Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

SỨ ĐIỆP NGÀY BỆNH NHÂN THẾ GIỚI LẦN THỨ 30 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

SỨ ĐIỆP NGÀY BỆNH NHÂN THẾ GIỚI LẦN THỨ 30 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

SỨ ĐIỆP NGÀY BỆNH NHÂN THẾ GIỚI LẦN THỨ 30 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

11 Tháng Hai, 2022

Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Bệnh nhân Thế giới thứ 30, vào ngày 11 tháng Hai, phụng vụ lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức, với chủ đề “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Đứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường nhân ái:

*****

Sứ điệp của Đức Thánh Cha


Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).

Đứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường nhân ái



Anh chị em thân mến,

Cách đây 30 năm, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Bệnh nhân Thế giới để khuyến khích dân Chúa, các tổ chức y tế Công giáo và xã hội dân sự ngày càng chú ý đến người bệnh và những người chăm sóc họ. [1]

Chúng ta cảm tạ Chúa về các tiến bộ đạt được trong những năm qua trong các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Nhiều cải tiến đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để bảo đảm rằng tất cả những người bệnh, cũng như những người sống ở những nơi và hoàn cảnh nghèo khó và thiệt thòi lớn, nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần, cũng như sự chăm sóc mục vụ để có thể giúp họ trải nghiệm bệnh tật trong sự kết hợp với Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Xin cho Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ Ba mươi – do đại dịch lễ kỷ niệm năm nay sẽ không diễn ra theo dự kiến ở Arequipa, Peru, nhưng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican – giúp chúng ta phát triển sự gần gũi và phục vụ người bệnh và gia đình của họ.

1. Nhân từ như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Người bệnh lần thứ ba mươi này, “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36), trước hết khiến chúng ta hướng mắt nhìn về Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” (Êp 2:4); Người luôn dõi theo những đứa con của mình bằng tình yêu thương của một người cha, ngay cả khi chúng quay lưng lại với Người. Lòng thương xót là tên gọi tuyệt vời của Thiên Chúa; lòng thương xót, không hiểu theo nghĩa là một cảm tính phụ động mà là một động lực luôn hiện hữu và tích cực, thể hiện chính bản chất của Thiên Chúa. Nó kết hợp sức mạnh và sự dịu dàng. Vì lý do này, trong sự kinh ngạc và lòng tri ân chúng ta có thể nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm cả tình phụ tử và tình mẫu tử (x. Is 49:15). Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng sức mạnh của một người cha và sự dịu dàng của một người mẹ; Người luôn khao khát trao ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao về tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa Cha dành cho người bệnh là Người Con Duy nhất của Người. Các Tin Mừng rất thường xuyên kể lại những lần gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người mắc nhiều căn bệnh khác nhau! Ngài “đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4:23). Chúng ta cũng hãy tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ mối quan tâm đến người bệnh nhiều như vậy, đến mức Ngài coi nó là điều tối quan trọng trong sứ vụ của các tông đồ, những người được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành người bệnh (x. Lc 9:2).

Một nhà triết học thế kỷ 20 đề ra lý do cho điều này: “Sự đau khổ cô lập một cách tuyệt đối, và sự cô lập tuyệt đối làm nảy sinh nhu cầu kêu cầu người khác, kêu gọi người khác”. [2] Khi các cá nhân trải qua sự yếu đuối và đau khổ trên chính da thịt của mình do bệnh tật, tâm hồn của họ trở nên nặng nề, nỗi sợ hãi lan rộng, những sự bất ổn nhân lên, và những câu hỏi về ý nghĩa của những điều đang xảy ra trong cuộc sống của họ càng trở nên cấp thiết hơn. Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể quên được tất cả những bệnh nhân trong thời gian đại dịch này đã trải qua phần đời cuối cùng nơi dương trần thế trong cô đơn, trong một phòng chăm sóc đặc biệt, được hỗ trợ bởi các nhân viên y tế quảng đại, nhưng lại phải xa cách những người thân yêu của họ và những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ? Điều này giúp chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của sự hiện diện của những chứng nhân cho lòng từ ái của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, những người noi gương Chúa Giêsu là lòng thương xót của Chúa Cha, đổ dầu an ủi và rượu hy vọng lên vết thương của người bệnh. [3]

3. Chạm đến da thịt đau khổ của Chúa Kitô

Lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy trở nên nhân từ như Chúa Cha có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến tất cả những người bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, các nhân viên hỗ trợ và những người chăm sóc bệnh nhân, cũng như rất nhiều thiện nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ để hỗ trợ những người đau khổ. Thưa các nhân viên y tế, sự phục vụ của anh chị em bên cạnh người bệnh, được thực hiện với tình yêu và năng lực, vượt quá những ranh giới nghề nghiệp của anh chị em và trở thành một sứ mệnh. Bàn tay của anh chị em, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô, là dấu chỉ cho bàn tay nhân từ của Chúa Cha. Hãy lưu tâm đến phẩm đức lớn lao của nghề nghiệp của anh chị em, cũng như trách nhiệm mà nó đòi hỏi.

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về những tiến bộ mà khoa học y tế đã đạt được, đặc biệt là trong thời gian gần đây; những công nghệ mới đã giúp điều chế các liệu pháp có ích lợi lớn cho người bệnh; nghiên cứu tiếp tục đưa ra sự đóng góp giá trị để loại bỏ các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã mở rộng chuyên môn và kỹ năng rất nhiều. Tuy nhiên, tất cả mọi điều trên không làm cho chúng ta quên đi tính duy nhất của mỗi bệnh nhân, phẩm giá và sự yếu đuối của họ. [4] Người bệnh luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ, và vì lý do này mọi phương pháp điều trị không thể không xét đến việc lắng nghe bệnh nhân, tiền sử, những lo lắng và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, vẫn luôn phải có sự chăm sóc. Vẫn luôn có thể an ủi, luôn có thể làm cho mọi người cảm nhận sự gần gũi, quan tâm đến con người hơn là bệnh lý của người đó. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng việc đào tạo cho các nhân viên y tế có thể giúp họ phát triển khả năng lắng nghe và quan tâm đến người khác.

4. Trung tâm chăm sóc là “ngôi nhà của lòng thương xót”

Ngày Bệnh nhân Thế giới cũng là một dịp tốt để chúng ta tập trung chú ý đến các trung tâm chăm sóc. Trong nhiều thế kỷ, thể hiện lòng thương xót đối với người bệnh đã khiến cộng đồng Kitô giáo mở vô số “nhà trọ của người Samari nhân hậu”, nơi tình yêu thương và sự chăm sóc được trao tặng cho những người với nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là những người không được đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe do nghèo đói hoặc bị xã hội loại trừ, hoặc do những khó khăn liên quan đến việc điều trị một số bệnh lý. Trong những hoàn cảnh này, chính trẻ em, người già và những người yếu đuối nhất rất thường xuyên phải trả giá đắt. Nhân từ như Chúa Cha, không biết bao nhiêu nhà truyền giáo đã kết hợp việc rao giảng Tin Mừng với việc xây dựng bệnh viện, trạm xá và nhà chăm sóc. Đây là những phương tiện quý giá nhờ đó đức ái của người Kitô hữu đã mang dấu chỉ hữu hình và tình yêu của Đức Kitô, được làm chứng ​​bởi các môn đệ của Ngài, trở nên khả tín hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ở các khu vực nghèo nhất trên hành tinh chúng ta, đôi khi phải đi một quãng đường rất xa để tìm được các trung tâm điều trị, dẫu cho nguồn lực hạn chế nhưng luôn cung cấp những gì sẵn có. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi; ở một số quốc gia, việc tiếp cận với sự chăm sóc xứng đáng vẫn còn là điều xa xỉ. Chẳng hạn, chúng ta nhìn thấy điều này trong sự khan hiếm vaccine chống Covid-19 ở các nước nghèo; nhưng thậm chí còn thiếu nhiều phương pháp điều trị cho những căn bệnh cần các loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

Trong bối cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Công giáo: chúng là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ; sự có mặt của chúng đã làm nổi bật lịch sử của Giáo hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo hội đối với người bệnh và người nghèo, cũng như những hoàn cảnh bị người khác coi thường. [5] Không biết bao nhiêu người sáng lập các gia đình dòng tu đã lắng nghe tiếng kêu của anh chị em mình, những người không được chăm sóc hoặc được chăm sóc rất tệ, và đã hết mình phục vụ! Ngày nay cũng thế, ngay cả ở những nước phát triển nhất, sự có mặt của họ là một phúc lành, vì ngoài việc chăm sóc thân thể với tất cả các chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể trao tặng món quà nhân ái tập trung vào chính người bệnh và gia đình của họ. Vào thời đại khi văn hóa lãng phí đang lan rộng và sự sống có lúc không được thừa nhận là đáng được chào đón và sống, những cơ sở này, giống như “ngôi nhà của lòng thương xót”, có thể là mẫu gương trong việc bảo vệ và chăm sóc sự sống cho tất cả mọi người, dù là yếu đuối nhất, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc tự nhiên.

5. Lòng thương xót mục vụ: hiện diện và gần gũi

Trong ba mươi năm qua, việc chăm sóc sức khỏe mục vụ cũng ngày càng được công nhận là sự phục vụ không thể thiếu. Nếu sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu – gồm những người bệnh, sức khỏe kém – là thiếu sự quan tâm về mặt thiêng liêng, thì chúng ta luôn phải trao tặng cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, sự chúc phúc và lời của Người, cũng như việc cử hành các bí tích và cơ hội cho một hành trình phát triển và trưởng thành trong đức tin. [6] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi với người bệnh và chăm sóc mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; đi thăm người bệnh là một lời mời gọi mà Chúa Kitô gửi đến tất cả các môn đệ của Ngài. Không biết bao nhiêu người già bệnh tật đang ở nhà chờ có người đến thăm! Mục vụ an ủi là một nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa tội, hãy lưu tâm đến lời của Chúa Giêsu: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25:36).

Anh chị em thân mến, tôi phó dâng tất cả những người bệnh và gia đình của họ cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria, là Sức khỏe của người bệnh. Được kết hợp với Đức Kitô, Đấng gánh lấy sự đau khổ của thế gian, xin cho họ tìm được ý nghĩa, sự an ủi và tin cậy. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp mọi nơi rằng với lòng thương xót dư đầy, họ có thể cung cấp cho người bệnh sự gần gũi huynh đệ, cùng với sự chăm sóc thích hợp.

Tôi ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Phanxicô

Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 10 Mười Hai, 2021, Lễ nhớ Đức Mẹ Loreto.

____________________________________________________


[1] Cf. SAINT JOHN PAUL II, Letter to Cardinal Fiorenzo Angelini, President of the Pontifical Council for the Pastoral Care of Healthcare Workers, for the Establishment of the World Day of the Sick (May 13, 1992).

[2] E. Lévinas, «Une éthique de la souffrance», in Souffrances. Corps et âme, épreuves partagées, edited by J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, pp. 133-135.

[3] Cf. Roman Missal, Common Preface VIII, Jesus the Good Samaritan.



[6] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 200.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/1/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét