Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Vị giám mục Việt nam: chương trình bác ái cho Tết Âm lịch

Vị giám mục Việt nam: chương trình bác ái cho Tết Âm lịch

Vị giám mục Việt nam: chương trình bác ái cho Tết  m lịch

/ Credit: Credit: Saigoneer / Shutterstock.

CNA Staff

CNA Staff, 10 tháng Một, 2021 / 03:22 am MT (CNA). - Được truyền cảm hứng từ thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Hòa bình Thế giới, một vị giám mục Việt Nam khuyến khích người Công giáo thiết lập chương trình hành động để phục vụ những người thiếu thốn trong dịp Tết Nguyên đán.

Đức Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên của Cần Thơ, một giáo phận ở miền nam Việt Nam, kêu gọi giáo dân cầu nguyện và cứu trợ nhân đạo cho những người túng thiếu.

Theo UCA News, đức giám mục cho biết nhiều người Công giáo địa phương đang gặp khó khăn về tài chính do đại dịch. Ngài kêu gọi giáo dân, ngay cả những người đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hãy noi gương Người Samari Nhân hậu và hỗ trợ cho những người hàng xóm túng thiếu của họ.

Đức Cha Thiên là người đứng đầu thừa tác vụ đối thoại liên tôn trong nước. Ngài yêu cầu các linh mục và tu sĩ địa phương xây dựng các chương trình giảng dạy để giúp giáo dân thực hiện “văn hóa chăm sóc” trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ngài gợi ý, những chương trình như vậy nhằm dạy cho các cá nhân biết ổn định về tài chính và có trách nhiệm với hạnh phúc của gia đình họ. Ngài yêu cầu các linh mục ghi chép lại và báo cáo cho ngài kết quả của những cố gắng của họ sau Tết Nguyên đán.

Lễ hội này được gọi là Tết Nguyên Đán, tiếng Hán Việt nghĩa là “Lễ của ngày đầu năm”.

Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Hai, lễ hội kéo dài 8 ngày là một ngày lễ lớn của nhiều quốc gia Châu Á. Lễ mừng được chia thành ba phần: Tất niên là “Bữa tối đoàn viên” trước Giao thừa; Giao thừa; và Tân Niên là Năm Mới. Ngày lễ dựa theo lịch âm dương và mừng sự khởi đầu của mùa xuân.

Đức Cha Thiên cho biết ngài được truyền cảm hứng từ huấn từ Ngày Hòa bình Thế giới ngày 17 tháng Mười Hai của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha nhắc lại tầm quan trọng của thông điệp của đức giáo hoàng và nhấn mạnh đến giá trị của việc xây dựng một xã hội huynh đệ và chống lại văn hóa lãng phí.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong huấn từ: “Văn hóa quan tâm kêu gọi một cam kết chung, hỗ trợ và hội nhập để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và ích lợi của tất cả mọi người, sẵn sàng thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn, để hòa giải và chữa lành, và để nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Như vậy, nó đại diện cho một con đường đặc thù dẫn đến hòa bình.”

Đức Giám mục Thiên cũng khuyến khích giáo dân Công giáo hạn chế tối đa các hội hè đình đám năm nay để có thể giúp đỡ những người túng thiếu hơn. Ngài nói, thay vì tổ chức những bữa tiệc phung phí, giáo dân có thể cân nhắc đến việc tặng số tiền dành cho các lễ hội như vậy cho một mục đích từ thiện, chẳng hạn như mục vụ tang lễ.

Các thành viên của giáo phận đã bắt đầu thực hiện những sáng kiến tương tự. Ngày 3 tháng Một, các giáo xứ ở tỉnh Hậu Giang và Cà Mau đã khai trương những cửa hàng cho các gia đình nghèo được giảm giá thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác. Tại đó, người thụ hưởng còn được cung cấp một bữa ăn và cắt tóc miễn phí.

Trong huấn từ Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết người Công giáo đã chu cấp cho các chi thể của Thân thể Chúa Kitô từ những ngày đầu của Kitô giáo. Ngài nói người Kitô hữu thường quyên góp cho người nghèo và chăm sóc người chết cũng như hỗ trợ trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của thảm họa.

Đức Giáo hoàng cho biết những công việc bác ái như vậy sẽ tiếp tục xây dựng một nền văn hóa sự sống và thúc đẩy hòa bình và thiện chí. Ngài khuyến khích mọi người sử dụng những việc làm của lòng thương xót này như một chiếc la bàn.

Ngài nói, “[Những người Kitô hữu tiên khởi] đã cố gắng biến cộng đoàn thành một ngôi nhà chào đón, quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và sẵn sàng chăm sóc cho những người thiếu thốn nhất.”

“Điều này giúp chúng ta biết tôn trọng giá trị và phẩm giá của mỗi người, để cùng nhau hoạt động trong tình liên đới vì ích chung, và để xoa dịu những người đau khổ vì túng thiếu, bệnh tật, tình trạng nô lệ, những cuộc xung đột vũ trang, và phân biệt đối xử.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét