Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Đức Thánh Cha nói hãy thay đổi đời sống để trở về trung thành với Thiên Chúa (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Đức Thánh Cha nói hãy thay đổi đời sống để trở về trung thành với Thiên Chúa (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha nói hãy thay đổi đời sống để trở về trung thành với Thiên Chúa (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Tại nhà nguyện Thánh Marta, ngài nói chúng ta cần phải ít chú ý đến những nguồn an ủi khác, & hướng về Đức Kitô

14 tháng Tư, 2020 17:52

Hãy sám hối và thay đổi đời sống … 

Trở về trung thành với Thiên Chúa … 

Từ bỏ những ngẫu tượng và những sự an toàn khác … 

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điểm này hôm nay, 14 tháng Tư, hai ngày sau Chúa nhật Phục sinh, trong Thánh Lễ không có người tham dự của ngài tại khu Casa Santa Marta.

Bắt đầu Thánh Lễ, trong khi nhớ đến tất cả các nạn nhân Coronavirus, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiệp nhất.

Đức Thánh Cha cầu nguyện, “Trong những thời gian khó khăn này, xin Người cho phép chúng ta khám phá ra sự kết hiệp ràng buộc chúng ta và sự hiệp nhất luôn luôn lớn lao hơn mọi sự chia rẽ.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy niệm về lời mời gọi hoán cải trong ngày Lễ Ngũ tuần của Thánh Phêrô (Cv 2:36-41), khi ngài nói người dân thành Giêrusalem hãy sám hối và thay đổi con đường của họ.

Đức Phanxico nói, “Và Thánh Phêrô rất rõ ràng: “Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy thay đổi đời sống, anh em đã nhận được điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, và anh em đã từ bỏ Luật của Thiên Chúa, rất nhiều thứ của anh em, trong đó có những ngẫu thần, rất nhiều thứ … Hãy sám hối. Hãy trở về với lòng trung thành” (x. Cv 2:38). Sự sám hối ở đây tức là: hãy quay về với lòng trung thành.”

Đức Giáo hoàng người Argentine công nhận rằng lòng trung thành không luôn là thái độ thường có trong đời sống con người, trong đời sống chúng ta. “Luôn có những ảo tưởng làm sao lãng sự chú tâm của chúng ta, và vì thế chúng ta thường muốn chạy theo những ảo tưởng này.”

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi người tín hữu hãy từ bỏ ‘những gì họ đang hướng về,’ mà đó không phải là Thiên Chúa, tức là những ngẫu tượng. Ngài nhấn mạnh rằng quá tự tin bản thân và đầy đủ vật chất thường dẫn đến sự bất trung theo cách này hoặc cách khác.

Ngài nói, ngay cả khi chúng ta không ‘quỳ gối’ trước những ngẫu tượng này, nếu chúng ta vẫn có khuynh hướng hướng về chúng, thì đã đến lúc phải từ bỏ chúng.

Chúng ta cần phải dứt khoát trở về với Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu tham dự Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Bài giảng của Thánh Phêrô xuyên thấu vào tâm hồn con người: “Đấng mà anh em đã treo trên thập giá đã sống lại” (x. Cv 2:36). Khi nghe “điều này, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’” (Cv 2:37). Và Thánh Phêrô rất rõ ràng: “Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy thay đổi đời sống, anh em đã nhận được điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, và anh em đã từ bỏ Luật của Thiên Chúa, rất nhiều thứ của anh em, trong đó có những ngẫu thần, rất nhiều thứ … Hãy sám hối. Hãy trở về với lòng trung thành” (x. Cv 2:38). Sự sám hối ở đây tức là: hãy quay về với lòng trung thành. Lòng trung thành — thái độ đó của con người không luôn có trong đời sống con người, trong đời sống chúng ta. Luôn luôn có những ảo tưởng làm sao lãng sự chú tâm của chúng ta, và vì thế chúng ta thường muốn chạy theo những ảo tưởng này — lòng trung thành, trong những lúc thuận lợi và trong những lúc khó khăn. Có một trình thuật trong Sách Biên niên sử quyển Hai đánh động cha rất nhiều. Đó là chương 12, ngay đầu chương. Chương này mô tả, “Củng cố được vương quốc và trở nên hùng mạnh rồi, vua Rơkhápam bỏ Lề Luật của Đức Chúa, khiến toàn thể Israel cũng theo gương” (x. 2 Sb 12:1), Kinh Thánh nói như vậy. Nó là một sự thật lịch sử, nhưng quả thật nó là một sự thật chung. Rất nhiều lần, khi chúng ta cảm thấy an toàn, chúng ta bắt đầu đặt ra những kế hoạch cho mình, và dần dần chúng ta rời bỏ Thiên Chúa; chúng ta không giữ lòng trung thành. Và sự an toàn của tôi không phải là thứ Thiên Chúa ban cho tôi nhưng là một ngẫu tượng. Đây là những gì đã xảy ra với vua Rơkhápam và dân tộc Israel. Họ cảm thấy an toàn — trong một vương quốc được thành lập — họ rời bỏ lề luật và bắt đầu thờ cúng các ngẫu tượng. Vâng, chúng ta có thể nói: “Thưa cha, con không quỳ gối trước các ngẫu tượng.” Không, có lẽ bạn không quỳ gối, nhưng sự thật là bạn tìm kiếm chúng và tôn thờ chúng nhiều lần trong lòng — rất nhiều lần. Sự an toàn của một người mở ra cánh cửa đến với các ngẫu tượng.

Nhưng sự an toàn của chúng ta có phải là sự dữ? Không, đó là một ơn. Được an toàn, nhưng được an toàn và biết rằng Chúa ở với tôi. Tuy nhiên, khi có sự an toàn và tôi đứng ở vị trí trung tâm, tôi liền rời bỏ Chúa, cũng như vua Rơkhápam, và tôi trở nên bất trung. Rất khó để giữ lòng trung tín. Toàn bộ lịch sử của dân Israel, và toàn bộ lịch sử của Giáo hội, đầy những sự bất trung — tràn đầy: đầy những kiêu ngạo, những sự an toàn của con người làm cho dân Chúa rời bỏ Thiên Chúa và đánh mất lòng trung thành, mất ơn trung tín. Và ngay giữa chúng ta, giữa mọi người, lòng trung tín không phải là một đức tính thường có. Người này không trung tín với người kia, với người đó … “Hãy sám hối, hãy quay về lòng trung thành với Thiên Chúa” (x. Cv 2:38).

Và trong Tin mừng, biểu tượng của lòng trung thành là người phụ nữ tín trung đó, người không bao giờ quên những gì Chúa đã làm cho bà. Bà ở đó, trung kiên, đứng trước một điều không thể nào tin được, đứng trước một thảm kịch, một lòng trung kiên khiến bà nghĩ rằng bà có thể mang được xác Chúa … (x. Ga 20:15) – một phụ nữ yếu đuối nhưng trung kiên, biểu tượng của lòng tín trung của Maria và Mácđala, Tông đồ của các Tông đồ.

Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban ơn trung tín, để cảm tạ Ngài khi Ngài ban cho chúng ta được những sự an toàn, nhưng không bao giờ nghĩ rằng đó là sự an toàn “của tôi” và luôn nhìn xa hơn những sự an toàn đó; ơn trung tín cả khi đứng trước những ngôi mộ, trước sự sụp đổ của nhiều ảo tưởng. Một lòng trung thành luôn luôn kiên vững, nhưng không phải dễ để giữ được. Nguyện xin Ngài, Đấng là Thiên Chúa, bảo vệ nó.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét