Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ


Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 20 tháng Một năm 2021



Bài Giáo lý - Cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý này, chúng ta sẽ suy tư về việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Thật vậy, tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng Một được dành đặc biệt cho điều này – xin Chúa ban ơn hiệp nhất để vượt qua những gương xấu của sự chia rẽ giữa những người tin vào Chúa Giêsu. Sau Bữa Tiệc Ly, Ngài cầu nguyện riêng, “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Đây là lời cầu nguyện của Ngài trước Cuộc Thương khó, chúng ta có thể gọi đó là chúc thư thiêng liêng của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng Chúa không ra lệnh cho các môn đệ của Ngài phải hiệp nhất. Không, Ngài cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta có thể nên một. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể đạt được sự hiệp nhất bằng sức mạnh của riêng mình. Trên hết, hiệp nhất là một ơn, đó là một ân sủng phải xin qua lời cầu nguyện.

Mỗi người chúng ta đều cần nó. Quả thật, chúng ta biết rằng chúng ta không thể duy trì sự hiệp nhất thậm chí ngay trong chính con người chúng ta. Ngay cả Thánh Tông đồ Phaolô cũng cảm thấy một sự xung đột đau đớn trong lòng ngài: muốn làm điều thiện nhưng lại bị nghiêng về sự ác (xem Rm 7:19). Do đó ngài thấu hiểu được cội rễ của nhiều sự chia rẽ xung quanh chúng ta – giữa con người, trong các gia đình, trong xã hội, giữa các dân tộc và thậm chí giữa các tín hữu – và bên trong chúng ta. Công đồng Vatican II nói, “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người. Bởi vì, ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau [...] Bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó, sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội” (Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 10). Vì vậy, giải pháp cho những chia rẽ này là không chống đối lại người khác, vì bất hòa càng tạo thêm bất hòa. Phương thuốc điều trị đích thực khởi đầu từ việc kêu xin Thiên Chúa ban cho hòa bình, hòa giải, hiệp nhất.

Và trước hết, điều này là đúng với người Kitô hữu. Sự hiệp nhất chỉ có thể đạt được như là hoa trái của việc cầu nguyện. Những nỗ lực ngoại giao và đối thoại trên lý thuyết là không đủ. Những điều này cần phải được thực hiện, nhưng như vậy là chưa đủ. Chúa Giêsu hiểu rõ điều này và mở ra con đường cho chúng ta bằng việc cầu nguyện. Do đó lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của chúng ta là một sự hợp tác khiêm nhường nhưng đầy tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa, Đấng đã hứa rằng bất kỳ lời cầu nguyện nào nhân danh Ngài đều được Chúa Cha nhận lời (xem Ga 15:7). Đến đây, chúng ta có thể tự hỏi mình: “Tôi có cầu nguyện cho sự hiệp nhất hay không?” Đó là ý muốn của Chúa Giêsu, nhưng nếu chúng ta kiểm điểm lại những ý mà chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã cầu nguyện rất ít cho sự hiệp nhất Kitô giáo, có lẽ là không bao giờ. Tuy nhiên, sự tin tưởng của thế gian tùy thuộc vào điều đó; thật vậy, Chúa đã xin để chúng ta nên một “để thế gian sẽ tin” (Ga 17:21). Thế gian sẽ chẳng tin vì chúng ta thuyết phục họ bằng những cuộc tranh cãi hợp lý, nhưng nếu chúng ta làm chứng cho tình yêu khiến chúng ta hiệp nhất và kéo chúng ta đến gần, vâng: thế gian sẽ tin.

Trong thời gian vô cùng khó khăn này, lời cầu nguyện này thậm chí còn cần thiết hơn bao giờ hết để sự hiệp nhất có thể chiến thắng những xung đột. Điều rất cấp bách là chúng ta phải gạt sang một bên những ưu tiên riêng để thúc đẩy ích chung, và do đó tấm gương của chúng ta là nền tảng: điều quan trọng là người Kitô hữu theo đuổi con đường dẫn đến sự hiệp nhất cụ thể trọn vẹn. Trong những thập niên qua, tạ ơn Chúa, đã có nhiều bước tiến được thực hiện, nhưng chúng ta vẫn cần phải kiên trì trong sự yêu thương và cầu nguyện, không đánh mất đi sự tin tưởng hoặc mệt mỏi. Nó là con đường mà Chúa Thánh Thần đã xây dựng trong Giáo hội, trong những người Kitô hữu và trong chúng ta, từ đó sẽ không có sự quay ngược trở lại. Mãi mãi tiến tới.

Cầu nguyện có nghĩa là đấu tranh cho sự hiệp nhất, Vâng, đấu tranh, vì kẻ thù của chúng ta, ma quỷ, là kẻ gây chia rẽ, như chính Lời nói. Chúa Giêsu xin Chúa Thánh thần sự hiệp nhất, để tạo ra sự hiệp nhất. Ma quỷ luôn luôn chia rẽ. Hắn luôn luôn chia rẽ vì chia rẽ là dễ chịu đối với hắn. Hắn thúc đẩy sự chia rẽ ở mọi nơi và theo bất kỳ cách thức nào, trong khi Chúa Thánh Thần luôn luôn liên kết trong sự hiệp nhất. Nói chung, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bằng thần học cao cấp, nhưng bằng những yếu đuối của anh chị em chúng ta. Hắn ta rất mánh khóe: hắn làm lớn lên những sai lỗi và khuyết điểm của người khác, gieo rắc bất hòa, xúi giục chỉ trích và tạo ra những bè phái. Thiên Chúa có con đường khác: Người đón nhận con người thật của chúng ta, Người quá yêu thương chúng ta, nhưng Người yêu thương chúng ta với chính con người chúng ta và đón nhận chính con người chúng ta; Người đón nhận những con người khác biệt, Người đón nhận những tội nhân, và Người luôn luôn nhẹ nhàng thuyết phục chúng ta tiến đến sự hiệp nhất. Chúng ta có thể kiểm điểm lại bản thân và tự hỏi mình rằng tại nơi chúng ta đang sống, chúng ta nuôi dưỡng xung đột hay chiến đấu để tăng cường sự hiệp nhất bằng những công cụ mà Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện và yêu thương. Thay vì vậy, những thứ tiếp thêm nhiên liệu cho xung đột là tin đồn thổi, luôn nói sau lưng người khác. Tin đồn thổi là vũ khí đắc dụng nhất mà ma quỷ có trong tay để chia rẽ cộng đoàn Kitô giáo, chia rẽ các gia đình, chia rẽ bạn bè, luôn luôn chia rẽ. Chúa Thánh Thần luôn luôn truyền cảm hứng cho sự hiệp nhất.

Chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện này đặc biệt liên quan đến tình yêu: “Ở lại trong tình thương của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (xem Ga 15:5-9). Nguồn cội của sự hiệp thông và yêu thương là Đức Kitô, Đấng làm cho chúng ta vượt qua được những thành kiến và nhìn người khác như một người anh em hoặc chị em để luôn được yêu thương. Rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng những Kitô hữu thuộc các nền tảng tuyên xưng khác – với những truyền thống của họ, với lịch sử của họ – là những món quà từ Thiên Chúa, họ là những món quà hiện diện trong các địa hạt thuộc cộng đoàn giáo phận và giáo xứ chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, và khi nào có thể hãy cầu nguyện cùng với họ. Rồi chúng ta sẽ học yêu thương và trân trọng họ. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết (xem Unitatis redintegratio, 8). Vì vậy, ước mong rằng việc cầu nguyện là khởi điểm để giúp Chúa Giêsu biến ước mơ thành hiện thực: rằng tất cả nên một. Cảm ơn anh chị em.

_______________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo này, chúng ta xin Chúa Cha ban ơn hiệp nhất trọn vẹn giữa tất cả các môn đệ của Đức Kitô, để làm lan tỏa Tin mừng và ơn cứu độ cho thế giới. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

_______________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hai ngày tới đây, Thứ Sáu ngày 22 tháng Một, Hiệp ước Cấm Vũ khí Nguyên tử có hiệu lực. Đây là công cụ quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nghiêm cấm dứt khoát các loại vũ khí này, mà việc sử dụng bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn người trong thời gian ngắn và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho môi trường.

Tôi đặc biệt khuyến khích tất cả các quốc gia và tất cả mọi người làm việc một cách quyết đoán nhằm thúc đẩy những điều kiện cần thiết cho một thế giới không có vũ khí nguyên tử, góp phần thúc đẩy hòa bình và hợp tác đa phương mà nhân loại ngày nay đang rất cần.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/1/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét