Thứ Tư, 16 tháng 7, 2025

Bạn có đoán được thứ gì nặng tương đương lượng thư từ mà Đức Giáo hoàng nhận mỗi ngày không?

Bạn có đoán được thứ gì nặng tương đương lượng thư từ mà Đức Giáo hoàng nhận mỗi ngày không?

Bạn có đoán được thứ gì nặng tương đương lượng thư từ mà Đức Giáo hoàng nhận mỗi ngày không?

Aleteia


Cerith Gardiner

15/07/25


Bạn nghĩ rằng hộp thư của mình bị quá tải? Lượng thư hàng ngày mà Đức Thánh Cha nhận được khiến bạn nhìn vấn đề ở một tầm mức hoàn toàn khác.

Nếu bạn nghĩ rằng hộp thư của mình đang bị quá tải, thì hãy nghĩ đến điều này: Đức Thánh Cha Lêô XIV nhận khoảng 100 kilogram thư mỗi ngày. Vâng, bạn đọc không sai đâu – 100 ký lô!

Đối với những ai quen dùng đơn vị đo lường theo hệ thống Anh, con số ấy tương đương với 220 pound thư từ, bưu thiếp và bưu phẩm được chuyển đến Vatican mỗi ngày. Nó như một trận “tuyết lở” giấy tờ đầy hài hước – quả thật, chúng ta có thể hình dung các nhân viên bưu điện vận chuyển hết bao tải này đến bao tải khác chứa đầy những lời cầu nguyện và lời chào, ngày này qua ngày khác.

Để hình dung 100 kg (≈220 pound), chúng tôi muốn mang đến ít so sánh vui vui và chia sẻ về một vài thứ quen thuộc có trọng lượng xấp xỉ với đống thư hàng ngày của Đức Thánh Cha (bạn có thể khiến các con của bạn kinh ngạc với những dữ kiện này!).

Một vài so sánh vui

Một chú voi con mới sinh: Voi con có trọng lượng khoảng 100 kg (220 pound). Nói cách khác, lượng thư từ hàng ngày của Đức Thánh Cha nặng bằng một chú voi con! Cứ như thể mỗi sáng, một chú voi giấy lại rơi bịch xuống bàn trong phòng thư Vatican – quả là một chuyến giao hàng đặc biệt.

Một chú gấu trúc khổng lồ: Một chú gấu trúc khổng lồ trưởng thành cũng có thể nặng khoảng 100 kg. Hãy hình dung một chú gấu màu đen trắng đáng yêu đó – thì lượng thư từ của Đức Thánh Cha nặng tương đương như thế. Tiếc là, thư từ rõ ràng không mềm mại như lông chú gấu và đội ngũ nhân viên bưu điện ở Vatican có lẽ dễ bị đứt tay vì giấy hơn là một cái ôm.

Một chú chó Saint Bernard trưởng thành: Những chú chó khổng lồ hiền lành này dễ dàng vượt quá 100 kg. Rất may là thư từ không bị chảy dãi như loài chó Saint Bernard!

Gần bằng một cái tủ lạnh: Ngoài động vật ra, bạn đã bao giờ thử di chuyển một cái tủ lạnh chưa? Một chiếc tủ lạnh gia đình trung bình nặng khoảng 250 pound (≈113 kg). Lượng thư từ hàng ngày của Đức Thánh Cha chỉ kém con số đó một chút. Cứ như thể mỗi ngày người ta phải vận chuyển một lượng phong bì và bưu kiện nặng bằng một cái tủ lạnh – chất chứa những lời cầu nguyện và lời chào.

Nói cụ thể, 100 ký lô thư có thể là hàng ngàn lá thư (tùy vào trọng lượng của mỗi lá). Chẳng trách Vatican có cả một văn phòng đặc biệt để xử lý những thư từ của Đức Giáo hoàng! Thật vậy, ngay từ năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận khoảng 30 bao thư lớn mỗi tuần và cần một đội ngũ chuyên trách để phân loại và đọc tất cả những lá thư đó, theo CNS Blog.

Với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Giáo hội, thư từ cứ liên tục đổ về – theo đúng nghĩa đen là hàng tấn. (Với khoảng 100 kg mỗi ngày, thì chúng ta đang nói là gần 1.500 pound - hơn 680 kg - thư được gửi đến Đức Thánh Cha mỗi tuần!)

Hàng ngàn tâm hồn đang kêu cầu

Tuy nhiên, giữa những con số gần như khó tin đó ẩn chứa một thực tế rất cảm động. Dịch vụ bưu chính Ý ghi nhận rằng các thư đến từ khắp nơi trên thế giới – từ Hoa Kỳ đến Ấn Độ, đến Kosovo – mỗi lá đều mang theo tình yêu, niềm hy vọng hoặc một lời thỉnh cầu.

Nhiều lá thư trong số này chứa đựng những lời cầu nguyện tha thiết và những khổ đau riêng của mỗi người, từ bệnh tật đến những khó khăn gia đình. Nói cách khác, “chú voi con” bằng thư đó không chỉ là giấy tờ – đó là hàng ngàn tâm hồn đang kêu cầu.

Hình ảnh vô cùng cảm động (và khiêm nhường) của Đức Thánh Cha Lêô XIV và đội ngũ nhân viên của ngài xử lý 220 pound thư từ mỗi ngày. Đó là một thống kê kỳ lạ với một dòng chảy tình cảm rất kính cẩn: sức nặng của những niềm hy vọng và lời cầu nguyện của toàn thế giới, được đặt trước cửa của Đức Thánh Cha mỗi sáng.

Và Đức Thánh Cha Lêô, với trái tim nhân hậu của ngài, chắc chắn nâng niu từng lá thư – từng bao thư nặng bằng một chú voi con.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/7/2025]


Trong Giáo Hội, gọi người nào đó là “anh em hay chị em” nghĩa là gì? Đức Thánh Cha Lêô XIV giải thích điều đó với Lực lượng Cảnh sát Quân sự Ý

Trong Giáo Hội, gọi người nào đó là “anh em hay chị em” nghĩa là gì? Đức Thánh Cha Lêô XIV giải thích điều đó với Lực lượng Cảnh sát Quân sự Ý

Đức Thánh Cha Lêô XIV cử hành Thánh lễ tại Nhà nguyện Carabinieri Station Ảnh: Vatican Media

Trong Giáo Hội, gọi người nào đó là “anh em hay chị em” nghĩa là gì? Đức Thánh Cha Lêô XIV giải thích điều đó với Lực lượng Cảnh sát Quân sự Ý

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện của lực lượng Cảnh sát Quân sự Ý ở Castel Gandolfo

15 THÁNG BẢY, 2025 18:10

ZENIT STAFF


(ZENIT News / Castel Gandolfo, 15.07.2025) – Sáng thứ Ba, ngày 15 tháng 7, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã dâng Thánh Lễ tại Nhà nguyện Carabinieri Station (carabinieri là Lực lượng Hiến binh của Ý, một Lực lượng Cảnh sát Quân sự giám sát trật tự công cộng và an ninh nội bộ trong nước). Tham dự Thánh Lễ có Bộ Trưởng Quốc Phòng Ý, Tổng Tư lệnh Lực lượng Carabinieri, và Đức Cha Gian Franco Saba, Tổng Giám mục Quân đội Ý. Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha.

*******

Trong Giáo Hội, gọi người nào đó là “anh em hay chị em” nghĩa là gì? Đức Thánh Cha Lêô XIV giải thích điều đó với Lực lượng Cảnh sát Quân sự Ý

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng chúng ta vừa nghe truyền đạt cho chúng ta ý nghĩa Kitô giáo đích thực của của hai từ này. Anh em và chị em là những tên gọi của mối tương quan, mà chúng ta thường lặp lại trong Phụng vụ như một lời chào, như dấu chỉ của sự gần gũi và tình cảm. Đức Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, giải thích ý nghĩa của các từ này liên quan đến chính Ngài và Cha của Ngài, mạc khải một mối dây liên kết bền chặt hơn cả huyết thống, vì nó bao gồm tất cả chúng ta, hiệp nhất mọi người. Thật vậy, tất cả chúng ta thực sự là anh chị em của Đức Giêsu khi chúng ta thực thi Thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là khi chúng ta sống yêu thương nhau, như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.

Như vậy, mọi mối quan hệ mà Thiên Chúa sống, nơi chính Ngài và vì chúng ta, đều trở thành một món quà: khi Con Một của Ngài trở thành người Anh của chúng ta, thì Cha của Ngài trở thành Cha của chúng ta, và Chúa Thánh Thần, Đấng kết hợp Cha và Con, đến ngự trong tâm hồn chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa quá lớn lao đến nỗi Đức Giêsu thậm chí không giữ Mẹ của Ngài cho riêng mình, nhưng trao Đức Maria làm Mẹ của chúng ta trong giờ phút trên thập giá (x. Ga 19:27). Chỉ những ai sống với sự tận hiến trọn vẹn như vậy mới có thể nói rằng: “phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:50).

Cách riêng, những lời này giúp chúng ta hiểu rằng Đức Maria trở thành Mẹ của Chúa Giêsu bởi vì Mẹ lắng nghe Lời Thiên Chúa với lòng yêu mến, đón nhận Lời vào lòng và sống Lời ấy cách trung tín. Khi suy niệm về đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nhắc đến, Thánh Augustinô viết rằng “đối với Mẹ Maria, việc trở thành môn đệ của Đức Kitô còn quý hơn việc trở thành Mẹ của Đức Kitô.” Thật vậy, “Mẹ Maria được chúc phúc vì Mẹ đã lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Sermo 72/A, 7). Ý nghĩa đời sống của Mẹ Maria được tìm thấy trong sự trung tín với Lời được lãnh nhận từ Thiên Chúa: Lời ban sự sống mà Mẹ đón nhận, cưu mang trong dạ và trao ban cho thế giới.

Anh em thân mến, lễ kỷ niệm 75 năm công bố Đức Trinh nữ Trung tín, Virgo Fidelis, là Quan Thầy của Quân đoàn Carabinieri được cử hành gần đây. Chính từ Castel Gandolfo, vào năm 1949, Vị Tiền nhiệm Đáng kính của tôi, Đức Thánh Cha Piô XII, đã chấp thuận đề xuất tốt đẹp này từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Sau thảm kịch chiến tranh, trong thời kỳ tái thiết cả về đạo đức và vật chất, sự trung tín của Mẹ Maria đối với Thiên Chúa đã trở thành khuôn mẫu về lòng trung thành của mỗi Hiến binh Carabinieri đối với tổ quốc và nhân dân Ý. Đức tính này thể hiện sự tận tụy, thanh liêm và kiên trì trong cam kết phục vụ công ích, điều mà các Hiến binh giữ vững qua việc bảo đảm an ninh công cộng và bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người, đặc biệt là những người gặp nguy hiểm.

Vì vậy, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về công việc cao quý và khó khăn mà Quân đoàn thực hiện cho nước Ý và các công dân của đất nước này, cũng như cho Tòa Thánh và các tín hữu đến viếng thăm Rome: tôi đặc biệt nghĩ đến rất đông khách hành hương trong Năm Thánh này.

Lòng sùng kính Đức Trinh nữ Trung tín cũng phản ánh phương châm của các Hiến binh, “Trung Thành qua bao Thế kỷ,” thể hiện ý thức trách nhiệm và sự hy sinh quên mình của mỗi thành viên trong Quân Đoàn, thậm chí đến mức hy sinh bản thân. Vì vậy, tôi cảm ơn các vị Lãnh đạo Dân sự và Quân sự hiện diện tại đây vì những gì quý vị làm để hoàn thành nhiệm vụ của mình: trước những bất công làm suy yếu trật tự xã hội, đừng khuất phục trước cám dỗ cho rằng cái ác có thể chiến thắng. Đặc biệt trong thời gian chiến tranh và bạo lực này, hãy giữ vững lời thề của anh em: trong vai trò là người phục vụ quốc gia, hãy đáp trả tội ác bằng sức mạnh của luật pháp và sự trung thực. Đây là cách mà Quân đoàn Carabinieri, Quân Đoàn Xứng đáng, sẽ luôn xứng đáng với sự kính trọng của người dân Ý.

Trong Thánh Lễ này, khi chúng ta cử hành Cuộc Thương khó, cái Chết và sự Phục sinh của Chúa, thật hợp lẽ và cần thiết để tưởng nhớ đến các hiến binh Carabinieri đã hy sinh mạng sống mình khi thi hành nhiệm vụ: tôi xin giới thiệu với anh em một mẫu gương là Đấng Đáng kính Salvo D’Acquisto, người đã được trao huy chương vàng về lòng dũng cảm, và Hồ sơ Phong Chân phước của ngài đang được tiến hành. Trong mọi nhiệm vụ, xin Đức Trinh Nữ Trung tín đồng hành cùng anh em, yêu thương dõi theo từng người trong anh em, từng gia đình và công việc của anh em.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/7/2025]