Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Đức Thánh Cha tập trung vào việc cầu nguyện trong Tiếp Kiến Chung (Toàn văn)

Đức Thánh Cha tập trung vào việc cầu nguyện trong Tiếp Kiến Chung (Toàn văn)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha tập trung vào việc cầu nguyện trong Tiếp Kiến Chung (Toàn văn)

Sự cầu nguyện thuộc về tất cả mọi người: thuộc về con người của tất cả các tôn giáo, và có thể cũng thuộc về những người chẳng tuyên xưng niềm tin nào.

13 tháng Năm, 2020 16:04

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục loạt giáo lý về việc cầu nguyện, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài về chủ đề: “Lời cầu nguyện của người Kitô hữu” (Tv 63:2-5.9).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa thánh.

* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta thực hiện bước thứ hai trong loạt giáo lý về việc cầu nguyện, được bắt đầu tuần trước.

Sự cầu nguyện thuộc về tất cả mọi người: thuộc về con người của tất cả các tôn giáo, và có thể cũng thuộc về những người chẳng tuyên xưng niềm tin nào. Sự cầu nguyện được sinh ra trong nơi thầm kín của chúng ta, trong nội tâm mà các nhà viết sách thiêng liêng gọi là “tâm hồn” (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2562-2563). Vì thế, cầu nguyện không phải là điều thứ yếu trong chúng ta; nó không phải là việc phụ và không đáng kể trong chúng ta, nhưng nó là một sự bí nhiệm mật thiết trong chúng ta. Chính sự bí nhiệm này cầu nguyện. Những cảm xúc dâng lời cầu nguyện, nhưng không thể nói rằng cầu nguyện chỉ là cảm xúc. Trí khôn dâng lời cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không chỉ là một hành động thuộc trí khôn. Thân xác cầu nguyện, nhưng chúng ta có thể thưa chuyện với Chúa ngay cả trong tình trạng bị thiểu năng nặng. Vì thế, toàn bộ con người dâng lời cầu nguyện, nếu “tâm hồn” của người đó cầu nguyện.

Cầu nguyện là một sự dâng trào, nó là một sự khẩn cầu vượt ra ngoài con người chúng ta, là một điều được sinh ra trong sự mật thiết của nhân vị chúng ta và tiến bước ra, vì nó cảm thấy nhớ nhung một sự gặp gỡ. Sự nhớ nhung đó còn hơn cả một điều gì đó cần thiết, hơn cả một điều gì đó rất cần: nó là một con đường. Cầu nguyện là tiếng nói của “tôi” đang dò dẫm, chập chững tiến bước, đi tìm “Người”. Sự gặp gỡ giữa “tôi” và “Người” không thể thực hiện được bằng máy tính: đó là sự gặp gỡ của con người và nó thường ngập ngừng tiến bước để tìm kiếm “Bạn” mà “Tôi” đang tìm kiếm.

Thay vì vậy, lời cầu nguyện của người Kitô hữu sinh ra từ một sự mạc khải: “Người” không còn ẩn giấu trong sự huyền bí, nhưng đi vào mối tương quan với chúng ta. Kitô giáo là tôn giáo không ngừng cử hành “sự tỏ lộ” của Thiên Chúa, tức là sự hiển hiện của Người. Những Thánh Lễ đầu tiên của Năm Phụng vụ là việc cử hành một Thiên Chúa là Đấng không còn ẩn giấu, nhưng là Đấng trao tặng tình bạn cho con người. Thiên Chúa mạc khải vinh quang của Người trong sự khó nghèo ở Bêlem, trong sự chiêm ngắm của các Đạo sĩ, trong Phép Rửa tại sông Giođan, trong phép lạ tại tiệc cưới Cana. Tin mừng của Thánh Gioan kết thúc bài tụng ca vĩ đại trong Phần mở đầu với một lời khẳng định: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1:18). Chính Chúa Giêsu là Đấng mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta.

Lời cầu nguyện của người Kitô hữu đi vào mối tương quan với Thiên Chúa với dung nhan nhân từ nhất, Đấng không muốn gây sự sợ hãi nơi con người. Đây là điểm tiêu biểu đầu tiên cho lời cầu nguyện của người Kitô hữu. Nếu con người quen với việc tiếp cận với Thiên Chúa phần nào như bị hăm dọa, phần nào đó sợ hãi vì sự huyền bí lôi cuốn và vĩ đại, nếu họ quen với việc tôn thờ Người trong thái độ của người nô lệ, tương tự như thái độ của một người không muốn thiếu đi sự tôn trọng dành cho chủ nhân, nhưng người Kitô hữu chạy đến với Ngài, can đảm gọi Ngài một cách tự tin với tên gọi “Thưa Cha.” Thật vậy, Chúa Giêsu sử dụng từ: “Cha ơi.”

Kitô giáo đã loại bỏ ý nghĩ về các mối tương quan “theo kiểu phong kiến” trong mối ràng buộc với Thiên Chúa. Những cách diễn tả niềm tin của chúng ta chẳng hạn “bị khuất phục,” “sự nô lệ” của “thân phận tôi đòi” không còn hiện hữu, nhưng thay vào đó là những từ ngữ như “giao ước,” “tình bạn,” “lời hứa,” “sự hiệp thông,” “sự gần gũi.” Trong bài nói tạm biệt dài với các môn đệ, Chúa Giêsu nói điều này: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15:15-16). Và đây là tấm chi phiếu còn để trống: “Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em!”

Thiên Chúa là người bạn, là người trợ thủ, là phu thê. Chúng ta có thể xây dựng một mối tương quan riêng tư với Ngài trong lời cầu nguyện, điều này thật đúng khi trong “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu dạy chúng ta dâng lên một loạt những lời xin với Người. Chúng ta có thể xin Chúa mọi điều, mọi thứ: giải thích mọi chuyện, kể lại mọi việc. Nếu chúng ta cảm thấy có lỗi trong mối tương quan với Chúa thì cũng không thành vấn đề: chúng ta không phải là những người bạn tốt, chúng ta không phải là những đứa con hiếu thảo; chúng ta chẳng phải là những người phu thê chung thủy. Người vẫn yêu thương chúng ta. Đó chính là điều Chúa Giêsu thể hiện rõ ràng trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:20). Qua hành động đó, Chúa Giêsu tiên báo về mầu nhiệm Thập giá trong phòng Tiệc Ly. Thiên Chúa là một người trợ thủ trung tín: nếu con người không còn yêu mến, thì Người vẫn luôn mãi yêu thương, dù cho tình yêu đó dẫn Ngài lên đồi Canvê. Thiên Chúa luôn luôn đứng sát bên cánh cửa tâm hồn chúng ta và Ngài chờ đợi chúng ta mở ra cho Ngài. Và có lúc Ngài gõ cửa tâm hồn chúng ta, nhưng Ngài không lấn át: Ngài chờ đợi. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với chúng ta là sự kiên nhẫn của một người Cha, của một người quá đỗi yêu thương chúng ta. Tôi muốn nói rằng đó chính là sự kiên nhẫn của một người cha và một người mẹ — luôn luôn gần gũi với tâm hồn của chúng ta. Khi gõ cửa, Ngài làm điều đó với sự dịu dàng và yêu thương.

Chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện theo cách như vậy, đi vào mầu nhiệm của Giao ước. Đặt bản thân mình trong bàn tay đầy xót thương của Thiên Chúa khi cầu nguyện, cảm nhận mình được bảo bọc trong mầu nhiệm hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm nhận chúng ta như những người khách không xứng đáng được hưởng niềm vinh dự quá lớn lao như vậy. Và để trọng kính Thiên Chúa, trong sự diệu kỳ của việc cầu nguyện: có thể nào Người chỉ biết đến sự yêu thương? Người không biết đến lòng căm thù. Người bị căm thù, nhưng Người không biết đến sự căm thù. Người chỉ biết sự yêu thương. Đây là Thiên Chúa mà chúng ta dâng lên lời cầu nguyện. Đây là điểm trung tâm bừng sáng trong lời cầu nguyện của tất cả mọi người Kitô hữu, Thiên Chúa của tình yêu, Cha của chúng ta, Đấng chờ đợi chúng ta và đồng hành với chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/5/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét