Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Hiểu về các Giáo hội và mối xung đột Nga-Ukraine (phỏng vấn)

Hiểu về các Giáo hội và cuộc xung đột Nga-Ukraine (phỏng vấn)

Hiểu về các Giáo hội và mối xung đột Nga-Ukraine (phỏng vấn)

OLEKSANDR RUPETA / NURPHOTO / NURPHOTO VIA AFP

I.Media for Aleteia

23/02/22


Nhà sử học đồng thời là người sáng lập viện nghiên cứu đại kết xét đến vai trò của các Giáo hội Chính thống và chính sách ngoại giao của Vatican, khi con mắt của thế giới đang đổ dồn về Ukraine.

Nhà sử học Antoine Arjakovsky, đồng giám đốc khoa “Chính trị và Tôn giáo” tại Collège des Bernardins ở Paris, đã giảng dạy nhiều năm ở Nga và Ukraine. Là một Kitô hữu Chính thống giáo, ông đã thành lập Viện Nghiên cứu Đại kết ở Lviv, một thành phố với đa phần dân số là người Công giáo thuộc miền tây Ukraine. Sau cuộc tấn công của quân đội Nga vào Donbass, và lời mời gọi của Đức Giáo hoàng dành một ngày ăn chay và cầu nguyện vào ngày 2 tháng Ba năm 2022, ông chia sẻ với I.MEDIA hy vọng rằng Vatican sẽ thiết lập mối liên hệ với Chính thống giáo Ukraine.

Ảnh hưởng của các Giáo hội Chính thống giáo và Công giáo đối với tình hình hiện tại của Ukraine là gì?

Ông Arjakovsky: Tôi đã nói về vấn đề này trong một bài thuyết trình gần đây với tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn: ở Ukraine, các Giáo hội là trung tâm của bản sắc dân tộc và của cuộc xung đột hiện tại, nhưng các Giáo hội cũng có vai trò không thể thiếu cho việc tìm kiếm hòa bình. Người ta không thể hiểu được sự xung đột, cũng như quan niệm hòa bình, nếu không nhìn vào khía cạnh giáo hội học của sự kình địch này giữa Nga và Ukraine.

Trong số 40 triệu dân Ukraine, có 6 triệu người Công giáo và 25 triệu người Chính thống giáo. Trong số người Chính Thống giáo, 15 triệu thuộc về Giáo hội Chính thống Độc lập của Ukraine, được Tòa Thượng phụ Constantinople công nhận về mặt pháp lý vào năm 2019, khoảng 5 đến 7 triệu người thuộc Giáo hội Chính thống Ukraine, trực thuộc Tòa Thượng phụ Moscow từ năm 1686, và số còn lại nhận mình là Chính thống nhưng không định rõ họ thuộc nhánh nào.

Các giáo hội địa phương có đoàn kết trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không?

Ông Arjakovsky: Đứng trước nguy cơ chiến tranh, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi một ngày đoàn kết dân tộc vào ngày 16 tháng Hai, ngày đó tất cả các Giáo hội tập trung lại để cùng nhau cầu nguyện tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Sophia, một địa điểm mang nhiều kỷ niệm đối với Ukraine. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo chính của đất nước, Đức Sviastoslav Schevchuk, tổng giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp và Đức Tổng giám mục chính tòa Epiphanius, vị đứng đầu Giáo hội Chính thống Ukraine, kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, đồng thời ý thức rằng việc đọ súng dù ở mức độ nhỏ nhất cũng có thể khiến mọi việc đi sai đường.

Ngày hôm đó, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp kêu gọi các tín hữu giữ bình tĩnh, ngài nói: “Đừng sợ. Chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong thời kỳ Xô-viết, nhưng Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta không được mất lòng tin, phải giữ bình tĩnh và không hoảng sợ”. Việc này đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trong cộng đồng cư dân, cũng như ngày cầu nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất vào ngày 26 tháng Giêng.

Hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào giữa người dân Ukraine, đặc biệt là với những người Chính thống giáo?

Ông Arjakovsky: Người Ukraine có những ký ức rất sâu sắc về chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2001, và họ ước mơ được nhìn thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô đến đất nước của họ, nhưng việc này dường như không có trong chương trình hoạt động. Hiện tại, Vatican đang theo đuổi một Ostpolitik tức là hướng về Tòa Thượng phụ Moscow, thể hiện qua cuộc gặp gỡ gần đây tại Paris giữa Đức Hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô hữu, và Đức Tổng Giám mục Hilarion, vị đứng đầu phòng đối ngoại của Tòa Thượng phụ Moscow.

Những người bạn Công giáo của tôi đã đúng khi tiến hành một cuộc đối thoại đầy tôn trọng với Tòa Thượng phụ Moscow: Giáo hội ở đây có nhiều người tử vì đạo, và Giáo hội cũng đã phải chịu đựng rất nhiều sự đàn áp của Xô-viết, với 95% số giám mục bị chuyển đến trại Gulag. Nhưng tôi mong muốn Tòa thánh cũng liên hệ với Giáo hội Chính thống Ukraine được Tòa Thượng phụ Constantinople công nhận là Giáo hội Độc lập thứ 15, điều đã gây ra cuộc chia rẽ với Moscow từ năm 2019.

Hiện tại, Roma vẫn chưa thiết lập các kênh trực tiếp với Giáo hội này?

Ông Arjakovsky: Đúng vậy, ba năm sau khi được bầu chọn, Đức Epiphanius vẫn chưa có bất kỳ liên hệ chính thức nào với Tòa thánh, điều mà tôi thấy hơi quá e dè, trong khi ngài có thể đóng góp cho hòa bình bằng cách đứng vai trò hòa giải giữa các khu đại thượng phụ Moscow và Constantinople.

Tôi nhấn mạnh rằng ngày cầu nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất vào ngày 26 tháng Giêng là quan trọng, nhưng người dân Ukraine hiện đang chờ đợi những cử chỉ cụ thể. Cầu nguyện cho đối thoại, cho một sự tin tưởng nhất định. Vấn đề không phải là ném đá vào chính sách ngoại giao của Vatican, đó là thành quả của một lịch sử lâu dài, nhưng chỉ hướng các nỗ lực về phía Nga là không cần thiết.

Ngoài vị trí này của Tòa thánh mà ông cho là quá thận trọng, ông có lo lắng về một hình thức “thân Nga” trong một phần đông thế giới Công giáo, đặc biệt là ở Pháp, và về sự mù quáng đối với Vladimir Putin?

Ông Arjakovsky: Bản thân tôi là người gốc Nga, và dĩ nhiên tôi rất cảm động trước sự quan tâm của nhiều người Pháp đối với “tâm hồn Nga”, đối với văn hóa và tinh thần của người Nga. Nhưng người ta phải mở rộng mắt trước thực tại, trước thực tế sức mạnh hiện tại của Nga. Vladimir Putin luyến tiếc Liên Xô; ông ta đã công khai tuyên bố rằng ông coi việc Liên Xô tan rã là một “thảm họa.”

Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc xung đột văn minh giữa những người nghĩ rằng chúng tôi có thể tự hào về Liên Xô, và những người tin rằng chủ nghĩa cộng sản thật khủng khiếp. Chúng ta không được quên rằng trong thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản đã gây ra 100 triệu cái chết, tức là có 100 triệu người bị giết hại, như Nicolas Werth đã nhắc nhở chúng ta trong Sách đen về Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng ta không thể bỏ qua một giai đoạn kinh hoàng như vậy mà không bị xét xử. Nhưng kể từ khi Liên Xô kết thúc năm 1991, chủ nghĩa cộng sản vẫn chưa thực sự bị xét xử.

Hơn nữa, Tổng thống Putin đã không tôn trọng các cam kết quốc tế của đất nước mình. “Bản ghi nhớ Budapest” được ký kết vào năm 1994 giữa Hoa Kỳ và Nga đã thiết lập việc phi hạt nhân hóa Ukraine, cùng với những việc khác, để đổi lấy sự bảo đảm bất khả xâm phạm về biên giới của đất nước. 20 năm sau, Nga đã bội ước chữ ký của mình bằng cách sáp nhập Crimea.

Vậy những người Kitô giáo phương Tây phải tránh một sự mê hoặc khiến họ mất tỉnh táo khi đối mặt với Moscow?

Ông Arjakovsky: Vào năm 2018, tôi đã thành lập một ủy ban đối thoại, công lý, sự thật và hòa giải với sự giúp đỡ của Liên minh Châu Âu, với sự tham gia của hơn 200 nhà trí thức Nga, Ukraine và các nước Châu Âu khác. Chúng tôi đã làm việc đặc biệt với International Memorial, gần đây bị chính quyền Nga cấm. Người phương Tây phải mở mắt nhìn và đối mặt với thực tế.

Ngày nay không có sự tương đồng giữa những người muốn bảo vệ chủ nghĩa cộng sản và những người muốn bảo vệ học thuyết xã hội của Giáo hội, nghĩa là, trên bình diện dân sự là phẩm giá con người, tự do, dân chủ và nhân quyền. Tổng thống Putin coi chủ nghĩa tự do là một hình thức suy đồi và cần phải có các thể chế dựa trên “quyền lực theo chiều dọc”, trong khi người Ukraine muốn đi theo mô hình Châu Âu.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét