Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện với những Người Đứng đầu các Công ty Dầu khí

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện với những Người Đứng đầu các Công ty Dầu khí
Copyright: Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện với những Lãnh đạo các Công ty Dầu khí

‘Vẫn có hy vọng và vẫn còn thời gian để tránh được những tác động xấu nhất đến sự biến đổi khí hậu, miễn là phải có hành động nhanh chóng và dứt khoát …’

14 tháng Sáu, 2019 15:14

Dưới đây là bản dịch toàn văn của Vatican cung cấp (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay ngày 14 tháng Sáu, 2019, tại cuộc họp về chủ đề ‘Sự Chuyển đổi Năng lượng và Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta,’ do Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican tổ chức, cùng với những nhà điều hành công ty dầu khí thế giới, trong khán phòng Casino IV của Vatican:


****

Thưa Đức Hồng y,

Thưa các nhà Điều hành, các nhà Đầu tư và các Chuyên gia,

Thưa quý vị,

Tôi xin gửi lời chào mừng nồng ấm đến tất cả quý vị nhân dịp cuộc Đối thoại này về chủ đề Sự Chuyển đổi Năng lượng và Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta. Việc quý vị trở lại Roma lần này, sau cuộc họp năm trước, là một dấu chỉ tích cực cho thấy cam kết của quý vị tiếp tục cùng nhau làm việc trong tinh thần đoàn kết để thúc đẩy những bước đi cụ thể cho việc chăm sóc hành tinh của chúng ta. Vì vậy tôi xin cảm ơn tất cả quý vị.

Cuộc Đối thoại lần thứ hai này diễn ra tại một thời điểm quyết định. Sự khủng hoảng môi sinh ngày nay, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu, đe dọa chính tương lai của gia đình nhân loại. Vì trong một thời gian rất lâu chúng ta đã không biết lắng nghe kết quả của những phân tích khoa học và “những dự báo về ngày tận cùng không còn là điều bị vấp phải sự châm biếm hay khinh bỉ” (Tông huấn Laudato Si’, 161). Vì thế, bất kỳ sự thảo luận nào về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng phải được xuất phát từ “những kết quả của nghiên cứu khoa học tốt nhất hiện nay, để chúng đánh động mạnh đến chúng ta” (nt., 15).

Một sự phát triển đáng chú ý trong năm qua là việc phát hành “Báo cáo Đặc biệt về những tác động của sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C cao hơn so với các mức độ trước thời công nghiệp,” bởi Ủy ban về Biến đổi Khí hậu Liên Chính phủ (IPCC). 

Báo cáo đó cảnh báo rất rõ ràng rằng những ảnh hưởng đối với khí hậu sẽ là thảm khốc nếu chúng ta vượt qua ngưỡng 1,5ºC được đưa ra trong mục tiêu Hiệp ước Paris. Ngoài ra, Báo cáo cảnh báo rằng thời gian còn lại chỉ hơn kém một thập niên để thực hiện việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu này. Đứng trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chúng ta phải có phản ứng phù hợp để tránh gây ra một hành động bất công tàn ác đối với người nghèo và các thế hệ tương lai. Chúng ta phải thực hiện những hành động đầy trách nhiệm luôn lưu ý đến tác động của chúng trong thời gian ngắn hạn và về lâu về dài.

Về căn bản, chính người nghèo là người gánh chịu những tác động xấu nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhưng như những tình hình hiện tại cho thấy, người nghèo là những người dễ bị tấn công bởi những trận bão, hạn hán, lũ lụt và những biến cố khí hậu cực đoan khác. Vì thế, chắc chắn cần phải có lòng dũng cảm để trả lời cho “những tiếng kêu tuyệt vọng ngày càng nhiều của trái đất và của người nghèo”.[1] Đồng thời, các thế hệ tương lai có thể sẽ được thừa kế một thế giới bị tàn phá quá lớn. Không được bắt con cháu chúng ta trả giá cho sự vô trách nhiệm của thế hệ chúng ta. Quả thật, tiếng gọi phải thay đổi của người trẻ đang ngày càng trở nên rõ ràng (x. Tông huấn Laudato Si’, 13).

Cuộc họp của quý vị tập trung vào ba điểm chính có tính liên đới với nhau: thứ nhất là sự chuyển đổi thích đáng; thứ hai tính phí thải carbon (carbon pricing); và thứ ba là sự minh bạch trong cách báo cáo về rủi ro khí hậu. Đây là ba vấn đề vô cùng phức tạp và tôi kêu gọi quý vị thảo luận thật nghiêm túc.

Như quý vị biết, một sự chuyển đổi thích đáng được kêu gọi trong Lời Mở đầu cho Hiệp ước Paris. Một sự chuyển đổi như vậy gồm có trong việc quản lý sự tác động đối với xã hội và công việc để tiến đến một xã hội ít carbon. Nếu được quản lý tốt, sự chuyển đổi này có thể tạo ra những việc làm mới, giảm bớt sự bất bình đẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu.

Thứ hai, việc tính phí thải carbon là cần thiết nếu con người muốn sử dụng các nguồn tài nguyên của tạo vật một cách khôn ngoan. Sự thất bại trong cách đối phó với lượng khí thải carbon đã tạo ra một khoản nợ khổng lồ mà sẽ phải trả lại bằng ích lợi của những thế hệ đến sau chúng ta. Cách sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới của chúng ta chỉ được xem là có đạo đức khi những chi phí kinh tế và xã hội cho việc sử dụng chúng được nhìn nhận một cách minh bạch và hoàn toàn do những người tạo ra chúng phải gánh chịu, hơn là bởi người khác hay các thế hệ tương lai (x. Tông huấn Laudato Si’, 195).

Vấn đề thứ ba là sự minh bạch trong việc báo cáo rủi ro khí hậu là điều cần thiết vì các nguồn lực kinh tế phải được bố trí ở những nơi chúng có thể hoạt động tốt nhất. Báo cáo mở rộng, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và được chuẩn hóa là vì ích chung của tất cả mọi người, cho phép nguồn vốn tài chính chuyển sang những lĩnh vực hỗ trợ “những khả năng trọn vẹn nhất cho sự khéo léo của con người để sáng tạo và đổi mới, đồng thời bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều nguồn việc làm hơn” (Tông huấn Laudato Si’, 192).

Các bạn thân mến, thời gian không còn nhiều! Những tranh luận phải vượt ra ngoài việc đơn thuần tìm kiếm những gì có thể thực hiện, và tập trung vào những nhu cầu nào cần phải làm. Chúng ta không thể chờ đợi để người khác bước tới, hoặc ưu tiên cho những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Sự khủng hoảng khí hậu đòi hỏi “hành động dứt khoát của chúng ta, tại đây và ngay bây giờ”” (Tông huấn Laudato Si’, 161) và Giáo hội cam kết trọn vẹn đóng góp vai trò của mình.

Trong cuộc họp của chúng ta năm trước, tôi đã bày tỏ lo lắng rằng “nền văn minh đòi hỏi có năng lượng, nhưng việc sử dụng năng lượng không được phá hủy nền văn minh!”[2] Ngày nay rất cần một sự chuyển đổi năng lượng quyết liệt để cứu lấy ngôi nhà chung của chúng ta.

Vẫn có hy vọng và vẫn còn thời gian để tránh được những tác động xấu nhất đến sự biến đổi khí hậu, miễn là phải có hành động nhanh chóng và dứt khoát, vì chúng ta biết rằng “con người, trong khi có khả năng làm điều tồi tệ nhất, thì cũng có khả năng vượt lên chính mình, một lần nữa chọn lựa điều gì là tốt đẹp, và thực hiện một sự khởi đầu mới” (Tông huấn Laudato Si’, 205).

Một lần nữa tôi xin cảm ơn quý vị vì đã quảng đại đáp lại lời mời của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện. Tôi dâng lời cầu nguyện cho những thảo luận của quý vị, và tôi khẩn cầu muôn ơn lành đổ xuống trên quý vị và gia đình của quý vị.

______________________________

[1] Diễn từ trước các Tham dự viên tại Hội thảo Quốc tế đánh dấu kỷ niệm năm thứ ba Tông huấn Laudato Si’, 6 tháng Bảy 2018.

[2] Diễn từ trước các Tham dự viên tại Cuộc Họp các Nhà Điều hành các Khu Dầu và Khí tự nhiên, 9 tháng Sáu 2018.

[01064-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

[Văn bản chính: tiếng Ý] Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/6/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét