Ông Simeon học được sự kiên nhẫn như vậy ở đâu? (Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Nến)
Photo by Andrew Medichini / POOL / AFP
02/02/21
... kiên trì, can đảm luôn luôn bắt đầu lại, mỗi ngày. Luôn luôn bắt đầu lại sau những lần vấp ngã. Thiên Chúa rất kiên nhẫn.
Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh Lễ ngày 2 tháng Hai trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Lễ Dâng Chúa trong Đền thờ. Đó cũng là ngày Quốc tế Đời sống Thánh hiến. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Đức Thánh Cha.
*****
Thánh Luca kể cho chúng ta rằng ông Simeon, “mong đợi niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25). Đi lên Đền thờ khi Đức Maria và Thánh Giuse đang đưa Chúa Giêsu đến đó, ông đã ôm Đấng Mêsia vào lòng. Người nhận ra nơi Hài Nhi đó ánh sáng chiếu soi cho các dân ngoại là một ông già đã kiên nhẫn chờ đợi sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa.
Sự kiên nhẫn của ông Simeon. Chúng ta hãy nhìn gần hơn vào sự kiên nhẫn của ông già đó. Ông đã chờ đợi suốt cuộc đời, thực hiện lòng kiên nhẫn. Qua việc cầu nguyện của mình, ông Simeon biết được rằng Thiên Chúa không đến trong những biến cố phi thường, nhưng hoạt động giữa những sự đơn điệu của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong nhịp điệu thường xuyên buồn tẻ của các hoạt động của chúng ta, trong những điều nhỏ bé mà khi chúng ta thi hành với sự kiên trì và lòng khiêm nhường, chúng ta sẽ hoàn thành được những nỗ lực để làm theo thánh ý của Ngài. Bằng cách kiên trì nhẫn nại, ông Simeon không trở nên mệt mỏi theo thời gian. Bây giờ ông đã là một cụ già, nhưng ngọn lửa vẫn rực sáng trong tâm hồn ông. Trong suốt cuộc đời của ông, chắc chắn đã có những lúc ông bị tổn thương, thất vọng, nhưng ông vẫn không mất hy vọng. Ông vững tin vào lời hứa, và không cho phép bản thân bị chôn vùi bởi sự tiếc nuối về những khoảng thời gian đã qua, hoặc bởi cảm giác chán chường có thể xảy đến khi chúng ta bước vào hoàng hôn của cuộc đời. Niềm hy vọng và sự trông đợi của ông được thể hiện qua sự kiên nhẫn hằng ngày của một con người vẫn trông chờ, bất chấp mọi sự, cho đến cuối cùng “chính mắt ông được thấy ơn cứu độ” như đã được hứa (xem Lc 2,30).
Cha tự hỏi mình: ông Simeon học được sự kiên nhẫn như vậy ở đâu? Nó được sinh ra từ việc cầu nguyện và lịch sử dân tộc của ông, một lịch sử luôn nhìn thấy nơi Đức Chúa là “một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6). Ông nhận biết Chúa Cha, là Đấng không bao giờ từ bỏ, ngay cả khi đối mặt với sự khước từ và bất trung, nhưng vẫn “kiên nhẫn trong nhiều năm” (xem Nkm 9:30), luôn kiên trì chờ đợi cơ hội sám hối.
Do đó, lòng kiên nhẫn của ông Simeon là tấm gương phản chiếu sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa. Từ lời cầu nguyện và lịch sử dân tộc của mình, ông Simeon biết được rằng Đức Chúa thực sự kiên nhẫn. Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng với sự kiên nhẫn đó Ngài “thúc giục chúng ta hối cải” (Rm 2: 4). Cha thích suy nghĩ về linh mục Romano Guardini, người có lần nhận xét rằng sự kiên nhẫn là cách Chúa trả lời cho sự yếu đuối của chúng ta và cho chúng ta thời gian cần thiết để thay đổi (xem Glaubenserkenntnis, Würzburg, 1949, 28). Hơn ai hết, Đấng Mêsia là Chúa Giêsu, Đấng mà ông Simeon ẵm trong vòng tay, cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, là Cha nhân từ, Đấng luôn kêu gọi chúng ta, thậm chí vào giờ cuối cùng. Thiên Chúa, Đấng không đòi hỏi sự hoàn hảo nhưng là nhiệt huyết chân thành, Đấng mở ra những cơ hội mới khi tất cả dường như đã mất, Đấng muốn mở ra một vết thủng trong con tim chai đá của chúng ta, Đấng để cho hạt giống tốt mọc lên mà không cần nhổ đi những cây cỏ lùng. Đây là lý do cho niềm hy vọng của chúng ta: rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi chờ đợi chúng ta. Khi chúng ta quay đi, Ngài đến tìm chúng ta; khi chúng ta vấp ngã, Ngài nâng chúng ta dậy; khi chúng ta quay lại với Ngài sau những lúc lầm đường lạc lối, Ngài chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở. Tình yêu của Ngài không bị ảnh hưởng bởi sự cân đo đong đếm của con người chúng ta, nhưng rộng rãi ban cho chúng ta lòng can đảm để bắt đầu lại. Điều này dạy chúng ta tính kiên trì, lòng dũng cảm luôn bắt đầu lại mỗi ngày. Luôn luôn bắt đầu lại sau khi chúng ta vấp ngã. Thiên Chúa rất kiên nhẫn.
Photo by Andrew Medichini / POOL / AFP
Chúng ta hãy nhìn lại sự kiên nhẫn của mình. Chúng ta hãy nhìn vào sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của ông Simeon khi chúng ta duyệt xét đời sống thánh hóa của chính mình. Chúng ta tự hỏi mình rằng sự kiên nhẫn liên quan thực sự đến điều gì. Chắc chắn nó không chỉ đơn thuần là cam chịu những khó khăn hay thể hiện sự kiên định khi đối mặt với gian khó. Kiên nhẫn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là sức mạnh tinh thần giúp chúng ta có thể “mang gánh nặng”, có thể chịu đựng, có thể gánh được sức nặng của các vấn đề thuộc cá nhân và cộng đồng, chấp nhận sự khác biệt của người khác đối với mình, kiên trì trong sự thiện khi tất cả dường như lạc đường, và tiếp tục tiến bước ngay cả khi sự mệt mỏi và nhọc nhằn lấn áp.
Cha đưa ra ba “trường hợp” trong đó sự kiên nhẫn có thể trở nên cụ thể.
Đầu tiên là đời sống cá nhân của chúng ta. Đã có lúc khi chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa, và với lòng nhiệt thành và quảng đại đã hiến dâng cuộc sống của mình cho Ngài. Trên đường đi, cùng với những sự an ủi, chúng ta cũng có những chán nản và thất vọng. Có những lúc, công việc khó nhọc của chúng ta chẳng đạt được kết quả như mong muốn, những hạt giống chúng ta gieo dường như không kết trái đủ, nhiệt tâm cầu nguyện của chúng ta nguội lạnh và chúng ta không phải luôn luôn miễn nhiễm với sự cằn cỗi thiêng liêng. Trong đời sống là những người nam và người nữ thánh hiến của chúng ta, chuyện có thể xảy đến đó là niềm hy vọng dần dần phai nhạt do những kỳ vọng không được đáp ứng. Chúng ta phải kiên nhẫn với chính bản thân và chờ đợi thời gian và địa điểm của Chúa trong hy vọng, vì Ngài luôn trung tín với những lời hứa của Ngài. Đây là viên đá nền tảng: Ngài luôn trung tín với lời hứa của Ngài. Ghi nhớ điều này có thể giúp chúng ta tìm lại được những bước đi của mình và làm sống lại những ước mơ, thay vì đầu hàng trước nỗi buồn và sự chán nản trong lòng. Thưa anh chị em, trong chúng ta là những người nam nữ thánh hiến, nỗi buồn trong lòng là một con sâu, một con sâu ăn thịt chúng ta từ bên trong. Hãy tránh xa nỗi buồn trong lòng!
Trường hợp thứ hai trong đó sự kiên nhẫn có thể trở nên cụ thể là đời sống cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều biết rằng các mối tương quan của con người không phải lúc nào cũng êm đềm, đặc biệt là khi chúng liên quan đến việc chia sẻ một dự án cuộc sống hoặc hoạt động tông đồ. Có những lúc xung đột nảy sinh và không thể mong chờ những giải pháp tức thời, cũng không có những phân xử nhanh chóng được thực hiện. Thời gian cần phải dừng lại, để duy trì hòa bình và chờ đợi một thời điểm tốt hơn để giải quyết các tình huống trong đức ái và sự thật. Chúng ta đừng để cho mình bị xao động trước những giông tố. Trong Kinh Nhật tụng, cho các Bài đọc của ngày mai, có một trích đoạn đẹp về sự phân định thiêng liêng của Thánh Diodochus of Photice. Ngài nói: “Một vùng biển lặng yên cho phép người đánh cá nhìn thẳng vào độ sâu của nó. Không con cá nào có thể ẩn nấp ở đó và thoát khỏi tầm mắt của anh ta. Tuy nhiên, vùng biển giông bão sẽ trở nên âm u khi bị cuồng phong khuấy động”. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể phân định rạch ròi, nhìn thấy được sự thật, nếu lòng chúng ta kích động và mất kiên nhẫn. Không bao giờ. Những cộng đoàn của chúng ta cần sự kiên nhẫn từ cả hai phía này: khả năng hỗ trợ, nghĩa là gánh trên vai mình đời sống của một người anh chị em của chúng ta, kể cả những sự yếu đuối và vấp ngã của họ, tất cả những điều đó. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành người nghệ sĩ độc tấu – chúng ta biết có rất nhiều nghệ sĩ độc tấu trong Giáo hội – không, chúng ta không được kêu gọi trở thành nghệ sĩ độc tấu mà là thành viên của một ca đoàn đôi khi có thể hát lạc một vài nốt, nhưng phải luôn cố gắng hòa chung tiếng hát.
Cuối cùng, trường hợp thứ ba là mối tương quan của chúng ta với thế giới. Ông Simeon và bà Anna ấp ủ niềm hy vọng được các tiên tri loan báo, mặc dù nó rất chậm được ứng nghiệm và âm thầm lớn lên giữa những sự bất trung và đổ nát của thế giới chúng ta. Ông bà không phàn nàn về những điều sai trái diễn ra, nhưng kiên nhẫn tìm kiếm ánh sáng chiếu soi trong bóng tối của lịch sử. Để tìm kiếm ánh sáng chiếu soi trong bóng tối của lịch sử; để tìm kiếm ánh sáng chiếu soi trong bóng tối lịch sử của chính cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cũng cần sự kiên nhẫn đó, để không rơi vào cạm bẫy của sự phàn nàn. Một số người là bậc thầy về phàn nàn, là tiến sĩ của sự than phiền, họ rất giỏi trong việc kêu ca! Không, sự phàn nàn giam hãm chúng ta: “thế giới không còn lắng nghe chúng tôi nữa” – chúng ta nghe câu đó không biết bao nhiêu lần – hoặc “chúng ta không còn ơn gọi nữa, vì vậy chúng ta phải đóng cửa nhà”, hoặc “đây không phải là thời điểm dễ dàng” – “À, đừng nói với tôi!…”. Và thế là bản song ca than phiền bắt đầu. Chuyện có thể xảy ra là ngay cả Thiên Chúa kiên nhẫn canh tác mảnh đất lịch sử và tâm hồn của chúng ta, nhưng chính chúng ta lại tỏ ra thiếu kiên nhẫn và muốn phán xét mọi thứ ngay lập tức: bây giờ hoặc không bao giờ, bây giờ, bây giờ, bây giờ. Bằng cách này, chúng ta đánh mất nhân đức “nhỏ bé” nhưng đẹp nhất: niềm hy vọng. Cha đã nhìn thấy nhiều người nam và nữ thánh hiến đánh mất hy vọng, chỉ đơn giản vì không kiên nhẫn.
Photo by Andrew Medichini / POOL / AFP
Kiên nhẫn giúp chúng ta có lòng thương xót trong cách chúng ta nhìn nhận về bản thân, về cộng đoàn và thế giới của chúng ta. Trong đời sống của riêng mình, chúng ta có đón nhận sự kiên nhẫn của Chúa Thánh Thần không? Trong cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có chịu đựng lẫn nhau và làm rạng rỡ niềm vui của đời sống huynh đệ không? Trên thế giới, chúng ta có kiên nhẫn phục vụ không, hay đưa ra những xét đoán cay nghiệt? Đây là những thách đố thực sự đối với đời sống thánh hiến của chúng ta: chúng ta không thể cứ mãi mắc kẹt trong hoài niệm về quá khứ, hoặc đơn thuần cứ lặp đi lặp lại những điều xưa cũ hay những lời phàn nàn hàng ngày. Chúng ta cần kiên nhẫn và can đảm để tiếp tục tiến tới, khám phá những con đường mới, và đáp lại sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Và làm như vậy với sự khiêm tốn và đơn sơ, không cần tuyên truyền hay quảng cáo rầm rộ.
Chúng ta hãy chiêm niệm sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn đầy tín thác của ông Simeon và bà Anna. Bằng cách như vậy, xin cho đôi mắt của chúng ta cũng có thể nhìn thấy ánh sáng của ơn cứu độ và mang ánh sáng đó đến toàn thế giới, giống như hai người già đã làm trong lời ngợi khen của họ.
Photo by Andrew Medichini / POOL / AFP
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét