Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2025

Đức Thánh Cha Lêô chào đón đoàn hành hương Chính Thống giáo – Công giáo Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Lêô chào đón đoàn hành hương Chính Thống giáo – Công giáo Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Lêô chào đón đoàn hành hương Chính Thống giáo – Công giáo Hoa Kỳ

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

17/07/25


Đức Hồng y Tobin của Tổng Giáo Phận Newark và Đức Tổng Giám mục Chính Thống giáo Hy Lạp Elpidophoros đang dẫn đoàn các tín hữu hành hương đến Rome và Thổ Nhĩ Kỳ, như một dấu chỉ và lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Một đoàn hành hương mang tên “Từ Rome đến Tân Rome”, gồm 50 tín hữu Chính Thống giáo Hy Lạp, Công giáo Nghi lễ Byzantine và Công Giáo La Tinh từ Hoa Kỳ, đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Lêô vào ngày 17 tháng Bảy vừa qua tại Castel Gandolfo.

Nhóm hành hương được dẫn đầu bởi Đức Tổng Giám mục Elpidophoros của Giáo hội Chính Thống giáo Hoa Kỳ và Đức Hồng y Joseph Tobin, Tổng Giám Mục Newark, New Jersey.

Lịch trình chuyến đi bao gồm các điểm dừng chân tại mộ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Rome, và mộ Thánh Anrê ở Constantinople, nay là Istanbul.

Đức Thánh Cha đã nói đến những tiến triển trong sự hiệp nhất và những công việc còn lại, cũng như hàm ý chuyến đi sắp tới của ngài đến Thổ Nhĩ Kỳ để kỷ niệm 1.700 năm Kinh Tin Kính Nicea.

______________________________


Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, cách riêng là Đức Tổng Giám mục Elpidophoros, Đức Hồng y Tobin, và tôi xin chân thành cảm ơn các ngài đã sắp xếp cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ chuyến hành hương của anh chị em. Xin chào mừng tất cả anh chị em. Tôi xin lỗi vì đã đến muộn một chút. Sáng nay có một số cuộc gặp gỡ đã được lên lịch từ trước. Nhưng tôi rất vui vì có được giây phút này để ở cùng anh chị em tại Castel Gandolfo tuyệt đẹp này.

Anh chị em đã khởi hành từ Hoa Kỳ, như anh chị em biết, đó cũng là quê hương của tôi, và hành trình này có ý nghĩa là một sự trở về nguồn, những nguồn cội, những nơi chốn, những đài kỷ niệm của các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Rome, và của Thánh Anrê Tông đồ ở Constantinople. Đó cũng là cách để một lần nữa trải nghiệm đức tin theo cách mới mẻ và cụ thể đến từ việc lắng nghe Tin Mừng, lắng nghe Tin Mừng được các Tông đồ truyền lại cho chúng ta (x. Rm 10:16).

Điều vô cùng ý nghĩa là chuyến hành hương của anh chị em diễn ra trong năm nay, khi chúng ta kỷ niệm một ngàn bảy trăm năm Công đồng Nicea. Bản Tuyên xưng Đức tin được các Nghị phụ của Công đồng thông qua – cùng với những bổ sung được thực hiện tại Công Đồng Constantinople năm 381 – vẫn là di sản chung của tất cả các Kitô hữu, mà đối với nhiều người, Kinh Tin Kính là một phần không thể thiếu trong các buổi cử hành phụng vụ của họ. Rồi một điểm nữa, thật là một sự trùng hợp theo ý Đấng quan phòng, năm nay hai lịch phụng vụ được sử dụng trong các Giáo Hội của chúng ta trùng khớp nhau, để chúng ta có thể đồng thanh hát bài ca Alleluia Phục sinh: “Đức Kitô đã sống lại! Người đã sống lại thật rồi!”

Lời đó công bố rằng bóng tối của tội lỗi và sự chết đã bị đánh bại bởi Con Chiên bị sát tế, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Điều này truyền cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, vì chúng ta biết rằng không một tiếng kêu nào của các nạn nhân vô tội của bạo lực, không một lời than khóc nào của các bà mẹ khóc thương con cái mình mà không được lắng nghe. Niềm hy vọng của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa, chính vì chúng ta không ngừng kín múc từ nguồn ân sủng vô tận của Người, chúng ta được kêu gọi trở thành những chứng nhân và người mang đến niềm hy vọng. Giáo hội Công giáo hiện đang cử hành Năm Thánh với khẩu hiệu, được vị tiền nhiệm của tôi là Đức Thánh Cha Phanxicô chọn, “Peregrinantes in Spe”, nghĩa là những người hành hương của hy vọng. Thưa Đức Tổng Giám mục Elpidophoros đáng kính, chính tên của ngài nói cho chúng tôi biết rằng ngài là người mang đến niềm hy vọng! Tôi hy vọng rằng chuyến hành hương này sẽ củng cố tất cả anh chị em trong niềm hy vọng được sinh ra từ đức tin của chúng ta vào Chúa Phục sinh!

Tại Rome này, anh chị em đã dành thời gian cầu nguyện tại mộ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Khi anh chị em đến viếng thăm Tòa Thượng phụ Constantinople, tôi xin anh chị em chuyển lời chào thăm và cái ôm của tôi, một cái ôm bình an, đến vị hiền huynh đáng kính của tôi là Đức Thượng phụ Bartholomew, ngài đã ân cần đến tham dự Thánh Lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của tôi. Tôi hy vọng sẽ có thể gặp lại anh chị em, trong vài tháng tới, để tham dự buổi cử hành đại kết nhân kỷ niệm Công đồng Nicea.

Chuyến hành hương của anh chị em là một trong những hoa trái dồi dào của phong trào đại kết nhằm khôi phục sự hiệp nhất trọn vẹn giữa tất cả các môn đệ của Đức Kitô theo lời cầu nguyện của Người tại Bữa Tiệc ly, khi Chúa Giêsu cầu nguyện, “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Đôi khi, chúng ta xem nhẹ những dấu chỉ chia sẻ và hiệp thông này, mặc dù chưa biểu thị sự hiệp nhất trọn vẹn, nhưng đã thể hiện những tiến triển về thần học và đối thoại bác ái trong những thập kỷ gần đây.

Ngày 7 tháng 12 năm 1965, ngay trước ngày bế mạc Công đồng Vatican II, vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras đã ký một Tuyên bố chung xóa bỏ khỏi ký ức và khỏi lòng Giáo hội những án vạ tuyệt thông đã xảy ra sau các biến cố năm 1054. Trước đó, một chuyến hành hương như của anh chị em hôm nay có lẽ là điều không thể thực hiện được. Công việc của Chúa Thánh Thần đã tạo nên trong lòng con người sự sẵn sàng để thực hiện những bước đi đó như một dấu chỉ tiên báo về sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình. Phần chúng ta, chúng ta cũng phải tiếp tục khẩn cầu Đấng Phù trợ, Đấng An ủi, ban ân sủng để theo đuổi con đường hiệp nhất và bác ái huynh đệ.

Sự hiệp nhất giữa những người tin vào Đức Kitô là một trong những dấu chỉ của ơn an ủi của Thiên Chúa; Kinh Thánh có lời hứa rằng “tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66:13). Rome, Constantinople và tất cả các Tòa Thượng phụ khác, không được kêu gọi để ganh đua giành quyền tối thượng, kẻo chúng ta có nguy cơ giống như các môn đệ xưa trên đường đi, ngay cả khi Chúa Giêsu đang loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới của Người, vẫn tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong họ (x. Mc 9:33-37).

Trong Sắc chỉ Công bố Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng “Năm Thánh này sẽ dẫn chúng ta hướng tới một lễ kỷ niệm nền tảng khác cho mọi Kitô hữu: vào năm 2033, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm hai ngàn năm ơn cứu chuộc được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu” (Spes Non Confundit, 6). Về mặt thiêng liêng, tất cả chúng ta cần trở về Giêrusalem, Kinh thành Hòa bình, nơi Thánh Phêrô, Thánh Anrê và tất cả các Tông đồ, sau những ngày Chúa chịu khổ nạn và phục sinh, đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần, và từ đó làm chứng về Chúa Kitô đến tận cùng trái đất.

Ước gì cuộc trở về nguồn cội đức tin của chúng ta giúp cho tất cả chúng ta cảm nếm hồng ân an ủi của Thiên Chúa và làm cho chúng ta có khả năng, như người Samari nhân hậu, đổ dầu an ủi và rượu hoan lạc trên nhân loại hôm nay. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/7/2025]