta xin sự tha thứ và chúng ta cam kết tha thứ. Tuy nhiên, chính lời khẩn cầu gần cuối này làm cho cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa Cha Trên Trời, theo một cách nói là, bước vào trọng tâm của câu chuyện, tức là sự đối đầu giữa tự do và những mưu chước của tà thần.

Như chúng ta biết, cách diễn tả bằng tiếng Hy Lạp nguyên bản trong các Tin mừng rất khó diễn giải theo đúng cách, và tất cả các bản dịch hiện đại đều có phần nào đó không chắc chắn. Tuy nhiên, chúng ta có thể chung quy về một yếu tố: bất kể văn bản được hiểu như thế nào, chúng ta phải chắc chắn loại trừ ý tưởng cho rằng Thiên Chúa là nhân vật chính của những cám dỗ cài trên lối đi của con người, dường như chính Thiên Chúa núp ở đâu đó rồi đặt ra các mưu chước và cạm bẫy đối với con cái của Người. Một cách diễn giải theo cách này trước tiên mâu thuẫn với chính văn bản và hoàn toàn không phải là hình ảnh của Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng: “Kinh Lạy Cha” bắt đầu bằng câu thưa “Lạy Cha chúng con.” Và một người cha thì không bao giờ đặt cạm bẫy cho những đứa con của mình. Người Ki-tô hữu không có một Thiên Chúa đố kỵ, ganh đua với con người, hoặc là người vui thích khi đưa con người vào những trò thử thách. Đây là những hình ảnh của rất nhiều thần ngoại giáo. Trong Thư của Thánh Tông đồ Gia-cô-bê, chúng ta đọc thấy: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” (1:13). Chuyện hoàn toàn ngược lại: Chúa Cha không phải là tác giả của điều xấu, và không đứa con nào xin một con cá lại được cho một con rắn (x. Lc 11:11) — như lời Chúa Giê-su dạy — , và khi điều xấu xuất hiện trong đời sống của con người, Ngài chiến đấu bên cạnh con người, để con người có thể được giải thoát — Thiên Chúa là Đấng luôn luôn chiến đấu cho chúng ta, không chống lại chúng ta. Người là Cha! Chính trong ý nghĩa này mà chúng ta cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha.” Hai thời khắc này — thử thách và cám dỗ — hiện hữu một cách huyền nhiệm trong cuộc đời của chính Chúa Giê-su. Chính trong kinh nghiệm này mà Con Thiên Chúa hoàn toàn trở thành người anh của chúng ta. Và chính những trích đoạn Tin mừng này cho chúng ta thấy rằng các lời khẩn cầu khó khăn nhất của “Kinh Lạy Cha,” những lời kết thúc của kinh, đã được nhận lời: Thiên Chúa không để chúng ta cô đơn, nhưng qua Chúa Giê-su, Người tỏ lộ chính Người là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đi đến những hậu quả cực điểm. Người ở cùng chúng ta khi Người trao ban sự sống cho chúng ta, Người ở cùng chúng ta trong suốt cuộc đời, Người ở cùng chúng ta trong niềm vui, Người ở cùng chúng ta trong những lúc thử thách, Người ở cùng chúng ta trong những lúc buồn, Người ở cùng chúng ta trong những thất bại, khi chúng ta phạm tội, nhưng Người luôn ở cùng chúng ta, vì Người là Cha và không thể bỏ rơi chúng ta.

Nếu chúng ta bị cám dỗ làm điều xấu, từ bỏ tình huynh đệ với người khác hoặc khát khao quyền lực tuyệt đối trên mọi sự và mọi người, Chúa Giê-su đã đánh bại cám dỗ này cho chúng ta: những trang đầu tiên của các Tin mừng chứng thực điều này. Ngay sau khi lãnh nhận Phép Rửa bởi Gioan giữa đám đông các tội nhân, Chúa Giê-su lui vào trong hoang mạc và bị Satan cám dỗ. Satan hiện hữu. Có rất nhiều người đặt vấn đề: “Tại sao lại nói đến quỷ là điều thuộc thời cổ đại? Quỷ không còn tồn tại nữa.” Nhưng xem Tin mừng dạy anh chị em điều gì: Chúa Giê-su đối mặt với quỷ; Satan cám dỗ Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su chối bỏ mọi cám dỗ và chiến thắng vinh quang. Tin mừng Mát-thêu có một ghi chú rất thú vị, là câu kết của cuộc đối mặt giữa Chúa Giê-su và kẻ thù: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (4:11).

Nhưng ngay cả trong thời khắc thử thách cực độ, Thiên Chúa vẫn không bỏ chúng ta một mình. Khi Chúa Giê-su lui vào và cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni, tâm hồn Người phủ đầy sự đau đớn khôn tả — Người nói điều đó cho các môn đệ — và Người trải qua sự cô độc và bị bỏ rơi — một mình, gánh lấy tất cả mọi tội của thế gian trên đôi vai của Người; một mình, với sự đau đớn khôn tả. Cơn thử thách quá lớn đến mức có điều bất ngờ xảy ra. Chúa Giê-su không van xin tình yêu cho riêng Ngài, tuy nhiên đêm đó Người buồn phiền đến chết, và rồi Người cần có sự gần gũi của các người bạn của Ngài: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy!” (Mt 26:38). Như chúng ta biết, các môn đệ với tâm hồn mệt mỏi trĩu nặng vì sợ hãi, chìm vào giấc ngủ. Trong thời khắc đau đớn, Chúa xin con người không bỏ rơi Người, nhưng ngược lại con người lại ngủ. Còn Chúa thì luôn canh chừng trong những lúc con người trải qua cơn thử thách. Trong những thời khắc kinh khủng nhất của cuộc đời, trong những thời khắc đau khổ lớn nhất, những thời khắc thống khổ nhất, Thiên Chúa canh thức với chúng ta, Chúa chiến đấu với chúng ta, Người luôn ở gần chúng ta. Tại sao? Người làm như vậy vì Người là Cha. Đây là cách chúng ta bắt đầu lời kinh nguyện: “Lạy Cha chúng con.” Và một người cha thì không bao giờ bỏ rơi con của mình. Nỗi buồn phiền và cuộc chiến đấu của Chúa Giê-su trong đêm đó là dấu niêm phong cuối của của sự Nhập thể. Thiên Chúa xuống trần để tìm kiếm chúng ta trong những vực sâu và những khó nhọc ghi dấu trong lịch sử.

Toàn văn huấn từ ‘Kinh Lạy Cha’ của Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung

Điều an ủi trong giờ thử thách của chúng ta là biết rằng vực sâu đó mà Chúa Giê-su đã vượt qua, không còn bơ vơ cô độc nhưng được chúc phúc bởi sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta!

Vì vậy, Lạy Chúa, xin cất đi cho chúng con giờ thử thách và cám dỗ. Nhưng khi giờ đó đến với chúng con, thì xin Cha cho chúng con thấy rằng chúng con không cô đơn. Người là Cha. Xin giúp chúng con thấy rằng chính Chúa Ki-tô đã mang trên mình Người tất cả sức nặng của thập giá. Xin giúp chúng con thấy rằng Chúa Giê-su kêu gọi chúng con cùng vác thập giá với Người, từ bỏ mình mà tín thác cho tình yêu của Cha. Cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét