Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Nhà nguyện Sistine đã được cung hiến cho Đức Mẹ Lên Trời: 5 điều cần biết

Nhà nguyện Sistine đã được cung hiến cho Đức Mẹ Lên Trời: 5 điều cần biết

Nhà nguyện Sistine đã được cung hiến cho Đức Mẹ Lên Trời: 5 điều cần biết

The Sistine Chapel. | Shutterstock.

Joe Bukuras

Boston, Mass., 14 tháng Tám, 2022 / 06:47 am


Ngày 15 tháng Tám năm 1483, Đức Thánh Cha Sixtus IV đã cung hiến Nhà nguyện Sistine cho Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hôm nay, khi chúng ta cử hành Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta có cái nhìn gần hơn về nhà nguyện lịch sử này.

Một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Thành Vatican, nổi tiếng với trần nhà được trang trí bằng các bức bích họa lộng lẫy, ngoài ra nhà nguyện còn có chức năng quan trọng là nơi các hồng y nhóm họp để bầu chọn tân giáo hoàng. Dưới đây là năm điều cần biết:

1. Nguồn gốc tên của nhà nguyện

Nhà nguyện được đặt theo tên vị giáo hoàng đã thực hiện việc cung hiến: Đức Giáo hoàng Sixtus IV phục vụ trong cương vị Giáo hoàng Roma từ năm 1471 đến năm 1484. Ngài ủy thác việc trùng tu nhà nguyện Cappella Magna là nhà nguyện nằm ở vị trí của Nhà nguyện Sistine ngày nay.

2. Ai vẽ các bức bích họa?

Họa sĩ nổi tiếng nhất có liên quan đến Nhà nguyện Sistine là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni. Tuy nhiên, phải đến vài năm sau khi một nhóm nghệ sĩ bắt đầu làm việc với nhà nguyện, Đức Giáo hoàng Julius II mới ủy quyền công việc của Michelangelo.

Từ năm 1481 đến năm 1482, bốn nghệ sĩ, Pietro Perugino, Sandro Botticelli, Domenico Ghirlandaio và Cosimo Rosselli, đã thực hiện các bức bích họa của nhà nguyện. Những nghệ sĩ này đã được các cửa hàng của họ hỗ trợ vẽ những tấm rèm giả trên tường, các câu chuyện về ông Môsê và Chúa Kitô, cũng như chân dung của các giáo hoàng.

Michelangelo vẽ trần nhà nguyện và các cửa vòm bán nguyệt ở phần trên các bức tường. Có lẽ bức bích họa nổi tiếng nhất trong nhà nguyện là bức “Tạo dựng Ađam” của ông, trong đó miêu tả Đức Chúa dưới hình dạng một người đàn ông, vây quanh là các thiên thần và khoác chiếc áo choàng, đang với tay phía ông Ađam, trong khi ông Ađam với tay về phía Đức Chúa.


3. Michelangelo kể một câu chuyện

Mặc dù là tâm điểm của trần nhà, bức “Tạo dựng Ađam” là một phần của chín bức bích họa miêu tả những câu chuyện khác nhau trong sách Sáng thế ký. Các câu chuyện được chia thành từng nhóm ba bức tranh.

4. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Nhà nguyện Sistine, và Thần học về Thân xác

Bước vào Nhà nguyện Sistine, người ta có thể ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều nhân vật khỏa thân trong các bức bích họa. Trong Thánh lễ tại nhà nguyện Sistine vào ngày 8 tháng Tư năm 1994, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi nhà nguyện là “thánh địa của thần học về thân xác con người”.

Đức giáo hoàng quá cố và hiện là thánh đã nói trong bài giảng của ngài: “Có vẻ như Michelangelo đã cho phép bản thân được hướng dẫn bởi những lời gợi mở trong Sách Sáng thế theo cách riêng của ông, những lời nói đến việc tạo dựng con người, nam và nữ, cho thấy: ‘Người nam và vợ của mình đều trần truồng, nhưng họ không thấy xấu hổ.”

Ngài nói thêm: “Có thể nói rằng Nhà nguyện Sistine chính là thánh địa của thần học về thân xác con người. Khi làm chứng cho vẻ đẹp của con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa có nam và nữ, một cách nào đó nó cũng thể hiện niềm hy vọng về một thế giới được biến đổi, thế giới khai sinh bởi Chúa Kitô Phục Sinh, và thậm chí trước đó là bởi Chúa Kitô trên Núi Tabor.”

5. Mọi người có thể thực hiện chuyến tham quan ảo Nhà nguyện Sistine.

Bạn có thể đến thăm Nhà nguyện Sistine mà không cần ra khỏi nhà. Trang web của viện Bảo tàng Vatican cho phép chúng ta dạo quanh nhà nguyện và phóng to các chi tiết của từng bức bích họa.

Trải nghiệm này không hoàn toàn giống như khi hiện diện thực tế, nhưng du khách có thể dành thời gian xem các bức bích họa mà không gặp những đám đông như bình thường.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét