Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha – ngày 1 tháng Một (Toàn văn)

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha – ngày 1 tháng Một (Toàn văn)

© Vatican Media

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha – ngày 1 tháng Một (Toàn văn)

‘Văn hóa quan tâm là con đường đến hòa bình’

17 tháng Mười Hai, 2020 15:12

STAFF REPORTER


Sau đây là toàn văn sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha Phanxico, được kỷ niệm ngày 1 tháng Một, 2021, với chủ đề: “Văn hóa quan tâm là con đường đến hòa bình.”

Văn bản được công bố trên mạng ngày 17 tháng Mười Hai năm 2020, từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Dưới đây là sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxico:

***

Văn hóa quan tâm là con đường đến hòa bình

1. Trước thềm năm mới, tôi xin gửi lời chào thân ái tới các vị Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ, quý vị lãnh đạo các Tổ chức Quốc tế, các nhà lãnh đạo tinh thần và tín đồ của các tôn giáo, và những người nam nữ thiện chí. Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người để năm mới sắp tới sẽ giúp nhân loại thăng tiến trên con đường của tình huynh đệ, công bằng và hòa bình giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia.

Năm 2020 bị đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng do Covid-19, trở thành một hiện tượng toàn cầu xuyên biên giới, làm trầm trọng thêm những cuộc khủng hoảng có sự liên quan sâu sắc với nhau như khủng hoảng khí hậu, lương thực, kinh tế và di cư, và gây ra sự đau khổ và cơ cực rất lớn. Tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những người đã bị mất các thành viên gia đình hoặc người thân yêu, và tất cả những người mất việc làm. Tôi cũng nghĩ đến các bác sĩ và y tá, những dược sĩ, các nhà nghiên cứu, những người tình nguyện, các vị tuyên úy và nhân viên các nhà thương và trung tâm chăm sóc sức khỏe. Họ đã và đang tiếp tục hy sinh rất nhiều để ở bên người bệnh, để giảm bớt những đau khổ và cứu sống họ; thật vậy, nhiều người đã chết vì công việc. Để tôn vinh họ, tôi tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và khu vực tư nhân dành mọi nỗ lực để bảo đảm sự tiếp cận với vaccine Covid-19, và với những công nghệ quan trọng vô cùng cần thiết cho người bệnh, người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.[1]

Thật đáng buồn, cùng với những chứng tá yêu thương và đoàn kết này, chúng ta cũng chứng kiến sự bùng lên các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, và chiến tranh và xung đột là những điều chỉ mang đến chết chóc và tàn phá.

Những biến cố này và các biến cố khác đã đánh dấu con đường của nhân loại trong năm qua dạy chúng ta rằng điều quan trọng là phải quan tâm lẫn nhau và chăm sóc cho tạo vật để cố gắng xây dựng một xã hội huynh đệ hơn. Đó là lý do tại sao tôi chọn tựa đề cho Sứ điệp năm nay là Văn hóa quan tâm là con đường đến hòa bình. Văn hóa quan tâm là con đường chống lại văn hóa thờ ơ, lãng phí và đối đầu đang rất thịnh hành trong thời đại chúng ta.

2. Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo, nguồn cội ơn gọi quan tâm của con người

Nhiều truyền thống tôn giáo kể về nguồn gốc của con người và mối tương quan của họ với Đấng Tạo hóa, với thiên nhiên và với người nam nữ đồng loại. Trong Kinh Thánh, Sách Sáng Thế Ký đã cho thấy tầm quan trọng của việc quan tâm hoặc bảo vệ trong chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại ngay từ những trang đầu tiên. Nó làm nổi bật mối tương quan giữa con người (’adam) và trái đất (’adamah), và giữa bản thân chúng ta là anh chị em. Trong trình thuật kinh thánh về sự tạo dựng, Thiên Chúa giao phó vườn cây “trồng ở Êđen” (x. St 2:8) cho ông Ađam chăm sóc, để “cày cấy và canh giữ nó” (St 2:15). Điều này đòi phải làm cho trái đất sinh hoa lợi, đồng thời bảo vệ nó và duy trì khả năng hỗ trợ sự sống của nó.[2] Động từ “cày cấy” và “canh giữ” mô tả mối tương quan của Ađam với ngôi nhà vườn của ông, nhưng cũng là sự tin tưởng Thiên Chúa đặt nơi ông bằng cách cho ông là chủ nhân và là người bảo vệ tất cả tạo vật.

Sự chào đời của Cain và Abel bắt đầu lịch sử của anh em chị em, với mối tương quan được hiểu theo nghĩa bảo vệ hoặc “canh giữ” – ngay cả với Cain, tuy nhiên đã bị sai lầm. Sau khi giết em là Abel, Cain trả lời câu hỏi của Đức Chúa rằng: “Con là người canh giữ em con hay sao?” (St 4:9).[3] Như tất cả chúng ta, Cain đã được kêu gọi để trở thành “người canh giữ em mình.” Những câu truyện cổ xưa này, đầy tính tượng trưng, làm chứng cho niềm tin mà ngày nay chúng ta chia sẻ, đó là mọi thứ đều được liên kết, và việc chăm sóc thật sự cho đời sống chúng ta và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công bằng và trung tín với người khác”.[4]

3. Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo, mẫu gương của sự chăm sóc

Kinh Thánh trình bày Thiên Chúa không chỉ là Đấng Sáng tạo, mà còn là Đấng chăm sóc cho các loài thụ tạo, đặc biệt là ông Ađam và bà Eva và con cái của họ. Mặc dù bị chúc dữ vì tội đã phạm, Cain vẫn được ghi dấu bảo vệ bởi Đấng Sáng Tạo, để sự sống của ông được bảo vệ (xem St 4:15). Khi khẳng định phẩm giá bất khả xâm phạm của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, đây cũng là một dấu chỉ của chương trình của Thiên Chúa để bảo tồn sự hòa hợp của tạo vật của Người, vì “hòa bình và bạo lực không thể tồn tại cùng nhau”.[5]

Chăm sóc tạo vật là trung tâm của việc thiết lập năm Sabát, trong đó ngoài việc thờ phượng Thiên Chúa còn nhằm mục đích phục hồi trật tự xã hội và quan tâm đến người nghèo (xem St 1:1-3; Lv 25:4). Việc cử hành Năm Thánh vào năm Sabát thứ bảy cung cấp thời gian nghỉ ngơi cho đất đai, cho những người tôi tớ và cho người mắc nợ. Trong năm hồng phúc đó, những người thiếu thốn nhất được chăm sóc và được trao cơ hội mới trong cuộc sống, để không có người nghèo giữa mọi người (xem Đnl 15:4).

Trong truyền thống ngôn sứ, sự hiểu biết kinh thánh về công bằng được thể hiện ở mức độ cao nhất trong cách cộng đồng đối xử với những thành viên yếu thế nhất của họ. Đặc biệt tiên tri Amốt (xem 2:6-8; 8) và tiên tri Isaia (xem 58), kiên quyết đòi công bằng cho người nghèo, những người dễ bị tổn thương và yếu thế nhất, đã kêu lên và được Chúa nhận lời, Đấng bảo vệ họ (xem Tv 34:7; 113:7-8).

4. Chăm sóc trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu

Đời sống và thừa tác vụ của Chúa Giêsu thể hiện sự mạc khải tối cao về tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại (xem Ga 3:16). Trong hội đường tại làng Nadarét, Chúa Giêsu thể hiện mình là người được xức dầu bởi Thiên Chúa và “để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4:18). Những hành động này của Đấng Thiên sai, gắn liền với Năm Thánh, làm chứng hùng hồn cho sứ vụ mà Ngài đã đón nhận từ Chúa Cha. Với lòng từ bi, Đức Kitô đến gần những người đau yếu về thể xác và tinh thần, và chữa lành cho họ; Ngài đã tha thứ cho tội nhân và ban cho họ cuộc sống mới. Chúa Giêsu là vị Mục tử Nhân lành chăm sóc đàn chiên của mình (xem Ga 10:11-18; Ed 34:1-31). Ngài là người Samari Nhân hậu đến để giúp người đàn ông bị thương, băng bó những vết thương và chăm sóc cho ông ta (xem Lc 10:30-37).

Đỉnh điểm của sứ vụ, Chúa Giêsu đã đưa ra bằng chứng cuối cùng về sự chăm sóc của Ngài cho chúng ta bằng việc hiến mình trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội và cái chết. Bằng ân sủng hiến tế mạng sống, Ngài đã mở ra cho chúng ta con đường yêu thương. Ngài nói với mỗi người chúng ta, “Hãy theo Ta, hãy đi và làm như vậy” (xem Lc 10:37).

5. Văn hóa quan tâm trong đời sống của các môn đệ Chúa Giêsu

Các mối phúc thương xác và thương hồn là trung tâm bác ái được thực hành bởi Giáo hội sơ khai. Thế hệ người Kitô hữu đầu tiên chia sẻ những gì họ có, để không ai giữa họ phải thiếu thốn (xem Cv 4:34-35). Họ đã cố gắng biến cộng đoàn thành một ngôi nhà chào đón, quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và sẵn sàng chăm sóc cho những người thiếu thốn nhất. Điều trở thành một thói quen là dâng cúng tự nguyện để cho người nghèo được ăn, chôn xác người chết và chăm sóc trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của các thảm họa như đắm tàu. Những thời gian sau đó, khi lòng quảng đại của Kitô hữu đánh mất đi sự nhiệt huyết ban đầu, một số Giáo Phụ nhấn mạnh rằng của cải là ích chung theo ý định của Thiên Chúa. Theo Thánh Ămbrôxiô, “thiên nhiên trổ sinh mọi thứ để tất cả mọi người được sử dụng chung … và do vậy tạo ra một quyền chung cho tất cả mọi người, nhưng sự tham lam đã biến nó thành một quyền chỉ dành riêng cho ít người”.[6] Sau những cuộc bách hại ở các thế kỷ đầu, Giáo hội sử dụng sự tự do mới để truyền cảm hứng cho xã hội và văn hóa của nó. “Nhu cầu của thời đại đòi hỏi những nỗ lực mới trong sự phục vụ của bác ái Kitô giáo. Lịch sử ghi lại không biết bao nhiêu tấm gương những công việc thiết thực của lòng thương xót … Hoạt động của Giáo hội giữa người nghèo ở mức độ lớn được tổ chức chặt chẽ. Nhiều tổ chức nhằm đáp ứng các nhu cầu con người được khai sinh: các nhà thương, nhà cho người nghèo, trại mồ côi, cô nhi viện, nhà lưu trú cho khách du lịch … ”[7]

6. Những nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội là nền tảng cho văn hóa quan tâm 

Diakonia trong thời kỳ đầu của Giáo hội, được làm phong phú nhờ những suy tư của các Giáo phụ và hưng thịnh qua các thế kỷ nhờ lòng bác ái tích cực của nhiều chứng nhân sáng chói cho đức tin, đã trở thành trái tim sống của học thuyết xã hội của Giáo hội. Học thuyết này được cung cấp cho tất cả những người có thiện chí như một gia sản quý giá về các nguyên tắc, tiêu chí và đề nghị có thể dùng như một “bộ văn phạm” cho sự chăm sóc: cam kết thăng tiến phẩm giá của mỗi nhân vị, tình liên đới với người nghèo và dễ bị tổn thương, theo đuổi ích chung và quan tâm đến việc bảo vệ tạo vật.

* Chăm sóc để thăng tiến phẩm giá và quyền của mỗi người

“Khái niệm về con người, bắt nguồn và phát triển trong Kitô giáo, thúc đẩy việc theo đuổi sự phát triển con người trọn vẹn. Con người luôn biểu hiện mối tương quan, không phải cá nhân chủ nghĩa; nó khẳng định sự bao gồm, không phải loại trừ, phẩm giá duy nhất và bất khả xâm phạm, không bóc lột”.[8] Mỗi con người là một mục tiêu trong chính họ, và không bao giờ chỉ đơn thuần là một phương tiện được định giá trị bởi sự hữu dụng của họ. Con người được tạo dựng để chung sống với nhau trong các gia đình, cộng đồng và xã hội, trong đó tất cả đều bình đẳng trong phẩm giá. Quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá này, cũng như các bổn phận của con người, như trách nhiệm chào đón và hỗ trợ người nghèo, người bệnh tật, người bị loại trừ, tất cả mọi người trong số “những người lân cận, gần hoặc xa về không gian và thời gian” của chúng ta.[9]

* Chăm sóc vì ích chung

Mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế sẽ đạt được kết quả cao nhất khi hướng vào sự phục vụ ích chung, nói cách khác là “toàn bộ các điều kiện xã hội cho phép con người, dù là nhóm hay cá nhân, đạt sự hoàn thiện trọn vẹn hơn và dễ dàng hơn”.[10] Do đó, các chương trình và dự án của chúng ta phải luôn luôn xét đến những tác động của chúng đối với toàn gia đình nhân loại, và cân nhắc những hệ quả của chúng đối với hiện tại và các thế hệ đang đến. Đứng trước đại dịch, “chúng ta nhận ra rằng chúng ta ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và bị mất phương hướng, nhưng đồng thời là quan trọng và rất cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo chống”,[11] vì “không ai đạt được sự cứu rỗi một mình”[12] và không quốc gia nào có thể bảo đảm ích chung cho dân tộc nếu nó duy trì sự cô lập.[13]

* Chăm sóc qua tình liên đới

Tình liên đới miêu tả cụ thể sự yêu thương của chúng ta đối với tha nhân, không phải là một thứ cảm xúc mơ hồ nhưng là một “sự quyết tâm chắc chắn và kiên trì cam kết vì ích chung; tức là vì lợi ích của tất cả và của mỗi cá nhân, vì tất cả chúng ta thật sự chịu trách nhiệm với tất cả”.[14] Tình liên đới giúp chúng ta xem người khác không chỉ là những con số thống kê – bất kể đó là các cá nhân, hay rộng lớn hơn là các dân tộc hoặc quốc gia, hoặc xem họ là một phương tiện để sử dụng rồi loại bỏ khi không còn hữu dụng, nhưng xem họ là người lân cận, là người đồng hành với chúng ta trên hành trình, được kêu gọi như chúng ta dự phần vào bữa tiệc sự sống được Thiên Chúa mời gọi, trong đó tất cả đều bình đẳng.

* Chăm sóc và bảo vệ tạo vật

Tông huấn Laudato Si’ nhận thức trọn vẹn rằng tất cả các tạo vật đều được kết nối với nhau. Nó cũng nhấn mạnh đến việc chúng ta cần phải lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, đồng thời là tiếng kêu của tạo vật. Liên tục và chăm chú lắng nghe sẽ dẫn đến việc chăm sóc hiệu quả cho trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và cho những anh chị em thiếu thốn của chúng ta. Đến đây, một lần nữa tôi muốn chỉ ra rằng “ý thức về sự tương thông sâu sắc với thiên nhiên sẽ không thể xác thực nếu tâm hồn chúng ta thiếu lòng nhân từ, lòng trắc ẩn và quan tâm đến đồng loại của mình”.[15] “Hòa bình, công bằng và sự chăm sóc tạo vật là ba vấn đề đan kết chặt chẽ với nhau, chúng không thể bị tách rời và thực hiện theo cách riêng lẻ, bằng không chúng ta lại rơi ngược trở lại chủ nghĩa giản lược”.[16]

7. La bàn chỉ đến con đường chung

Trong thời đại bị văn hóa lãng phí thống trị, đứng trước những bất bình đẳng ngày càng lớn mạnh trong các quốc gia và giữa các quốc gia,[17] tôi mời gọi các nhà lãnh đạo chính phủ và các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà khoa học, những nhà truyền thông và giáo dục, hãy đón lấy những nguyên tắc này như một “la bàn” có khả năng chỉ ra hướng đi chung và bảo đảm “một tương lai nhân văn hơn”[18] trong tiến trình toàn cầu hóa. Điều này giúp chúng ta biết tôn trọng giá trị và phẩm giá của mỗi người, để cùng nhau hoạt động trong tình liên đới vì ích chung, và để xoa dịu những người đau khổ vì túng thiếu, bệnh tật, tình trạng nô lệ, những cuộc xung đột vũ trang, và phân biệt đối xử. Tôi mời gọi mọi người hãy cầm lấy la bàn này trên tay và trở thành một chứng nhân tiên tri cho văn hóa chăm sóc, làm việc để chiến thắng nhiều bất bình đẳng xã hội đang tồn tại. Chỉ có thể đạt được điều này thông qua sự tham gia rộng rãi và đầy ý nghĩa của phụ nữ, trong gia đình và trong mọi lĩnh vực xã hội, chính trị và thể chế.

La bàn cho những nguyên tắc xã hội này, vô cùng quan trọng cho sự phát triển văn hóa chăm sóc, cũng chỉ ra sự cần thiết đối với mối tương quan giữa các dân tộc được truyền cảm hứng bởi tình huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau, tình đoàn kết và tuân thủ luật pháp quốc tế. Về vấn đề này, chúng ta phải thừa nhận sự cần thiết phải bảo vệ và thúc đẩy những quyền căn bản của con người, là những quyền bất khả xâm phạm, phổ quát và không thể phân chia.[19]

Sự cấp bách không kém là cần phải tôn trọng luật nhân đạo, đặc biệt vào thời điểm này khi các cuộc xung đột và chiến tranh vẫn diễn ra liên miên. Thật đáng thương, nhiều khu vực và cộng đồng không còn nhớ được thời gian khi họ được sống trong an ninh và hòa bình. Rất nhiều thành phố đã trở thành tâm điểm mất an ninh: người dân phải gắng gượng để duy trì thói quen bình thường trước các vụ tấn công hàng loạt bằng chất nổ, pháo kích và các loại vũ khí nhỏ. Trẻ em không thể đến trường. Những người nam và nữ không thể làm việc để hỗ trợ gia đình. Nạn đói lan rộng ở những nơi trước đây chưa hề có. Người dân buộc phải chạy trốn, bỏ lại sau lưng họ không những nhà cửa mà bỏ cả lịch sử gia đình họ và những cội nguồn văn hóa của họ.

Trong khi các cuộc xung đột đó có nhiều nguyên nhân, nhưng hậu quả thì luôn giống nhau: sự tàn phá và những khủng hoảng nhân đạo. Chúng ta phải dừng lại và tự hỏi rằng điều gì đã khiến cho thế giới chúng ta xem xung đột là điều bình thường, và tâm hồn chúng ta có thể được hoán cải và lối suy nghĩ của chúng ta được thay đổi bằng cách nào, để làm việc cho nền hòa bình thật sự trong tình đoàn kết và huynh đệ.

Không biết bao nhiêu nguồn lực đã được chi tiêu cho vũ khí, đặc biệt là vũ khí nguyên tử,[20] trong khi chúng có thể được dùng cho những ưu tiên quan trọng hơn như bảo đảm sự an toàn cho các cá nhân, thúc đẩy hòa bình và phát triển con người toàn diện, cuộc chiến chống nghèo khổ, và y tế dự phòng. Các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19 hiện tại và biến đổi khí hậu làm cho những thách đố này trở nên rõ ràng hơn. Thật là một quyết định can đảm nếu có thể “thành lập một ‘Quỹ Toàn cầu’ với số tiền dùng cho vũ khí và những chi tiêu quân sự khác, để vĩnh viễn xóa bỏ nạn đói và góp phần cho sự phát triển của những nước nghèo nhất”![21]

8. Giáo dục văn hóa quan tâm

Thúc đẩy văn hóa quan tâm đòi hỏi một tiến trình giáo dục. “La bàn” cho những nguyên tắc xã hội có thể chứng minh hữu ích và đáng tin cậy trong nhiều bối cảnh tương quan khá nhau. Tôi xin đưa ra một số ví dụ:

– Giáo dục con người biết quan tâm bắt đầu từ trong gia đình, là hạt nhân tự nhiên và nền tảng của xã hội, trong đó chúng ta học cách sống và tương quan với người khác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Lúc này gia đình cần phải được trao quyền để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và không thể thiếu này.

– Cùng với gia đình, học đường và đại học – và trong một số khía cạnh gồm cả thông tin truyền thông – cũng chịu trách nhiệm giáo dục.[22] Họ được kêu gọi để truyền lại một hệ thống giá trị đặt nền tảng trong sự chân nhận phẩm giá mỗi con người, mỗi cộng đồng ngôn ngữ, sắc tộc và tôn giáo, và mỗi dân tộc, cũng như các quyền căn bản xuất phát từ sự chân nhận đó. Giáo dục là một trong những trụ cột của một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.

– Các tôn giáo nói chung, và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói riêng, có thể đóng một vai trò không thể thiếu trong việc truyền lại cho các tín đồ, và cho xã hội nói chung, những giá trị của tình đoàn kết, tôn trọng những khác biệt, và quan tâm đến anh chị em túng thiếu. Ở đây tôi nghĩ đến những lời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói năm 1969 trước Quốc hội Uganda: “Xin đừng sợ Giáo hội, Giáo hội tôn vinh quý vị, Giáo hội giáo dục những công dân trung thực và trung thành cho quý vị, Giáo hội không kích động những sự kình địch và chia rẽ, Giáo hội tìm cách thúc đẩy quyền tự do lành mạnh, công bằng xã hội, và hòa bình. Nếu Giáo hội có bất kỳ sự ưu ái nào, thì đó là dành cho người nghèo, cho việc giáo dục trẻ nhỏ và người dân, cho sự chăm sóc người đau khổ và người bị bỏ rơi”.[23]

– Một lần nữa tôi khuyến khích tất cả những người tham gia vào sự phục vụ chung và trong các tổ chức quốc tế, thuộc chính phủ cũng như phi chính phủ, và tất cả những người hoạt động theo nhiều cách khác nhau trong các lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, làm việc hướng đến mục tiêu về một “nền giáo dục rộng mở và bao gồm hơn, trong đó có sự lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết nhau nhiều hơn”.[24] Tôi hy vọng rằng lời kêu gọi này, được đưa ra trong bối cảnh Công ước Toàn cầu về Giáo dục, sẽ được công nhận và chấp nhận rộng rãi.

9. Không thể có hòa bình nếu không có văn hóa quan tâm 

Do đó, văn hóa quan tâm kêu gọi một cam kết chung, hỗ trợ và hội nhập để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và ích lợi của tất cả mọi người, sẵn sàng thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn, để hòa giải và chữa lành, và để nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Như vậy, nó đại diện cho một con đường đặc thù dẫn đến hòa bình. “Ở nhiều nơi trên thế giới, đang rất cần có những con đường hòa bình để chữa lành các vết thương. Cũng cần phải có những người xây dựng hòa bình, những người nam và nữ sẵn sàng làm việc một cách can đảm và sáng tạo để khởi động những tiến trình chữa lành và gặp gỡ mới”.[25]

Tại thời điểm như lúc này, khi con thuyền của nhân loại, bị vùi dập bởi cuộc khủng hoảng hiện tại, những cuộc chiến để tiến tới một chân trời yên bình và dịu êm hơn, “bánh lái” là nhân phẩm và “la bàn” là những nguyên tắc nền tảng của xã hội có thể giúp chúng ta cùng nhau lái theo một dòng chảy chắc chắn. Là người Kitô hữu, chúng ta phải luôn hướng trông lên Đức Mẹ, Mẹ Sao Biển và Mẹ Hy vọng. Mong sao chúng ta cùng làm việc để tiến tới một chân trời mới của yêu thương và hòa bình, của tình huynh đệ và đoàn kết, của sự hỗ trợ và chấp nhận lẫn nhau. Ước mong rằng chúng ta không bao giờ chịu khuất phục trước cám dỗ không quan tâm đến người khác, đặc biệt những người thiếu thốn nhất, và quay mặt đi hướng khác;[26] nhưng mong rằng chúng ta phấn đầu hàng ngày, bằng những con đường cụ thể và thiết thực, “để xây dựng một cộng đồng của những người anh chị em biết chấp nhận và chăm sóc cho nhau”.[27]

Viết từ Vatican, 8 tháng Mười Hai, 2020

PHANXICÔ

________________________

[1] Cf. Video Message to the Seventy-fifth Meeting of the General Assembly of the United Nations, 25 September 2020.

[2] Cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 67.

[3] Cf. “Fraternity, the Foundation and Pathway to Peace”, Message for the 2014 World Day of Peace (8 December 2013), 2.

[4] Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 70.

[5] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, No. 488.

[6] De Officiis, 1, 28, 132: PL 16, 67.

[7] K. BIHLMEYER-H. TÜCHLE, Church History, vol. 1, Westminster, The Newman Press, 1958, pp. 373, 374.

[8] Address to Participants in the Conference organized by the Dicastery for Promoting Integral Human Development to mark the Fiftieth Anniversary of the Encyclical Populorum Progressio (4 April 2017).

[9] Message for the Twenty-second Session of the Conference of the Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change (COP22), 10 November 2016. Cf. INTERDICASTERIAL ROUNDTABLE OF THE HOLY SEE ON INTEGRAL ECOLOGY, Journeying Towards Care for Our Common Home: Five Years after Laudato Si’, Libreria Editrice Vaticana, 31 May 2020.

[10] SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 26.

[11] Extraordinary Moment of Prayer in Time of Epidemic, 27 March 2020.

[12] Ibid.

[13] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 8; 153.

[14] SAINT JOHN PAUL II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 38.

[15] Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 91.

[16] EPISCOPAL CONFERENCE OF THE DOMINICAN REPUBLIC, Pastoral Letter Sobre la relación del hombre con la naturaleza (21 January 1987); cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 92.

[17] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 125.

[18] Ibid., 29.

[19] Cf. Message to Participants in the International Conference “Human Rights in the Contemporary World: Achievements, Omissions, Negations”, Rome, 10-11 December 2018.

[20] Cf. Message to the United Nations Conference to Negotiate a Legally Binding Instrument to Prohibit Nuclear Weapons, Leading Towards their Total Elimination, 23 March 2017.

[21] Video Message for the 2020 World Food Day (16 October 2020).

[22] Cf. BENEDICT XVI, “Educating Young People in Justice and Peace”, Message for the 2012 World Day of Peace, (8 December 2011), 2; “Overcome Indifference and Win Peace”, Message for the 2016 World Day of Peace, (8 December 2015), 6.

[23] Address to the Parliament of Uganda, Kampala, 1 August 1969.

[24] Message for the Launch of the Global Compact on Education, 12 September 2019.

[25] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 225.

[26] Cf. ibid., 64.

[27] Ibid., 96; cf. “Fraternity, the Foundation and Pathway to Peace”, Message for the 2014 World Day of Peace (8 December 2013), 1.

[Courtesy of the Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét