Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn
© Vatican Media

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

‘Lề Luật ở nơi Đức Ki-tô và những ước muốn thuộc về Thần Khí’

28 tháng Mười Một, 2018 14:37

Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 28 tháng Mười Một, 2018, của Đức Thánh Cha diễn ra trong Đại sảnh Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Đúc kết loạt giáo lý về Mười Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Lề Luật ở nơi Đức Ki-tô và những ước muốn thuộc về Thần Khí” (trích sách Thánh: Thư Thánh Tông đồ Phaolô gửi tín hữu Galát, 5:16-18. 22-23).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay đúc kết loạt phân tích về Mười Điều Răn, những điều răn chúng ta có thể lấy làm chủ đề chính cho những mong ước khát khao, là những điều giúp chúng ta có thể tiến bước trên hành trình và rà soát lại những chặng đường đã qua bằng cách đọc lại văn bản của Mười Điều Răn, dưới ánh sáng của sự mạc khải trọn vẹn nơi Đức Ki-tô.

Chúng ta bắt đầu với lòng tri ân như là nền tảng của mối quan hệ tín thác và vâng phục: chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không yêu cầu bất cứ điều gì trước khi Người ban tặng quá nhiều. Người mời gọi chúng ta biết vâng nghe để cứu chúng ta thoát khỏi sự lừa gạt của các ngẫu thần mà chúng có quá nhiều quyền lực trên chúng ta. Thật vậy, tìm kiếm sự đầy đủ của con người nơi các ngẫu thần của thế gian sẽ làm cho chúng ta trở nên trống rỗng và biến chúng ta thành nô lệ, ngược lại thì những điều giúp chúng ta phát triển và kiên vững chính là mối quan hệ với Người, Đấng làm cho chúng ta trở thành con cái trong Đức Ki-tô từ cương vị làm cha của Người (x. Eph 3: 14-16). Điều này hàm ý là một sự chúc phúc và giải phóng, đó là sự nghỉ ngơi thật sự và đúng nghĩa. Như Thánh vịnh nói: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến” (Tv 62:2).

Đời sống được giải phóng này dẫn đến sự chấp nhận lịch sử riêng của chúng ta và hòa giải chúng ta với những điều chúng ta đã sống từ khi còn tấm bé đến hôm nay, để chúng ta trở thành những người trưởng thành và đủ khả năng cân nhắc đánh giá đúng những thực tại và con người trong cuộc sống của chúng ta. Bằng con đường này, chúng ta đi vào mối quan hệ với anh em chúng ta, và đó là một tiếng gọi đến với cái đẹp của sự trung tín, của lòng quảng đại và của tính xác thực, khởi đi từ tình yêu mà Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

Tuy nhiên, để sống những nét đẹp đó — tức là nét đẹp của sự trung tín, của lòng quảng đại và của tính xác thực — chúng ta cần có một trái tim đổi mới, cư ngụ trong Thánh Thần (x. Ed 11: 19; 36:26). Cha tự hỏi mình rằng: không biết “sự cấy ghép” tim này diễn ra như thế nào, từ một trái tim cũ thành trái tim mới? Nó diễn ra nhờ ơn sủng của những ước muốn mới (x. Rm 8:6); được gieo rắc trong chúng ta bởi ơn sủng của Thiên Chúa, đặc biệt qua Mười Điều Răn, đưa đến sự kiện toàn bởi Đức Giê-su, như Người giảng dạy trong “bài giảng trên núi” (x. Mt 5:17-48). 

Thật vậy, chúng ta, hầu như không nhận ra, tìm thấy mình đứng trước Đức Ki-tô khi suy ngẫm về đời sống được mô tả trong Mười Điều Răn, đó là những điều về sự biết ơn, sự tự do, sự chân thật, phúc lành, cách sống, bảo vệ và yêu thương sự sống, sự trung tín, sự quảng đại và chân thành. Mười Điều Răn là bản chụp “X-quang” của Người, Người mô tả nó như một phim âm bản để cho dung nhan của Người hiện lên — như trong tấm khăn liệm Holy Shroud. Và Thần Khí làm cho tâm hồn của chúng trở nên phong phú, Người đặt vào trong đó những ước muốn như là món quà của Người, những ước muốn của Thần Khí. Ước muốn theo Thần Khí, ước muốn đồng điệu với Thần Khí, ước muốn với cung bậc của Thần Khí. Nhìn đến Đức Ki-tô chúng ta nhìn thấy được chân, thiện, mỹ. Và Thần Khí tạo sinh một đời sống làm đâm chồi trong chúng ta niềm hy vọng, niềm tin và sự yêu thương, hỗ trợ cho những ước mong này của Người.

Như vậy chúng ta khám phá rõ hơn ý nghĩa của việc Chúa Giê-su không đến để phá bỏ Lề Luật nhưng đến để kiện toàn, để làm nó phát triển, trong khi Lề luật theo xác thịt là một loạt những quy định và những điều cấm đoán, thì Lề Luật theo Thần Khí trở nên sự sống (x. Ga 6:63; Eph 2:15), vì nó không còn là một quy phạm nữa nhưng là thân thể của Đức Ki-tô, Đấng yêu thương chúng ta, tìm kiếm chúng ta, tha thứ cho chúng ta, an ủi chúng ta, và tái lập lại sự hiệp nhất đã bị mất do sự bất phục tùng của tội, với Chúa Cha qua Nhiệm Thể của Người. Và như vậy, tính tiêu cực xét theo ngữ nghĩa qua cách diễn tả của Mười Điều Răn — “chớ lấy của người,” “chớ lăng nhục,” “chớ giết người” — chữ “chớ” đó được diễn đạt lại theo thái độ tích cực là: hãy yêu thương, hãy mở lòng ra với người khác, mọi ước muốn gieo rắc chân lý. Và đây là sự kiện toàn của Lề Luật mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta.

Trong Đức Ki-tô, và chỉ riêng trong Người, thì Mười Điều Răn không còn là sự kết án (x. Rm 8:1) và trở nên chân lý của sự sống con người, đó chính là khát khao yêu thương — từ đây sinh ra khát khao điều thiện hảo, làm điều thiện hảo — khát khao niềm vui, khát khao hòa bình, khoan dung, nhân từ, thiện hảo, trung tín, hiền từ, tự chủ. Từ chữ “chớ” đó chúng ta chuyển thành chữ “có”: tức là thái độ tích cực của một tâm hồn rộng mở ra với sức mạnh của Thần Khí.

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

Chúng ta đã thấy tại sao tìm kiếm Đức Ki-tô trong Mười Điều Răn là rất thiết thực: làm cho tâm hồn chúng ta trở nên tươi tốt để nó tràn đầy tình thương, và rộng mở trước công trình của Thiên Chúa. Khi con người bám lấy khát khao sống thuận theo Đức Ki-tô, là họ đang mở được cánh cửa cứu độ, và điều đó chắc chắn sẽ đến, vì Thiên Chúa Cha vô cùng quảng đại, và như Giáo lý dạy chúng ta rằng, “Thiên Chúa vô cùng khát khao rằng chúng ta khao khát Người.” (s. 2560).

Nếu có những ước mong xấu xa làm hại con người (x. Mt 15:18-20), Thần Khí ký thác những khát khao trong tâm hồn chúng ta (x. 1 Ga 3:9). Quả thật, sự sống mới không phải là một nỗ lực phi thường tuân thủ chặt chẽ theo một quy phạm, nhưng sự sống mới là Thần Khí của chính Thiên Chúa Đấng bắt đầu hướng dẫn để chúng ta trổ sinh hoa trái, trong sự hòa trộn hạnh phúc giữa niềm vui vì chúng ta được yêu thương và niềm vui của Người yêu thương chúng ta. Hai niềm vui gặp gỡ nhau: niềm vui của Thiên Chúa yêu thương chúng ta và niềm vui của chúng ta được yêu thương. Anh chị em đã thấy ý nghĩa của Mười Điều Răn cho người Ki-tô hữu chúng ta là như thế nào: chiêm ngưỡng Đức Ki-tô và mở lòng mình để đón nhận tâm hồn của Người, đón nhận những mong ước của Người, đón nhận Thần Khí của Người.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét