Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Đức Thánh Cha nói đến vai trò lãnh đạo giữa Covid, nạn phá thai và Iraq trong phỏng vấn mới

Đức Thánh Cha nói đến vai trò lãnh đạo giữa Covid, nạn phá thai và Iraq trong phỏng vấn mới

Elise Ann Allen

11 tháng Một, 2021

Đức Thánh Cha nói đến vai trò lãnh đạo giữa Covid, nạn phá thai và Iraq trong phỏng vấn mới

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ đêm Giáng sinh, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican, Thứ Năm, 24 tháng Mười Hai, 2020. (Credit: Vincenzo Pinto/Pool Photo via AP.)

ROME – Trong một phỏng vấn mới, Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục “các tầng lớp quản trị” của thế giới hãy vượt qua chủ nghĩa vị kỷ trong cuộc chiến chống coronavirus, xét việc phá thai trong phạm vi là một vấn đề của khoa học và của con người hơn là vấn đề tôn giáo, và tỏ ra không chắc về chuyến đi dự kiến của ngài tới Iraq vào tháng Ba.

Trao đổi với kênh truyền hình Ý Tg5 trong một cuộc phỏng vấn phát sóng tối Chủ nhật, Đức Phanxicô nói rằng khi nói đến chính trị, “tầng lớp quản trị có quyền có những quan điểm khác nhau và áp đặt chính sách của riêng họ. Nhưng tại thời điểm này, chúng ta phải luôn hướng tới sự hiệp nhất”.

Hiện tại, “không có quyền gì để từ bỏ sự hiệp nhất,” ngài nói, và gọi việc đấu tranh chính trị là “cao quý” nhưng nhấn mạnh rằng “nếu các chính trị gia chú trọng đến lợi ích cá nhân hơn lợi ích chung, họ sẽ làm hỏng mọi thứ.”

Ngài nói, “Tại thời điểm này, tầng lớp điều hành không có quyền nói ‘Tôi’. Họ phải nói ‘chúng ta’ và tìm kiếm sự thống nhất khi đối mặt với cuộc khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng, mọi người quay lại cách nói ‘tôi’, nhưng ngay lúc này, một chính trị gia, thậm chí là một nhà lãnh đạo, một giám mục, một linh mục, những người không có khả năng nói ‘chúng ta’ thì không tốt”.

Nhấn mạnh rằng “đoàn kết phải vượt trên xung đột”, đức giáo hoàng nói rằng xung khắc là cần thiết, nhưng với cuộc chiến toàn cầu hiện nay chống lại đại dịch coronavirus, các xung khắc “phải nghỉ ngơi” và thay vào đó “sự hiệp nhất của đất nước, của giáo hội, và của xã hội, phải được nhấn mạnh.”

“Đối với những người nói, ‘theo cách này chúng ta có thể thua cuộc bầu cử’, tôi nói rằng nó không phải là thời gian, đây là thời điểm tập hợp,” và ngài nói thêm, “đây là thời điểm của hòa bình và không phải của khủng hoảng, chúng ta phải gieo ích chung”.

Đức giáo hoàng nói, “Tôi nói với tất cả các nhà lãnh đạo – các mục tử, các chính trị gia, doanh nhân – hãy xóa từ ‘tôi’ và nói từ ‘chúng ta.’ Anh đánh mất một cơ hội: lịch sử sẽ cho anh một cơ hội khác. Nhưng đừng thực hiện những sự dàn xếp, công việc của anh trên da thịt của những anh chị em đang đau khổ vì khủng hoảng.”

Trong phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đề cập đến cuộc bao vây Điện Capitol của Hoa Kỳ vào tuần trước bởi một đám đông ủng hộ ông Trump phản đối kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một, nói rằng ngài đã “bị sốc” bởi sự việc khiến 5 người chết, “vì đây là một dân tộc rất có kỷ luật về dân chủ.”

Ngài cũng nói về việc phong tỏa nghiêm ngặt của Ý để ngăn chặn coronavirus vào mùa xuân đã ảnh hưởng đến cá nhân ngài như thế nào, và cho biết ngài có kế hoạch sẽ tiêm vaccine khi Vatican bắt đầu phân phối các liều vaccine Pfizer trong tuần này, gọi quyết định tiêm vaccine là một “lựa chọn đạo đức” và là trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe của người khác.

Trong nhiều vấn đề, Đức Phanxicô lặp lại sự lên án của ngài đối với vấn đề được gọi là “văn hóa lãng phí”, hay “văn hóa vứt bỏ”, điều mà ngài nói rằng nó thường ngẩng cao đầu khi một cuộc khủng hoảng như coronavirus nổ ra, và nhấn mạnh rằng trong khi vaccine đang được phân phối, cuộc khủng hoảng coronavirus vẫn chưa kết thúc, và nó cũng có thể ảnh hưởng đến chuyến thăm Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng Ba sắp tới của ngài.

Lúc bắt đầu đợt bùng phát coronavirus ở Ý, khi mọi thứ đã đóng cửa, Đức Phanxicô nói rằng đầu tiên ngài có cảm giác “bị nhốt trong phòng, sau đó tôi bình tĩnh lại và đón nhận cuộc sống theo cách của nó. Tôi cầu nguyện nhiều hơn, nói nhiều hơn, sử dụng điện thoại nhiều hơn, tổ chức nhiều cuộc họp hơn để giải quyết các vấn đề”.

“Tôi đã phải hủy các chuyến đi, vì tôi không thể tạo ra các đám đông,” ngài nói thêm, “Bây giờ tôi không biết liệu chuyến đi đến Iraq có thực hiện được hay không.”

Ngài nói, cuộc sống khác đi do hậu quả của đại dịch, đồng thời nhấn mạnh rằng Chúa có thể giúp mọi người “thoát khỏi khủng hoảng tốt hơn”.

“Bạn phải có can đảm để nghĩ đến người khác. Không có văn hóa lãng phí và thờ ơ, mà là văn hóa của tình anh em và sự gần gũi,” ngài nói, đồng thời lên án văn hóa lãng phí, trong đó “những người không có ích thì bị loại bỏ”.

“Những đứa trẻ không có ích đều bị bỏ đi. Trẻ em bị loại bỏ một cách miễn cưỡng hoặc từ chối chúng nếu chúng mắc một căn bệnh nào đó, hoặc nếu chúng không được mong đợi, cũng như người già, người bệnh và người di cư,”ngài nói, và về vấn đề phá thai, ngài nói rằng nó “không phải là vấn đề tôn giáo.”

Ngài nói: “Đó là một vấn đề của con người, trước khi có tôn giáo, đó là vấn đề đạo đức của con người,” ngài giải thích rằng tôn giáo đi vào sau này, nhưng vấn đề phá thai là một vấn đề “mà ngay cả những người vô thần cũng phải giải quyết trong lương tâm của họ”.

Bất cứ khi nào vấn đề phá thai xuất hiện, đức giáo hoàng cho biết một câu hỏi lại hiện lên trong đầu: “Tôi có quyền làm việc này không?” Ngài nói, câu trả lời của khoa học cho điều đó là “vào tuần thứ ba, gần như tuần thứ tư, đã có tất cả các cơ quan của một sinh linh mới trong cung lòng người mẹ, đó là sự sống của một con người”.

“Có đúng là xóa bỏ một mạng người là giải quyết được vấn đề, bất kỳ vấn đề nào không? Không, nó không đúng. Có ổn thỏa không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Một kẻ giết người? Đây là vấn đề phá thai. Về mặt khoa học và nhân văn,” ngài nói.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng những người cao tuổi đau bệnh hoặc những người không còn năng suất lao động cũng bị “loại bỏ”, cho dù họ chỉ đơn giản là bị lãng quên, hay “cái chết của họ đến nhanh” khi bệnh ở giai đoạn cuối.

“Loại bỏ để chúng ta thoải mái hơn và không mang đến cho chúng ta quá nhiều vấn đề. Đây là văn hóa loại bỏ,” ngài nói và cho biết điều này cũng áp dụng cho những người di cư chết chìm ở Địa Trung Hải vì “họ không được phép đến”.

“Làm thế nào để quản lý nó về sau, đó là một vấn đề khác mà các quốc gia phải tiếp cận một cách thận trọng và khôn ngoan, nhưng để họ chết chìm nhằm giải quyết vấn đề sau đó là không được”, ngài nói thêm, không ai cố ý làm điều đó, đúng là như vậy, nhưng nếu anh không đưa ra các phương tiện cứu giúp thì đó lại là một vấn đề. Không có ý định nhưng có chủ đích”.

Đức Phanxicô nói để đối mặt với “văn hóa loại bỏ”, cần có “văn hóa chào đón”, ưu tiên cho sự gần gũi, tình anh em và sự hiệp nhất.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng coronavirus tốt hơn khi nó bùng phát, ngài nói: “Anh không bao giờ thoát khỏi một cuộc khủng hoảng và trở lại như trước đây. Không bao giờ. Chúng ta thoát ra và trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn.”

Cho dù thế giới trở nên một nơi tốt hơn hay tồi tệ hơn khi tất cả kết thúc “đều phụ thuộc vào chúng ta”, và ngài nói thêm, “Nếu chúng ta muốn thoát ra và trở nên tốt hơn, thì vẫn có một con đường phía trước. Để trở nên tốt hơn, chúng ta phải duyệt xét lại mọi thứ. Những giá trị cao cả vẫn luôn ở đó, chúng không biến đổi theo lịch sử, nhưng phải được chuyển thành hiện thực”.

Chỉ ra nhiều cuộc xung đột đang tàn phá xã hội toàn cầu, ngài nói cộng đồng quốc tế hiện đang chứng kiến “Thế chiến Thứ Ba, chỉ có điều nó bị phân mảnh.”

Ngài nói, “Đây là lý do tại sao tôi nói: chúng ta phải hướng tới những điều cụ thể. Với mức phí tổn cho chiến tranh trong một tháng, thì toàn bộ nhân loại sẽ được nuôi sống. Chúng ta phải thực tế, ngày nay chúng ta cần quan điểm hiện thực”.

Follow Elise Ann Allen on Twitter: @eliseannallen


[Nguồn: crux now]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét