Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Alessano

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Alessano
Copyright - Vatican Media

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Alessano

‘Vùng đất của anh chị em đã sinh ra một vị thánh’

20 tháng Tư, 2018 14:13
Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm các thị trấn Alessano và Molfetta thuộc miền nam Ý trong vùng Puglia để kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của vị giám mục nổi tiếng người Ý, Don Tonino Bello, ngài được nhớ với công cuộc giúp đỡ người nghèo, người thua thiệt, và thúc đẩy hòa bình. Alessano là thị trấn nơi sinh của Đức Giám mục Tonino và sau đó được chôn cất. Tại đây, Đức Thánh Cha cầu nguyện tại mộ của vị mục tử được yêu mến vì sự hòa đồng không khách sáo giữa mọi người. Năm 2007, án phong chân phước của Đức Don Tonino, vị giám mục quá cố của Molfetta-Ruvo-Giovinazzo-Terlizzi, đã được mở.

Đức Thánh Cha có bài huấn từ với các tín hữu ở Alessano, và dưới đây chúng tôi cung cấp một bản dịch (tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico do Văn phòng Báo chí Vatican cung cấp:

***

Anh chị em thân mến,

Tôi đến đây như một người hành hương đến vùng đất nơi Tôi tớ Chúa là Tonino Bello sinh ra. Tôi vừa cầu nguyện trước mộ của ngài, một ngôi mộ không vươn lên như một tượng đài, nhưng nằm phẳng trên mặt đất: Don Tonino, đã được gieo trong miền đất này – ngài, như một hạt giống được gieo xuống – dường như muốn nói rằng ngài yêu mảnh đất này biết bao nhiêu. Tôi muốn suy tư về việc này, trước hết gợi lên những lời tạ ơn của ngài: “Cảm ơn quê tôi, nhỏ bé và nghèo, đã cho phép tôi được sinh ra nghèo như bạn, nhưng chính vì lý do này, đã cho tôi được gia tài khổng lồ đó là sự thấu cảm với người nghèo và hôm nay có thể đặt mình vào vị trí phục vụ họ” [1].

Sự thấu cảm người nghèo với ngài là gia tài thật, đó cũng là sự thấu cảm với thân mẫu của ngài, thấu cảm với người nghèo là gia tài của ngài. Ngài rất đúng, vì người nghèo thật sự là gia tài của Giáo hội. Đức Don Tonino lại một lần nữa nhắc lại cho chúng ta điều này khi ngài đối mặt với những cám dỗ luôn diễn ra đó là đứng núp sau những người quyền lực, tìm kiếm đặc quyền, tìm đến một đời sống tiện nghi. Tin mừng – ngài thường nhắc nhở chúng ta về điều này mỗi dịp Giáng sinh và Phục sinh – thường kêu gọi chúng ta đến với một đời sống thiếu tiện nghi, vì những ai theo Chúa Giê-su yêu sự nghèo khó và khiêm nhường. Cũng như Thầy đã làm, Thân Mẫu của Người đã tuyên xưng ca khen Thiên Chúa Đấng “đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1: 52). Một Giáo hội đặt sự nghèo khó vào trung tâm phải luôn đi hài hòa với kênh của Thiên Chúa, không bao giờ để mất tần số của Tin mừng và cảm nhận rằng Giáo hội phải quay trở lại với điều cốt lõi để liên tục tuyên xưng rằng Thiên Chúa là nguồn thiện hảo duy nhất.

Đức Don Tonino nhắc chúng ta đừng lý thuyết hóa sự gần gũi với người nghèo, nhưng phải ở gần bên họ, như chính Chúa Giê-su đã làm, Đấng quá giàu có cao trọng đối với chúng ta, đã hạ mình làm người nghèo khó (x. 2 Cr 8, 9). Đức Don Tonino cảm nhận sự cần thiết phải noi gương Người, can dự trực tiếp vào, đến mức quên thân mình. Những yêu cầu đòi hỏi không làm phiền ngài, nhưng chính sự thờ ơ đã làm ngài đau khổ. Ngài không sợ thiếu tiền, nhưng rất lo lắng về sự bấp bênh của việc làm, một vấn đề vẫn như vậy cho đến hôm nay. Ngài không bao giờ bỏ qua một cơ hội để nói rằng trước hết phải có người lao động đúng phẩm giá, không phải là lợi nhuận đáp ứng cho sự tham lam của con người. Ngài không đứng im với đôi tay bỏ trong túi quần: ngài hoạt động ngay trong địa phương để gieo cấy hòa bình toàn cầu, với niềm tin rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa được bạo lực và mọi hình thức chiến tranh chính là chăm sóc cho người thiếu thốn và thúc đẩy công bằng. Thật vậy, nếu chiến tranh tạo ra nghèo đói, thì nghèo đói lại tạo ra chiến tranh [2]. Vì vậy, hòa bình được xây dựng bắt đầu từ những căn nhà, những con đường, từ những công xưởng, nơi sự kết hiệp được định hình theo con đường thủ công. Đức Don Tonino nói, tràn đầy hy vọng: “Từ nơi công xưởng, cũng giống như một ngày trong xưởng mộc của làng Na-da-rét, lời bình an sẽ phát ra để định hình cho nhân loại đang khát công bằng, trên con đường đến với những vận mệnh mới” [3].

Anh chị em thân mến, ơn gọi bình an này thuộc về mảnh đất của anh chị em, thuộc về miền đất biên giới tuyệt vời này – finis-terrae – mà Đức Don Tonino gọi là “terra-finestra”, nghĩa là “vùng đất cửa sổ,” vì từ miền Nam nước Ý mở ra nhiều miền Nam của thế giới, nơi “những người nghèo nhất ngày càng nhiều hơn trong khi người giàu ngày càng giàu hơn và con số ngày càng ít hơn” [4]. Anh chị em là một “cửa sổ mở mà từ đó anh chị em có thể quan sát thấy tất cả mọi sự nghèo khó treo lơ lửng trong lịch sử” [5], nhưng trên hết anh chị em là một cửa sổ của hy vọng vì biển Địa Trung hải, lòng chảo lịch sử của nền văn minh, không bao giờ là một cánh cung lớn kéo căng, nhưng là một một con thuyền chở bình an chào đón [6].

Đức Don Tonino là một người con của miền đất của ngài, vì ơn gọi làm linh mục của ngài trưởng thành trong miền đất này. Nơi đây đâm chồi ơn gọi của ngài, điều mà ngài thích gọi là tiếng gọi của ngài: tiếng gọi mà Thiên Chúa quá ưu ái cho đời sống mỏng giòn của chúng ta, từng người từng người; âm vang của tiếng gọi tình yêu của Người nói với chúng ta mỗi ngày; tiếng gọi luôn đi trước, để dám ước mơ táo bạo, để đưa cuộc sống của chúng ta vào việc phục vụ; lời mời gọi là luôn tín thác vào Thiên Chúa, một Đấng Duy nhất có thể biến đổi đời sống thành một yến tiệc. Vì vậy, ơn gọi theo Đức Don Tonino là: một tiếng gọi không những trở thành người trung tín tận hiến, nhưng thật lòng mến Chúa, với ngọn lửa mến của ước mơ, ấn tín của ân ban, tính táo bạo không bao giờ dừng lại giữa chừng. Vì khi Chúa thổi lên ngọn lửa trong con tim thì không thể dập tắt niềm hy vọng. Khi Chúa đòi hỏi một lời “xin vâng,” thì chúng ta không thể trả lời bằng câu “có lẽ.” Nó sẽ vô cùng tốt đẹp cho những ai đi tìm ý nghĩa cuộc sống, không chỉ đối với người trẻ tuổi nhưng là đối với tất cả chúng ta, để lắng nghe và tái lắng nghe những lời của Đức Don Tonino.

Trong miền đất này, ngài Antonio chào đời với tên gọi Tonino và rồi trở thành Don Tonino. Tên gọi này, thật giản dị và gần gũi, mà chúng ta đọc được trên bia mộ của ngài, vẫn nói với chúng ta. Nó nói lên ước mong của ngài được trở nên nhỏ bé để gần gũi, để rút ngắn những khoảng cách, để cánh tay với ra xa hơn. Nó mời gọi chúng ta mang lấy tấm lòng rộng mở đơn sơ và chân thành đối với Tin mừng. Ngài Don Tonino tha thiết đề nghị điều này, để nó lại như một di sản của ngài cho các linh mục. Ngài nói: “Chúng ta hãy yêu thế giới. Chúng ta hãy yêu thế giới thật nhiều. Chúng ta hãy mang lấy thế giới dưới đôi cánh của chúng ta. Chúng ta hãy dùng lòng thương xót. Chúng ta đừng chống lại nó bằng những sự khắt khe của lề luật nếu trước hết chúng ta chưa tôi luyện nó bằng những liều thuốc của lòng nhân từ. [7] Đó là những lời thể hiện lòng khao khát một Giáo hội cho thế giới: không phải là tính trần gian, nhưng là cho thế giới. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này: một Giáo hội không mang tính thế gian, nhưng là một Giáo hội phục vụ thế giới. Một Giáo hội không coi mình là trung tâm, nhưng “quan tâm đến mọi người, bước ra ngoài, không thu mình vào trong bản thân” [8]; không chờ đợi để đón nhận, nhưng cung cấp những chăm sóc khẩn cấp, không bao giờ mơ màng với những hoài niệm về quá khứ, nhưng bừng sáng với tình yêu cho hôm nay, noi gương Thiên Chúa, Đấng “quá yêu thế gian” (Ga 3: 16).

Tên “Don Tonino” cũng nói cho chúng ta biết về sự dị ứng tốt lành của ngài đối với những danh hiệu và vinh dự, khao khát của ngài giũ bỏ một điều gì đó cho Chúa Giê-su Đấng đã bỏ đi mọi sự thuộc về Người, sự can đảm của ngài giải thoát bản thân khỏi những gì có thể gợi lại những dấu hiệu của quyền bính để tạo không gian cho sức mạnh của những dấu chỉ [9]. Đức Don Tonino chắc chắn không làm điều đó vì lợi ích vật chất hay tìm kiếm sự đồng thuận, nhưng vì ngài được tấm gương của Chúa đánh động. Với tình yêu dành cho Người chúng ta tìm được sức mạnh để gỡ bỏ những tấm áo cản trở con đường dẫn đưa chúng ta đến sự phục vụ, để trở nên một “Giáo hội của tấm áo phó tế, một tấm áo duy nhất được ghi lại trong Tin mừng” [10].

Từ mảnh đất thân yêu này, Don Tonino vẫn muốn nói gì với chúng ta? Người môn đệ này với đôi chân đặt trên đất và đôi mắt trên Thiên Đàng, và trên hết là với một trái tim kết nối Trời và đất, ngài đã sáng tạo ra một từ nguyên gốc, cùng với rất nhiều từ ngữ khác, nó trao cho chúng ta một sứ mạng lớn. Ngài thường nói rằng chúng ta là người Ki-tô hữu “phải chiêm ngắm-hành động (contempl-active), với một chữ “c”, tức là chúng ta phải bắt đầu từ việc chiêm ngắm và sau đó để cho động lực của chúng ta, cam kết của chúng ta hành động, tuôn chảy ra” [11], trở thành những con người không bao giờ tách rời giữa cầu nguyện và hành động. Thưa Đức Don Tonino, người đã cảnh báo chúng con chống lại việc để mình bị cuốn vào trong vòng xoáy của công việc mà không đặt mình trước nhà tạm, để không lừa gạt bản thân làm việc cho nước Trời trong sự hão huyền [12]. Và chúng con phải tự hỏi rằng chúng con khởi đầu từ nhà tạm hay từ chính bản thân chúng con. Người cũng hãy hỏi chúng con, khi chúng con khởi hành, chúng con ra đi; rằng chúng con có đứng lên và đến để phục vụ con người, phục vụ mọi người như Mẹ Maria, người Phụ nữ dẫn đường không. Nếu người hỏi, chắc chúng con phải thấy xấu hổ vì sự thụ động của chúng con và những lý lẽ biện minh của chúng con. Vì vậy, một lần nữa xin trao cho chúng con ơn gọi từ trên cao; xin giúp chúng con ngày càng trở nên một Giáo hội chiêm ngắm-hành động, yêu mến Chúa và hăng hái với nhân loại.

Anh chị em thân mến, ở mỗi giai đoạn Thiên Chúa đặt trên hành trình của Giáo hội những chứng nhân thể hiện tin vui của Phục sinh, những ngôn sứ của hy vọng về tương lai cho mọi người. Từ miền đất của anh chị em, Thiên Chúa đã làm nổi lên một vị, như là một món quá và chứng ngôn cho thời đại của chúng ta. Và Thiên Chúa ước mong cho món quà của Ngài được đón nhận, cho sứ ngôn của Ngài trở thành sự thật. Chúng ta đừng chỉ hài lòng với việc ghi lại những kỷ niệm đẹp, chúng ta đừng để bị chìm đắm trong những hoài niệm quá khứ hoặc thậm chí chỉ ba hoa giết thời gian của hiện tại hay mang những nỗi sợ hãi về tương lại. Chúng ta hãy noi gương của Đức Don Tonino, chúng ta hãy để cho lòng nhiệt huyết Ki-tô hữu trẻ của ngài đưa chúng ta đi, chúng ta hãy cảm nhận lời mời gọi khẩn thiết của ngài để không sống Tin mừng một cách nửa vời. Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến mỗi người chúng ta, và tới tất cả chúng ta trong một Giáo hội. Chắc chắn nó sẽ giúp chúng ta làm lan tỏa niềm vui thơm ngát của Tin mừng cho hôm nay.

Bây giờ tất cả chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ và sau đó tôi sẽ ban phép lành cho anh chị em.

[Kinh Kính mừng và Phép lành]

------------

[1] «Grazie, Chiesa di Alessano», La terra dei miei sogni. Bagliori di luce dagli scritti ugentini, 2014, 477.

[2] Cfr Saint John Paul II, «If you want peace, reach out to the poor», Message for World Day of Peace, 1 January 1993.

[3] La terra dei miei sogni, 32.

[4] «Il pentalogo della speranza», Scritti vari, interviste aggiunte, 2007, 252.

[5] «La speranza a caro prezzo», Scritti di pace, 1997, 348.

[6] Cfr «La profezia oltre la mafia», ivi, 280.

[7] «Torchio e spirito. Omelia per la Messa crismale 1993», Lenten homilies and writings, 2015, 97.

[8] «Sacerdoti per il mondo», Cirenei della gioia, 2004, 26.

[9] «Dai poveri verso tutti», ivi, 122 ss.

[10] «Configurati a Cristo capo e sacerdote», ivi, 61.

[11] Ivi, 55.

[12] Cfr «Contempl-attivi nella ferialità quotidiana», Non c’è fedeltà senza rischio, 2000, 124; «Soffrire le cose di Dio e soffrire le cose dell’uomo», Cirenei della gioia, 81-82.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét