Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico

‘Hôm nay Chúa Giê-su nói lại cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta đi vào và đời sống của con sẽ biến đổi’”

26 tháng Một, 2020 10:43

Chúa nhật hôm nay ngày 26 tháng Một năm 2020 đánh dấu Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất kể từ ngày thiết lập bởi Đức Thánh Cha Phanxico. Trong tông thư Aperuit Illis, Đức Thánh Cha chỉ định ngày lễ hàng năm luôn rơi vào Chúa nhật Thứ Ba Mùa Thường niên. Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:


***

“Đức Giê-su bắt đầu rao giảng” (Mt 4:17). Với những lời này tác giả Tin mừng Mát-thêu giới thiệu sứ vụ của Chúa Giê-su. Đấng là Lời Chúa đã đến để nói với chúng ta, bằng chính những lời của Người và bằng chính đời sống của Người. Trong Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất này, chúng ta hãy quay trở lại cội cội nguồn việc rao giảng của Ngài, quay trở lại nguồn mạch ban đầu của Lời sự sống. Tin mừng hôm nay (Mt 4:12-23) giúp chúng ta biết được cách thức, địa điểmnhững người mà Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng.

1. Người đã bắt đầu như thế nào? Bằng cách diễn tả đơn giản: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (c. 17). Đây là thông điệp chính của tất cả những bài giảng của Chúa Giê-su: để nói với chúng ta rằng Nước Trời đã đến gần. Điều này mang ý nghĩa gì? Nước Trời có nghĩa là triều đại của Thiên Chúa, tức là cách thức Thiên Chúa trị vì qua mối quan hệ của Người với chúng ta. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng Nước Trời đã đến gần, rằng Thiên Chúa đã đến gần. Đây là tính mới mẻ, thông điệp đầu tiên: Thiên Chúa không xa cách chúng ta. Đấng cư ngụ trên Nước Trời đã xuống trần gian; Ngài trở thành người phàm. Người đã phá tan những bức tường và rút ngắn những khoảng cách. Bản thân chúng ta không xứng đáng với điều này: Người đã xuống để gặp gỡ chúng ta.

Đây là một tin vui: Thiên Chúa xuống để trực tiếp thăm viếng chúng ta, bằng cách trở thành phàm nhân. Ngài không ôm lấy tình trạng của con người chúng ta vì nghĩa vụ nhưng vì yêu. Vì yêu, Người đã mang lấy bản tính con người chúng ta, vì người ta sẽ ôm giữ lấy những gì người ta yêu thương. Thiên Chúa mang lấy bản tính con người vì Người yêu thương chúng ta và khao khát tặng ban cho chúng ta ơn cứu độ, vì nếu chỉ một mình và đơn độc thì chúng ta không thể hy vọng đạt được. Người muốn ở lại với chúng ta và ban cho chúng ta vẻ đẹp của sự sống, bình an trong tâm hồn, niềm vui được tha thứ và cảm nhận được yêu thương.

Bây giờ chúng ta có thể hiểu được yêu cầu rõ ràng mà Chúa Giê-su đưa ra: “Hãy sám hối,” nói một cách khác là “Hãy thay đổi đời sống của bạn.” Thay đổi đời sống của bạn, vì một đời sống mới đã bắt đầu. Thời gian bạn sống cho riêng bản thân đã qua đi. Hôm nay Chúa Giê-su nói lại cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta đi vào và đời sống của con sẽ biến đổi.” Đó là lý do tại sao Chúa tặng ban cho bạn Lời của Người, để bạn có thể đón nhận nó như một lá thư tình Người đã viết cho bạn, để giúp bạn nhận ra rằng Người đang ở bên cạnh bạn. Lời của Người an ủi và động viên chúng ta. Đồng thời nó thách đố chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi vòng cương tỏa của tính ích kỷ và kêu gọi chúng ta hãy hoán cải. Vì Lời Người có sức mạnh biến đổi đời sống chúng ta và dẫn dắt chúng ta ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng.

2. Nếu chúng ta xem xét đến địa điểm Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng, chúng ta thấy rằng Người bắt đầu từ chính những nơi khi đó bị cho là ở “trong bóng tối.” Cả bài đọc một và Tin mừng kể cho chúng ta về những người “ngồi trong miền đất và bóng tối của sự chết.” Họ là những cư dân của “Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại” (Mt 4:15-16; cf. Is 8:23-9:1). Miền Ga-li-lê của dân ngoại, đây là nơi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người, được đặt cho tên này vì nó bao gồm những người thuộc các sắc tộc khác nhau và là quê hương của nhiều dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa đa dạng. Nó đúng là “con đường ra biển,” một ngã tư đường. Các ngư phủ, người buôn bán và ngoại kiều đều cư ngụ ở đó. Nó hoàn toàn không phải là nơi để tìm được sự thuần khiết tôn giáo của dân tộc được chọn. Nhưng Chúa Giê-su đã bắt đầu từ đó: không phải từ sân chính điện của đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhưng từ phía đối diện của đất nước, từ Ga-li-lê của dân ngoại, từ miền biên giới, từ vùng ngoại vi.

Tại đây có một thông điệp cho chúng ta: lời của ơn cứu độ không đi tìm kiếm những nơi còn nguyên vẹn, sạch sẽ và an toàn. Thay vì vậy, lời đi vào những nơi phức tạp và tối tăm trong cuộc sống của chúng ta. Bây giờ, cũng như lúc đó, Thiên Chúa muốn đến thăm những nơi chúng ta cho rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới. Và không biết bao nhiêu lần chính chúng ta là những người đóng cửa, muốn giữ kín sự hỗn độn của chúng ta, mặt tối và tính hai mặt của chúng ta. Chúng ta khóa kín giữ chúng ở bên trong, đến với Chúa bằng những lời kinh thuộc lòng, cảnh giác vì sợ rằng sự thật của Người sẽ khuấy động tâm hồn chúng ta. Nhưng như Tin mừng hôm nay nói với chúng ta: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (c. 23). Người đi qua tất cả vùng đa dạng và phức tạp đó. Cũng vậy, Người không e sợ khám phá địa hình tâm hồn của chúng ta và đi vào những góc cuộc đời gồ ghề nhất và khó khăn nhất. Người biết rằng chỉ riêng lòng thương xót của Người là có thể chữa lành cho chúng ta, chỉ riêng sự hiện diện của Người có thể biến đổi chúng ta và chỉ riêng lời Người có thể đổi mới chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy mở rộng những con đường ngoằn ngoèo của tâm hồn chúng ta cho Người, là Đấng bước đi dọc theo “con đường cạnh biển hồ”; chúng ta hãy chào đón lời Người vào trong tâm hồn chúng ta, lời đó thì “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi … và phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

3. Cuối cùng, Chúa Giê-su bắt đầu nói với những ai? Tin mừng nói rằng, “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá’” (Mt 4:18-19). Những người đầu tiên được gọi là các ngư phủ; không phải là những người được lựa chọn cẩn thận vì khả năng của họ hoặc là những người sốt sắng cầu nguyện trong đền thờ, nhưng là những con người lao động bình thường.

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều Chúa Giê-su nói với họ: tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người. Ngài đang nói với những ngư dân, sử dụng ngôn ngữ để họ dễ hiểu. Cuộc sống của họ thay đổi ngay lập tức. Người kêu gọi họ tại chính nơi của họ và với chính con người của họ, để làm cho họ trở thành những người chia sẻ sứ vụ của Người. “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (c. 20). Tại sao lại ngay lập tức? Vì họ cảm thấy bị lôi cuốn. Họ không vội vã vì họ nhận được một mệnh lệnh, nhưng vì họ bị cuốn hút bởi tình yêu. Để theo Chúa Giê-su, chỉ với việc thiện thôi là chưa đủ; chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi của Người mỗi ngày. Người, Đấng duy nhất biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta trọn vẹn, dẫn đưa chúng ta để đặt chúng ta vào chiều sâu của cuộc sống; cũng như Người đã làm với các môn đệ lắng nghe tiếng Người.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần lời của Người: để chúng ta có thể nghe thấy, giữa hàng ngàn tiếng nói khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, rằng lời đó nói với chúng ta không phải về vật chất, nhưng về sự sống.

Anh chị em thân mến, hãy dành không gian trong đời sống chúng ta cho Lời Chúa! Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hoặc hai câu Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với Tin mừng: chúng ta hãy để Tin mừng mở ra trên bàn, mang nó trong túi chúng ta, đọc nó trên điện thoại, và cho phép nó truyền cảm hứng cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa rất gần gũi với chúng ta, rằng Người xua tan bóng tối của chúng ta, và dẫn đưa cuộc sống chúng ta đi vào những dòng nước sâu bằng tình yêu lớn lao.

[Văn bản của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)] [Ngôn ngữ chính: tiếng Ý]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét