Tiếp Kiến Chung: “Tâm hồn anh chị em có mang hơi thở của niềm vui không?”
Giáo lý về về sự Ghi nhớ, niềm Hy vọng và Ơn gọi (bản dịch)
30 tháng Tám, 2017
Tiếp Kiến Chung 30/08/2017 © L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về niềm Hy vọng trong buổi Tiếp Kiến Chung, 30 tháng Tám, 2017, trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Đặt ra thử thách đặc biệt với giới trẻ, ngài nói rằng tất cả mọi người phải trả lời câu hỏi này: “Trong tôi, trong tâm hồn tôi, có mang hơi thở của sự vui mừng không?”
Ngài lấy ví dụ về tiếng gọi của Chúa Giê-su với các tông đồ đầu tiên và bằng cách nào mà tiếng gọi đó mang đến niềm hy vọng và ký ức. Ngài nhắc về một tông đồ – Gio-an – kể lại chính xác thời gian, thậm chí trong tuổi già của ngài, “một ký ức rõ ràng của tuổi trẻ, vẫn còn nguyên vẹn trong bộ nhớ của ngài khi về già.”
Đức Thánh Cha nhắc lại những câu hỏi mà Chúa Giê-su đặt ra cho các tông đồ đầu tiên: “Các anh, những người trẻ tuổi, các anh tìm gì? Trong tâm hồn các anh, các anh tìm gì?” Ngài nói rằng những người trẻ không đi tìm một điều gì đó “ không phải là người trẻ; họ đã về hưu, họ trở nên già trước tuổi.”
Theo Đức Thánh Cha, có nhiều cách để khám phá ơn gọi. Nhưng ngài nói rằng “mọi ơn gọi đều bắt đầu bằng sự gặp gỡ với Chúa Giê-su là Đấng ban cho chúng ta niềm vui và niềm hy vọng mới, trong đời sống hôn nhân, đời sống tận hiến, đời sống linh mục, và dẫn đưa chúng ta, nhưng cũng phải qua những thử thách và khó khăn, đến một “cuộc gặp gỡ trọn vẹn hơn, sự gặp gỡ đó trở nên lớn lao hơn; sự gặp gỡ với Người và đạt đến sự viên mãn của niềm vui.”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) đầy đủ của ZENIT từ bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha Phanxico.
JF
Bài giáo lý về niềm Hy vọng và Ký ức
Hôm nay tôi xin quay lại với một chủ đề rất quan trọng: sự liên hệ giữa niềm hy vọng và ký ức, và đặc biệt liên quan đến ký ức của ơn gọi. Và tôi lấy một ví dụ về tiếng gọi của Chúa Giê-su với các tông đồ đầu tiên. Kinh nghiệm này vẫn lưu dấu in lại trong ký ức của họ, đến mức một người trong các ông còn kể ra cả giờ gặp gỡ: “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Tác giả Tin mừng Gio-an kể lại trình thuật theo ký ức rõ ràng về tuổi trẻ, vì Gio-an viết điều này khi ông đã về già.
Cuộc gặp gỡ diễn ra gần sông Gio-đan, nơi Gio-an Tẩy giả làm phép rửa; và những người thanh niên Ga-li-lê đã chọn Gio-an Tẩy giả là người linh hướng cho họ. Một ngày kia Chúa Giê-su đến, và để ông làm phép rửa cho Ngài trong dòng sông. Ngày hôm sau Người lại đến nơi đó, và người làm Phép rửa, tức là Gio-an Tẩy giả nói với hai môn đệ của ông, “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (c. 36).
Đó là một “ánh sáng lóe lên” cho hai người. Họ rời bỏ người thầy đầu tiên của họ và đi theo Chúa Giê-su. Trên đường, Người quay sang các ông hỏi một câu hỏi dứt khoát: “Các anh tìm gì thế?” (c. 38). Chúa Giê-su xuất hiện trong các Tin mừng như một chuyên gia về tâm hồn con người. Lúc đó Người đã gặp hai thanh niên kia, họ đang đi tìm, một thao thức rất tốt lành. Quả thật, có người trẻ nào là người tự thỏa mãn và không có đặt ra cho mình một câu hỏi nào về ý nghĩa? Những người trẻ không đi tìm một điều gì đó không phải là người trẻ; họ đã về hưu, họ trở nên già trước tuổi. Thật đáng buồn khi thấy những người trẻ tuổi về hưu. Và Chúa Giê-su, xuyên suốt Tin mừng, trong tất cả các cuộc gặp gỡ xảy ra với Ngài trên đường, đều thể hiện là “người nhóm ngọn lửa” cho các tâm hồn. Vì thế câu hỏi của Người nhằm tìm kiếm khát khao vượt lên cuộc sống và khát khao hạnh phúc mà mỗi người trẻ mang trong mình: “Các bạn tìm gì thế?” Cha cũng muốn hỏi các bạn trẻ đang ở đây trong Quảng trường hôm nay, và những người đang lắng nghe qua các phương tiện truyền thông: “Chúng con, những người trẻ tuổi, chúng con đi tìm điều gì? Trong tâm hồn chúng con, chúng con tìm gì?”
Ơn gọi của Gio-an và An-rê bắt đầu từ đó. Đó là sự khởi đầu của một tình bạn hữu mạnh mẽ với Chúa Giê-su về đời sống và những nhiệt huyết với Người. Hai vị tông đồ bắt đầu đi theo Chúa Giê-su và ngay lập tức được biến đổi thành những nhà rao giảng, vì khi kết thúc cuộc gặp gỡ họ trở về nhà và luôn thao thức: điều này cũng xảy ra như vậy với hai người anh em sau đó – Si-mon và Gia-cô-bê – ngay sau đó các ông cũng đã đi theo. Họ đến với các ông và nói: Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a; chúng tôi đã tìm được một tiên tri vĩ đại”: họ loan tin. Họ là những nhà loan báo cho cuộc gặp gỡ đó. Đó là một sự gặp gỡ quá xúc động và hạnh phúc đến mức các tông đồ nhớ mãi cái ngày đã khai mở trí và định hướng cho tuổi trẻ của họ.
Làm sao chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong thế giới hôm nay? Chúng ta có thể khám phá theo nhiều cách, nhưng trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng dấu chỉ đầu tiên là niềm vui của sự gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đời sống hôn nhân, đời sống tận hiến, đời sống linh mục: mọi ơn gọi đều bắt đầu với sự gặp gỡ Chúa Giê-su là Đấng ban cho chúng ta niềm vui và niềm hy vọng mới và dẫn đưa chúng ta, cũng phải qua những thử thách và khó khăn, đến một cuộc gặp gỡ trọn vẹn hơn, sự gặp gỡ đó trở nên lớn lao hơn; cuộc gặp gỡ với Người và đạt đến sự viên mãn của niềm vui.
Chúa không muốn những con người miễn cưỡng bước theo sau Người, mà trong tâm hồn không mang hơi thở của niềm vui. Anh chị em, những người đang có mặt trong Quảng trường, tôi xin hỏi anh chị em – mỗi người hãy tự trả lời cho mình – tâm hồn anh chị em có mang hơi thở của niềm vui không? Mỗi người hãy tự hỏi mình: “Trong tôi, trong tâm hồn tôi, có mang hơi thở của niềm vui không?” Chúa Giê-su muốn những người đã trải nghiệm được điều đó cùng với Ngài cho đi niềm hạnh phúc vô biên, mà nó được canh tân mỗi ngày trong đời sống. Một môn đệ của Vương quốc Thiên Chúa mà không mang trong mình niềm vui là không rao giảng cho thế giới này; người ấy buồn bã. Chúng ta không trở thành những người rao giảng của Chúa Giê-su bằng cách mài giũa ngôn ngữ cho sắc bén: anh chị em có thể nói, nói, nói nhiều nhưng ngoài ra không có gì khác nữa thì làm sao chúng ta có thể trở thành những người rao giảng Chúa Giê-su? Bằng cách giữ cho đôi mắt long lanh niềm hạnh phúc. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều Ki-tô hữu, cả những người trong giữa chúng ta, chỉ bằng đôi mắt của mình đã chuyển tải niềm vui của đức tin: bằng đôi mắt của họ!
Vì vậy, là một người Ki-tô hữu, cũng như Mẹ Đồng trinh Maria, hãy bảo vệ ngọn lửa đức ái , ngọn lửa đức ái với Chúa Giê-su. Chắc chắn, có những thử thách trong đời; có những thời khắc mà chúng ta buộc phải tiếp tục tiến bước bất chấp những cơn gió lạnh và thổi ngược chiều, bất chấp những đắng cay. Nhưng người Ki-tô hữu biết con đường dẫn đến ngọn lửa thiêng liêng đó đã mãi mãi soi sáng trong họ.
Nhưng tôi đề nghị, xin đừng để chúng ta bị cuốn theo những con người chán nản và thất vọng, đừng để chúng ta lắng nghe những lời khuyên yếm thế không gieo cấy nguồn hy vọng trong đời; đừng tin vào những người ngay từ đầu dập tắt mọi nhiệt huyết bằng cách nói rằng chẳng có điều gì đáng để hy sinh cả đời. Chúng ta đừng lắng nghe những kẻ “già nua” tâm hồn muốn bóp nghẹt mọi hăng hái của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với những người lớn tuổi với đôi mắt sáng ngời niềm hy vọng! Để rồi chúng ta gieo trồng những kế hoạch lành mạnh: Chúa muốn chúng ta có khả năng ước mơ giống như Người và cùng với Người, khi chúng ta chăm chú bước đi trong thực tại, ước mơ về một thế giới mới. Và nếu ước mơ đó bị dập tắt, hãy quay trở lại ước mơ từ đầu, vẽ nên niềm hy vọng từ ký ức của những nguồn cội, của những con người đã qua đi, có thể sau một cuộc đời không quá tốt lành, đang được ẩn giấu dưới lớp tro của lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giê-su.
Và đây là một chiều kích nền tảng của đời sống người Ki-tô hữu: hãy nhớ đến Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô nói với môn đệ của ngài: “Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô” (2 Tm 2:8); đây là lời khuyên của Thánh Phao-lô vĩ đại: “Hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô.” Nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, ngọn lửa của tình yêu mà sẽ đến một ngày với ngọn lửa đó hiểu được rằng đời sống của chúng ta là một dự án tốt lành, và làm hồi sinh lại niềm hy vọng của chúng ta bằng ngọn lửa này.
Bản dịch (tiếng Anh) của © ZENIT Virginia M. Forrester
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/08/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét