Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Nghiên cứu mới của Vatican cho biết chi tiết về lối thoát năm 1946 của Đức Gioan Phaolô II ra khỏi Ba Lan bị chiếm đóng

Nghiên cứu mới của Vatican cho biết chi tiết về lối thoát năm 1946 của Đức Gioan Phaolô II ra khỏi Ba Lan bị chiếm đóng

Nghiên cứu mới của Vatican cho biết chi tiết về lối thoát năm 1946 của Đức Gioan Phaolô II ra khỏi Ba Lan bị chiếm đóng

STF | AFP

 

John Burger

27/10/20


Khám phá của nhà nghiên cứu-linh mục người Canada đã làm sáng tỏ đời sống thời trẻ của Đức Karol Wojtyla.

Một vị linh mục người Canada dành nhiều thời gian để nghiên cứu tại Vatican đã phát hiện ra tài liệu mà cha tin là lần đầu tiên đề cập đến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai trong một bức thư gửi tới Vatican.

Bức thư có từ năm 1946, khi ngài Karol Wojtyla chuẩn bị trở thành linh mục. Nó được phát hiện vào tháng Chín bởi Cha Athanasius D. McVay, một linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu về văn khố của Vatican liên quan đến Ukraine. Bức thư mà cha tìm thấy nằm trong Văn khố Phòng thứ hai của Phủ Quốc Vụ Khanh. Cùng với tất cả các tài liệu từ năm 1939–1958, nó đã được giữ kín cho đến tháng Ba năm nay.

Cha McVay nói với Aleteia, “Tôi đang xem các báo cáo từ năm 1942 về Ba Lan bị Đức chiếm đóng, thì tôi phát hiện ra bức thư”.

Tài liệu đến từ Đức Cha Adam Sapieha, Tổng giám mục Krakow, người đã đấu tranh cho quyền của Giáo hội Công giáo Roma ở Ba Lan trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng từ năm 1939-1945. Các nhà cầm quyền Đức “dự định phá hủy Giáo hội và dân tộc của Ngài,” Cha McVay đã viết trong một bài đăng trên blog của ngài, Annales Ecclesiae Ucrainae

Cha McVay, người gốc Winnipeg, Manitoba, là thành viên của Ban Nghiên cứu Ukraine tại Đại học Toronto. Sách của cha bao gồm các quyển God’s Martyr (tạm dịch: Vị Tử đạo của Chúa), History’s Witness: Blessed Nykyta Budka: First Ukraine Catholic Bishop of Canada (tạm dịch: Chứng nhân lịch sử: Chân phước Nykyta Budka: vị Giám mục Công giáo người Ukraine đầu tiên của Canada).

Cha lưu ý rằng Adolf Hitler đã có kế hoạch cho các dân tộc Slav tương tự như những kế hoạch cho người Do Thái. Và Giáo hội không thể được loại trừ.

Cha McVay viết, “Trong khi Giáo hội Công giáo hầu như không được khoan dung ở Tây Âu, thì ở phía đông, Giáo hội đang bị phá hủy. Các giám mục, giáo sĩ và tu sĩ Ba Lan bị bỏ tù và giết hại, các chủng viện và đại học bị đóng cửa. Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã phải tìm ra những cách thức sáng tạo để trao thừa tác vụ cho đoàn chiên đau khổ của họ”.

Đức Cha Sapieha không hề hãi sợ. Ngài đã “thể hiện sức mạnh không nao núng trong cách đối phó với những kẻ chiếm đóng,” Cha McVay viết trên blog của mình. Đức tổng giám mục đã trực tiếp kêu gọi thống đốc của Ba Lan bị Đức chiếm đóng, lên án các vụ giết người, bắt bớ và những hạn chế đối với thừa tác vụ, và yêu cầu các chủng viện phải được phép mở cửa trở lại. Nhưng ngay cả với sự can thiệp của Đức Giáo hoàng Piô XII, Đức Cha Sapieha cũng chẳng đạt được điều gì.

Vì các linh mục đang bị giam cầm và sát hại, Đức Cha Sapieha đã mở một chủng viện bí mật. Ngài Karol Wojtyla gia nhập chủng viện đó năm 1942.

Khi đức tổng giám mục thông báo cho Roma về chủng viện bí mật, Đức Piô XII đã gửi một thông điệp ủng hộ, gọi sáng kiến này là “rất quan trọng cho tương lai của Giáo hội ở những vùng đó”.

Cha McVay lưu ý: “Đức Giáo hoàng hầu nhưng không hề biết rằng chủng viện bí mật đó sẽ trở nên quan trọng như thế nào đối với toàn thế giới. Nó đã chuẩn bị người kế nhiệm của ngài trên Ngai tòa Phêrô.”

Sau khi chiến tranh kết thúc và sự thất bại của Đức Quốc xã, Ba Lan nằm dưới chế độ cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn. Nhưng Đức Cha Sapieha “bắt đầu chuẩn bị cho Giáo hội Ba Lan để sinh ra những người lao công mới cho vụ thu hoạch thiêng liêng,” Cha McVay viết. Một phần trong kế hoạch đó là cho các chủng sinh của ngài được hưởng nền giáo dục tốt. Đặc biệt với hai chủng sinh ngài muốn gửi đến Roma, nhưng họ cần sự giúp đỡ về ngoại giao để thoát khỏi nước Ba Lan cộng sản. Ngày 22 tháng Chín năm 1946, khi ngài Wojtyla vẫn còn là một chủng sinh, đức giám mục của ngài đã gửi một bức thư cho Đức ông Domenico Tardini, vị đứng đầu Phân bộ Ngoại giao thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh. Đây là bức thư mà cha McVay tìm thấy, được viết bằng tiếng Ý và cha đăng lại bản dịch của cha trên blog của mình:

Trọng kính Đức ông,

Đức ông chắc chắn thấu hiểu rằng chúng con rất muốn gửi các chủng sinh của chúng con đến các đại học Roma để tạo cho họ cơ hội hoàn thiện các môn học, và trong một khoảng thời gian nào đó được sống tại trung tâm của Giáo hội. Tuy nhiên, để nhập cảnh vào Ý, cần phải được phép của Chính phủ Ý và được cung cấp tài chính. Do đó, con xin, bằng một cách nào đó, mong Đức ông có thể xin phép cho chúng con. Để có được sự chăm sóc, các chủng sinh sẽ ở tại một trường Cao đẳng sẽ cung cấp cho họ.

Hiện tại, chúng con hy vọng có thể xin được hộ chiếu cho hai chủng sinh, đó là Karol Wojtyła và Stanisław Starowiejski, chủng sinh của Chủng viện Giáo phận Kraków. Con xin lỗi, thưa Đức ông, vì đã làm phiền Người, nhưng cần phải tận dụng dịp này.

Lá thư của Đức Cha Sapieha đến Vatican vào ngày 1 tháng Mười, kèm theo sơ yếu lý lịch của hai chủng sinh. Một vị hữu trách Vatican “không biết giải thích nó đã được gửi đi bằng cách nào,” Cha McVay nhận xét. “Vào ngày 4 tháng Mười, Đức ông Tardini đã gửi một nota verbale (tạm dịch: thư tay ngoại giao) cho Đại sứ Ý tại Tòa Thánh, yêu cầu sự trợ giúp của ông và đề cập đến tên của hai sinh viên.”

Ngài Wojtyla được thụ phong linh mục ngày 1 tháng Mười Một và đến Roma ngày 15 tháng Mười Một. Ngài đăng ký học tại Viện Giáo hoàng (sau này là Đại học) Thánh Thomas Aquinas (được gọi là Angelicum) vào ngày 26 tháng Mười Một. Ngài tiếp tục lấy bằng tiến sĩ triết học năm 1948. Angelicum vẫn còn giữ bản gốc luận án đánh máy của ngài về “The Doctrine of Faith in St. John of the Cross” (tạm dịch: Giáo lý Đức tin nơi Thánh Gioan Thánh Giá.)

Cha Wojtyla trở về Ba Lan, và giống như đức giám mục đã truyền chức cho ngài, ngài sẽ đấu tranh để bảo vệ các quyền của Giáo hội dưới chế độ toàn trị.

Bức thư mới được phát hiện làm sáng tỏ một chút về bước đi quan trọng trong cuộc đời thuở ban đầu của Đức Wojtyla.

Cha McVay lưu ý: “Đối với một chủng sinh được ‘nhắc đích danh trong các thông báo nhanh’ là một điều hiếm thấy. Và lá thư này có thể cho thấy sự đề cập đầu tiên đến Đức Wojtyła trong thư tín với Tòa Khâm sứ, có trong bộ văn khố lưu trữ của Vatican.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/10/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét