Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Đức Thánh Cha chỉ ra khoảng cách biệt ngày càng lớn trong việc chăm sóc sức khỏe

Đức Thánh Cha chỉ ra khoảng cách biệt ngày càng lớn trong việc chăm sóc sức khỏe

‘Giáo hội không thể giữ im lặng đối với vấn đề này’
18 tháng 11, 2017
Pope Francis during his encounter with meets sick
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Chỉ ra khoảng cách biệt trong sự tiếp cận với dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, ngày 18 tháng 11, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Giáo hội “không thể giữ im lặng” đối với vấn đề này. Ngài tiếp tục khẳng định một Hiến Chương Mới cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe, trong đó nói rằng “quyền căn bản cho việc duy trì sức khỏe gắn liền với giá trị của công bằng, tức là không có sự phân biệt giữa các dân tộc và các nhóm sắc tộc, xét đến những điều kiện sống khách quan của họ và những giai đoạn phát triển, trong khi theo đuổi thiện ích chung, đồng thời là sự tốt đẹp cho tất cả mọi người và cho từng cá nhân” (số 141).
Những bình luận của ngài trong một sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị Quốc tế lần thứ 32 về chủ đề: “Giải Quyết Những Bất Bình Đẳng về Chăm sóc Sức Khỏe Toàn Cầu,” được tổ chức trong Đại sảnh New Synod Hall, 16-18 tháng 11, 2017). Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện cùng hợp tác với Ủy ban Quốc tế các Viện Chăm sóc Sức khỏe Công giáo.
Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ của người Sa-ma-ri Tốt lành nhìn thấy một người đang cần giúp đỡ và “động lòng trắc ẩn” ở lại giúp đỡ: “Lòng trắc ẩn này vượt xa hơn lòng thương hại hay sự đau buồn; nó cho thấy sự sẵn sàng can dự vào hoàn cảnh của người khác.”
Đức Thánh Cha tiếp tục với chủ đề về lòng trắc ẩn: “Một tổ chức chăm sóc sức khỏe hoạt động hiệu quả và đủ khả năng giải quyết những bất bình đẳng không thể quên raison d’être của mình, đó là lòng trắc ẩn: lòng trắc ẩn của các bác sĩ, của các y tá, của ban nhân viên, của những thiện nguyện viên và tất cả những ai có thể giảm bớt được nỗi đau do sự cô đơn và lo lắng gây ra.
“Lòng trắc ẩn cũng là một cách đặc biệt để thúc đẩy tính công bằng, vì cảm thông với người khác giúp chúng ta không chỉ thấu hiểu được những khó khăn, những bấn loạn, những sự sợ hãi của họ, nhưng còn tìm thấy giá trị và phẩm giá duy nhất của người đó trong sự mỏng giòn của con người. Quả thật, nhân bản là nền tảng căn bản của công bình, đồng thời sự công nhận giá trị vô giá của mỗi con người là nguồn lực thúc đẩy chúng ta hoạt động, với sự hăng say và quên mình, để vượt qua mọi sự chênh lệch.”
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Gửi hiền huynh đáng kính
Đức hồng y Phê-rô Kodwo Appiah Turkson
Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện
Tôi xin gửi lời chào mừng thân ái đến tất cả anh chị em tham dự trong Hội nghị Quốc tế lần thứ 32 về chủ đề Giải Quyết Những Sự Bất Bình Đẳng Trong Chăm Sóc Sức Khỏe Toàn Cầu. Tôi xin cảm ơn tất cả những người đã chung sức làm việc để tổ chức sự kiện này, đặc biệt với Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và Liên đoàn Quốc tế những viện Chăm sóc Sức khỏe Công giáo.
Hội nghị năm vừa qua đã lưu ý đến dữ liệu đáng khích lệ về tuổi thọ trung bình và về cuộc chiến toàn cầu chống lại những bùng phát bệnh, đồng thời chỉ ra khoảng cách ngày càng rộng hơn giữa những quốc gia giàu và nghèo liên quan đến sự tiếp cận được với các dược phẩm và việc điều trị chăm sóc sức khỏe.
Từ đó, hội nghị quyết định giải quyết vấn đề cụ thể là những sự bất bình đẳng và những yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường và văn hóa ẩn sau chúng. Giáo hội không thể giữ im lặng trước vấn đề này. Ý thức về trách nhiệm của mình là phục vụ con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, Giáo hội dấn thân phục vụ phẩm giá và những quyền căn bản của họ.
Để đạt mục tiêu này, một Hiến chương mới cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe nói rằng “quyền căn bản cho việc duy trì sức khỏe gắn liền với giá trị của công bằng, tức là không có sự phân biệt giữa các dân tộc và các nhóm sắc tộc, xét đến những điều kiện sống khách quan của họ và những giai đoạn phát triển, trong khi theo đuổi thiện ích chung, đồng thời là sự tốt đẹp cho tất cả mọi người và cho từng cá nhân”(s. 141). Giáo hội đề nghị rằng quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được hưởng sự công bằng phải được điều hòa bằng cách phân phối công bằng những phương tiện chăm sóc sức khỏe và những nguồn tài chính, phù hợp với những nguyên tắc đoàn kết và phân quyền. Như Hiến chương trình bày, “những người chịu trách nhiệm về các hoạt động chăm sóc sức khỏe phải can đảm đối mặt với thách đố của ý thức rằng ‘khi người nghèo trên thế giới còn tiếp tục gõ cửa nhà giàu, thì thế giới giàu có đó đi vào nguy cơ không còn nghe thấy những tiếng gõ cửa đó nữa, vì lương tâm không còn khả năng phân biệt con người là gì’” (s. 91; Caritas in Veritate, 75).
Tôi rất vui khi biết rằng Hội nghị đã soạn thảo một dự án nhắm giải quyết những thách đố đó, cụ thể là thành lập một cương lĩnh hoạt động về sự chia sẻ và hợp tác giữa những viện chăm sóc sức khỏe Công giáo trong những môi trường địa lý và xã hội khác nhau. Tôi khuyến khích những anh chị em gắn kết với dự án này hãy kiên trì trong công việc, cùng với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhân viên chăm sóc sức khỏe và những tổ chức chuyên môn đặc biệt được kêu gọi tham gia vào nhiệm vụ này, vì họ cam kết nâng cao nhận thức trong các tổ chức, các cơ quan phúc lợi và toàn ngành chăm sóc sức khỏe nói chung, vì ích lợi của việc bảo đảm rằng mọi cá nhân đều thực sự được hưởng lợi đối với quyền được chăm sóc sức khỏe. Rõ ràng, điều này không chỉ tùy thuộc vào những cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhưng còn tùy thuộc vào những yếu tố phức tạp của kinh tế, xã hội, văn hóa và việc đưa ra quyết định. Trong cách thực hành, “điều cần thiết là phải giải quyết được những nguyên nhân nghèo khổ theo cấu trúc là không thể trì hoãn, không chỉ vì lý do thực tiễn của tính cấp thiết vì ích lợi của xã hội, nhưng vì xã hội cần phải được chữa lành một căn bệnh đang làm suy yếu và làm nản lòng nó, và điều đó chỉ dẫn đến những khủng hoảng mới. Chỉ nên xem các dự án phúc lợi đáp ứng được một số nhu cầu cấp thiết như là những cách giải quyết tạm thời. Chừng nào những vấn đề của người nghèo không được giải quyết tận gốc bằng cách loại bỏ tính tự chủ tuyệt đối của thị trường và sự đầu cơ tài chính, và bằng cách tấn công vào những nguyên nhân thuộc cấu trúc của sự bất bình đẳng, thì sẽ không thể tìm được giải pháp nào cho các vấn đề của thế giới, hoặc cho vấn đề đó, hoặc cho bất kỳ vấn đề nào. Bất bình đẳng là nguồn gốc của mọi căn bệnh của xã hội.” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 202).
Tôi muốn tập trung vào một khía cạnh nền tảng, đặc biệt đối với những người phục vụ Thiên Chúa qua cách chăm sóc sức khỏe cho những người anh chị em của họ. Trong khi một tổ chức có cấu trúc tốt là vô cùng quan trọng để có được những sự phục vụ cần thiết và sự chú ý tốt nhất đối với nhu cầu của con người, thì những nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng phải thấu hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe, đồng hành và hỗ trợ những người họ chăm sóc.
Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri Tốt lành, Chúa Giê-su cho thấy bước tiếp cận thiết thực cần phải có khi chăm sóc cho người anh em đang đau khổ. Trước hết, người Sa-ma-ri “nhìn thấy.” Ông ta chăm chú nhìn và “động lòng trắc ẩn” trước cảnh một người bị bỏ lại bên vệ đường trần trụi và đầy thương tích. Lòng trắc ẩn này vượt xa hơn lòng thương hại hay lòng đau buồn; nó cho thấy sự sẵn sàng can dự vào hoàn cảnh của người khác. Cho dù chúng ta không bao giờ có thể so sánh ngang bằng được với lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, đó là lòng trắc ẩn làm đầy tràn và canh tân tâm hồn bằng chính sự hiện diện, tuy nhiên chúng ta có thể bắt chước lòng trắc ẩn đó bằng cách “lại gần,” “băng bó vết thương,” “nâng dậy” và “chăm sóc” người anh em (x. Lc 10:33-34).
Một tổ chức chăm sóc sức khỏe hoạt động hiệu quả và đủ khả năng giải quyết những bất bình đẳng không thể quên raison d’être của mình, đó là lòng trắc ẩn: lòng trắc ẩn của các bác sĩ, của các y tá, của ban nhân viên, của những thiện nguyện viên và tất cả những ai có thể giảm bớt được nỗi đau do sự cô đơn và lo lắng gây ra.
Lòng trắc ẩn cũng là một cách đặc biệt để thúc đẩy tính công bằng, vì cảm thông với người khác giúp chúng ta không chỉ thấu hiểu được những khó khăn, những bấn loạn, những sự sợ hãi của họ, nhưng còn tìm thấy giá trị và phẩm giá duy nhất của người đó trong sự mỏng giòn của mọi con người. Quả thật, nhân bản là nền tảng căn bản của công bình, đồng thời sự công nhận giá trị vô giá của mỗi con người là nguồn lực thúc đẩy chúng ta hoạt động, với sự hăng say và quên mình, để vượt qua mọi sự chênh lệch.
Cuối cùng, tôi muốn trình bày với các đại diện của nhiều công ty dược được mời đến Roma để giải quyết vấn đề cơ hội tiếp cận được với liệu pháp kháng vi-rút của các bệnh nhi. Tôi muốn gửi đến quý vị một đoạn trong Hiến chương Mới cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe để quý vị cân nhắc. Đoạn đó như sau: “Cho dù điều không thể phủ nhận rằng kiến thức khoa học và sự nghiên cứu của các công ty dược đều có luật riêng mà họ phải tuân theo – ví dụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và một mức lợi nhuận xứng đáng để hỗ trợ sự phát triển mới – nhưng phải tìm ra những con đường để kết hợp một cách thỏa đáng với quyền được tiếp cận với những liệu pháp điều trị cơ bản hoặc cần thiết, hoặc cả hai, đặc biệt trong những quốc gia chậm phát triển, và trên hết là đối với những trường hợp được gọi là những bệnh hiếm gặp và không được quan tâm, những căn bệnh thường được hiểu là phải đi kèm với các loại thuốc orphan drugs (tạm dịch: thuốc mồ côi). Những chiến lược chăm sóc sức khỏe nhắm mục tiêu theo đuổi công bằng và thiện ích chung phải đi theo hướng bền vững về kinh tế và đạo đức. Quả thật, khi họ phải bảo đảm cho tính bền vững cho cả việc nghiên cứu và các hệ thống chăm sóc sức khỏe, thì đồng thời họ phải đưa ra được những loại thuốc thiết yếu với số lượng phù hợp, với chất lượng bảo đảm, cùng với thông tin chính xác, và giá bán có thể chấp nhận được đối với các cá nhân và cộng đồng” (s. 92).
Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị vì sự cam kết quảng đại mà quý vị cống hiến để thực hiện sứ mạng cao quý của mình. Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho quý vị, và tôi xin quý vị hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện.
© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/12/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét