Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN MALTA (2-3 THÁNG TƯ 2022) - GẶP GỠ CẦU NGUYỆN - BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN MALTA (2-3 THÁNG TƯ 2022) - GẶP GỠ CẦU NGUYỆN - BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN MALTA
(2-3 THÁNG TƯ 2022)

GẶP GỠ CẦU NGUYỆN

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Đền thờ “Ta' Pinu” ở Gozo

Thứ Bảy, 2 tháng Tư, 2022

____________________________


Mẹ Maria và Thánh Gioan đứng dưới chân Thập giá của Chúa Giêsu. Người Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa thương tiếc cái chết của Người, ngay cả khi bóng tối bao trùm thế gian. Người môn đệ yêu dấu, người đã bỏ tất cả để đi theo Ngài, giờ đây đứng lặng im dưới chân Thầy bị đóng đinh. Mọi thứ dường như đã mất, đã kết thúc, mãi mãi. Mang trên mình thương tích của nhân loại chúng ta, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). Đây cũng là lời cầu nguyện của chúng ta trong những lúc đau khổ. Đó là lời cầu nguyện thành tâm, Sandi và Domenico, mà anh chị em dâng lên Chúa mỗi ngày. Cảm ơn tình yêu bền chí của anh chị em, cảm ơn vì chứng tá đức tin của anh chị em!

Tuy nhiên, “giờ” của Chúa Giêsu trong Tin mừng của Thánh Gioan là giờ Ngài chết trên thập giá, không thể hiện đoạn cuối của câu chuyện. Đúng hơn, nó báo hiệu khởi đầu của một sự sống mới. Đứng trước thập giá, chúng ta chiêm ngắm tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa Kitô, Đấng đã mở rộng vòng tay để ôm lấy chúng ta, và nhờ cái chết của Người, mời gọi chúng ta đến với niềm vui của sự sống đời đời. Vào giờ sau cùng đó, sự sống mới mở ra trước mắt chúng ta; từ thời khắc của sự chết đó, một thời khắc khác đầy tràn sự sống được sinh ra. Đó là thời gian của Giáo hội. Bắt đầu từ hai người đứng dưới chân thập giá, Chúa sẽ tập hợp một dân tộc tiếp tục đi trên những chặng đường quanh co của lịch sử, khắc ghi trong lòng sự an ủi của Thần Khí để lau khô những giọt nước mắt của nhân loại.

Thưa anh chị em, từ thánh địa Ta’ Pinu này, chúng ta có thể cùng nhau chiêm ngắm sự khởi đầu mới đã diễn ra trong “giờ”của Chúa Giêsu. Ở đây, tại vị trí của tòa nhà lộng lẫy mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, trước đây chỉ có một nhà nguyện nhỏ trong tình trạng hư hỏng. Việc phá hủy nó đã được quyết định: nó dường như là dấu chấm hết. Tuy nhiên, một loạt các biến cố làm xoay chuyển tình thế, dường như Chúa cũng muốn nói với dân tộc này rằng: “Chẳng ai còn réo tên ngươi: ‘Đồ bị ruồng bỏ!’’Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn.’ Nhưng ngươi được gọi: ‘Ái khanh lòng Ta hỡi!’ Xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng.’” (Is 62:4). Ngôi nhà thờ nhỏ bé ấy đã trở thành thánh địa quốc gia, một điểm đến của những người hành hương và là nguồn sống mới. Jennifer, chị đã nhắc nhở chúng tôi về điều này: ở đây, nhiều người phó dâng những đau khổ và niềm vui của họ cho Đức Mẹ và tất cả đều cảm thấy dễ chịu. Thánh Gioan Phaolô II – hôm nay là ngày giỗ của ngài – cũng đã đến đây như một người hành hương. Một nơi trước đây tưởng như bị bỏ rơi giờ đây đã hồi sinh niềm tin và hy vọng trong Dân Chúa.

Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng đánh giá đúng ý nghĩa của “giờ” của Chúa Giêsu đối với cuộc sống của chúng ta. Giờ cứu độ đó cho chúng ta biết rằng, để canh tân đức tin và sứ mệnh chung của chúng ta, chúng ta được mời gọi trở về nguồn cội, trở về với Giáo hội thuở mới khai sinh mà chúng ta nhìn thấy dưới chân thập giá nơi con người của Mẹ Maria và Thánh Gioan. Quay về những nguồn cội đó có ý nghĩa gì? Quay lại thuở ban đầu nghĩa là gì?

Trước hết, nó có nghĩa là tái khám phá những điều cốt yếu trong đức tin của chúng ta. Trở lại với Giáo hội sơ khai không có nghĩa là quay nhìn lại và cố gắng tái tạo mô hình giáo hội của cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên. Chúng ta không thể “gạt bỏ lịch sử”, như thể Chúa chưa bao giờ nói hoặc chưa bao giờ hoàn tất những điều vĩ đại trong đời sống của Giáo hội trong những thế kỷ tiếp theo. Nó cũng không có nghĩa là lý tưởng hóa thái quá, nghĩ rằng không có khó khăn trong cộng đoàn đó; trái lại, chúng ta đọc thấy rằng các môn đệ đã tranh luận và thậm chí cãi nhau, và không phải lúc nào họ cũng hiểu được những lời dạy của Chúa. Thay vào đó, trở lại với nguồn cội có nghĩa là khôi phục tinh thần của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, trở về với trọng tâm và tái khám phá cốt lõi của đức tin: mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu và việc rao giảng Tin Mừng của Ngài cho toàn thế giới. Đó là những điều trọng yếu! Đây là niềm vui của Giáo hội: truyền giáo.

Thật vậy, sau “giờ” Chúa Giêsu chịu nạn, các môn đệ đầu tiên như Maria Mađalêna và Gioan, sau khi nhìn thấy ngôi mộ trống, với sự hân hoan tột độ đã vội vã trở về loan báo tin vui về sự Phục sinh. Sự đau buồn của họ dưới chân thập giá đã biến thành niềm vui sướng khi họ loan báo Đức Kitô sống lại. Tôi cũng nghĩ đến các Tông đồ, những người được mô tả là: “Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu” (Cv 5:42). Mối quan tâm chính của các môn đệ của Chúa Giêsu không phải là uy thế của cộng đoàn hoặc các thừa tác viên của cộng đoàn, chỗ đứng trong xã hội hoặc những điểm tốt đẹp trong việc thờ phụng của họ. Không. Họ được thúc đẩy để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô (xem Rm 1:1), vì niềm vui của Giáo hội là truyền giáo.

Thưa anh chị em, Giáo hội Malta có thể giới thiệu một lịch sử phong phú mà từ đó rút ra các kho tàng mục vụ và thiêng liêng tuyệt vời. Tuy nhiên, đời sống của Giáo Hội – chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này – không bao giờ chỉ là “quá khứ để ghi nhớ”, mà là tương lai vĩ đại để xây dựng”, luôn tuân theo các chương trình của Thiên Chúa. Một đức tin được hình thành từ những truyền thống đã được đón nhận, những lễ mừng trọng thể, những lễ hội truyền thống và những khoảnh khắc mạnh mẽ và đầy cảm xúc là không đủ; chúng ta cần một đức tin được xây dựng và liên tục được canh tân trong cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, trong việc lắng nghe lời Người hằng ngày, trong việc tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội và trong lòng đạo đức bình dân đích thực.

Sự khủng hoảng về đức tin, sự nguội lạnh trong việc giữ đạo, đặc biệt là trong thời gian hậu đại dịch, và sự thờ ơ của nhiều người trẻ đối với sự hiện diện của Chúa: đây không phải là những vấn đề mà chúng ta nên “bọc đường cho nó”, khi cho rằng với tất cả những điều được xem xét, một tinh thần tôn giáo nhất định vẫn trường tồn, không. Đôi khi, các công trình kiến trúc có thể mang tính tôn giáo, nhưng bên dưới những hình thức bên ngoài, niềm tin đang mờ nhạt dần. Một chương trình các tiết mục đẹp theo truyền thống tôn giáo không luôn luôn tương ứng với một đức tin mạnh mẽ được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Chúng ta cần phải bảo đảm rằng việc thực hành tôn giáo không thu hẹp vào các thánh tích của quá khứ, nhưng luôn thể hiện một đức tin sống động, rộng mở, truyền bá niềm vui của Tin Mừng, vì niềm vui của Giáo hội là rao giảng Tin Mừng.

Tôi biết rằng, với Thượng Hội đồng, anh chị em đã thực hiện một tiến trình canh tân và tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Thưa anh chị em, bây giờ là lúc trở lại với thuở ban đầu, đứng dưới chân thập giá và nhìn vào cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Thời gian là Giáo Hội liên quan đến tình bạn với Chúa Giêsu và việc rao giảng Tin Mừng của Ngài, chứ không phải về tầm quan trọng và hình ảnh. Là Giáo hội tức là tập trung vào việc làm chứng, chứ không phải là một số tục lệ tôn giáo nhất định. Là Giáo Hội tức là tìm cách ra ngoài để gặp gỡ mọi người với ngọn đèn Tin Mừng đang thắp sáng, không phải là một nhóm khép kín. Đừng ngại khởi hành trên những con đường mới như anh chị em đã làm, thậm chí có thể là những con đường đầy rủi ro, để rao giảng Phúc âm và loan báo làm thay đổi đời sống, vì niềm vui của Giáo hội là truyền giáo.

Vì vậy, chúng ta một lần nữa hãy nhìn về cội nguồn, về Mẹ Maria và Thánh Gioan dưới chân thập giá. Cội nguồn của Giáo hội là hành động trao phó cho nhau. Chúa trao từng người cho sự chăm sóc của người khác: Thánh Gioan cho Đức Mẹ và Đức Mẹ cho Thánh Gioan, kết quả là “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:27). Trở lại thuở ban đầu cũng có nghĩa là phát triển nghệ thuật chào đón. Những lời của Chúa Giêsu trên thập giá nói với Mẹ Ngài và với Thánh Gioan, kêu gọi chúng ta chào đón dấu ấn của cương vị người môn đệ của chúng ta. Quả thật, đây không đơn giản là một hành động hiếu thảo, theo đó Chúa Giêsu trao phó Mẹ của Người cho Thánh Gioan để Mẹ không cô đơn một mình sau khi Ngài chết. Thay vào đó, việc Thánh Gioan đón Mẹ Maria về nhà của mình là một dấu hiệu cụ thể cho thấy chúng ta phải sống điều răn tối thượng về tình yêu như thế nào. Sự thờ phượng Thiên Chúa diễn ra qua sự gần gũi với anh chị em của chúng ta.

Trong Giáo hội tình yêu thương huynh đệ và sự chào đón mà chúng ta thể hiện với người lân cận là vô cùng quan trọng! Chúa nhắc nhở chúng ta về điều này vào “giờ” của thập tự giá, khi trao Mẹ Maria và Thánh Gioan cho nhau. Ngài kêu gọi cộng đoàn Kitô hữu mọi thời đại không quên điều ưu tiên này: “Đây là con của Bà”, “Đây là mẹ của anh” (câu 26,27). Như thể Ngài nói rằng: “Anh em đã được cứu bởi cùng một dòng máu, anh em là một gia đình, vì vậy hãy chào đón nhau, yêu thương nhau, chữa lành vết thương cho nhau”. Bỏ đi những nghi ngờ, những chia rẽ, những lời đồn thổi, đàm tiếu và ngờ vực. Thưa anh chị em, hãy là một “thượng hội đồng”, hay nói cách khác là “hành trình cùng nhau”. Vì Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào tình yêu thương ngự trị!

Anh chị em thân mến, sự chào đón lẫn nhau, không mang tính nghi thức nhưng nhân danh Chúa Kitô, vẫn liên tục là một thách thức. Một thách thức, trước hết đối với các mối tương quan trong giáo hội của chúng ta, vì sứ mệnh của chúng ta sẽ sinh hoa trái nếu chúng ta làm việc cùng nhau trong tình bạn và tình hiệp thông huynh đệ. Anh chị em là hai cộng đoàn đẹp, Malta và Gozo – tôi không biết cộng đoàn nào quan trọng nhất hay là đầu tiên – cũng giống như Mẹ Maria và Thánh Gioan là hai! Vì vậy, ước gì những lời của Chúa Giêsu trên thập giá trở thành ngôi sao hướng dẫn anh chị em chào đón nhau, thúc đẩy tình thân và hoạt động trong tình hiệp thông! Hãy tiến bước, luôn bên nhau! Hãy tiến bước, luôn luôn rao giảng Phúc âm, vì niềm vui của Giáo hội là truyền giáo.

Chào đón cũng là một phép thử để đánh giá xem Giáo Hội thực sự rao giảng Phúc âm tới mức độ nào. Mẹ Maria và Thánh Gioan chấp nhận nhau không phải trong nơi ở đầy đủ tiện nghi của Phòng Tiệc Ly, mà ở dưới chân thập giá, nơi nghiệt ngã mà người ta bị kết án và đóng đinh như những tội phạm. Chúng ta cũng không thể chấp nhận nhau chỉ ở trong lòng của những ngôi nhà thờ đẹp đẽ của chúng ta, trong khi bên ngoài rất nhiều anh chị em của chúng ta đang đau khổ, bị đóng đinh bởi sự đau đớn, nghèo đói và bạo lực. Đất nước của anh chị em có vị trí địa lý trọng yếu, nhìn ra Địa Trung Hải; anh chị em giống như một thanh nam châm và là bến bờ giải thoát cho những người bị vùi dập bởi những thử thách của cuộc sống, những người đã cập bờ biển của anh chị em vì nhiều lý do. Chính Chúa Kitô, Đấng hiện ra với anh chị em nơi khuôn mặt của những con người đáng thương này. Đó là kinh nghiệm của Thánh Tông đồ Phaolô, là người sau vụ đắm tàu kinh hoàng, đã được tổ tiên của anh chị em chào đón cách chân thành. Như chúng ta đọc thấy trong Tông đồ Công vụ, “Dân địa phương … đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh” (Cv 28:2).

Đây là Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi thực hiện: chào đón người khác, trở thành “những chuyên gia về nhân đạo” và thắp lên những ngọn lửa tình yêu dịu dàng cho những ai đang chịu đau đớn và sự khắc nghiệt của cuộc sống. Trong trường hợp của Thánh Phaolô cũng vậy, một điều quan trọng đã được sinh ra từ kinh nghiệm đầy kịch tính đó, vì tại đây Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng và sau đó nhiều nhà giảng thuyết, linh mục, nhà truyền giáo và chứng nhân đã theo bước chân của ngài. Họ đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để rao giảng Phúc âm và thúc đẩy niềm vui của Giáo hội, đó là truyền giáo. Tôi muốn gửi thêm một lời tri ân đặc biệt đến họ: tới nhiều nhà truyền giáo người Malta đã truyền bá niềm vui của Tin Mừng trên khắp thế giới, tới nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, và tất cả anh chị em. Như Đức Cha Teuma đã nói, anh chị em là một hòn đảo nhỏ, nhưng là một hòn đảo với trái tim vĩ đại. Anh chị em là một kho tàng trong Giáo hội và cho Giáo hội. Tôi xin nhắc lại: Anh chị em là một kho tàng trong Giáo hội và cho Giáo hội. Để bảo tồn kho tàng đó, anh chị em phải trở về với bản chất của Kitô giáo: lòng yêu mến Thiên Chúa, động lực cho niềm vui của chúng ta, sai chúng ta đến với thế giới; và tình yêu thương người lân cận là chứng tá đơn sơ nhất và cuốn hút nhất mà chúng ta có thể đưa ra cho thế giới. Bằng cách này, anh chị em tiếp tục tiến bước trong hành trình cuộc sống, vì niềm vui của Giáo hội là truyền giáo.

Xin Chúa đồng hành với anh chị em trên con đường này và Đức Trinh Nữ Maria hướng dẫn những bước đi của anh chị em. Xin Đức Mẹ, Đấng đã yêu cầu chúng ta đọc ba kinh “Kính Mừng” để nhắc nhở chúng ta về trái tim hiền mẫu của Mẹ, thắp lên trong chúng ta, những đứa con của Mẹ, ngọn lửa sứ mệnh và ước muốn chăm sóc lẫn nhau. Xin Đức Mẹ chở che và nâng đỡ anh chị em trong công cuộc loan báo Tin Mừng.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/4/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét