Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi người tham dự Đại hội Giới trẻ

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi người tham dự Đại hội Giới trẻ

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi người tham dự Ngày hội Giới trẻ

[Medjugorje, 1-6 tháng Tám, 2021]

*****

Các bạn thân mến!

Ngày hội Giới Trẻ là một tuần cầu nguyện thiết tha và gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt trong Lời Hằng Sống của Người, trong Bí tích Thánh Thể, trong sự tôn thờ Thánh Thể và trong Bí tích Hòa giải. Sự kiện này có sức mạnh để đưa chúng ta dấn bước vào hành trình tiến đến với Thiên Chúa - như kinh nghiệm của rất nhiều người cho biết. Và đây chính là bước đầu tiên được thực hiện bởi “người thanh niên giàu có” mà các Tin Mừng Nhất Lãm kể cho chúng ta (x. Mt 19, 16-22; Mc 10, 17-22; Lc 18: 18-23), anh đã lên đường và chạy đến gặp gỡ Chúa, lòng đầy nhiệt huyết và khao khát tìm được Thầy để được hưởng sự sống đời đời, tức là niềm hạnh phúc. Lời dẫn đường của Ngày hội năm nay chính là câu hỏi mà người thanh niên đó đã nói với Chúa Giêsu: “Tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Đó chính là lời chúng ta đặt ra trước mặt Chúa; và Ngài chăm chú nhìn vào chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta: “Hãy đến! Hãy theo tôi!” (Mt 19,21).

Tin Mừng không cho chúng ta biết tên của người thanh niên đó, và điều này cho thấy rằng anh ta có thể là đại diện cho mỗi người chúng ta. Ngoài việc sở hữu nhiều của cải, anh ta còn tỏ ra là người được giáo dục tốt và có học thức, và được thúc đẩy bởi một thao thức làm động lực để anh đi tìm hạnh phúc thật sự, một đời sống viên mãn. Vì vậy, anh ta lên đường để tìm gặp một người hướng dẫn có thẩm quyền, xác thực và đáng tin cậy. Anh ta tìm thấy thẩm quyền này trong con người của Chúa Giêsu Kitô và đó là lý do tại sao anh ta hỏi Ngài: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Mc 10,17). Nhưng chàng thanh niên nghĩ đến một điều tốt lành do chính sức mạnh của anh chinh phục. Chúa trả lời cho anh ta bằng một câu hỏi khác: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (câu 18). Như vậy, Chúa Giêsu hướng dẫn người thanh niên ấy hướng về Thiên Chúa, là Đấng Nhân lành duy nhất và cao cả nhất, là Đấng mà mọi điều tốt lành khác xuất phát từ Người.

Để giúp anh ta đến được với cội nguồn của sự tốt lành và hạnh phúc đích thực, Chúa Giêsu chỉ ra bước đầu tiên phải làm, đó là học cách làm việc tốt cho người khác: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19:17). Chúa Giêsu đưa anh ta trở lại cuộc sống trần thế và chỉ cho anh con đường để được hưởng sự sống đời đời, đó là tình yêu thương cụ thể đối với người lân cận. Nhưng người thanh niên trả lời rằng anh luôn làm việc này và anh nhận thấy rằng tuân giữ các giới luật là không đủ để có được hạnh phúc. Rồi Chúa Giêsu nhìn anh bằng ánh mắt đầy yêu thương. Quả vậy, Ngài nhận thấy niềm khát vọng sự viên mãn mà người thanh niên mang trong lòng và sự khắc khoải tốt lành khiến anh ta phải đi tìm kiếm; Ngài dành sự dịu dàng và tình cảm cho anh ta vì điều này.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng thấu hiểu yếu điểm của người đối thoại với Ngài: anh ta quá gắn chặt vào nhiều thứ của cải vật chất mà anh ta sở hữu. Vì thế, Chúa đề nghị anh thực hiện bước thứ hai, đó là chuyển từ luận lý “công trạng” sang luận lý ân tứ: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mt 19,21). Chúa Giêsu thay đổi cách nhìn: Ngài mời gọi anh ta đừng suy nghĩ đến việc bảo đảm về đời sau, nhưng hãy cho đi mọi sự trong cuộc sống nơi trần thế, từ đó noi gương theo Chúa. Đó là lời kêu gọi để trưởng thành hơn nữa, vượt xa hơn việc tuân giữ những giới luật để đạt được phần thưởng cho một tình yêu nhưng không và trọn vẹn. Chúa Giêsu yêu cầu anh ta bỏ đi những gì đè nặng tâm hồn và cản trở tình yêu. Điều Chúa Giêsu đề nghị không phải là một con người gạt bỏ hết mọi thứ, nhưng là một con người tự do và giàu có trong các mối tương quan. Nếu tâm hồn lấp đầy của cải, thì Thiên Chúa và người lân cận chỉ những thứ trộn lẫn giữa những thứ khác. Khi chúng ta có quá nhiều và sở hữu quá nhiều sẽ bóp nghẹt trái tim chúng ta, khiến chúng ta không hạnh phúc và không thể yêu thương.

Cuối cùng, Chúa Giêsu đề nghị bước thứ ba, đó là noi gương: “Hãy đến! Hãy theo tôi!” “Theo Chúa Kitô không phải là một sự bắt chước bề ngoài, bởi vì nó chạm vào thẳm sâu tâm hồn con người. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là trở nên giống như Người” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 21). Đổi lại, chúng ta sẽ nhận được một đời sống phong phú và hạnh phúc, với biết bao khuôn mặt của những người anh chị em, những người cha, người mẹ và con cái… (xem Mt 19,29). Theo Chúa Kitô không phải là sự mất mát, mà là được lợi khôn kể, trong khi sự buông bỏ lại là chướng ngại vật cản lối. Tuy nhiên, tâm hồn người thanh niên giàu có đó lại bị lưỡng lự giữa hai ông chủ: Thiên Chúa và tiền bạc. Nỗi e sợ phải chấp nhận những rủi ro và mất mát của cải khiến anh trở về nhà buồn bã: “Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10,22). Anh ta không ngần ngại đặt câu hỏi mang tính quyết định, nhưng lại không có can đảm chấp nhận câu trả lời, đó là lời đề nghị hãy “cởi trói” cho bản thân và của cải để “trói buộc” mình với Đức Kitô, để bước đi với Ngài và khám phá được sự hạnh phúc đích thực.

Thưa các bạn, Chúa Giêsu cũng nói với từng người trong các bạn: “Hãy đến! Hãy theo tôi!” Hãy can đảm để sống tuổi trẻ của bạn bằng cách phó thác cho Thiên Chúa và lên đường với Người. Hãy để ánh mắt tràn đầy tình yêu thương của Ngài chinh phục các bạn, ánh mắt giải thoát chúng ta khỏi sự quyến rũ của các thần tượng, khỏi những của cải giả tạo hứa hẹn sự sống nhưng lại chuốc lấy cái chết.

Đừng sợ chào đón Lời của Đức Kitô và chấp nhận tiếng gọi của Ngài. Đừng ngã lòng như người thanh niên giàu có trong Tin Mừng; nhưng hãy hướng ánh mắt chăm chú nhìn vào Đức Maria, mẫu gương tuyệt vời của việc noi gương Đức Kitô, và phó dâng bản thân cho Mẹ, là Đấng đã không ngần ngại đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng tiếng thưa “Này tôi đây”. Cuộc đời của Mẹ là một sự tự hiến hoàn toàn, kể từ thời điểm Truyền tin đến đồi Canvê, nơi Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Mẹ Maria để tìm thấy sức mạnh và đón nhận được ân sủng cho phép chúng ta nói lời “Này con đây” với Chúa. Chúng ta hãy nhìn vào Mẹ Maria để học cách đem Đức Kitô vào thế giới, như Mẹ đã làm, khi đầy tràn sự quan tâm và niềm vui, Mẹ vội vã lên đường để giúp đỡ Thánh Elizabeth. Chúng ta hãy trông cậy Mẹ Maria để biến đổi cuộc sống của chúng ta thành một món quà cho tha nhân. Với sự quan tâm của Mẹ đến đôi vợ chồng ở Cana, Mẹ dạy chúng ta biết quan tâm đến người khác. Với đời sống của Mẹ, Mẹ cho chúng ta thấy rằng niềm vui của chúng ta và việc chào đón và đời sống theo thánh ý của Chúa là không dễ dàng, nhưng điều đó làm cho chúng ta hạnh phúc. Đúng vậy, “niềm vui của Tin Mừng đổ đầy tâm hồn và toàn bộ đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai cho phép Ngài cứu độ và giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi nỗi buồn, khỏi sự trống rỗng trong lòng, khỏi sự cô đơn. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh.” (Tông huấn Evangelii gaudium, 1).

Các bạn trẻ thân mến, trên hành trình của các con với Chúa Giêsu, được thêm sinh động bởi Ngày hội này, cha dâng tất cả các con nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ trên Thiên quốc của chúng ta, khẩn xin ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ước mong ánh mắt nhìn của Chúa, là Đấng yêu thương từng người các con, luôn đồng hành với các con mỗi ngày, để trong những mối tương quan với người khác, các con có thể là chứng nhân của sự sống mới mà các con đã đón nhận như một món quà. Cha cầu nguyện và ban phép lành cho các con, và cha cũng xin các con cầu nguyện cho cha.

Rome, San Giovanni in Laterano, 29 tháng Sáu, 2021

PHANXICÔ



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/8/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét