Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Thánh lễ tại Sân vận động Khối thịnh vượng chung, 26.07.2022
*******
Sáng nay, sau khi rời Chủng viện Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Khối thịnh vượng chung ở Edmonton.
Khi đến nơi, Đức Giáo hoàng di chuyển vòng quanh sân vận động trên xe giáo hoàng để chào các tín hữu, kể cả tại Sân vận động Clarke liền kề lúc 10 giờ 15 (18 giờ 15 Roma), ngài chủ tế Thánh Lễ kính các Thánh Gioakim và Anna, cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, với sự hiện diện của khoảng 50.000 tín hữu.
Đức Thánh Cha có bài giảng sau phần công bố Tin Mừng.
Cuối Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Richard William Smith của Edmonton ngỏ lời chào và cảm ơn Đức Thánh Cha. Sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Chủng viện Thánh Giuse bằng xe hơi.
Sau đây là bài giảng trong Thánh Lễ của Đức Thánh Cha:
________________________________________
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Hôm nay chúng ta mừng lễ ông bà của Chúa Giêsu. Chúa đã tập hợp tất cả chúng ta lại với nhau đúng vào dịp này, rất đỗi thân thương đối với anh chị em và với tôi. Chính tại ngôi nhà của Thánh Gioakim và Anna, trẻ thơ Giêsu đã biết được những người họ hàng lớn tuổi của Người và cảm nghiệm được sự gần gũi, tình yêu thương dịu dàng và sự khôn ngoan của ông bà mình. Chúng ta hãy nghĩ về ông bà của chúng ta, và suy ngẫm về hai điều quan trọng.
Trước hết: chúng ta là những người con của một lịch sử phải được bảo tồn. Chúng ta không phải là những cá thể biệt lập, những hòn đảo. Không ai đi vào thế giới này tách biệt khỏi những người khác. Nguồn cội của chúng ta, tình yêu đang mong chờ và chào đón chúng ta đi vào thế giới, gia đình nơi chúng ta lớn lên, là một phần của lịch sử duy nhất đã đi trước chúng ta và trao tặng cho chúng ta sự sống. Chúng ta đã không chọn lịch sử đó; chúng ta đón nhận nó như một món quà, một món quà mà chúng ta được kêu gọi phải trân quý, như Sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là “lũ cháu đàn con” của những người đi trước chúng ta; chúng ta là “cơ nghiệp” của họ (Hc 44:11). Một sự kế thừa tập trung vào sự công bình, lòng trung thành với Thiên Chúa và thánh ý của Người, chưa nói đến những khẳng định về uy tín hoặc quyền bính, trí thông minh hoặc sự sáng tạo trong bài hát hoặc thi ca. Đây là những gì họ truyền lại cho chúng ta. Để chấp nhận con người thật của chúng ta, và giá trị của chúng ta như thế nào, chúng ta phải biết chấp nhận những người mà chúng ta là hậu duệ của họ như là một phần của bản thân. Họ không nghĩ riêng cho bản thân, mà truyền lại cho chúng ta kho báu của cuộc sống. Chúng ta có mặt ở đây là nhờ cha mẹ của chúng ta, nhưng cũng nhờ ông bà của chúng ta, những người đã giúp chúng ta cảm thấy được chào đón đi vào thế giới. Họ thường là những người yêu thương chúng ta vô điều kiện, không mong nhận lại bất cứ điều gì. Họ đã nắm tay chúng ta khi chúng ta thấy sợ hãi, trấn an chúng ta trong bóng tối của màn đêm, động viên chúng ta khi chúng ta phải đối mặt với những quyết định quan trọng của cuộc đời. Nhờ ông bà, chúng ta nhận được sự âu yếm từ lịch sử đi trước chúng ta: chúng ta học được rằng lòng tốt, tình yêu thương dịu dàng và sự khôn ngoan là cội rễ vững chắc của nhân loại. Nhiều người trong chúng ta đã hít thở được hương thơm của Tin Mừng chính trong ngôi nhà của ông bà chúng ta, sức mạnh của một đức tin khiến chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ họ, chúng ta khám phá ra đức tin “quen thuộc” đó, một đức tin tại gia. Bởi vì đó là cách đức tin được truyền lại, trong gia đình, thông qua tiếng mẹ đẻ, với tình cảm và sự động viên, sự quan tâm và gần gũi.
Đây là lịch sử của chúng ta, chúng ta là những người thừa kế và chúng ta được kêu gọi phải bảo tồn. Chúng ta là con là cháu. Ông bà của chúng ta để lại một dấu ấn riêng cho chúng ta bằng cách sống của họ; họ đã cho chúng ta phẩm giá và sự tự tin vào bản thân và vào những người khác. Họ trao tặng cho chúng ta điều mà không bao giờ có thể bị lấy mất khỏi chúng ta, đồng thời cho phép chúng ta trở nên độc nhất, riêng biệt và tự do. Từ ông bà, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ bị ép buộc; nó không bao giờ tước mất sự tự do tâm hồn của người khác. Đó là cách mà Thánh Gioakim và Thánh Anna yêu thương Mẹ Maria và Chúa Giêsu; và đó là cách Mẹ Maria đã yêu thương Chúa Giêsu, với một tình yêu không bao giờ làm ngột ngạt hay kìm hãm Chúa, nhưng đồng hành với Người trong việc thực hiện sứ mệnh mà Người đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy cố gắng học lấy điều này, với vai trò là những cá nhân và là một Giáo hội. Ước mong chúng ta học cách không bao giờ tạo áp lực trên lương tâm của người khác, không bao giờ hạn chế sự tự do của những người xung quanh chúng ta, và trên hết, luôn yêu thương và tôn trọng những người đi trước và được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Vì họ là một kho tàng quý báu lưu giữ một lịch sử lớn lao hơn chính họ.
Sách Huấn ca cũng cho chúng ta biết rằng việc bảo tồn lịch sử đã trao tặng cho chúng ta sự sống không có nghĩa là làm mờ nhạt đi “vinh quang” của tổ tiên chúng ta. Chúng ta không được lãng quên họ, cũng như không được quên lịch sử đã sinh ra cuộc đời của chính chúng ta. Chúng ta phải luôn nhớ đến những người với bàn tay vuốt ve âu yếm chúng ta và những người đã ôm chúng ta trong vòng tay của họ; vì trong lịch sử này, chúng ta có thể tìm được niềm an ủi trong những lúc ngã lòng, tìm được một ánh sáng dẫn đường cho chúng ta, và lòng can đảm đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, bảo tồn lịch sử đã trao cho chúng ta sự sống cũng có nghĩa là luôn trở về ngôi trường đó, nơi chúng ta học cách yêu thương đầu đời. Nó có nghĩa là chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng những người già mà chúng ta quen biết khi đối mặt với các lựa chọn hàng ngày sẽ làm điều gì khôn ngoan nhất khi ở vị trí của chúng ta, những người ông bà và ông bà cố của chúng ta sẽ cho chúng ta lời khuyên gì.
Vì vậy, thưa anh chị em thân, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: chúng ta có phải là những người con cháu có đủ khả năng bảo vệ kho tàng mà chúng ta được thừa hưởng này không? Chúng ta có ghi nhớ những lời dạy bảo tốt đẹp mà chúng ta đã đón nhận không? Chúng ta có nói chuyện với người cao tuổi, và dành thời gian để lắng nghe họ không? Và, trong những ngôi nhà ngày càng được trang bị đầy đủ, hiện đại và tiện nghi, chúng ta có biết dành một không gian xứng đáng để lưu giữ ký ức của họ, một vị trí đặc biệt, một đài tưởng niệm nhỏ của gia đình mà qua những bức ảnh và đồ vật quý báu, chúng ta có thể nhớ đến những người đi trước chúng ta không? Chúng ta có giữ lại quyển Kinh thánh, tràng chuỗi Mân Côi của họ không? Trong làn sương mù của sự lãng quên phủ bóng mờ trong thời đại của chúng ta, thưa anh chị em, điều cần thiết là phải chăm sóc cội nguồn của chúng ta, hãy cầu nguyện cho các bậc tiền nhân và cùng với các bậc tiền nhân của chúng ta, dành thời gian để nhớ đến và bảo vệ di sản của họ. Đây là cách để một cây gia đình phát triển; đây là cách xây dựng tương lai.
Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến điều quan trọng thứ hai. Ngoài việc là những người con của một lịch sử phải được bảo tồn, chúng ta còn là tác giả của một lịch sử chưa được viết ra. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nhận ra mình là ai và là gì, được đánh dấu bằng cả ánh sáng và bóng tối, và bằng tình yêu mà chúng ta đã đón nhận hoặc không được đón nhận. Đây là mầu nhiệm của cuộc sống con người: tất cả chúng ta đều là con của ai đó, được sinh ra và uốn nắn bởi người khác, nhưng khi chúng ta trưởng thành, chúng ta cũng được kêu gọi để trao ban sự sống, trở thành người cha, người mẹ hoặc ông bà đối với người khác. Nghĩ về con người chúng ta ngày nay, chúng ta muốn làm gì với bản thân? Những người ông bà đã đi trước, những người cao tuổi đã có những mơ ước và hy vọng cho chúng ta, và đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta, đặt ra cho chúng ta một câu hỏi vô cùng quan trọng: chúng ta muốn xây dựng một xã hội như thế nào? Chúng ta đã nhận được quá nhiều từ bàn tay của những người đi trước. Đến lượt chúng ta, chúng ta muốn để lại điều gì cho những người đến sau chúng ta? “Nước hoa hồng”, đó là một đức tin bị phai nhạt, hay một đức tin sống động? Một xã hội được thành lập dựa trên lợi nhuận cá nhân hay dựa trên tình huynh đệ? Một thế giới chiến tranh hay một thế giới hòa bình? Một tạo vật bị tàn phá hay một ngôi nhà tiếp tục chào đón?
Chúng ta đừng quên rằng nhựa sống đi từ rễ đến cành, đến lá, đến hoa, và rồi đến quả của cây. Truyền thống đích thực được thể hiện theo chiều dọc này: từ dưới lên. Chúng ta cần phải cẩn thận kẻo rơi vào một bức tranh biếm họa của truyền thống, không phải theo chiều dọc – từ rễ lên đến hoa trái – mà là theo chiều ngang – tiến tới và đi lùi. Truyền thống được quan niệm theo cách này chỉ dẫn chúng ta đến một loại “văn hóa đi lùi”, là nơi ẩn náu của tính quy ngã chỉ biết nhìn hiện tại, giam hãm nó trong tâm lý cho rằng, “Chúng tôi luôn làm theo cách này”.
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng các ông có phúc vì được nhìn thấy và nghe thấy điều mà biết bao ngôn sứ và những người công chính ao ước (x. Mt 13:16-17). Nhiều người tin tưởng lời hứa của Thiên Chúa về Đấng Mêsia sẽ đến, đã dọn đường cho Ngài và loan báo Ngài sẽ đến. Nhưng bây giờ Đấng Mêsia đã đến, những ai có thể nhìn thấy và nghe thấy Ngài được kêu gọi hãy chào đón Ngài và công bố sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta.
Thưa anh chị em, điều này cũng áp dụng đối với chúng ta. Những người đi trước chúng ta đã truyền lại cho chúng ta nhiệt huyết, sức mạnh và lòng khát khao, một ngọn lửa mà chúng ta có thể nhóm lại. Vấn đề không phải là bảo tồn tro tàn, mà là thắp lại ngọn lửa họ đã đốt lên. Ông bà của chúng ta và những người cao tuổi muốn nhìn thấy một thế giới công bằng, huynh đệ và đoàn kết hơn, và họ đã chiến đấu để mang đến cho chúng ta một tương lai. Bây giờ, chúng ta không được để họ thất vọng. Việc tiếp nhận truyền thống đã nhận được là tùy thuộc vào chúng ta, bởi vì truyền thống đó là đức tin sống động của những người đã khuất. Chúng ta đừng biến nó thành “chủ nghĩa truyền thống”, tức là đức tin đã chết của người đang sống, như lời một nhà văn từng nói. Được nuôi dưỡng bởi những người là cội rễ của chúng ta, bây giờ đến lượt chúng ta phải sinh hoa kết trái. Chúng ta là những cành phải trổ hoa và gieo rắc hạt giống mới cho lịch sử. Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi cụ thể. Là một phần của lịch sử cứu độ, dưới ánh sáng của những người đã đi trước tôi và yêu thương tôi, bây giờ tôi phải làm gì? Tôi có một vai trò duy nhất và không thể thay thế trong lịch sử, nhưng tôi sẽ để lại dấu ấn gì? Tôi đang truyền lại điều gì cho những người sẽ đến sau tôi? Tôi đang cho đi điều gì của bản thân? Chúng ta thường đo lường cuộc sống của mình dựa trên mức thu nhập, nghề nghiệp, mức độ thành công và cách người khác nhìn nhận về chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là những tiêu chuẩn trao tặng sự sống. Câu hỏi đích thực là: tôi có trao tặng sự sống không? Tôi có đưa vào lịch sử một tình yêu mới và đổi mới mà trước đây không có? Tôi có đang loan báo Tin Mừng trong khu phố của tôi không? Tôi có phục vụ người khác cách nhưng không theo con đường mà những người đi trước đã làm cho tôi không? Tôi đang làm gì cho Giáo hội, cho thành phố, cho xã hội của chúng tôi? Thưa anh chị em, thật dễ dàng để chỉ trích, nhưng Chúa không muốn chúng ta là những người chỉ trích hệ thống, hoặc khép mình và “bỏ cuộc”, như tác giả Thư gửi tín hữu Do thái đã nói (xem 10:39). Ngược lại, Chúa muốn chúng ta trở thành những nghệ nhân của một lịch sử mới, là những người đan dệt hy vọng, những người xây dựng tương lai, những người kiến tạo hòa bình.
Xin Thánh Gioakim và Thánh Anna cầu bầu cho chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta biết trân trọng lịch sử đã trao cho chúng ta sự sống, và về phần chúng ta, xây dựng một lịch sử trao ban sự sống. Xin các ngài nhắc nhở chúng ta về bổn phận thiêng liêng của chúng ta là tôn kính ông bà của chúng ta và những người cao tuổi, trân quý sự hiện diện của họ giữa chúng ta để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai trong đó người cao tuổi không bị gạt sang một bên vì theo quan điểm “thực dụng”, họ “không còn hữu ích nữa”. Một tương lai không đánh giá giá trị của con người chỉ đơn thuần dựa trên những gì họ có thể tạo ra. Một tương lai không thờ ơ trước nhu cầu được quan tâm và lắng nghe của người già. Một tương lai trong đó lịch sử bạo lực và gạt ra ngoài lề mà các anh chị em người bản địa của chúng ta phải gánh chịu sẽ không bao giờ lặp lại. Tương lai đó là có thể nếu chúng ta không cắt đứt mối dây liên kết giữa chúng ta với những người đi trước, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, và nếu chúng ta thúc đẩy đối thoại với những người sẽ đến sau chúng ta. Người trẻ và người già, ông bà và con cháu. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước, và cùng nhau, chúng ta hãy ước mơ. Ngoài ra, chúng ta đừng quên lời dạy của Thánh Phaolô với môn đệ Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của anh (xem 2 Ti 1:5).
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/7/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét