Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên Hội nghị được xúc tiến bởi Hiệp hội Dược phẩm Bệnh viện và Dịch vụ Dược của Cơ quan Y tế của Ý

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên Hội nghị được xúc tiến bởi Hiệp hội Dược phẩm Bệnh viện và Dịch vụ Dược của Cơ quan Y tế của Ý

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên Hội nghị được xúc tiến bởi Hiệp hội Dược phẩm Bệnh viện và Dịch vụ Dược của Cơ quan Y tế của Ý

Khán phòng Clementine

Thứ Năm, 14 tháng Mười, 2021
_____________________

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên tại Hội nghị được xúc tiến bởi Hiệp hội Dược của Ý, hiệp hội được ngài tiếp sáng nay:

*****

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào (buổi sáng) anh chị em và xin chào mừng!

Tôi cảm ơn ông Chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm Bệnh viện Ý và Dịch vụ Dược phẩm của các Cơ quan Y tế đại diện tất cả anh chị em có những lời tốt đẹp gửi đến tôi. Cảm ơn anh chị em! Anh chị em đến từ khắp nước Ý để tham dự Hội nghị, đại diện cho các thực thể khác nhau. Hội nghị trước hết là cơ hội để anh chị em trao đổi những quan điểm, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định lại tầm quan trọng của hệ thống y tế công cộng quốc gia, một yếu tố thiết yếu để bảo đảm ích chung và sự phát triển xã hội của một quốc gia. Và tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh của đại dịch, đã làm thay đổi và sẽ thay đổi cách chúng ta lập kế hoạch, tổ chức và quản lý y tế và chăm sóc sức khỏe. Về vấn đề này, tôi muốn chỉ ra ba con đường để anh chị em tiếp tục cố gắng.

Con đường thứ nhất được lấy từ hình ảnh người chủ quán trọ trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu: ông ta được yêu cầu tiếp nhận người bị thương và chăm sóc cho đến khi người Samari trở lại (xem Lc 10,35). Ở nhân vật này, chúng ta có thể nhìn thấy hai khía cạnh quan trọng trong công việc của người dược sĩ bệnh viện: thói quen hàng ngày và sự phục vụ thầm lặng. Đây là những khía cạnh phổ biến đối với nhiều công việc khác, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, liên tục và chính xác, và không có sự tưởng thưởng cho vẻ bề ngoài, vốn có ít hình thức nhìn thấy bên ngoài. Chúng ta có thể nói rằng thói quen thường ngày và sự phục vụ thầm lặng có rất ít tính hình thức: rất ít hình thức nhìn thấy bên ngoài. Chính vì lý do này, nếu chúng được đồng hành bởi lời cầu nguyện và tình yêu thương, chúng sẽ tạo ra “sự thánh thiện mỗi ngày”. Bởi vì nếu không có lời cầu nguyện và không có tình yêu - như anh chị em biết - thì thói quen này sẽ trở nên khô khan. Nhưng với tình yêu, được thực hiện bằng sự yêu thương và cầu nguyện, nó dẫn đến sự thánh thiện của “người bên cạnh”: những vị thánh vô danh ở khắp nơi vì họ làm thật tốt những gì họ phải làm.

Con đường thứ hai liên quan đến khía cạnh cụ thể của dược sĩ bệnh viện, tức là vai trò chuyên môn của dược sĩ, hoặc chuyên môn sau đại học. Cùng với bác sĩ lâm sàng, chính người dược sĩ bệnh viện nghiên cứu, thí nghiệm, đưa ra các lộ trình mới; luôn có sự tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Điều này liên quan đến khả năng hiểu thấu đáo căn bệnh và người bệnh, kê toa thuốc và liều lượng riêng cho mỗi người, đôi khi phải đối mặt với các tình huống lâm sàng phức tạp nhất. Thật vậy, người dược sĩ có khả năng suy xét đến những tác dụng tổng thể, không chỉ là tổng hợp các loại thuốc riêng cho những căn bệnh khác nhau. Đôi khi - tùy thuộc vào cơ cấu - có sự gặp gỡ với người bệnh, có những lúc nhà thuốc bệnh viện là một trong những phòng ban vô hình làm cho tất cả hoạt động, nhưng con người luôn luôn là người thụ hưởng sự chăm sóc của anh chị em.

Con đường thứ ba liên quan đến chiều kích đạo đức của nghề nghiệp, trên hai khía cạnh: cá nhânxã hội.

Ở mức độ cá nhân, người dược sĩ, là mỗi người anh chị em, sử dụng các dược chất và chúng có thể trở thành chất độc. Ở đây, vấn đề đặt ra là phải liên tục cảnh giác cao độ, để mục tiêu luôn là sự sống trọn vẹn của bệnh nhân. Anh chị em luôn phục vụ sự sống con người. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến sự từ chối thực hiện vì trái với lương tâm, nó không phải là không trung thành, mà ngược lại là trung thành với nghề nghiệp của anh chị em, nếu có động cơ hợp lệ. Ngày nay, bắt đầu có một chút khuynh hướng nghĩ rằng có lẽ từ chối thực hiện vì trái với lương tâm là một cách tốt. Nhưng đây là vấn đề liên quan đến đạo đức của mọi chuyên gia y tế, và đây là điều không bao giờ được thương lượng, nó là trách nhiệm tối thượng của các chuyên gia y tế. Nó cũng là một sự tố giác về những bất công làm phương hại cho sự sống của những người vô tội và không có khả năng bảo vệ. [1] Đây là một vấn đề rất tế nhị, đòi hỏi cả năng lực và sự chính xác rất lớn. Cụ thể, tôi đã có dịp quay trở lại chủ đề phá thai trong thời gian gần đây. [2] Anh chị em biết rằng tôi rất rõ ràng về điều này: đó là giết người, và nó là phi pháp khi trở thành kẻ đồng lõa. Tuy nhiên, bổn phận của chúng ta là gần gũi mọi người, nghĩa vụ tích cực của chúng ta: gần gũi với những hoàn cảnh, đặc biệt là phụ nữ, để họ không nghĩ đến giải pháp phá thai, vì thực tế đó không phải là giải pháp. Rồi sau mười, hai mươi, ba mươi năm, cuộc đời sẽ gửi cho bạn tấm hóa đơn. Và bạn phải ở trong tòa giải tội để hiểu cái giá của việc này, nó thật nặng nề.

Đây là mức độ đạo đức cá nhân. Sau đó là mức độ công bằng xã hội, điều này rất quan trọng: “Các chiến lược về sức khỏe, nhằm theo đuổi sự công bằng và ích chung, phải mang tính bền vững về mặt kinh tế và đạo đức”. [3] Chắc chắn, trong Ngành Y tế Quốc gia Ý, không gian rộng lớn được dành cho việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc, nhưng người dược sĩ - ngay cả trong hệ thống phân cấp quản lý và điều hành - không phải là người thừa hành đơn thuần. Vì vậy, tiêu chuẩn quản lý và tài chính không phải là yếu tố duy nhất được xem xét kỹ. Văn hóa vứt bỏ không được phép ảnh hưởng đến nghề nghiệp của anh chị em. Và đây là một lĩnh vực khác mà chúng ta phải luôn cảnh giác. “Thiên Chúa là Cha của chúng ta đã trao cho chúng ta trách nhiệm bảo vệ trái đất - không phải vì tiền bạc, mà là cho chính chúng ta: cho con người. Chúng ta có trách nhiệm này! Tuy nhiên, con người bị hy sinh cho các ngẫu thần của lợi nhuận và tiêu dùng: nó là ‘văn hóa lãng phí’”. [4] Ngay cả đối với người cao tuổi: cho một nửa số thuốc và tuổi thọ của bạn bị rút ngắn ... Đó là sự loại bỏ. [...]

Việc quản lý nguồn lực và chăm sóc không để lãng phí những gì được trao phó cho từng cá nhân người dược sĩ không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn là đạo đức, tôi có thể nói mang ý nghĩa nhân văn: rất nhân văn. Hãy suy xét đặt chú ý đến những chi tiết, đến việc mua và bảo quản các sản phẩm, đến việc sử dụng và ứng dụng đúng cho những người đang rất cần. Hãy nghĩ về mối tương quan với những người lao động khác - những quản lý khoa, y tá, bác sĩ và bác sĩ gây mê - và với tất cả các cơ cấu liên quan. Tôi cảm ơn anh chị em vì chuyến thăm này, và tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ tiếp tục công việc của mình, công việc rất nhân văn, xứng đáng, vĩ đại và thường là âm thầm đến mức không ai để ý đến. Cám ơn rất nhiều! Xin Chúa chúc phúc cho tất cả anh chị em. Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

______________

[1] Cf Pontifical Council for Health Care Workers (for Health Pastoral Care), New Charter for Health Care Workers (2017) no. 60.

[2] Cf Press Conference during the return flight from Bratislava (15 September 2021).

[3] Pontifical Council for Health Care Workers (for Health Pastoral Care), New Charter for Health Care Workers (2017), no. 92.

[4] General Audience, 5 June 2013.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/10/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét