Screenshot CTV - Image Of Child Jesus And Gospel
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Canh thức Giáng sinh
‘Chúa rất thích được chờ đợi, nhưng chúng ta không thể chờ đợi Người bằng cách nằm ngủ trên ghế sô-pha’
24 tháng Mười Hai, 2018 11:43
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ Canh thức Giáng sinh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.
* * *
Thánh Giu-se cùng hiền thê của ngài là Mẹ Maria đi “lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem” (Lc 2:4). Tối nay, chúng ta cũng vậy, cũng đi lên Bê-lem, để khám phá ra mầu nhiệm Giáng sinh tại đó.
1. Bê-lem: có nghĩa là ngôi nhà lương thực. Trong “nhà” này, hôm nay Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại. Người biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Nhưng Người cũng biết rằng những của ăn nuôi sống của thế gian không làm thỏa mãn tâm hồn. Trong Kinh Thánh, tội nguyên tổ của con người chính là vì của ăn: Sách Sáng Thế ký thuật lại rằng tổ tông của chúng ta “hái trái cây mà ăn” (x. 3:6). Họ đã hái mà ăn. Con người trở nên tham lam và phàm ăn. Trong thời đại của chúng ta, đối với nhiều người thì ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy trong sự sở hữu, trong sự dư thừa quá mức những thứ thuộc vật chất. Lòng tham vô độ in dấu trong toàn bộ lịch sử con người, thật là nghịch lý ngay trong thời đại chúng ta, một số ít người thì ăn uống một cách lãng phí vô độ trong khi quá nhiều người khác phải lê bước chân mà chẳng có được ít lương thực cần thiết để tồn tại.
Bê-lem là một bước ngoặt làm thay đổi dòng lịch sử. Ở đó Thiên Chúa hạ sinh trong một máng cỏ trong ngôi nhà lương thực. Dường như Người muốn nói rằng: “Này Ta đây như lương thực của các con.” Người không lấy đi, nhưng là tặng ban cho chúng ta lương thực để ăn; Người không cho chúng ta một thứ gì đó tầm thường, nhưng là chính thân mình Người. Ở Bê-lem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, nhưng tặng ban nó. Với chúng ta ngay từ khi sinh ra đã quen với việc lấy mà ăn, Chúa Giê-su nói: “Hãy cầm lấy mà ăn. Đây là mình Thầy” (Mt 26:26). Thân mình bé nhỏ của Trẻ thơ Bê-lem nói với chúng ta, chỉ cho chúng ta một con đường mới để sống: không phải bằng thái độ phàm ăn và tích trữ, nhưng là thái độ chia sẻ và trao tặng. Thiên Chúa hạ mình trở nên bé nhỏ để Người có thể trở thành lương thực cho chúng ta. Qua việc ăn chính mình Người là bánh hằng sống, thì chúng ta được tái sinh trong tình yêu, và phá vỡ được vòng xoáy của của tính tham lam và vơ vét. Từ “ngôi nhà lương thực”, Chúa Giê-su đưa đưa chúng ta trở về nhà để chúng ta trở nên gia đình của Thiên Chúa, trở thành anh chị em của tha nhân. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của sự sống không phải là của cải vật chất nhưng là tình yêu, không phải là sự tham lam nhưng là tình bác ái, không phải là sự phô trương nhưng là tính đơn sơ.
Chúa biết rằng chúng ta cần có lương thực mỗi ngày. Đó là lý do Người tặng ban chính mình Người cho chúng ta hàng ngày: từ máng cỏ Bê-lem đến phòng Tiệc Ly ở Giê-ru-sa-lem. Cả ngày hôm nay nữa, trên bàn thờ Người trở thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta; Người gõ cửa nhà chúng ta, đi vào và cùng ngồi ăn với chúng ta (x. Kh 3:20). Trong ngày Giáng sinh, chúng ta trên dương thế đón nhận Chúa Giê-su là bánh từ trời. Đó là một tấm bánh không bao giờ hư nát, nhưng làm cho chúng ta ngay từ bây giờ có được sự nếm trải trước về cuộc sống trường sinh.
Ở Bê-lem, chúng ta khám phá ra rằng sự sống của Thiên Chúa có thể đi vào tâm hồn của chúng ta và cư ngụ ở đó. Nếu chúng ta chào đón món quà đó thì lịch sử sẽ thay đổi, bắt đầu từ mỗi người chúng ta. Vì khi nào Chúa Giê-su cư ngụ trong tâm hồn chúng ta thì trung tâm của cuộc sống không còn là bản ngã ích kỷ và đói khát, nhưng là Đấng sinh ra và sống cho tình yêu. Đêm hôm nay, khi chúng ta nghe những lời kêu gọi hãy đến Bê-lem là ngôi nhà lương thực, thì chúng ta hãy tự hỏi mình: Lương thực cuộc sống của tôi là gì? Điều mà tôi không thể thiếu đó là gì? Có phải đó là Thiên Chúa, hay là một điều gì khác? Rồi khi chúng ta bước vào trong chuồng chiên bò, cảm nhận thấy một hương thơm ngát mới của sự sống, hương thơm của sự giản dị nơi sự nghèo khó mong manh của Hài nhi Mới sinh, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có thật sự cần có những thứ vật chất này và những công thức sống phức tạp không? Tôi có thể xoay sở được mà không cần đến những thứ dư thừa này và sống một đời sống đơn giản hơn không? Ở Bê-lem, chung quanh nơi Chúa Giê-su hạ sinh, chúng ta còn thấy những người đã trải qua một hành trình: Mẹ Maria, Thánh Giu-se và các mục đồng. Chúa Giê-su là lương thực cho hành trình. Người không thích những bữa ăn dài mất thời gian, nhưng bảo chúng ta hãy nhanh chóng đứng dậy khỏi bàn ăn để phục vụ, giống như chiếc bánh được bẻ ra cho những người khác. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Trong Giáng sinh tôi có bẻ tấm bánh của tôi cho những người không có bánh không?
2. Sau ý nghĩa Bê-lem là ngôi nhà lương thực, chúng ta cùng suy tư về Bê-lem là thành trì vua Đa-vít. Tại đó cậu thiếu niên Đa-vít cũng là một mục đồng, và cũng đã được Thiên Chúa chọn để trở thành một người mục tử và người lãnh đạo dân Người. Vào ngày Giáng sinh, trong thành trì Vua Đa-vít, chính các mục đồng là những người chào đón Chúa Giê-su giáng trần. Tin mừng kể cho chúng ta biết đêm hôm đó “khiến họ kinh khiếp hãi hùng” (Lc 2:9), nhưng Thiên Thần nói với họ “anh em đừng sợ” (c. 10). Chúng ta đã bao nhiêu lần nghe câu: “Anh em đừng sợ” trong các Tin mừng? Dường như Thiên Chúa liên tục lặp đi lặp lại lời này khi Người đi tìm chúng ta. Vì ngay từ đầu, do tội mà chúng ta sợ Thiên Chúa; sau khi phạm tội ông A-đam nói: “Con sợ hãi nên con lẩn trốn” (St 3:10). Bê-lem là liệu pháp để chữa cho căn bệnh này, vì dù con người liên tục lặp đi lặp lại chữ “không”, thì Thiên Chúa liên tục nói “có.” Người sẽ luôn luôn là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Và vì sợ rằng sự hiện diện của Người gây nên nỗi khiếp sợ, Người đã biến mình thành một Trẻ thơ mong manh. Đừng sợ: lời này không được nói với các thánh nhân nhưng với các mục đồng, những con người đơn sơ trong thời đó chắc chắn không nổi tiếng về phong thái tao nhã và lòng đạo hạnh. Con Vua Đa-vít hạ sinh giữa các mục đồng để nói với chúng ta rằng sẽ không bao giờ có bất kỳ ai còn cô đơn và bị bỏ rơi; chúng ta có một Đấng Chăn Chiên chinh phục mọi sự khiếp sợ và yêu thương tất cả chúng ta, không loại trừ một ai.
Các mục đồng của Bê-lem cũng nói cho chúng ta biết cách đi đến để gặp gỡ Thiên Chúa. Họ canh thức suốt đêm: họ không ngủ, nhưng thực hiện điều mà Chúa Giê-su thường kêu gọi chúng ta làm, đó chính là hãy tỉnh thức (x. Mt 25:13; Mc 13:35; Lc 21:36). Họ giữ thái độ cảnh giác và chú ý trong bóng đêm; và vinh quang của Thiên Chúa “chiếu tỏa chung quanh” (Lc 2:9). Đây cũng là trường hợp của chúng ta. Đời sống chúng ta có thể được in dấu bằng sự chờ đợi, mà giữa bóng tối ảm đạm của các vấn đề khó khăn vẫn đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa và khao khát được Người đến viếng thăm; rồi chúng ta sẽ đón nhận được sự sống của Người. Hay cuộc sống của chúng ta được in dấu bằng sự thèm muốn, trong đó tất cả những thứ vật chất trở thành sức mạnh riêng và khả năng của chúng ta; và tâm hồn chúng ta bị cản trở không nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Chúa rất thích được chờ đợi, nhưng chúng ta không thể chờ đợi Người bằng cách nằm ngủ trên ghế sô-pha. Các mục đồng ngay lập tức khởi hành: chúng ta được kể rằng họ “liền hối hả ra đi” (c. 16). Họ không chỉ đứng im tại chỗ như những người nghĩ rằng họ đã đến nơi và chẳng cần phải làm gì nữa. Thay vì vậy họ lên đường; họ để lại đàn chiên của họ không được bảo vệ; họ dám phiêu lưu vì Thiên Chúa. Và sau khi nhìn thấy Chúa Giê-su, dù họ không phải là những người giỏi ăn nói, họ vẫn ra đi và loan báo về sự giáng sinh của Người, để “nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên” (c. 18).
Tỉnh thức, lên đường, phiêu lưu, kể lại vẻ đẹp: tất cả đây là những hành động của tình yêu. Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng đến trong ngày Giáng sinh để trao tặng sự sống của Người cho đàn chiên, sau đó vào ngày Phục sinh đã hỏi Phê-rô, và qua ông là hỏi tất cả chúng ta câu hỏi quyết định: “Anh có mến thầy không?” (Ga 21:15). Tương lai của đòan chiên sẽ tùy thuộc vào cách trả lời cho câu hỏi đó. Đêm nay chúng ta được yêu cầu hãy đáp lại cho Chúa Giê-su bằng câu: “Con yêu Người.” Câu trả lời của mỗi người là vô cùng quan trọng cho toàn thể đoàn chiên.
“Nào chúng ta sang Bê-lem” (Lc 2:15). Với những lời này, các mục đồng lên đường. Lạy Chúa, cả chúng con nữa cũng muốn đi đến Bê-lem. Ngày hôm nay cũng vậy, con đường ngược lên đồi dốc: dốc cao của tính ích kỷ cần phải được san phẳng, và chúng ta không được lạc đường hoặc rơi vào tính trần tục hưởng thụ.
Lạy Chúa, con muốn đi đến Bê-lem, vì Người đang đợi con ở đó. Con muốn nhận ra rằng Chúa đang nằm trong máng cỏ kia là lương thực đời sống của con. Con rất cần hương thơm dịu dàng của tình yêu của Người, để về phần con lại có thể trở thành tấm bánh bẻ ra cho thế giới. Xin hãy vác con trên vai của Người, Đấng Chăn Chiên Lành; được Người yêu thương, con có thể yêu thương anh chị em của con và cầm lấy bàn tay của họ. Rồi Giáng sinh sẽ là ngày mà con có thể thưa với Người: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (x. Ga 21:17).
[Văn bản chính: tiếng Anh] [Văn bản của Vatican]
Copyright © libreria editrice vaticana
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét