Vatican Media Screenshot
Tuyên bố của Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 24 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về sự Biến đổi Khí hậu (COP24)
‘Đức tin và lý trí cùng đồng hành giúp chúng ta đưa ra được những lựa chọn tích cực cho lối sống, cho cách điều hành nền kinh tế, và xây dựng một tình đoàn kết toàn cầu thật sự cần thiết để tránh được cuộc khủng hoảng khí hậu này’
19 tháng Mười Hai, 2018 13:18
Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican Tuyên ngôn của Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 24 của Hội nghị Liên Hợp quốc về sự Biến đổi Khí hậu (COP24) tại Katowice, Ba lan, 2-15 tháng Mười Hai, 2018:
*****
Vatican, 19 tháng Mười Hai 2018
Trong Tông huấn Laudato Si’, về việc Chăm sóc cho Ngôi nhà Chung của Chúng ta, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường tính trách nhiệm đối với những chính sách liên quan đến sự biến đổi khí hậu đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu: đối với môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và sự phân chia tài nguyên (xem trong các số 181 và 23-26).
Các nhà lãnh đạo toàn cầu nhóm họp tại Katowice về COP 24 đã cố gắng tìm được ý chí chung để gạt sang một bên những lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn và hoạt động vì ích chung. Sau những tranh luận dài và phức tạp, họ đã đi đến sự thống nhất một bộ quy ước về việc áp dụng Hiệp ước Paris được thông qua năm 2015. Chúng tôi rất biết ơn những nhà lãnh đạo của các Nhà nước và các bên liên quan đã đóng góp cho cuộc đối thoại đa phương này và soạn thảo quyển quy ước. Sự thống nhất về văn kiện sau cùng, khá phức tạp và được trình bày chi tiết, cho thấy sự quyết tâm đối với những cam kết đã đưa ra ba năm trước tại Paris và tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia.
Nhưng đáng tiếc, chúng ta cũng phải lưu ý rằng quyển quy ước không phản ánh đúng được sự cấp bách phải giải quyết sự biến đổi khí hậu, nó “đại diện cho một trong những thách đố chính gia đình nhân loại đang phải đối mặt ngày nay” (Tông huấn LS, 25). Ngoài ra, quyển quy ước dường như làm giảm bớt các quyền con người, là yếu tố then chốt trong việc phản ánh khuôn mặt biến đổi khí hậu của con người, nó ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất. Tiếng kêu của họ và của trái đất đòi buộc phải có thêm quyết tâm và tính cấp bách lớn hơn.
Phái đoàn Tòa Thánh, do Hồng y Phê-rô Parolin Quốc Vụ Khanh dẫn đầu, đã phân tích rõ việc thăng tiến phẩm giá của nhân vị, giảm bớt tình trạng đói khổ bằng cách thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, và giảm nhẹ những tác động của sự biến đổi khí hậu qua cách cùng chung tay với tinh thần trách nhiệm thực hiện những biện pháp áp dụng và làm giảm bớt. Chúng ta cần một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp cho tất cả các bên tùy theo trách nhiệm của họ dựa trên nguyên tắc công bằng.
Thật đáng buồn, theo Báo cáo Đặc biệt IPCC công bố tháng Mười 2018 cho biết chúng ta có trách nhiệm phải giữ giới hạn nhiệt độ tăng toàn cầu trung bình ở mức 1,5°C cao hơn các mức độ trước thời công nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi động viên phải có nhiều quyết tâm lớn hơn trong việc cam kết phần Đóng góp Quốc gia Tự quyết (NDCs) và những cơ cấu mạnh hơn hướng đến việc giảm bớt lượng khí thải nhà kính, kiểm soát sự khử carbon của nền kinh tế hiện nay lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, công khai chia sẻ cách mỗi quốc gia ứng dụng những cam kết của họ, giải quyết vấn đề tổn thất và tàn phá, củng cố những trách nhiệm tài chính vững chắc, và thúc đẩy giáo dục bền vững, nâng cao ý thức trách nhiệm, và thay đổi lối sống.
Đức tin và lý trí cùng đồng hành giúp chúng ta đưa ra được những lựa chọn tích cực cho lối sống, cho cách điều hành nền kinh tế, và xây dựng một tình đoàn kết toàn cầu thật sự cần thiết để tránh được cuộc khủng hoảng khí hậu này.
[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét