Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Luật sư dân quyền của Congo, ông Hervé Diakiese Kyungu, làm chứng vào ngày 14 tháng Bảy năm 2022, tại một phiên điều trần quốc hội ở Washington, D.C. về việc sử dụng lao động trẻ em trong các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Zelda Caldwell


Washington D.C., 16 tháng Bảy, 2022 / 04:00 am

Trung Quốc đang bóc lột trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo, buộc các em phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm để khai thác coban cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử và ô tô điện, các nhân chứng tại một phiên điều trần của Quốc hội về vi phạm nhân quyền đã làm chứng trong tuần này.

Dân biểu Christopher Smith, R-New Jersey, người chủ trì phiên điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ngày 14 tháng Bảy cho biết: “Trên lưng những người công nhân bị buôn bán và lao động trẻ em, Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên coban mênh mông của DRC để thúc đẩy nền kinh tế và chương trình hành động toàn cầu của họ.”

Phiên điều trần có chủ đề “Lao động trẻ em và những vi phạm nhân quyền trong ngành khai thác mỏ của Cộng hòa Dân chủ Congo.”

Ông Smith cho biết: “Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm kiếm coban cho pin và lithium cho tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho điều được gọi là kinh tế xanh kích thích lòng tham của con người khi ước tính có khoảng 40.000 trẻ em ở Congo phải lao động nhọc nhằn trong các mỏ thủ công không được quản lý trong những điều kiện nguy hiểm”.

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) sản xuất hơn 70% lượng coban trên thế giới, 15% đến 30% trong số đó được sản xuất tại các mỏ thủ công. Trong nhiều năm, những hoạt động quy mô nhỏ này đã nổi tiếng với những vi phạm nhân quyền. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại quy kết những điều kiện làm việc vô nhân đạo một phần là do sự bất ổn của DRC, “một quốc gia suy yếu do xung đột bạo lực về sắc tộc, dịch Ebola và tỷ lệ tham nhũng cao”.

Luật sư về dân quyền của Congo là ông Hervé Diakiese Kyungu đã làm chứng tại phiên điều trần rằng trẻ em bị buôn bán và bóc lột vì thân hình nhỏ bé của các em.

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Người lao động đang đi lên từ cửa lỗ của một mỏ coban, nơi có khoảng 4.000 thợ mỏ thủ công đào vào ngày 13 tháng 12 năm 2005 ở khu mỏ Ruashi khoảng 20km cách bên ngoài Lubumbashi, Congo, DRC. Một số trẻ em chỉ khoảng tám tuổi làm việc trong mỏ trong những điều kiện nguy hiểm.

Ông nói các mỏ thủ công “thường chỉ là những đường hầm chật hẹp được đào trong lòng đất, đó là lý do tại sao trẻ em được tuyển dụng — và trong nhiều trường hợp bị ép buộc — để đi xuống những đường hầm đó, chỉ sử dụng tay hoặc các công cụ thô sơ và không có bất kỳ thiết bị bảo vệ nào, để khai thác coban và các khoáng chất khác.”

Ông nói, một trong những mỏ như vậy nằm ở Kasulo thuộc sở hữu của công ty Dongfang Congo Mining của Trung Quốc. Trẻ em thường chịu tiếp xúc với các chất phóng xạ, bị thương tích, và các căn bệnh chết người và đau đớn khi các em phải lao động để khai thác quặng có giá trị.

Ông Kyungu làm chứng, “Các em không được trả lương và bị bóc lột, và công việc thường gây chết người vì các em phải bò chui vào những cái hố nhỏ đào dưới lòng đất.”

Ông giải thích rằng các chủ mỏ thủ công của Congo thường chỉ sở hữu mỏ trên danh nghĩa. Những công ty Trung Quốc là chủ sở hữu và điều hành thực tế các mỏ này, chịu trách nhiệm về những điều kiện vô nhân đạo.

Ông Kyungu nói: “Các mỏ khai thác chính thức được cho là thuộc sở hữu của công dân Congo làm việc trong các ‘hợp tác xã’. Trên thực tế, họ đang bán sản phẩm khai thác từ những mỏ này cho người Trung Quốc, và những người nước ngoài khác như Pakistan hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn quặng này được buôn bán qua các trung gian người Trung Quốc.”

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Một trẻ em và một phụ nữ phá đá khai thác từ mỏ coban tại mỏ đồng và hố coban ở Lubumbashi vào ngày 23 tháng 5 năm 2016. Junior Kannah / AFP qua Getty Images


Ông nói, các đại diện người Trung Quốc không phải là những nhà đầu tư thụ động, mà có mặt tại chỗ, giám sát các hoạt động.

Ông mô tả một sự cố trong đó “hai người được xác định là công dân Trung Quốc… đã chỉ thị cho hai sĩ quan quân đội Congo quất roi đánh hai người Congo tại địa bàn của họ.” Ông cho biết vụ đánh đòn này bị quay video và chia sẻ trên internet, chứng minh sự hợp tác giữa các công ty Trung Quốc và các quan chức chính phủ DCR.

Cha Rigobert Minani Bihuzo, một linh mục Công giáo, người đã làm việc để vạch trần tình trạng lao động trẻ em và những vi phạm nhân quyền trong lĩnh vực khai thác mỏ của DRC, đã làm chứng về tình trạng làm việc nguy hiểm tại các khu mỏ.

Cha nói: “Họ làm việc bảy ngày một tuần và hơn 12 giờ một ngày”. Cha cho biết điều kiện làm việc của họ giống như thời nô lệ với các công cụ như búa, đục và thuổng. Chấn thương là chuyện thường xuyên, và đối với những người bị thương hoặc bị bệnh, việc thiếu chăm sóc y tế có nghĩa là “phần lớn sẽ chết do các bệnh khác nhau không được điều trị,” cha nói.

Theo một báo cáo trên Globe and Mail, Trung Quốc là chủ thể nước ngoài chính trong ngành khai thác mỏ của DCR. Tính đến năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 83% lượng coban và 9% đồng và hợp kim đồng tinh chế từ DRC, và các công ty Trung Quốc được cho là kiểm soát phần lớn các dự án và sản lượng khai thác đồng và coban của DRC.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/7/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét