Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Bầu cử đã qua. Vậy từ đây chúng ta sẽ đi về đâu?

Bầu cử đã qua. Vậy từ đây chúng ta sẽ đi về đâu?

Tổng Giám mục José H. Gomez
09 tháng 11, 2016
Tôi không phải là người duy nhất nhận xét rằng mùa tranh cử dài lần này để lộ những sự chia rẽ sâu xa trong xã hội của chúng ta và là một nỗi lo lắng thực sự về hướng đi tương lai của đất nước chúng ta.
Tôi cũng muốn nói rằng đây là cuộc tranh cử đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng rằng chúng ta đang sống trong một nước Mỹ thời “hậu Ki-tô giáo.”
Từ lâu chúng ta đã biết rằng các nhóm tài phiệt điều khiển và định hướng của xã hội chúng ta là thuần túy thế tục và thù địch đối với các cộng đồng tôn giáo và những giá trị và niềm tin truyền thống. Trong lần bầu cử này, chúng ta thấy rằng tầm nhìn thế tục của họ hiện nay đã định hướng được những ưu tiên và quan tâm của cử tri.
Chúng ta đang sống trong một xã hội vận hành dường như Thiên Chúa không còn tồn tại, và hậu quả là chúng ta đã đánh mất nhận thức về đời sống con người là gì. Có một sự khủng hoảng về ý nghĩa đang lan rộng trong xã hội của chúng ta, phản ánh trong văn hóa, chính trị, luật pháp và giáo dục cộng đồng. Chúng ta là một xã hội hiện đang bị lẫn lộn và mâu thuẫn nhau về những thực tại căn bản — ý nghĩa của sự sống và điều gì tạo nên hạnh phúc đích thực và phát triển nhân bản.
Đây là những vấn đề không thể đơn thuần được giải quyết bằng cách thay đổi nội các chính trị.
Không giống với bất cứ đợt bầu cử nào trong bộ nhớ của tôi, lần này có rất ít những câu nói đề cập đến các giá trị — ngoại trừ một cụm từ, “phép lịch sự.” Và quả thật trong mùa tranh cử này khoa ăn nói và các chiến thuật thường thô tục và thiếu văn minh.
Nhưng đáng buồn, dường như chúng ta thường định nghĩa phép lịch sự chỉ là cần lịch sự hơn.
Phép lịch sự đúng đắn có gốc trong tình trạng tương quan chung của các công dân chịu trách nhiệm với cuộc sống chung trong xã hội. Trong cách thế thể hiện, phép lịch sự đúng đắn có nghĩa là thể hiện sự tôn trọng thực sự đối với người khác — cho dù chúng ta có chống đối lại với “những lập trường” của họ về các vấn đề hay thậm chí thế giới quan của họ.
Nếu cần phải giải thích thêm ý nghĩa, phép lịch sự phải phản ánh được sự tìm kiếm chung của chúng ta đến với chân lý và với điều thiện — cho các cá nhân và xã hội. Và hậu quả của cuộc bầu cử lần này, việc đi tìm chân lý và điều thiện thậm chí trở nên giá trị hơn và quyết định hơn.
Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội mất đi sự gặp gỡ với chân lý — không chỉ là chân lý về Thiên Chúa, nhưng còn là chân lý về nhân bản và điều thiện cho con người. Những gì chúng ta nhìn thấy trong những sự quá khích là một khái niệm cho rằng không có chân lý, không có nhân bản. Chỉ có ý chí, chỉ có sự lựa chọn mà chúng ta đưa ra mới “tự tạo” ra những chân lý riêng của chúng ta, mới “tự định nghĩa” được điều gì là tốt “cho chúng ta.”
Vì vậy chân lý là quan trọng, là then chốt. Giáo hội có lẽ là tổ chức cuối cùng trong xã hội chúng ta tin tưởng vào chân lý.
Trước thực tế của cuộc bầu cử này, chúng ta không để bị chán nản hay đưa mình vào những khuynh hướng giận dữ và oán hận mà chúng ta nhìn thấy khắp nơi trong xã hội chúng ta.
Tin mừng vẫn mãi là tin vui mà mọi người khao khát lắng nghe — tin vui rằng mọi người sinh ra với phẩm giá thánh thiêng và thiên mệnh tối cao; tin vui rằng mỗi con người đều có giá trị trước Thiên Chúa và tất cả chúng ta đều được tạo dựng để sống trong yêu thương và tình bạn hữu với Ngài và với anh em.
Chân lý rằng Thiên Chúa là thực hữu và vẫn luôn trông coi tạo vật của Ngài — vẫn trông coi lịch sử và vẫn trông coi đời sống của chúng ta. Đây là sự hy vọng của chúng ta. Và niềm hy vọng của chúng ta sẽ không làm chúng ta thất vọng, vì hy vọng của chúng ta đặt vào Đức Giê-su Ki-tô, Người là đường, là sự thật và là sự sống.
Vậy từ đây chúng ta sẽ đi đâu?
Chúng ta cứ giữ đôi mắt hướng về Đức Giê-su Ki-tô và bước đi theo Ngài. Chúng ta phải nhớ chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới và tiếng gọi của Thiên Chúa cho chúng ta là gì. Nghĩa là chúng ta trước hết phải sống là người Công giáo, là người Công giáo trước hết. Đây là giá trị của chúng ta.
Chúng ta chẳng phải người Cộng hòa cũng không phải Dân chủ hay trung lập, hoặc bảo thủ. Vượt trên tất cả, chúng ta là những người đi theo Đức Ki-tô — là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, được kêu gọi nên thánh và làm việc cho vương quốc của Ngài, đó là gia đình của Thiên Chúa trên trần gian.
Đi theo Chúa Giê-su, chúng ta cần phải tiếp tục công bố sự thật và chống lại những con đường sai lạc dẫn đến hạnh phúc của con người mà chúng ta nhìn thấy trong xã hội của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến đấu cho phẩm giá, và chống lại mọi thứ đe dọa làm giảm bớt sự cao quý của nhân vị làm con cái của Thiên Chúa.
Chúng ta phải làm điều này bằng tất cả tình yêu, như là những con người của lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Và trong thời gian bị chia rẽ và lẫn lộn này, chúng ta cần phải tăng cường tình hiệp nhất và hòa giải.
Nếu chúng ta muốn nước Mỹ vững mạnh hơn, thì chúng ta cần phải có những con người như các bạn và tôi sống với trách nhiệm phục vụ Thiên Chúa và sống cho chân lý mà chúng ta tin trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Xin cầu nguyện cho tôi và tôi cầu nguyện cho tất cả các bạn.
Và nguyện xin Mẹ Maria đoái xem đến đất nước của chúng ta và giúp chúng ta đáp ứng được với những thách thức của thời gian này.
Đăng lại từ angelusnews.com
Đức Cha José H. Gomez là Tổng Giám mục của Los Angeles, California.

[Nguồn:  catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/11/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét