Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Xây dựng tương lai chung đòi hỏi việc liên tục tìm kiếm hòa bình

Xây dựng tương lai chung đòi hỏi việc liên tục tìm kiếm hòa bình

Tiếp kiến các tham dự viên cuộc họp được tổ chức bởi Mạng lưới các Nhà lập pháp Công giáo Quốc tế

Xây dựng tương lai chung đòi hỏi việc liên tục tìm kiếm hòa bình

© Vatican Media

 

Exaudi Staff·Pope Francis Speeches·25 tháng Tám

 

Trong Điện Tông Tòa Vatican hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên tham dự cuộc họp do Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế tổ chức và có bài phát biểu sau đây:

*******
Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Đức Thượng phụ,

Thưa các Đức Hồng y,

Thưa quý ngài,

Thưa quý ông quý bà,

Tôi xin nồng nhiệt chào đón tất cả quý vị có mặt trong cuộc họp này của Mạng lưới các nhà lập pháp Công giáo Quốc tế. Xin cảm ơn Đức Hồng Y Schonborn và Tiến sĩ Alting von Geusau vì những lời chào mừng của hai vị, và tôi cũng xin tri ân tất cả những người đã tổ chức buổi họp này. Tôi cũng xin gửi lời chào đến Đức Ignatius Aphrem II, Thượng phụ của Giáo hội Chính thống Syria, và tôi rất vui khi ngài có mặt cùng chúng ta.

Quý vị cùng đến với nhau để suy xét về chủ đề quan trọng của việc thúc đẩy công bình và hòa bình trong tình hình địa chính trị hiện nay, bị mang dấu ấn của những xung đột và sự chia rẽ ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới. Tôi xin đưa ra những suy tư ngắn gọn về ba từ khóa có thể giúp hướng dẫn các cuộc thảo luận của quý vị trong những ngày này: công bình, tình huynh đệ và hòa bình.

Công bình, từ đầu tiên được định nghĩa từ xa xưa là ý muốn tặng ban cho mỗi người những gì thuộc về quyền của họ, theo truyền thống Kinh thánh, liên quan đến những hành động cụ thể nhằm thăng tiến mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa và với tha nhân, vì thiện ích của các cá nhân cũng như của cộng đồng để có thể phát triển. Trong thế giới của chúng ta hôm nay, rất nhiều người kêu đòi công bình, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, những người thường không có tiếng nói và họ phải trông chờ các nhà lãnh đạo dân sự và chính trị để bảo vệ phẩm giá của họ là con cái của Chúa và tính bất khả xâm phạm đối với nhân quyền căn bản của họ, thông qua chính sách công và pháp chế hiệu quả. Chẳng hạn, ở đây tôi đang nghĩ đến người nghèo, người di cư và tị nạn, những nạn nhân của nạn buôn người, bệnh nhân và người già và rất nhiều cá nhân khác có nguy cơ bị bóc lột hoặc bị loại bỏ bởi cái văn hóa “tận dụng và vứt bỏ”, văn hóa “loại bỏ” ngày nay. Thách đố đối với quý vị là làm việc để bảo vệ và thăng tiến những mối tương quan đúng đắn, trong phạm vi công, để mỗi người được đối xử bằng sự tôn trọng, và tình yêu thương, đó là quyền được hưởng của họ, như Thiên Chúa đã nhắc nhở chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (x. Mt 7:12; Lc 6:31).

Điều này đưa chúng ta đến từ khóa thứ hai: tình huynh đệ. Trên thực tế, một xã hội công bằng không thể tồn tại nếu không có sự ràng buộc của tình huynh đệ, nghĩa là, nếu không có ý thức trách nhiệm chung và mối quan tâm đến sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta. Vì lý do này, “Một cộng đồng huynh đệ toàn cầu thực hành tình bằng hữu xã hội giữa các dân tộc và quốc gia kêu gọi một nền chính trị tốt hơn, một nền chính trị thực sự phục vụ lợi ích chung” (Tông huấn Fratelli Tutti, 154). Nếu chúng ta muốn chữa lành thế giới, bị thử thách rất lớn bởi những sự kình địch và các hình thức bạo lực xuất phát từ việc thèm khát thống trị hơn là phục vụ, chúng ta không những cần có các công dân có trách nhiệm mà còn cần những nhà lãnh đạo có năng lực được truyền cảm hứng bởi một tình yêu huynh đệ biết chú ý tới những người đang ở trong những điều kiện sống bấp bênh nhất. Với suy nghĩ này, tôi động viên quý vị không ngừng nỗ lực làm việc, ở cấp độ quốc gia và quốc tế, để thúc đẩy thông qua các chính sách và luật pháp nhằm giải quyết nhiều hoàn cảnh bất bình đẳng và bất công đe dọa cấu trúc xã hội và phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, trên tinh thần liên đới.

Cuối cùng, nỗ lực xây dựng tương lai chung của chúng ta đòi hỏi phải liên tục tìm kiếm hòa bình. Hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh. Thay vào đó, con đường dẫn đến hòa bình dài lâu kêu gọi sự hợp tác, đặc biệt là từ phía những người có trách nhiệm lớn hơn, trong việc theo đuổi các mục tiêu mang đến lợi ích cho mọi người. Hòa bình là kết quả của cam kết đối thoại lâu dài, kiên nhẫn tìm kiếm sự thật và sẵn sàng đặt lợi ích đích thực của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Với nỗ lực như vậy, công việc của quý vị trong vai trò là các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo chính trị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì chỉ có thể đạt được hòa bình khi chúng ta cố gắng xây dựng một trật tự xã hội đặt nền tảng trên tình huynh đệ phổ quát và công bình cho tất cả mọi người, thông qua các tiến trình và lập pháp chính trị có tầm nhìn xa trông rộng.

Các bạn thân mến, xin Chúa giúp các bạn trở nên men cho việc đổi mới đời sống dân sự và chính trị, trở thành những chứng nhân của “tình yêu chính trị” (xem sđd, 180ff.) dành cho những người thiếu thốn nhất. Xin cho lòng nhiệt thành đối với công bình và hòa bình của các bạn, được nuôi dưỡng bởi tinh thần đoàn kết huynh đệ, tiếp tục hướng dẫn các bạn theo đuổi mục đích cao cả để góp phần vào sự phát triển của Nước Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.

Tôi ban phép lành cho các bạn, gia đình và công việc của các bạn. Và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/8/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét