Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp Họp Khai mạc “Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực,” 26.07.2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp Họp Khai mạc “Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực,” 26.07.2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp Họp Khai mạc “Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực,” 26.07.2021


Dưới đây là Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô - do Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao, đọc - gửi đến Ngài António Guterres, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, và các thành viên tham dự cuộc Họp Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực năm 2021 do Liên Hợp quốc tổ chức tại Rôma từ ngày 26 đến ngày 28 tháng Bảy năm 2021:

 


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Kính thưa ngài,

Kính thưa quý ông quý bà,

Tôi xin gửi lời chào nồng ấm đến tất cả quý vị tham dự cuộc họp quan trọng này, một lần nữa làm nổi bật lên một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta ngày nay là vượt qua nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng trong kỷ nguyên COVID-19.

Đại dịch này đã khiến chúng ta phải đối mặt với những bất công mang tính hệ thống bào mòn tình đoàn kết của chúng ta là một gia đình nhân loại. Những anh chị em nghèo nhất của chúng ta, và Trái đất là Ngôi nhà chung của chúng ta “lớn tiếng kêu lên với chúng ta vì những tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho Trái đất bởi việc chúng ta sử dụng và lạm dụng một cách vô trách nhiệm những của cải Thiên Chúa đã ban cho Trái đất”, [1] đòi hỏi sự thay đổi triệt để.

Chúng ta phát triển những công nghệ mới mà nhờ nó chúng ta có thể tăng khả năng sinh hoa trái của hành tinh, tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục khai thác thiên nhiên đến mức cằn cỗi, [2] từ đó không những mở rộng các sa mạc trên trái đất, mà còn cả các sa mạc tâm hồn.[3] Chúng ta sản xuất đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng nhiều người không có lương thực hàng ngày. Điều này “là một sự hổ thẹn thật sự” [4], một hành vi vi phạm các quyền cơ bản của con người. Vì vậy, nhiệm vụ của mọi người là xóa bỏ sự bất công này [5] thông qua các hành động cụ thể và những cách áp dụng tốt đẹp, cũng như qua các chính sách địa phương và quốc tế táo bạo.

Từ cách nhìn này, việc chuyển đổi những hệ thống lương thực một cách cẩn thận và đúng đắn đóng một vai trò quan trọng, nó phải hướng tới khả năng gia tăng tính phục hồi, củng cố các nền kinh tế địa phương, cải thiện dinh dưỡng, giảm lãng phí thực phẩm, cung cấp những chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người, và phải mang tính bền vững về môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương.

Nếu chúng ta chỉ bảo đảm quyền căn bản đối với một mức sống thích hợp [6] và thực hiện đúng những cam kết của chúng ta để đạt được Zero Hunger (Không có nạn đói) [7], thì như vậy vẫn chưa đủ để sản xuất lương thực. Chúng ta cần một tư duy mới và một cách tiếp cận toàn diện mới [8] và phải hoạch định các hệ thống lương thực để bảo vệ Trái đất và đặt phẩm giá con người vào trung tâm; để bảo đảm đủ lương thực trên toàn cầu và thúc đẩy việc làm thích đáng tại địa phương; và để nuôi sống thế giới ngày nay, mà không ảnh hưởng đến tương lai.

Điều quan trọng là phải khôi phục lại vị trí trung tâm của khu vực nông thôn, là nơi mà nhiều nhu cầu cơ bản của con người phải phụ thuộc vào, và vấn đề cấp bách là khu vực nông nghiệp lấy lại được vai trò ưu tiên trong tiến trình ra quyết định chính trị và kinh tế, nhằm mục đích đưa ra khuôn khổ cho tiến trình “tái khởi động” sau đại dịch đang được xây dựng. Trong tiến trình này, các nông hộ nhỏ và các gia đình nông dân phải được coi là những tác nhân chính. Không được xem nhẹ hoặc bỏ qua những kiến thức truyền thống của họ, trong khi sự tham gia trực tiếp của họ cho phép họ hiểu rõ hơn về các ưu tiên và nhu cầu thực sự của họ. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nông hộ nhỏ và nông gia tiếp cận được với những dịch vụ cần thiết cho việc sản xuất, tiếp cận thị trường và sử dụng các nguồn lực nông nghiệp. Gia đình là một thành phần thiết yếu của các hệ thống lương thực, vì chính trong gia đình, “chúng ta học cách thưởng thức hoa trái của trái đất mà không lạm dụng nó. Chúng ta cũng khám phá ra những phương cách hiệu quả nhất để truyền bá lối sống biết tôn trọng lợi ích cá nhân và tập thể của chúng ta”. [9] Sự chân nhận này phải được đi kèm với những chính sách và sáng kiến ​​đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người phụ nữ nông thôn, thúc đẩy việc làm cho thanh niên và cải thiện công việc của những người nông dân ở các vùng nghèo nhất và vùng sâu vùng xa nhất.

Chúng ta nhận thức được rằng những lợi ích kinh tế cá nhân, coi mình là trung tâm và tạo ra xung khắc - nhưng hùng cường - [10] ngăn cản chúng ta hình thành một hệ thống lương thực đáp ứng các giá trị của Ích Chung, tình đoàn kết và “văn hóa gặp gỡ”. Nếu chúng ta muốn duy trì một chủ nghĩa đa phương hiệu quả [11] và một hệ thống lương thực đặt trên tính trách nhiệm, công bằng, hòa bình và sự hiệp nhất của gia đình nhân loại là điều tối quan trọng [12].

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt là một cơ hội duy nhất để tham gia vào các cuộc đối thoại chân thành, táo bạo và can đảm, [13] giải quyết những gốc rễ của hệ thống lương thực bất công của chúng ta.

Xuyên suốt cuộc họp này, chúng ta có trách nhiệm để làm hiện thực giấc mơ về một thế giới nơi lương thực, nước uống, thuốc điều trị và việc làm luôn dồi dào và trước hết là tiếp cận được với những người thiếu thốn nhất. Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo sẽ nỗ lực hết mình để phục vụ mục tiêu cao cả này, cống hiến sự đóng góp, cùng hợp lực và ý chí, hành động và quyết định sáng suốt.

Tôi cầu xin với Thiên Chúa rằng sẽ không có người nào bị bỏ lại phía sau, và các nhu cầu cơ bản của mỗi người có thể được đáp ứng. Ước mong cuộc họp này để tái tạo lại hệ thống lương thực đưa chúng ta đi trên con đường hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình và thịnh vượng, và gieo những hạt giống hòa bình cho phép chúng ta bước đi trong tình huynh đệ đích thực [14].

Thành Vatican, 26 tháng Bảy, 2021

PHANXICÔ


______________________________________

[1] Pope Francis, 2015, Encyclical Letter Laudato si' - on care for our common home, 2.

[2] Cf. Paul VI, 1971, Octogesima Adveniens, 21.

[3] Benedict XVI, 2005, [3] Benedict XVI, 2005, Homily for the Beginning of the Petrine Ministry of the Bishop of Rome, 24 April 2005.



[6] General Assembly of the United Nations, 1948, Universal Declaration of Human Rights.

[7] General Assembly of the United Nations, 2015, Transforming our world: 2030 Agenda for Sustainable Development.



[10] Pope Francis, Fratelli tutti - on fraternity and social friendship, 12, 16, 29, 45, 52.






______________________________________

[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/7/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét