Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tân đại sứ Zimbabwe, Bangladesh, Algeria, Barbados, Thụy Điển, Phần Lan và Nepal

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tân đại sứ Zimbabwe, Bangladesh, Algeria, Barbados, Thụy Điển, Phần Lan và Nepal

Trình Quốc thư của các Đại sứ Singapore, Zimbabwe, Bangladesh, Algeria, Barbados, Thụy Điển, Phần Lan và Nepal, ủy nhiệm tại Tòa Thánh

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô


Khán phòng Clementine

Thứ Sáu, 21 tháng Năm, 2021



Thưa quý ngài,

Thưa quý bà và quý ông,

Tôi vui mừng chào đón quý ngài nhân dịp trình Quốc thư ủy nhiệm quý ngài là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cho đất nước của quý ngài tại Tòa thánh: Singapore, Zimbabwe, Bangladesh, Algeria, Sri Lanka, Barbados, Thụy Điển, Phần Lan và Nepal. Khi những ảnh hưởng của coronavirus tiếp tục còn hiện hữu, việc đi lại vẫn còn khó khăn, và vì vậy tôi xin cảm ơn tất cả quý vị vì sự hiện diện của quý vị ở đây hôm nay. Tôi xin quý ngài chuyển tới các vị Đứng đầu chính phủ mà quý vị đại diện những tình cảm của tôi về lòng biết ơn và sự kính trọng đối với họ cũng như về sứ mệnh cao cả phục vụ người dân của họ.

Do hậu quả của đại dịch, sự khủng hoảng về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới càng trở nên trầm trọng hơn. Trên phương diện cá nhân, nhiều người đã bị mất đi những người thân yêu và phương cách mưu sinh của họ. Đặc biệt, các gia đình đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và thường thiếu sự bảo trợ xã hội đầy đủ. Đại dịch đã khiến chúng ta ý thức hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta với tư cách là những thành viên của một gia đình nhân loại và chúng ta cần phải quan tâm đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương ở giữa chúng ta. Khi chúng ta tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, xã hội của chúng ta được thử thách để thực hiện các bước đi cụ thể và thực sự can đảm để phát triển một “văn hóa chăm sóc” toàn cầu (xem Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2021) có thể truyền cảm hứng cho các mối tương quan mới và những cơ cấu hợp tác trong việc phục vụ tình đoàn kết, tôn trọng nhân phẩm, tương trợ và công bằng xã hội.

Thật đáng buồn, đại dịch cũng đã làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc rằng cộng đồng quốc tế đang trải qua “một sự khó khăn ngày càng lớn, nếu không nói là không có khả năng, để tìm kiếm các giải pháp chung và chia sẻ đối với các vấn đề của thế giới của chúng ta” (Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, ngày 8 tháng Hai năm 2021) . Về vấn đề này, tôi nghĩ đến sự cần thiết phải đối mặt với các vấn đề cấp bách trên toàn cầu như di cư và biến đổi khí hậu, cũng như những cuộc khủng hoảng nhân đạo mà chúng thường để lại hậu quả. Tôi cũng nghĩ đến món nợ kinh tế là những gánh nặng cho nhiều quốc gia đang phải vật lộn để tồn tại và “món nợ sinh thái” mà chúng ta phải chịu với chính thiên nhiên, cũng như các dân tộc và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái sinh thái do con người gây ra và mất mát đa dạng sinh học. Những vấn đề này không đơn thuần thuộc về chính trị hay kinh tế; chúng là những câu hỏi về công bằng, một sự công bằng không còn có thể bị bỏ qua hoặc trì hoãn. Thật vậy, chúng đòi hỏi một bổn phận đạo đức đối với các thế hệ tương lai, vì sự nghiêm túc trong cách chúng ta đáp lại những vấn đề đó sẽ định hình cho thế giới mà chúng ta để lại cho con cháu của mình.

Trong việc phát triển sự đồng thuận toàn cầu có khả năng trả lời cho những thách đố về đạo đức mà gia đình nhân loại chúng ta phải đối mặt, công việc của quý ngài với tư cách là các nhà ngoại giao có tầm quan trọng hàng đầu. Về phần mình, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao và hoạt động trong cộng đồng quốc tế, Tòa thánh ủng hộ mọi nỗ lực xây dựng một thế giới trong đó con người được đặt vào trung tâm, tài chính phục vụ cho sự phát triển toàn diện, và trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta phải được bảo vệ và chăm sóc. Qua các công cuộc giáo dục, bác ái và chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, Giáo hội tìm cách thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các cá nhân và các dân tộc, và bằng cách này, góp phần vào sự nghiệp hòa bình.

Về vấn đề này, suy nghĩ của tôi hướng về những biến cố đang xảy ra trong những ngày này tại Thánh địa. Tôi tạ ơn Chúa về quyết định ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang và những hành động bạo lực, đồng thời tôi cầu nguyện cho việc theo đuổi các con đường đối thoại và hòa bình. Tối mai, các Đấng Bản quyền Công giáo của Đất Thánh, cùng với các tín hữu của họ, sẽ tập trung để cử hành Buổi Canh thức Hiện xuống tại Nhà thờ Thánh Stêphanô ở Giêrusalem và khẩn cầu xin ơn hòa bình. Nhân dịp này, tôi kêu gọi tất cả các mục tử và tín hữu của Giáo hội Công giáo hiệp nhất tinh thần trong buổi cầu nguyện này. Ước mong rằng mọi cộng đoàn đều cầu xin với Chúa Thánh Thần “để người Israel và người Palestine tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên trì xây dựng hòa bình và công bằng, và từng bước mở rộng cho một hy vọng chung, để cùng chung sống giữa các anh chị em” (Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng, ngày 16 tháng 5 năm 2021).

Thưa các vị Đại sứ, với những suy nghĩ này, tôi xin gửi đến quý ngài những lời nguyện chúc tốt đẹp của tôi cho các trọng trách mà quý ngài bắt đầu đảm nhận, và tôi xin bảo đảm về sự hỗ trợ và trợ giúp của các văn phòng Tòa thánh để quý vị hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi khẩn xin những phúc lành của sự khôn ngoan, sức mạnh và bình an của Chúa đổ xuống trên quý ngài và gia đình, đồng nghiệp và những người cộng tác và toàn thể mọi công dân của đất nước quý vị.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét