THÁNH LỄ VÀ NGHI THỨC LÀM PHÉP DÂY PALLIUM CHO CÁC TÂN TỔNG GIÁM MỤC CHÁNH TÒA TRONG LỄ TRỌNG KÍNH HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
*******
THÁNH LỄ DO ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Chúa Nhật ngày 29 tháng Sáu năm 2025
________________________________________
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta mừng lễ hai vị huynh đệ trong đức tin: Thánh Phêrô và Phaolô, hai vị mà chúng ta tôn vinh như rường cột của Giáo hội, và tôn kính là các thánh bổn mạng của giáo phận cũng như của thành phố Rome.
Câu chuyện của hai Thánh Tông đồ này có nhiều điều muốn nói với chúng ta là cộng đoàn các môn đệ của Chúa, khi chúng ta đang thực hiện cuộc lữ hành trong thế giới hôm nay. Khi suy ngẫm, tôi muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh đặc biệt trong đời sống đức tin của các ngài: hiệp thông trong Hội Thánh và sức sống của đức tin.
Trước hết, là sự hiệp thông trong Hội Thánh. Phụng vụ hôm nay nhắc cho chúng ta rằng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô được kêu gọi chia sẻ một định mệnh chung: đó là phúc tử đạo, điều liên kết các ngài một cách trọn vẹn với Đức Kitô. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy Thánh Phêrô đang trong ngục chờ bị xét xử (x. Cv 12:1-11). Còn trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô, cũng bị xiềng xích, nói với chúng ta như một bản di chúc và ước nguyện sau cùng, rằng máu của ngài sắp được đổ ra để dâng lên Thiên Chúa (x. 2 Tm 4:6-8.17-18). Cả Thánh Phêrô và Phaolô đều sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Tin Mừng.
Tuy nhiên, sự hiệp thông của hai Thánh Tông đồ trong việc tuyên xưng đức tin là hoa trái của một hành trình dài, trong đó mỗi người đã đón nhận đức tin và thi hành sứ vụ Tông đồ theo cách thế riêng. Tình huynh đệ trong Thánh Thần không xóa bỏ lai lịch khác nhau của các ngài: Simon là một ngư phủ miền Galilê, còn Saolê có học thức cao và là thành viên của nhóm Pharisêu. Phêrô lập tức từ bỏ mọi sự để theo Chúa, còn Phaolô thì từng bách hại các Kitô hữu trước cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Phục sinh làm biến đổi cuộc đời ngài. Phêrô rao giảng chủ yếu cho người Do Thái, còn Phaolô thì được thúc đẩy để mang Tin Mừng đến cho các dân ngoại.
Như chúng ta biết, giữa hai vị từng có những bất đồng về cách thức đón nhận những người ngoại giáo trở lại, đến mức Thánh Phaolô thuật lại với chúng ta rằng: “Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách” (Gl 2:11). Tại Công đồng Giêrusalem, hai vị Tông đồ lại một lần nữa tranh luận về vấn đề này.
Các bạn thân mến, lịch sử của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rằng sự hiệp thông mà Chúa kêu gọi chúng ta là sự hòa điệu của các tiếng nói và những tính cách, mà không loại trừ quyền tự do của bất kỳ ai. Các thánh bổn mạng của chúng ta đã đi theo những con đường khác nhau, có những quan điểm khác nhau, và đôi khi đã tranh luận với nhau một cách thẳng thắn trên tinh thần Phúc Âm. Nhưng điều đó không cản trở các ngài sống concordia apostolorum, nghĩa là sự hiệp thông sống động trong Thánh Thần, một sự hài hòa hiệu quả trong sự đa dạng. Thánh Augustinô đã nhận xét rằng: “Lễ kính hai Thánh Tông Đồ được cử hành trong cùng một ngày. Hai vị cũng là một. Vì dù chịu tử đạo vào những ngày khác nhau, nhưng các ngài vẫn là một” (Bài giảng 295, 7.7).
Tất cả những điều này mời gọi chúng ta suy tư về bản chất của sự hiệp thông trong Hội Thánh: Được khơi dậy nhờ ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, nó hiệp nhất những khác biệt và xây dựng những nhịp cầu hiệp nhất bằng sự đa dạng phong phú của các đặc sủng, ân ban và thừa tác vụ. Điều quan trọng là chúng ta học biết để trải nghiệm sự hiệp thông theo cách này — nghĩa là hiệp nhất trong đa dạng — để những ân ban khác nhau, được hiệp nhất trong cùng một tuyên xưng đức tin, có thể thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi kiên trì bước đi trên hành trình này, noi gương Thánh Phêrô và Phaolô, bởi vì tất cả chúng ta đều cần đến tình huynh đệ ấy. Toàn thể Giáo hội cần tình huynh đệ, điều này phải hiện diện trong mọi mối tương quan, dù là giữa giáo dân và linh mục, giữa linh mục và giám mục, giữa các giám mục và Giáo hoàng. Tình huynh đệ cũng rất cần thiết trong việc chăm sóc mục vụ, trong đối thoại đại kết, và trong các mối quan hệ hữu nghị mà Giáo hội mong muốn duy trì với thế giới. Vì thế, chúng ta hãy nỗ lực biến những khác biệt của mình thành một công xưởng của sự hiệp nhất và hiệp thông, của tình huynh đệ và hòa giải, để mọi người trong Giáo hội, mỗi người với lịch sử cá nhân của mình, có thể học biết cách bước đi bên nhau.
Thánh Phêrô và Phaolô cũng thách đố chúng ta suy nghĩ về sức sống của đức tin. Trong đời sống của chúng ta là những người môn đệ, chúng ta luôn có nguy cơ rơi vào lối mòn, theo thói quen, khuynh hướng theo đuổi những chương trình mục vụ xưa cũ mà không trải nghiệm sự canh tân tâm hồn và sẵn sàng đáp ứng trước những thách đố mới. Tuy nhiên, hai Thánh Tông đồ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta bằng tấm gương của các ngài về sự cởi mở trước những thay đổi, trước những biến cố mới, những cuộc gặp gỡ và những hoàn cảnh cụ thể trong đời sống cộng đoàn, cũng như bằng sự sẵn sàng xem xét những cách thế tiếp cận mới trong việc loan báo Tin Mừng để đáp lại các vấn nạn và khó khăn do anh chị em trong đức tin của chúng ta nêu lên.
Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của Ngài. Hôm nay, Ngài cũng hỏi chúng ta câu hỏi ấy, câu hỏi thách đố chúng ta duyệt xét lại đời sống đức tin của chúng ta có còn giữ được năng lượng và sức sống hay không: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16:15).
Mỗi ngày, tại mọi thời điểm trong lịch sử, chúng ta đều phải khắc ghi câu hỏi này trong lòng. Nếu chúng ta không muốn căn tính Kitô hữu của mình bị biến thành một di tích của quá khứ, như Đức Giáo hoàng Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta, thì điều hệ trọng là phải vượt qua một đức tin mỏi mệt và trì trệ. Chúng ta cần tự hỏi: Đức Kitô là ai đối với chúng ta hôm nay? Người giữ vị trí nào trong đời sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo hội? Làm cách nào chúng ta có thể làm chứng cho niềm hy vọng ấy trong cuộc sống hằng ngày và loan báo nó cho những người chúng ta gặp gỡ?
Anh chị em thân mến, việc thực hành sự phân định khởi đi từ những câu hỏi này có thể giúp đức tin của chúng ta và của Hội Thánh không ngừng được canh tân, và tìm ra những con đường mới và những cách tiếp cận mới để rao giảng Tin Mừng. Điều này, cùng với sự hiệp thông, phải là khát vọng lớn nhất của chúng ta. Hôm nay, tôi muốn nói riêng với Giáo hội tại Rome, vì Giáo hội này hơn ai hết được kêu gọi trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, một Giáo hội bừng cháy đức tin sống động, một cộng đoàn các môn đệ làm chứng cho niềm vui và sự an ủi của Tin Mừng ở bất cứ nơi nào con người hiện diện.
Trong niềm vui của sự hiệp thông mà đời sống của hai Thánh Tông đồ mời gọi chúng ta vun trồng, tôi thân ái chào các Đức Tổng Giám mục sẽ lãnh nhận dây Pallium hôm nay. Anh em thân mến, dấu chỉ trách nhiệm mục tử được trao phó cho anh em cũng diễn tả sự hiệp thông của anh em với Giám mục Rome, để trong sự hiệp nhất của đức tin Công giáo, mỗi người trong anh em có thể xây dựng sự hiệp thông trong các Giáo hội địa phương của mình.
Tôi cũng gửi lời chào các thành viên Thượng Hội đồng của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine. Tôi xin cảm ơn sự hiện diện và lòng nhiệt thành mục vụ của anh em. Xin Chúa ban hòa bình cho dân tộc anh em!
Và với lòng biết ơn sâu sắc, tôi xin gửi lời chào Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại kết, được hiền huynh thân yêu của tôi là Đức Thượng phụ Bartholomew, cử đến đây.
Anh chị em thân mến, được củng cố bởi chứng tá của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta cùng nhau tiến bước trong đức tin và sự hiệp thông, và khẩn xin sự chuyển cầu của các ngài cho chúng ta, cho thành Rome, cho Giáo hội và cho toàn thế giới.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2025]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét