Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan nhấn mạnh rằng việc đối thoại liên tôn là vô cùng quan trọng cho nền hòa bình
20 tháng Mười Hai, 2018 09:23
Đức Tổng Giám mục Giu-se Arshad thuộc giáo phận Islamabad-Rawalpindi và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan. Nhưng các trách vụ quan trọng không ngăn cản ngài đến với những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Ngài được hội bác ái Công giáo quốc tế và Quỹ Giáo hoàng Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN International) phỏng vấn trong một chuyến thăm gần đây đến nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô ở Faisalabad. Trường hợp đáng lưu tâm nhất là Asia Bibi, một phụ nữ Ki-tô hữu bị kết án tội báng bổ và bị cầm tù gần 8 năm trong phòng tử tội cho đến khi được tha bổng cách đây vài tuần, ngài nhấn mạnh đến lý do tại sao Giáo hội Công giáo luôn chú ý rất nhiều đến sự cần thiết của đối thoại liên tôn và những hoạt động vì hòa bình trong một đất nước đã bị xé nát vì những tai họa của chủ nghĩa cực đoan, tham nhũng và bạo lực khủng bố.
Tân Thủ tướng Imran Khan đang cố gắng giải quyết một số vấn đề rất hệ trọng trong quốc gia, trong đó có nạn thất nghiệp, đặc biệt đối với giới trẻ, nạn tham nhũng và sự gia tăng dân số nhanh chóng. Pakistan hiện dân số đã lên hơn 200 triệu người. Khẩu hiệu bầu cử của ông KHan là “Chúng ta cùng nhau loại trừ nạn tham nhũng.” Nó là một thông điệp có âm hưởng tốt đối với dân chúng, vì họ đã nhìn thấy những tài nguyên kinh tế của đất nước và nguồn tiền dành cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã bị rút ruột. Chúng tôi tin rằng đây có thể là một cơ hội tốt để phát triển và cải thiện đời sống của người dân.
Thưa Đức cha, tình hình hiện tại của Giáo hội ở Pakistan như thế nào?
Chín mươi lăm phần trăm dân số là người Hồi giáo, và số còn lại thuộc nhiều nhóm thiểu số khác nhau, trong đó có Ki-tô giáo, Ấn giáo, Sikhs và Parsees. Người Công giáo có khoảng 1,5 triệu, và tổng số người Ki-tô hữu trong đó có nhiều thệ phái Tin lành là khoảng 6 triệu người, hoặc chiếm khoảng 2% trong tổng số. Người Ki-tô hữu đại diện cho một khu vực những người bần cùng của cộng đồng, rất nhiều người chỉ có những việc làm rất bấp bênh, thường trong các điều kiện bán-nô-lệ. Mục tiêu chung cho chúng tôi là giáo dục để chúng tôi có thể cải thiện đời sống của người dân và cho thấy rằng người Ki-tô hữu cũng là một phần của xã hội, được bình đẳng về phẩm giá và có thể góp phần trong những công việc đòi hỏi kỹ năng. Về lý thuyết, theo luật, cộng đồng chúng tôi được cho chỉ tiêu đại diện 5 phần trăm vị trí trong các trường công, nhưng nhiều khi chúng tôi không thể giữ đủ các vị trí này, vì thiếu người có bằng cấp cần thiết.
Xin Đức cha cho biết về đời sống đức tin của người Ki-tô hữu ở Pakistan?
Người tín hữu có đức tin rất đơn sơ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Bất chấp những vấn đề về sự tiếp cận với giáo dục và thiếu những cơ hội, người giáo hữu rất trung thành với Tin mừng, và các nhà thờ luôn đầy người. 90 phần trăm người Công giáo đều tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật, và nhiều người đi lễ trong suốt tuần. Tôi cũng phải nói thêm rằng nhiều người không thể tham dự Thánh Lễ các Chúa nhật do thiếu nhà thờ và linh mục làm mục vụ cho họ.
Xin Đức cha cho chúng tôi biết ý kiến của người về trường hợp Asia Bibi?
Giáo hội Công giáo chúng tôi tôn trọng luật pháp của đất nước và tôn trọng hệ thống pháp lý. Tòa án tối cao ở Islamabad đã đưa ra phán quyết. Họ có quyền pháp lý cao nhất trong nước và chúng ta phải tôn trọng quyết định của Tòa án Tối cao.
Có phải người Ki-tô hữu đang chịu đau khổ do hậu quả của chủ nghĩa cực đoan do một số nhóm Hồi giáo?
Vâng, gần như chắc chắn. Chúng tôi đã bị những vụ tấn công vào các nhà thờ, và người Ki-tô hữu cảm thấy bị đe dọa bởi luật báng bổ. Những luật này thường được sử dụng để trả thù cá nhân, tố cáo gian người khác. Nhưng trong thực tế, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu các giới chức địa phương xử lý nhanh các trường hợp như vậy. Đây là lý do tại sao đối thoại liên tôn là chìa khóa để làm việc chung với các giáo sĩ Hồi giáo, các nhà lãnh đạo Hồi giáo, để kiểm tra những chiến dịch tố cáo gian và giúp làm lắng dịu những yếu tố mang tính cực đoan. Nếu chúng tôi không thành công trong việc trả lời kịp thời cho những vụ cáo gian như vậy thì người ta đôi khi sẽ nắm lấy luật và dẫn đến kết cục là giết hại người bị tố cáo. Tôi có biết một số trường hợp như vậy vì tôi cũng là người đứng đầu của Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục.
Trong bối cảnh của Pakistan, đối thoại liên tôn là vô cùng quan trọng. Giáo hội Công giáo đang đi đầu trong vấn đề này. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra những lĩnh vực mà chúng tôi có thể cùng hoạt động chung – Hồi giáo, Ki-tô giáo, Ấn giáo, Sikhs, Parsees và các tôn giáo thiểu số khác. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng khi chúng tôi cùng chia sẻ cuộc sống thì chúng tôi sẽ hiểu nhau nhiều hơn. Nó là một tiến trình chậm, và tôi tin rằng cần phải có thêm nhiều hoạt động nữa giữa các cá nhân. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại hòa bình và chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Đức cha có lời nhắn gửi gì đến những mạnh thường quân của ACN?
Tôi xin bày tỏ lòng tri ân của tôi đến tất cả những nhà hảo tâm đang giúp đỡ cho cộng đồng chúng tôi. Các giáo phận Công giáo ở Pakistan phải lao động rất vất vả để gây quỹ duy trì hoạt động. Chúng tôi sở hữu ít nguồn tài nguyên nên với sự giúp đỡ và tình đoàn kết của quý vị, chúng tôi có thể hỗ trợ một số người nghèo nhất trong xã hội. Chúng tôi không nhận cứu trợ từ bất kỳ các cá nhân hoặc những tổ chức nào khác ở Pakistan.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/12/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét