Giáo hội dạy gì về “tự do ngôn luận” trên mạng xã hội?
Vasin Lee | Shutterstock
30/04/22
Giáo hội khuyến khích sự tự do ngôn luận trên mạng xã hội, đồng thời thúc giục các biện pháp bảo vệ giúp đưa nền văn hóa đi đúng hướng.
Khái niệm tự do ngôn luận trên mạng xã hội đã là một chủ đề nóng trong những năm gần đây, với nhiều người Công giáo ủng hộ mạnh mẽ vấn đề đó cũng như những hạn chế khác nhau.
Giáo hội Công giáo đã viết về quyền tự do ngôn luận trong nhiều tài liệu khác nhau, làm nổi bật những ích lợi và thách thức của nó.
Quyền bày tỏ công luận
Hiến chế mục vụ Gaudium et spes giải thích rằng, “Ý thức sâu sắc hơn về nhân phẩm hiện nay đã làm nảy sinh ở nhiều nơi trên thế giới những nỗ lực nhằm tạo ra một trật tự pháp lý chính trị để bảo vệ tốt hơn các quyền của con người trong đời sống công cộng. Những quyền này bao gồm quyền tự do gặp gỡ và thành lập hiệp hội, quyền bày tỏ ý kiến riêng và tuyên bố về tôn giáo của một người cách công khai và riêng tư.”
Giáo hội nhận ra rằng tất cả mọi người cần được tạo cơ hội để bày tỏ ý kiến của họ. Đây là điều tốt và đáng khen, nhưng đồng thời cũng cần đặt trong những giới hạn của sự thật.
Tất cả điều này đòi hỏi rằng, trong giới hạn của đạo đức và tính thiết thực chung, con người có thể tự do tìm kiếm sự thật, bày tỏ ý kiến của mình và công bố nó; người đó có thể thực hiện bất kỳ nghệ thuật nào anh ta chọn; để cuối cùng, người đó có thể sử dụng thông tin trung thực liên quan đến các biến cố có tính chất công khai.
Đối với cơ quan công quyền… Cần phải làm mọi cách để ngăn chặn văn hóa đi ngược lại với mục đích thích đáng của nó và được sử dụng như một công cụ cho quyền lực chính trị hoặc kinh tế.
Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 59
Mọi người đều có thể bày tỏ công luận của mình, nhưng nó cần phải nằm trong bối cảnh của chân lý luân lý.
Với hướng dẫn này, vấn đề chính là nhiều người nắm giữ quyền lực không được đào tạo theo chân lý Kitô giáo và chắc chắn sẽ để cho niềm tin của cá nhân họ hình thành những quyết định của họ.
Bảo vệ xã hội khỏi việc sử dụng không đúng các phương tiện truyền thông
Hơn nữa, Giáo hội luôn khuyến khích việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhưng khi nó bắt đầu làm suy thoái xã hội thì không.
Sắc lệnh Inter mirifica giải thích động lực của tự do.
Cuối cùng, cùng một cơ quan công quyền, quan tâm cách hợp pháp đến sức khỏe của toàn thể công dân thông qua việc ban hành và thực thi pháp luật một cách cẩn trọng, có nghĩa vụ phải thực hiện cách phù hợp và thận trọng để tránh những thiệt hại nghiêm trọng xảy ra đối với đạo đức công cộng và hạnh phúc của xã hội thông qua việc sử dụng các phương tiện này. Sự cảnh giác như vậy sẽ không hạn chế một chút nào quyền tự do của các cá nhân hoặc các nhóm, đặc biệt là ở những nơi thiếu sự phòng ngừa thỏa đáng đối với những người sử dụng các phương tiện này.
Cần chú ý đặc biệt để bảo vệ người trẻ khỏi các tài liệu in ấn và các trình bày có thể gây hại cho lứa tuổi của các em.
Sắc lệnh Inter mirifica, 12
Khi một nền tảng truyền thông bắt đầu gây hại cho xã hội, Giáo hội khuyến nghị rằng nó cần phải được kiểm soát và giám sát chặt chẽ. Điều này đã trở nên khó thực hiện hơn trong những năm gần đây đối với Internet và khả năng tiếp cận toàn cầu của các phương tiện truyền thông xã hội. Trách nhiệm cá nhân càng trở nên quan trọng hơn trong hoàn cảnh này.
Mặc dù Giáo hội đưa ra cho chúng ta những hướng dẫn đúng đắn, nhưng chưa có cái nhìn rõ ràng về cách thực hiện chúng trong một thế giới sa ngã, và chúng ta cần nhận thức được nhiều cách thức mà mạng xã hội có thể gây nguy hại, đặc biệt đối với giới trẻ.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét