© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Đại Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
‘Sự ghi nhớ không phải là điều gì đó riêng tư; nó là con đường kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.’
14 tháng Sáu, 2020 15:05
Đức Thánh Cha nói về sự ghi nhớ trong bài giảng Đại Lễ Mình và Máu cực Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên, lời của ngài không phải là một ký ức hoài niệm; chúng là những lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự ghi nhớ về đức tin Kitô giáo.
Bài giảng của Đức Thánh Cha được trình bày tại Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Do những phòng ngừa về coronavurs cộng đoàn tham dự Lễ bị giới hạn và thực hiện “giãn cách xã hội” phù hợp.
Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Điều vô cùng quan trọng là phải ghi nhớ về sự tốt lành chúng ta đã đón nhận. Nếu chúng ta không nhớ được nó, chúng ta trở thành người xa lạ với chính bản thân mình, là “khách qua đường” của cuộc sống. Không có sự ghi nhớ, chúng ta nhổ bật rễ của mình khỏi tầng đất nuôi dưỡng chúng ta và cho phép bản thân bị cuốn đi như những chiếc lá trước gió.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự ghi nhớ, một lần nữa chúng ta gắn kết chặt chẽ với những mối ràng buộc vững chắc nhất; chúng ta cảm thấy là một phần của lịch sử sống động, kinh nghiệm sống động của một dân tộc. Sự ghi nhớ không phải là điều gì đó riêng tư; nó là con đường kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Đó là lý do tại sao trong Kinh Thánh sự ghi nhớ của Thiên Chúa phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng những khó khăn nổi lên khi “chuỗi mắt xích ghi nhớ” bị ngắt quãng. Làm sao người tín hữu có thể nhớ lại những gì chưa được trải nghiệm?
Thánh Lễ chữa lành “ký ức mồ côi” bằng cách trình bày cho người tín hữu những gì họ chỉ được nghe nói nếu không có Thánh Lễ. Qua Bí tích Cực Thánh, Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể nhớ lại.
“Chúa biết nó khó khăn như thế nào, Người biết sự ghi nhớ của chúng ta rất yếu kém, và Người đã làm một điều cao vời: Người để lại cho chúng ta một sự kỷ niệm,” Đức Phanxico nói. “Người không chỉ để lại cho chúng ta những lời nói, vì chúng ta rất dễ quên những gì nghe thấy. Người không chỉ để lại cho chúng ta các Sách Thánh, vì chúng ta rất dễ quên những gì mình đọc. Người không để lại cho chúng ta những dấu chỉ, vì chúng ta có thể quên những gì chúng ta nhìn thấy. Người ban cho chúng ta Lương thực, vì không dễ để quên điều chúng ta thật sự nếm trải.”
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):
“Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em” (Đnl 8:2). Các bài đọc Sách Thánh hôm nay bắt đầu với mệnh lệnh của ông Môisê: Phải nhớ! Ngay sau đó Môisê nhắc lại: “Đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (c.14). Sách Thánh đã được tặng ban cho chúng ta để chúng ta có thể vượt qua bản tính hay lãng quên Thiên Chúa. Điều rất quan trọng là phải nhớ đến điều này khi chúng ta cầu nguyện! Như một Thánh vịnh dạy: “Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, tưởng nhớ những kỳ công thuở trước.” (77:11). Nhưng cả những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của riêng chúng ta.
Điều vô cùng quan trọng là phải ghi nhớ về sự tốt lành chúng ta đã đón nhận. Nếu chúng ta không nhớ được nó, chúng ta trở thành người xa lạ với chính bản thân mình, là “khách qua đường” của cuộc sống. Không có sự ghi nhớ, chúng ta nhổ bật rễ của mình khỏi tầng đất nuôi dưỡng chúng ta và cho phép bản thân bị cuốn đi như những chiếc lá trước gió. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự ghi nhớ, một lần nữa chúng ta gắn kết chặt chẽ với những mối ràng buộc vững chắc nhất; chúng ta cảm thấy là một phần của lịch sử sống động, kinh nghiệm sống động của một dân tộc. Sự ghi nhớ không phải là điều gì đó riêng tư; nó là con đường kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Đó là lý do tại sao trong Kinh Thánh sự ghi nhớ của Thiên Chúa phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người cha phải có trách nhiệm kể câu chuyện cho các con của họ, như chúng ta đọc được trong một trích đoạn rất đẹp. “Mai ngày khi con anh em hỏi anh em rằng: ‘Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị?’ Anh em sẽ trả lời cho con anh em: ‘Chúng ta xưa làm nô lệ … [hãy nghĩ đến toàn bộ lịch sử bị nô lệ!]. Trước mắt chúng ta, Đức Chúa đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ’” (Đnl 6:20-22). Ngươi sẽ truyền lại ký ức này cho con của ngươi.
Nhưng có một vấn đề: chuyện gì xảy ra nếu chuỗi mắt xích những ký ức bị ngắt quãng? Và làm sao chúng ta có thể nhớ lại những gì chúng ta chỉ được nghe nếu chúng ta chưa thật sự trải nghiệm nó? Chúa biết nó khó khăn như thế nào, Người biết sự ghi nhớ của chúng ta rất yếu kém, và Người đã làm một điều cao vời: Người để lại cho chúng ta một sự kỷ niệm. Người không chỉ để lại cho chúng ta những lời nói, vì chúng ta rất dễ quên những gì nghe thấy. Người không chỉ để lại cho chúng ta các Sách Thánh, vì chúng ta rất dễ quên những gì mình đọc. Người không để lại cho chúng ta những dấu chỉ, vì chúng ta có thể quên những gì chúng ta nhìn thấy. Người ban cho chúng ta Lương thực, vì không dễ để quên điều chúng ta thật sự nếm trải. Người để lại cho chúng ta Bánh trong đó Người thật sự hiện hữu, sống động, và thật, với tất cả hương vị tình yêu của Người. Khi đón nhận Người chúng ta có thể nói: “Người là Chúa; Người nhớ đến tôi!” Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24). Hãy làm! Thánh Lễ không đơn thuần là một hoạt động để nhớ lại; nó là một sự kiện: một lần nữa Lễ Vượt qua của Chúa được tái hiện cho chúng ta. Trong Thánh Lễ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu diễn ra trước mắt chúng ta. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy: cùng đến với nhau và cử hành Thánh Lễ như một cộng đoàn, như một dân tộc, như một gia đình, để nhớ đến Thầy. Chúng ta không thể thực hiện được nếu không có Thánh Thể, vì đó là sự ghi nhớ của Thiên Chúa. Và nó chữa lành ký ước bị thương tổn của chúng ta.
Trước hết Thánh Lễ chữa lành ký ức mồ côi của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thời đại của cảnh mồ côi rất lớn. Thánh Lễ chữa lành ký ức mồ côi. Quá nhiều người mang những ký ức bị đánh dấu bởi thiếu sự yêu thương và những thất vọng cay đắng do chính những người đáng lẽ phải yêu thương họ gây ra, nhưng thay vì vậy khiến cho con tim họ mồ côi. Chúng ta muốn quay ngược lại và thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta không thể. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể chữa lành những vết thương này bằng cách đặt vào trong ký ức của chúng ta một tình yêu lớn lao hơn: tình yêu của Người. Thánh Thể mang chúng ta đến với tình yêu trung tín của Chúa Cha, nó chữa lành cảm giác là những đứa con mồ côi của chúng ta. Nó trao tặng cho chúng ta tình yêu của Chúa Giêsu, nó biến đổi một ngôi mộ từ một điểm chấm hết thành một khởi đầu, và cũng theo cách đó có thể biến đổi đời sống chúng ta. Nó lấp đầy tâm hồn chúng ta với tình yêu an ủi của Chúa Thánh Thần là Đấng không bao giờ bỏ chúng ta một mình và luôn luôn chữa lành những vết thương của chúng ta.
Qua Thánh Thể, Chúa cũng chữa lành ký ức tiêu cực của chúng ta, tính tiêu cực đó quá thường xuyên thấm vào trong tâm hồn chúng ta. Chúa chữa lành ký ức tiêu cực này, nó làm lộ ra trên mặt những điều sai trái đã xảy ra và để lại cho chúng ta suy nghĩ tiếc nuối rằng chúng ta là vô dụng, rằng chúng ta chỉ gây ra lỗi lầm, rằng chính bản thân chúng ta là một sai lỗi. Chúa Giêsu đến để nói với chúng ta rằng điều đó không phải như vậy. Người muốn gần gũi với chúng ta. Mỗi khi chúng ta đón nhận Người, Người nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta rất quý giá, rằng chúng ta là những vị khách Người đã mời đến dự yến tiệc của Người, là những người bạn mà Ngài muốn dùng bữa chung. Và không chỉ bởi vì Ngài quảng đại, nhưng vì Người thật sự thương yêu chúng ta. Người nhìn thấy và yêu vẻ đẹp và sự tốt lành của con người chúng ta. Chúa biết rằng sự dữ và tội lỗi không khẳng định chúng ta; chúng là những căn bệnh, những sự nhiễm trùng. Và Người để để chữa lành chúng bằng Thánh Thể có chứa những kháng thể cho ký ức tiêu cực của chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể trở nên miễn nhiễm với sự buồn bã. Chúng ta sẽ luôn luôn nhớ đến những thất bại, những rắc rối, những vấn đề ở nhà, và tại nơi làm việc, những giấc mơ không thành hiện thực. Nhưng sức nặng của nó không đè bẹp chúng ta vì Chúa Giêsu hiện diện thậm chí còn sâu sắc hơn, động viên chúng ta bằng tình yêu của Người. Đây là sức mạnh của Thánh Thể biến đổi chúng ta thành những người mang Chúa đến, là những người mang đến niềm vui, không phải nỗi buồn. Chúng ta là những người tham dự Thánh Lễ hãy tự hỏi mình: chúng ta mang điều gì đến cho thế giới? Có phải đó là nỗi buồn và sự cay đắng của mình, hay niềm vui của Chúa? Chúng ta Rước Lễ và rồi lại tiếp tục phàn nàn, chỉ trích, và cảm thấy tiếc nuối đối với bản thân không? Điều này chẳng cải thiện được gì, trong khi niềm vui của Chúa có thể thay đổi cuộc sống.
Cuối cùng, Thánh Thể chữa lành ký ức khép kín của chúng ta. Những vết thương chúng ta giữ chặt trong lòng tạo ra các vấn đề không chỉ cho chúng ta, mà cho cả người khác. Chúng làm cho chúng ta sợ hãi và hoài nghi. Chúng ta bắt đầu khép kín và cuối cùng trở nên yếm thế và thờ ơ. Những vết thương của mình có thể khiến chúng ta phản ứng với người khác bằng sự lạnh lùng và kiêu căng, trong ảo tưởng rằng bằng cách này chúng ta có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng nó chỉ là một ảo tưởng, vì chỉ có yêu thương mới có thể chữa lành sự sợ hãi tận gốc rễ của nó và giải thoát chúng ta khỏi tính quy ngã cầm tù chúng ta. Và đó là điều Chúa Giêsu làm. Người nhẹ nhàng tiến đến chúng ta, trong sự đơn sơ của Mình Thánh. Người trở nên như Bánh bẻ ra để phá vỡ những cái vỏ ích kỷ của chúng ta. Người trao tặng chính mình Ngài để dạy cho chúng ta rằng chỉ bằng cách mở rộng tâm hồn thì chúng ta mới có thể thoát khỏi những rào cản trong lòng, khỏi sự tê liệt của tâm hồn.
Thiên Chúa ban tặng chính mình Ngài cho chúng ta trong sự đơn sơ của tấm bánh, cũng mời gọi chúng ta không lãng phí cuộc đời để đuổi theo vô số những ảo ảnh mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể thiếu chúng, nhưng nó để lại cho chúng ta sự trống rỗng trong tâm hồn. Thánh Thể làm thỏa mãn cơn đói khát của cải vật chất của chúng ta và nhóm lên lòng khát khao phục vụ. Nó nâng chúng ta đứng dậy từ cách sống tiện nghi và biếng nhác, và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ là những cái miệng để được bón thức ăn, nhưng cũng là những bàn tay của Người, để giúp cho người khác ăn. Điều thật sự cấp bách hiện nay là chăm sóc cho những người đói ăn và đói phẩm giá, cho những người không có việc làm và cho những người phải chật vật kiếm sống. Và chúng ta phải thực hiện việc này một cách rất thật, thật như Bánh mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Cần có sự gần gũi đích thực, cũng như các mối dây liên đới thật sự. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đến gần chúng ta: để chúng ta không quay mặt xa cách những người chung quanh chúng ta!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cử hành Thánh Lễ: Sự ghi nhớ chữa lành ký ức của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên: Thánh Lễ là sự ghi nhớ chữa lành ký ức, ký ức của tâm hồn. Thánh Lễ phải là gia tài quý báu nhất trong Giáo hội và trong cuộc đời chúng ta. Và chúng ta cũng hãy tái khám phá sự tôn thờ Thánh Thể, tiếp tục công việc của Thánh Lễ trong chúng ta. Việc này sẽ vô cùng tốt lành cho chúng ta, vì nó chữa lành trong tâm hồn chúng ta. Đặc biệt lúc này khi sự thiếu thốn của chúng ta quá lớn.
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/6/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét