Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Catholic diocese of Makurdi via ACN

Aid to the Church in Need 

20/07/22 - updated on 07/20/22


Đức Giám mục Wilfred Chikpa Anagbe nói: “Phải sống với hoàn cảnh như vậy là điều rất khủng khiếp đối với tôi và người dân của tôi”.

Ít nhất 68 người Kitô hữu đã bị giết, và nhiều người khác bị bắt cóc hoặc di tản, trong hai tháng qua chỉ riêng tại một bang ở miền trung của Nigeria.

Trong một báo cáo gửi tới tổ chức giáo hoàng Aid to the Church in Need, Đức Giám mục giáo phận Makurdi, một trong những giáo phận ở Bang Benue, phàn nàn về việc chính phủ Liên bang không có hành động gì và trình bày những thiếu thốn nghiêm trọng của hàng ngàn người trong số 1,5 triệu người đã buộc phải rời khỏi nhà của họ.

Đức Giám mục Wilfred Chikpa Anagbe nói: “Tất nhiên, phải sống với một hoàn cảnh như vậy là điều rất khủng khiếp đối với tôi và người dân của tôi”.

Trung tâm của vấn đề là các cuộc tấn công liên miên của những kẻ khủng bố từ bộ lạc Fulani với phần lớn là người Hồi giáo, chống lại các cộng đồng nông dân đa phần theo Kitô giáo ở miền trung Nigeria. Lý do cho các cuộc tấn công rất phức tạp. Xung đột giữa những người chăn nuôi du mục và nông dân định cư đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng sự phổ biến tràn lan các loại súng đạn cao cấp trong vài năm qua đã khiến các cuộc tấn công trở nên chết chóc và tàn khốc hơn nhiều.

Chiều kích tôn giáo càng làm nghiêm trọng thêm tình hình ở một đất nước bị chia cắt đồng đều giữa miền nam đa phần theo Kitô giáo, và miền bắc với phần lớn là người theo Hồi giáo, với hầu hết các cuộc đụng độ diễn ra ở miền trung, nơi có những vùng đất đai màu mỡ nhất. Theo vị giám mục, những kẻ khủng bố ngụy trang thành những người du mục chăn nuôi gia súc để che đậy mục đích thật sự của các cuộc tấn công, đó là quét sạch người Kitô hữu khỏi vùng đất của họ.

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Các giáo sĩ khiêng quan tài màu trắng của các linh mục được cho là bị giết bởi những người chăn gia súc thuộc bộ lạc Fulani, tại Ayati-Ikpayongo ở Gwer, quận nằm ở phía đông bang Benue, miền trung bắc Nigeria. East News

Nguồn cung cấp thực phẩm, giáo dục và chăm sóc mục vụ bị ảnh hưởng

Đức giám mục nói rằng tình hình này đã gây ra “tình trạng thiếu lương thực trầm trọng quá mức chịu đựng”, đồng thời giải thích rằng “Bang Benue được biết đến là vựa bánh mì của quốc gia, nhưng khủng bố đã làm ảnh hưởng đến tình hình cung cấp lương thực”. Kết quả là, những người nông dân trước đây có thể nuôi sống bản thân và gia đình của họ hiện giờ phải sống nhờ hoạt động bác ái.

“Tình trạng quá thiếu thốn đã khiến nhiều người ở trong điều kiện không xứng đáng với phẩm giá con người, thường lệ thuộc vào khẩu phần lương thực do những người khác đóng góp mà điều kiện kinh tế không khá giả hơn về bất kỳ mặt nào”.

Makurdi hiện đang cưu mang 80% dân số người di tản ở Bang Benue, và bất chấp những khó khăn về tài chính, Giáo hội địa phương đã cố gắng hết sức để xoa dịu đau khổ và thiếu thốn, cung cấp hỗ trợ lương thực và hàng hóa thiết yếu. Gần đây, Ủy ban Công lý, Phát triển và Hòa bình đã phân phát thực phẩm và quần áo cho hơn 1.800 người riêng trong một trại. Giáo phận cũng cấp học bổng cho hàng chục trẻ em phải di tản, để các em không bị mất cơ hội học hành.

Tuy nhiên, sự bất ổn của khu vực đôi khi gây khó khăn, và chính Đức cha nói rằng “trong một vài năm nay, tôi đã không thể thi hành các hoạt động mục vụ tại những khu vực trong giáo phận của mình”.

“Cùng với tất cả các sáng kiến trên, chúng tôi không quên sự chăm sóc mục vụ mà những người dân xứng đáng được hưởng. Có một giáo xứ nằm trong khu vực định cư phục vụ nhu cầu tinh thần của người IDP,” Đức cha kết luận và nói thêm rằng ngài vẫn đang hy vọng mua được một phòng khám bệnh di động để giúp giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và tâm lý xã hội của những người di tản.

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Nơi ở tạm bợ tại một trại không chính thức nằm ở làng Ichwa thuộc Bang Benue, Nigeria. Catholic diocese of Makurdi via ACN

Nguồn ánh sáng trong thung lũng tối

Những vấn đề với người chăn gia súc Fulani, các nhóm vũ trang và các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Nigeria đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng Giáo hội than phiền rằng việc chính phủ không hành động đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo Đức giám mục, “mức độ của các vụ giết người, di tản và tàn phá tài sản của các lực lượng dân quân chiến binh Fulani này chỉ nhằm củng cố cho chương trình hành động hiện đã lộ rõ nhằm trục xuất các cộng đồng Kitô giáo ở Nigeria để chiếm các vùng đất.” Đức Cha nói, “Thật kỳ lạ, chính phủ cầm quyền ở Nigeria hiện tại vẫn tiếp tục không có hành động gì trước những cuộc tấn công liên tục xảy ra này, đưa ra những lý do buồn cười như ‘biến đổi khí hậu’ hoặc một số người Hồi giáo đôi khi cũng bị giết trong các cuộc tấn công của các băng nhóm được gọi là kẻ cướp.”

Bị chính quyền địa phương bỏ rơi, Giáo hội rất biết ơn sự hỗ trợ mà họ đã nhận được từ ACN, điều mà Đức Giám mục Anagbe mô tả là “nguồn ánh sáng trong thung lũng tối”.

ACN tiếp tục hỗ trợ Giáo hội địa phương chịu đựng cảnh nghèo đói và bị bách hại ở nhiều nơi trên đất nước. Năm 2021, Tổ chức Bác ái quốc tế đã tài trợ cho 105 dự án ở Nigeria, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. ACN cũng cung cấp một nền tảng thông tin về sự đau khổ của người Kitô hữu và giúp các nhà chức trách Giáo hội địa phương lên tiếng tại các sự kiện quốc tế về những vấn đề như tự do tôn giáo và đàn áp Kitô giáo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét